Đây là bản dịch Chương 4 của phiên bản online cũ của cuốn Lịch sử triết học của tác giả Alan Woods. Cuốn sách này đã được cập nhật bổ sung và xuất bản với tựa đề History of Philosophy: A Marxist Perspective

Cảm ơn tác giả và ban biên tập đã cho phép tôi dịch và duy trì các nội dung đã dịch từ cuốn sách cũ để phục vụ bạn đọc. Các nội dung đã dịch sẽ được cập nhật và bổ sung theo phiên bản mới của cuốn sách.

Tham khảo: Chương 1: Chúng ta có cần triết học không?, Chương 2: Những nhà biện chứng đầu tiên, Chương 3: Aristotle và sự cáo chung của triết học Hy Lạp cổ đại, Chương 5: Descartes, Spinoza và LeibnizChương 6: Triết học Ấn Độ và Hồi giáo.

Cập nhật lần cuối: 2022-02-11 ICT

Galileo đang giải thích cho hai hồng y giáo chủ về địa hình mặt Trăng và về các mặt trăng của Mộc tinh / Tranh của Jean-Leon Huens; National Geographic

Galileo đang giải thích cho hai hồng y giáo chủ về địa hình mặt Trăng và về các mặt trăng của Mộc tinh /
Tranh của Jean-Leon Huens; National Geographic

Thời kỳ Phục hưng

Tôi dường như kẻ nhìn ngóng cõi trời
Bỗng được thấy có một hành tinh mới
Hoặc như thể ngài Cortez cương nghị
Với đôi mắt đại bàng, lặng lẽ, từ trên
Mỏm Darien nhìn thẳng Thái Bình Dương
Tất cả bọn tuỳ tùng nhìn nhau ngơ ngác

(John Keats, dịch thơ: Đào Xuân Quý)

“Eppur si muove.”
“Dù sao trái đất vẫn quay.”

(Galileo Galilei)

Khoa học hiện đại lấy xuất phát điểm của mình từ thời Phục hưng, một giai đoạn kỳ diệu cho tinh thần và tri thức được sinh ra một lần nữa, đã đặt dấu chấm hết cho một ngàn năm thống trị của sự ngu dốt và mê tín. Nhân loại một lần nữa nhìn vào tự nhiên bằng đôi mắt không bị che mờ bởi những giáo điều. Họ khám phá lại những kỳ quan của triết học Hy Lạp cổ đại, được dịch trực tiếp từ những phiên bản đáng tin cậy đã đến được Italy sau khi người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Constantinople. Thế giới quan duy vật của những người Ion và của những nhà nguyên tử luận trước đây đã hướng khoa học vào con đường đúng đắn.

Đó là một thời kỳ cách mạng theo đúng nghĩa của chữ này. Luther không chỉ khởi đầu cuộc Cải cách tôn giáo mà còn cải cách cả tiếng Đức. Cùng lúc, Chiến tranh Nông dân ở Đức, với những gợi ý cộng sản, đã chỉ ra con đường cho những cuộc đấu tranh giai cấp trong tương lai. Engels viết “Chuyên chính tinh thần của giáo hội bị đập tan; đa số các dân tộc Giéc-manh đã trực tiếp vứt bỏ nền chuyên chính đó và theo đạo Tin lành; còn trong các dân tộc La Mã thì một luồng tư tưởng tự do phóng khoáng tiếp thu được của người Ả-rập và thấm nhuần tư tưởng triết học Hy Lạp vừa mới được phát hiện, càng ngày càng ăn sâu mọc rễ và chuẩn bị cho chủ nghĩa duy vật thế kỷ 18.”1

Việc khám phá ra Châu Mỹ và tuyến đường biển sang Đông Ấn đã mở ra những chân trời mới cho thương mại và thám hiểm. Nhưng những chân trời còn bao la hơn nữa đã hiện ra trong tầm mắt ở lĩnh vực tri thức. Sự phiến diện hẹp hòi xưa cũ trở thành bất khả thi. Cần phải phá vỡ mọi cào rản trước đây để đạt tới chân lý. Cũng như mọi thời kỳ cách mạng, thời kỳ này có một khát khao cháy bỏng phải hiểu biết.

Sự phát triển của khoa học có liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của công nghệ, cái, đến lượt, có liên hệ với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Lấy thiên văn học làm ví dụ. Những nghiên cứu vũ trụ của người Hy Lạp cổ đại bị hạn chế bởi sự thiếu vắng của những viễn kính có thể trợ giúp cho những quan sát của họ. Vào năm 137, những người quan sát đã lập bảng ghi nhận sự tồn tại của 1025 vật thể hành tinh. Vào năm 1580, số lượng vẫn chính xác như vậy, và đã có được nhờ sử dụng cùng một phương tiện – đó là mắt trần.

Các nhà thiên văn hôm nay, sử dụng những kính viễn vọng vô tuyến mạnh mẽ, có thể quan sát một chuỗi rộng lớn các ngôi sao và thiên hà. Thực tế này đã biến đổi thiên văn học. Thế nhưng, những tiến bộ công nghệ đã vượt xa hơn nhiều so với sự phát triển của tư tưởng con người. Ở nhiều mặt, thế giới quan của một số nhà khoa học ở thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 có nhiều điểm chung với Giáo hội trung cổ hơn so với những anh hùng của thời Phục hưng, những người mà những cuộc đấu tranh chống lại sự u mê triết học của họ đã giúp khoa học hiện đại diễn ra.

Anaximander và Anaxagoras cho rằng vũ trụ là vô tận – nó không có bắt đầu và không có kết thúc. Vật chất không thể nào tạo ra được cũng không thể nào hủy diệt được. Tư tưởng này được chấp nhận bởi nhiều nhà triết học thời Cổ đại, và được đúc kết bởi câu cách ngôn nổi tiếng - nihilo nihil fit - không có gì bắt nguồn từ hư vô. Do vậy thật vô ích khi tìm kiếm một điểm bắt đầu hoặc một sự sáng tạo ra vũ trụ, bởi vì nó bao giờ cũng tồn tại.

Đối với Giáo hội, quan điểm như thế là lời nguyền rủa, bởi vì nó loại bỏ vai trò của Đấng sáng tạo. Trong một thế giới vật chất vô tận, không có chỗ cho Thượng đế, Quỷ sứ, thiên thần, thiên đường hay địa ngục. Bởi vậy họ vồ lấy phần yếu nhất và tầm thường nhất trong số các tác phẩm của Plato, Timaeus, tác phẩm thực ra là một sự thần bí-tạo hóa. Mặt khác, bổ sung vào đó, họ có hệ thống Ptolomey về vũ trụ, cái tương đương với lược đồ vũ trụ của Aristotle, người hồi đó có thẩm quyền tuyệt đối. Đây là bức tranh về một vũ trụ đóng kín. Trái đất nằm ở trung tâm, được bao bọc bởi bảy khối pha lê, trên đó mặt trời, mặt trăng và các hành tinh bám theo những quỹ đạo tròn hoàn hảo xung quanh trái đất. Quan niệm này dường như kỳ lạ với những bộ óc thời hiện đại. Nhưng nó thực ra đủ để giải thích các hiện tượng có thể quan sát được. Thực tế, từ lập trường của “lẽ phải thông thường” thì có vẻ như mặt trời quay quanh trái đất chứ không phải ngược lại.

Dẫu vậy, quan điểm địa tâm bị thách thức ngay cả ở thời Ptolomey. Thuyết nhật tâm mới được Aristarchus xứ Samos (khoảng 310-230 TCN) bảo vệ, ông đề xướng một giả thuyết Copernicus hoàn thiện cho rằng mọi hành tinh, bao gồm cả trái đất, chuyển động quanh mặt trời theo những vòng tròn, và rằng trái đất xoay xung quanh trục của nó một ngày 24 giờ. Học thuyết xuất sắc này bị bác bỏ để thay bằng quan điểm Ptolomey, bởi vì nó phù hợp với thế giới quan của Giáo hội. Trái đất đứng ở trung tâm của vũ trụ, và Giáo hội đứng ở trung tâm của trái đất.

Copernicus, nhà thiên văn Ba Lan vĩ đại (1473-1543), đã đến Italy lúc còn trẻ, và bị tiêm nhiễm tinh thần học hỏi mới mẻ và sự tự do tư duy ở nước ngoài. Ông nhanh chóng chấp nhận mặt trời ở trung tâm của vũ trụ, nhưng giữ ý tưởng ấy cho riêng mình vì lo sợ phản ứng của Giáo hội. Chỉ vào lúc lâm chung trên giường ông quyết định xuất bản cuốn sách của mình, De Revolutionibus Orbium Coelestium (Về chuyển động tròn của các vật thể trên bầu trời), cuốn sách ông đề tặng Giáo hoàng, với hy vọng nó sẽ vượt qua được sự kiểm duyệt. Ông đã thành công, một cách tạm thời. Cuốn sách không bị lên án cho đến thời Galileo, khi Tòa án dị giáo và những tu sĩ dòng Tên, đội quân xung kích Chống Cải cách đang ở giai đoạn cao trào.

Tycho Brache, nhà thiên văn Đan Mạch (1546-1601), chọn lập trường đứng giữa, tranh luận rằng, trong khi mặt trời và mặt trăng quay xung quanh trái đất, các hành tinh quay xung quanh mặt trời. Một người Đức giữ vai trò quan trọng hơn hết là Johannes Kepler (1571-1630), ông sử dụng các tính toán của Brache để sửa chữa một số sai lệch trong mô hình Copernicus, và đề ra 3 định luật: các hành tinh không di chuyển theo những đường tròn mà theo hình ellipse; đường nối hành tinh và mặt trời quét những diện tích bằng nhau trong những khoảng thời gian bằng nhau, và bình phương của chu kỳ của hành tinh tỷ lệ với lập phương của khoảng cách trung bình từ hành tinh đến mặt trời.

Những tuyên bố này giáng một đòn nặng nề xuống lập trường chính thống của Giáo hội. Các hành tinh phải chuyển động theo đường tròn bởi vì đường tròn là hình dạng hoàn hảo. Đó đã là quan điểm được mọi nhà duy tâm kể từ thời Pythagoras chấp nhận. Định luật Kepler đầu tiên lúc này có nghĩa là chúng chuyển động theo hình ellipse – một hình dạng không hoàn hảo! Từ quan điểm “chính thống” định luật thứ hai còn kỳ quái hơn. Thay cho sự chuyển động mượt mà, vận tốc của các hành tinh trên quỹ đạo là biến đổi, nhanh hơn khi nó ở gần mặt trời, và chậm hơn khi nó ở xa mặt trời. Làm sao điều đó có thể phù hợp với quan niệm về sự hài hòa thiêng liêng của vũ trụ?

Vấn đề là ở chỗ, trong khi các học thuyết của Kepler dựa trên những quan sát tỉ mỉ của Brache, lập trường của Giáo hội dựa trên một thuyết duy tâm cái chỉ đơn giản được coi là đúng. Đối với người quan sát thời hiện đại, lập trường của những người phản đối Copernicus và Kepler có vẻ phi lý. Nhưng ngày nay người ta vẫn nghe thấy những tiếng vọng của phương pháp duy tâm, khi những nhà vật lý học và toán học nghiêm túc bảo vệ các phương trình của họ, những phương trình không dựa trên sự phù hợp của chúng với những sự kiện quan sát đã biết, mà dựa trên cái giá trị được cho là thẩm mỹ của chúng. Đây là vấn đề mà chúng ta sẽ quay trở lại.

Galileo

Nhà khoa học Phục hưng vĩ đại nhất trong số các nhà khoa học có lẽ là Galileo (1564-1642). Sau khi tiến hành những khám phá vĩ đại ở lĩnh vực đạn đạo và các vật thể rơi, Galileo, một người ủng hộ nhiệt thành lập trường của Copernicus, là nhà thiên văn đầu tiên sử dụng ống viễn kính mới được phát minh để nghiên cứu bầu trời. Các quan sát của ông không để lại một hòn đá đặt chân nào cho cách nhìn cũ về vũ trụ. Mặt trăng, còn xa mới là một khối cầu hoàn hảo, có bề mặt thất thường, với những núi non và biển cả. Kim tinh có chu kỳ giống mặt trời, và, quan trọng hơn hết, Mộc tinh có bốn mặt trăng. Giáo hội cho rằng có bảy hành tinh, bởi vì bảy là con số thần bí. Làm sao lại có 11 được? Hình ảnh vị giáo sư từ chối nhìn vào ống viễn kính của Galileo đã đi vào truyền thống dân gian của lịch sử triết học, nó tổng kết sự xung đột của hai thế giới quan đối nghịch.

Những năm gần đây, người ta đã tìm cách giảm thiểu sự ngược đãi của Giáo hội đối với khoa học. Giáo hoàng John Paul II đã phát động một cuộc điều tra vào “Vụ việc Galileo”. Cuộc điều tra đó, được công bố vào năm 1992, bộc lộ “sự hiểu lầm lẫn nhau một cách trầm trọng”, và lỗi lầm của cả hai bên. Nhưng nó hoàn toàn diễn ra trong một “bối cảnh văn hóa rất khác biệt với bối cảnh của chúng ta”. Tháng 10 năm 1993, Giáo hoàng chuyển tải một thông điệp tại một Hội nghị ở trường học của Copernicus, Đại học Ferrara, nhân kỷ niệm 450 năm xuất bản cuốn sách của nhà thiên văn Ba Lan, De Revolutionibus Orbium Coelestium. Giáo hoàng nói, Copernicus là một con người của cả khoa học lẫn niềm tin. Trong thực tế, lý do duy nhất mà Copernicus đã thoát khỏi sự ngược đãi của Giáo hội là nhằm đảm bảo rằng cuốn sách của ông ra đời lúc ông đã ở một nơi rất an toàn – ở nghĩa địa!

Galileo bị Tòa án chống dị giáo xét xử hai lần, một lần xử kín (1616) và một lần xử công khai (1633). Lần thứ hai ông đã buộc phải rút lại quan điểm của mình. Ông đã hứa không bao giờ cho rằng trái đất quay quanh mặt trời hoặc xoay xung quanh trục của nó. Bằng cách này, Giáo hội đã buộc nhà khoa học vĩ đại nhất của thời đại phải câm lặng, và khi làm như vậy họ đã giết chết khoa học ở Italy trong một thời gian dài. Định mệnh tồi tệ hơn đã ập xuống những người khác. Giordano Bruno (1548-1600) bị thiêu sống ở Rome sau 8 năm bị cầm tù.

Bruno là một nhà duy vật không thỏa hiệp. Ông bị ảnh hưởng bởi Nicholas xứ Cusa, người cho rằng vũ trụ không có khởi đầu hay kết thúc trong không gian và thời gian. Chủ nghĩa duy vật của Bruno được tô vẽ bằng một hình thức phiếm thần luận, tư tưởng cho rằng Thượng đế ở mọi nơi và không ở nơi nào cả, tức là Thượng đế và tự nhiên là một và như nhau. Ở một quan niệm tương tự như quan niệm của các nhà theo chủ nghĩa vật hoạt (hylozoism) ở Ion trước đây, ông cho rằng vật chất là thực thể hoạt động, tự nó-chuyển động, và rằng con người và nhận thức của anh ta là một bộ phận của tự nhiên, đó là cái toàn bộ đơn nhất. Xuất phát từ Nicholas xứ Cusa, ông lập luận rằng vũ trụ là vô tận. Ông suy ra rằng vũ trụ bao gồm một số lượng vô hạn các thế giới, một số trong đó có thể có người định cư. Dễ dàng thấy tại sao Giáo hội đã coi những tư tưởng hiện đại đầy kinh ngạc ấy là mưu toan lật đổ. Bruno không run sợ khi phải trả giá cho những tư tưởng ấy bằng mạng sống của mình.

Giáo hội La Mã không độc quyền trong việc ngược đãi những tư tưởng mới. Người Tin lành Luther đã lên án Copernicus như là “nhà chiêm tinh mới phất tìm cách chứng tỏ rằng trái đất quay, chứ không phải thiên đường hay bầu trời, mặt trời hay mặt trăng quay”. Như Engels nhận xét, “Vào thời đó, khoa học tự nhiên cũng phát triển ngay giữa cuộc cách mạng phổ biến và bản thân nó cũng triệt để cách mạng: vì nó còn cần phải giành quyền sống của nó. Sát cánh cùng với các nhân vật vĩ đại người Italia là những người mở đầu cho triết học cận đại, khoa học tự nhiên cũng đã có những người của mình bị hành hạ trên dàn hoả thiêu và trong ngục tối của toà án giáo hội. Và điểm đặc biệt là những người theo đạo Tin lành lại vượt những người theo đạo Thiên chúa trong việc khủng bố sự tự do nghiên cứu khoa học tự nhiên. Calvin đã sai đốt chết Servetus lúc ông này sắp sửa phát hiện ra sự tuần hoàn của máu, và giết ông bằng cách đem nướng sống ông trong hai tiếng đồng hồ, còn toà án giáo hội thì chỉ cần thiêu chết ngay Giordano Bruno, là đủ thoả mãn rồi.”2

Mặc cho tất cả những đảo lộn, hình thức tư duy mới, dần trở nên vững chắc, cho đến khi vào cuối thế kỷ 17, nó đã giành được một chiến thắng quyết định. Vẫn các nhà khoa học ấy, những người nhân danh chính thống, đã tố cáo những tư tưởng của Galileo, trong thực tế đã âm thầm từ bỏ vũ trụ luận đã không còn uy tín của Ptolomey. Việc William Harvey (1578-1657) khám phá ra sự tuần hoàn máu đã cách mạng hóa việc nghiên cứu về cơ thể người, đập tan những hoang đường trước đây. Những khám phá của hoa học, chứ không phải những tranh luận logic của các nhà triết học, đã khiến thế giới quan cũ không thể trụ vững.

Mặc dù các phương pháp truyền thống của các nhà Kinh viện vẫn có chỗ đứng một thời gian, chúng ngày càng được xem là một bước xa rời thực tại. Sự phát triển của khoa học đã diễn ra trên những lộ trình khác, và với những phương pháp khác – đó là quan sát và thực nghiệm. Một lần nữa, nước Anh ở vị trí tiên phong đề xướng phương pháp thực nghiệm. Nhân vật chính nổi bật nhất là Francis Bacon (1561-1626), người có lúc là chính khách của nước Anh dưới thời vua James I, cho đến khi ông mất vị trí này sau khi quá thành công ở việc làm giàu bản thân bằng cách nhận quà từ những người kiện cáo. Sau đó ông dùng tài năng của mình một cách tốt hơn ở việc viết sách.

Các tác phẩm của Bacon đầy ắp những lẽ thường thực tế và hợp lý, và là duy vật theo tiếng Anh, tức là có tính thực nghiệm, theo đúng nghĩa của chữ này. Tinh thần chung trong các tác phẩm của ông là tinh thần của một người từng trải đôn hậu và dí dỏm. Không như Ngài Thomas More, Bacon không phải là những chất liệu làm nên những kẻ tử vì đạo. Ông chấp nhận tôn giáo chính thống chỉ bởi vì ông coi các nguyên lý tổng quát không mấy quan trọng. Nhưng tôn giáo không có vai trò trong triết học của ông, triết học ấy lấy cảm hứng từ tư tưởng về sự phát triển của tri thức với tư cách là phương pháp gia tăng sức mạnh của con người trước tự nhiên.

Ông phản ứng lại chủ nghĩa giáo điều của phái Kinh viện, cùng với những tranh cãi “không lành mạnh và quỷ quyệt” của họ kết thúc ở “những cuộc đấu khẩu hoàn toàn vô lý và những chất vấn điên loạn”. Chỉ có những thời điểm duy nhất mà ông thể hiện sự căm phẫn thực sự là khi ông động đến vấn đề này:

“Kiểu học tập suy đồi này thống trị chủ yếu ở những người phái Kinh viện: họ có trí thông minh sắc sảo, và đầy thời gian rảnh rỗi, và đọc một vài thể loại sách, nhưng trí thông minh của họ bị giam hãm trong những căn phòng của một vài tác giả (chủ yếu là Aristotle, người đọc chính tả cho họ) cũng như bản thân họ bị giam hãm trong những căn phòng của tu viện và trường học, và hiểu biết ít ỏi về lịch sử, hoặc về tự nhiên hoặc về thời đại, nội dung nghèo nàn cùng sự kích động vô hạn của sự hóm hỉnh đã đan dệt vào những mạng lưới kiến thức nặng nề còn tồn tại trong những cuốn sách của họ. Đối với trí thông minh và tư duy của con người, nếu nó tác động vào vật chất, tức là sự chiêm nghiệm của những sinh linh của Thượng đế, tác động tuân theo chất liệu, và do đó bị hạn chế; nhưng nếu nó tác động vào chính mình, như con nhện làm ra mạng nhện, thì nó là vô tận, và đem lại những mạng lưới thực sự cho quá trình học tập, đáng ngưỡng mộ vì sự khỏe khoắn của sợi tơ và công trình, nhưng không vì nội dung hay lợi ích”3

Ở đây chúng ta có một phản ứng lành mạnh chống lại phương pháp cằn cỗi của chủ nghĩa duy tâm, cái quay lưng lại với thế giới thực, lấy ra những tưởng tượng từ chính nó và coi chúng là chân lý bởi vì chúng phù hợp với một tập hợp những thành kiến đã được định trước mà được coi là tiền đề. Thế vào đó, Bacon thúc giục chúng ta phải “làm theo tự nhiên, cái không làm gì tuyệt vọng.”4 Đáng chú ý, ông thích nhà nguyên tử luận Democritus hơn Plato và Aristotle. Nói một cách mỉa mai về Người thợ Tối cao được cho là đã tạo ra thế giới từ hư vô, ông hỏi một câu thích đáng:

“Bởi nếu người Thợ cả vĩ đại đó đã từng thuộc về thiên hướng con người, ông ta đã có thể rắc các vì sao thành những tác phẩm và thành những trật tự dễ chịu và đẹp đẽ thế nào đó, giống như những hoa văn hình chữ triện trên mái các tòa nhà; vậy mà người ta hiếm khi có thể tìm thấy một hình dáng giống hình vuông, hoặc hình tam giác, hoặc đường thẳng, trong vô hạn những hình dáng như vậy; giữa tinh thần của con người và tinh thần của tự nhiên tồn tại một sự hài hòa quá khác biệt.”5

Đây là luận điểm rất quan trọng, và là luận điểm thường xuyên bị quên lãng bởi các nhà khoa học và toán học, những người hình dung ra rằng các phương trình của họ thể hiện chân lý tối hậu. Trong tự nhiên không có những hình thức hoàn hảo như thế, không có những tam giác, không có những vòng tròn, không có những mặt phẳng, chỉ có các đối tượng và quá trình vật chất thực sự, mà từ đó những mô tả lý tưởng chỉ là những xấp xỉ thô thiển. Bacon đã hiểu vấn đề này rất rõ khi ông viết:

“Vì thế mà các nhà toán học không thể tự mãn trừ khi họ quy giản những chuyển động của các vật thể trên bầu trời thành đường những tròn hoàn hảo, loại bỏ những đường vòng xoáy, và nỗ lực để không bị quy tội lệch tâm. Vì thế mà giữa lúc có nhiều sự vật trong tự nhiên như nó đã monodica, sui juris [tự lập]; nhưng những suy ngẫm của con người lại bịa đặt cho chúng những quan hệ, những sự song hành và những sự kết hợp, trong khi không có sự vật như vậy.”6

Những khái quát hóa trừu tượng của khoa học, bao gồm cả toán học, chỉ có giá trị bao lâu chúng phù hợp với thế giới thực, và có thể áp dụng được vào thế giới ấy. Ngay cả sự khái quát hóa có lợi và thiên tài nhất cũng chỉ phản ánh thực tại theo cách không hoàn hảo và phiến diện. Vấn đề nảy sinh khi các nhà duy tâm đưa ra nhưng khẳng định cường điệu về các lý thuyết mà họ nâng lên thành những nguyên lý tuyệt đối mà thực tại buộc phải tuân theo.

Xu thế gần đây nhất trong khoa học, thuyết hỗn độn, đang quay trở lại, ở một trình độ cao hơn nhiều, với mạch tranh luận của Bacon và các nhà duy vật thời Phục hưng, họ, đến lượt, thể hiện một sự khám phá lại của một truyền thống lâu đời hơn nhiều, đó là chủ nghĩa duy vật Hy Lạp của các phái Ion và phái nguyên tử. Bacon tiến hóa quan niệm duy vật về tự nhiên của chính mình, dựa trên tư tưởng cho rằng vật chất được cấu thành từ các hạt được gán cho những thuộc tính đa dạng, một trong số đó là sự vận động, nhưng ông không giới hạn ở vận động cơ giới, mà tiến đến giả thuyết xuất sắc rằng nhiệt bản thân nó cũng là một dạng vận động. Vận động ở đây được xem không chỉ là những xung lực bên ngoài, như lực cơ học, mà là phẩm chất cố hữu của vật chất, một dạng tinh thần sống động hoặc một sức căng bên trong. Marx so sánh nó với thuật ngữ được nhà triết học Đức Jakob Böhm sử dụng, “Qual”, từ này không thể dễ dàng chuyển ngữ được, nó hàm nghĩa sức căng nội tại cực đoan, hoặc “torment” [“sự dày vò”], giống như ở một sinh vật. Do đó những dạng thức căn bản của vật chất bao gồm sự vận động và năng lượng, gần giống như một lực sống. Ngày nay chúng ta có thể sử dụng chữ năng lượng. So với những quan niệm không có sự sống, cơ giới khô cằn của thế kỷ tiếp sau đó, các quan điểm này về vật chất là cực kỳ hiện đại, và tiến sát lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Quan sát cuối cùng này đưa chúng ta tiến gần đến cốt lõi của vấn đề. Ý nghĩa thực sự ở triết học Bacon là nó đã chỉ ra con đường tiến lên phía trước. Mặc dầu bản thân nó chưa hoàn thiện, nó đã chứa đựng những hạt giống cho sự phát triển về sau, như Marx giải thích trong Gia đình thần thánh:

“Ở Bacon, người đầu tiên sáng tạo ra nó, chủ nghĩa duy vật còn che giấu, dưới những hình thức ngây thơ, những mầm mống của một sự phát triển mọi mặt. Vật chất mỉm cười với toàn bộ con người, trong vẻ lộng lẫy của cái cảm tính nên thơ của nó. Trái lại bản thân cái học thuyết được trình bày dưới hình thức cách ngôn còn đầy rẫy tính không triệt để của thần học.” (Marx-Engels (1995), Phần 7)

Lý luận nhận thức của Bacon là thực nghiệm chặt chẽ. Như Duns Scotus, ông phủ nhận sự tồn tại của “cái phổ biến”. Ông phát triển phương pháp lập luận được biết đến là quy nạp, phương pháp này đã có mặt ở các tác phẩm của Aristotle. Đây là cách tư duy sự vật một cách thực nghiệm, ở đó từ một loạt các sự kiện ông đi đến những định đề tổng quát. Như thuốc giải độc cho chủ nghĩa duy tâm khô cằn của phái Kinh viện, đây là một bước tiến quan trọng, nhưng nó chứa đựng những hạn chế nghiêm trọng mà sau này trở thành một cản trở cho sự phát triển của tư duy. Ở đây chúng ta thấy sự khởi đầu của ác cảm phong cách Anglo-Saxon khác thường đối với lý thuyết, một xu hướng đi tới chủ nghĩa duy nghiệm hẹp hòi, tôn sùng một cách mù quáng trước những “sự kiện”, ngoan cố từ chối chấp nhận những khái quát hóa mà kể từ đó nó đã thống trị tư duy của những người có học thức ở Anh, và trong chừng mực ở cả Mỹ.

Những hạn chế của phương pháp quy nạp chặt chẽ là hiển nhiên. Bất kể có bao nhiêu sự kiện được xem xét, chỉ cần một ngoại lệ làm suy yếu bất cứ kết luận tổng quát nào mà chúng ta rút ra từ đó. Nếu chúng ta đã nhìn thấy một ngàn con thiên nga trắng và rút ra kết luận rằng tất cả thiên nga đều có màu trắng, thì khi nhìn thấy một con thiên nga đen, kết luận của chúng ta không còn giá trị. Những kết luận như vậy là có tính giả định, đòi hỏi phải có thêm bằng chứng. Quy nạp, phân tích cho đến cùng, là cơ sở cho mọi tri thức, bởi vì tất cả những gì chúng ta biết xét cho cùng đều phát sinh từ quan sát thế giới khách quan và từ trải nghiệm. Sau một thời gian quan sát, kết hợp với hoạt động thực tiễn cho phép chúng ta kiểm tra tính đúng đắn hoặc không ở các tư tưởng của chúng ta, chúng ta khám phá ra một loạt mối liên hệ bản chất giữa các hiện tượng, mà chúng chứng tỏ rằng chúng sở hữu những đặc trưng chung, và thuộc về một giống hoặc loài cụ thể.

Những khái quát hóa đã đạt được sau một giai đoạn phát triển lâu dài của con người, một số trong các khái quát hóa đó được xem là những tiền đề, chúng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của tư duy và không thể bỏ qua một cách dễ dàng. Những hình thức-tư duy logic truyền thống đóng một vai trò quan trọng, thiết lập nên những quy tắc căn bản để tránh những mâu thuẫn phi lý và đi theo một mạch tranh luận nhất quán nội tại. Chủ nghĩa duy vật biện chứng không xem quy nạp và diễn dịch là không tương thích lẫn nhau, mà là hai khía cạnh khác nhau của quá trình biện chứng của nhận thức, chúng không thể tách rời nhau, và chúng quy định lẫn nhau. Quá trình nhận thức của nhân loại đi từ cái cá biệt đến cái phổ biến, nhưng cũng từ cái phổ biến đến cái cá biệt. Do vậy là sai lầm và phiến diện khi đặt chúng đối lập lại với nhau.

Dẫu cho người ta có phản đối, không thể nào tiến hành từ những “sự kiện” mà không có một sự nhận thức từ trước. Tính khách quan mà người ta đòi hỏi như vậy chưa bao giờ tồn tại và sẽ không bao giờ tồn tại. Khi tiếp cận các sự kiện, chúng ta mang theo mình những quan niệm và phạm trù của chính chúng ta. Chúng có thể hoặc có ý thức hoặc vô thức. Nhưng chúng bao giờ cũng có mặt. Ai tưởng tượng ra rằng họ có thể hoàn toàn thoải mái không cần đến triết học, như trường hợp của nhiều nhà khoa học, người đó đơn thuần vô thức lặp lại thứ triết học “chính thống” đang tồn tại cùng những thành kiến hiện tại của xã hội mà họ đang sống. Do vậy điều không thể thiếu được là các nhà khoa học, những người suy tư nói chung phải tìm ra cách nhìn nhận thế giới một cách nhất quán, một triết học mạch lạc mà nó có thể phục vụ như một công cụ thỏa đáng để phân tích các sự vật và các quá trình.

Trong phần Dẫn nhập Triết học lịch sử, Hegel chế diễu một cách chính đáng những nhà sử học (rất phổ biến ở nước Anh) giả bộ giới hạn bản thân mình vào những sự kiện, trưng ra một mặt tiền giả tạo của “tính khách quan hàn lâm”, trong khi buông lỏng những thành kiến của họ.

“Chúng ta phải tiến hành theo phương diện lịch sử-thực nghiệm. Trong số những đề phòng khác mà chúng ta phải cẩn trọng để không bị lạc lối bởi những nhà sử học tự xưng những người…phải chịu trách nhiệm với cách thức họ lên án nhà Triết học – đưa những phát minh tiên nghiệm của chính họ vào những ghi chép về Quá khứ…Do đó chúng ta có thể tuyên bố đó là điều kiện đầu tiên cần phải được quan sát, rằng chúng ta phải chấp nhận một cách trung thành tất cả những gì có tính lịch sử. Nhưng có sự mập mờ bên trong bản thân những diễn đạt chung chung như vậy, như ‘trung thành’ và ‘chấp nhận’. Ngay cả một người chép sử bình thường, ‘không thiên vị’, anh ta tin và tuyên bố rằng anh ta bảo vệ thái độ tiếp thu đơn thuần; tự mình chỉ chịu sự chi phối trước dữ liệu cung cấp cho anh ta – thì không hề thụ động sử dụng năng lực tư duy của anh ta. Anh ta mang theo mình những phạm trù của anh ta, và nhìn các sự kiện trưng ra trước sự tưởng tượng tinh thần của anh ta, duy nhất thông qua những phương tiện này. Và đặc biệt ở tất cả những gì ra vẻ nhân danh khoa học điều không thể thiếu được là Lý tính không được ngủ yên – rằng sự phản tư phải hoạt động mạnh mẽ. Đối với người quan sát thế giới một cách lý trí, thế giới đến lượt nó thể hiện mặt lý trí. Mối quan hệ là tương hỗ. Nhưng những bài tập da dạng của sự phản tư – tức là các quan điểm khác nhau – các hình thái xác định vấn đề đơn giản về tầm quan trọng tương đối của các sự kiện (phạm trù đầu tiên xâm chiếm các nhà sử học), không thuộc về nơi này.”7

Bertrand Russell, người có quan điểm đối lập hoàn toàn với duy vật biện chứng, đưa ra một phê phán có giá trị cho những hạn chế của chủ nghĩa kinh nghiệm, đi theo cùng mạch nhận xét của Hegel:

“Theo nguyên tắc, dựng lên các giả thiết là phần khó khăn nhất của công trình khoa học, và là phần mà năng lực lớn lao là không thể thiếu được. Cho đến nay, người ta không tìm được phương pháp nào để có thể phát minh ra những giả thiết ấy theo nguyên tắc. Thông thường một giả thuyết nhất định là tiền đề cần thiết cho việc thu thập các sự kiện, bởi vì sự lựa chọn các sự kiện đòi hỏi cách thức xác định sự thích hợp nào đó. Không có cách ấy, thì chỉ đơn thuần nhân lên gấp bội các sự kiện làm hỏng việc.”8

Do vậy, phái tư duy Bacon gây ra một ảnh hưởng trái ngược lên những phát triển tiếp theo. Một mặt, bằng cách nhấn mạnh vào sự cần thiết đối với quan sát và thực nghiệm, nó đem lại một kích thích cho nghiên cứu khoa học. Mặt khác, nó làm phát sinh thế giới quan duy nghiệm hẹp hòi cái đã có tác động tiêu cực tới sự phát triển của tư tưởng triết học, đặc biệt là ở Anh. Trong Biện chứng của Tự nhiên, Engels chỉ ra nghịch lý mà cũng chính phái kinh nghiệm này, phái đã tưởng tượng mình đã từ bỏ siêu hình học một lần và cho tất cả, thực ra rốt cục lại chấp nhận mọi loại tư tưởng thần bí, và rằng xu thế này “là cái phái vẫn tự phụ rằng chỉ dựa vào thực nghiệm, nên rất coi khinh tư duy và trong thực tế, lại nghèo về tư tưởng hơn.”9

Cuộc đấu tranh trực tiếp chống tôn giáo đã giành được chiến thắng. Khoa học được giải phóng khỏi những trói buộc của thần học cái đã kìm kẹp nó trong cảnh nô lệ quá lâu dài. Đây là điều kiện đầu tiên cho bước nhảy vĩ đại về phía trước ở giai đoạn tiếp theo, khi mà trong một thế kỷ các thành tựu đã đạt được nhiều hơn toàn bộ một ngàn năm trước đó. Nhưng thế giới quan mới vẫn còn chưa được phát triển đầy đủ, nhìn chung được đặc trưng bởi chủ nghĩa kinh nghiệm nông cạn và thơ ngây, nó còn xa mới đủ để từ bỏ tôn giáo và chủ nghĩa duy tâm một lần và cho tất cả. Engels viết “Từ đó, khoa học tự nhiên, về căn bản, đã được giải phóng khỏi tôn giáo, tuy rằng việc giải thích triệt để mọi chi tiết vẫn kéo dài cho tới ngày nay, và trong đầu óc của nhiều người còn lâu nó mới được hoàn thành.”10 Một trăm năm sau, dù có những tiến bộ không thể tưởng tượng được trong lĩnh vực khoa học và trong tri thức nhân loại, cuộc chiến vẫn chưa giành được chiến thắng quyết định.

Thời đại của sự bất biến

Suốt thời kỳ Phục hưng, cũng như ở thời cổ đại, triết học và khoa học, cả hai chủ yếu là một, đã xem tự nhiên như một tổng thể đơn nhất, phụ thuộc lẫn nhau. Một loạt những giả thuyết lỗi lạc được đưa ra về bản chất của vũ trụ, nhưng không thể được kiểm chứng hoặc phát triển xa hơn bởi tình trạng hiện tồn của công nghệ và sản xuất. Chỉ với sự khai sinh của chủ nghĩa tư bản, và đặc biệt là với những khởi đầu của cách mạng công nghiệp thì việc nghiên cứu chi tiết về sự vận hành của tự nhiên trong những biểu hiện khác nhau của chúng mới trở nên khả thi. Điều đó đã thay đổi sâu sắc cách thức con người nhìn nhận thế giới:

“Chỉ từ nửa cuối thế kỷ 15 trở đi mới có một nền khoa học tự nhiên thật sự và từ bấy đến nay, khoa học đó đã đạt được những tiến bộ ngày càng nhanh chóng. Việc phân chia giới tự nhiên ra thành những bộ phận riêng biệt, việc tách riêng các loại quá trình tự nhiên và các sự vật tự nhiên khác nhau thành những loại nhất định, việc nghiên cứu cấu tạo bên trong của những vật thể hữu cơ theo các hình thái giải phẫu nhiều vẻ của nó - tất cả những cái đó đã là những điều kiện cơ bản cho những tiến bộ khổng lồ mà 400 năm gần đây đã đem lại cho chúng ta trong lĩnh vực nhận thức giới tự nhiên. Nhưng phương pháp nghiên cứu ấy đồng thời cũng để lại cho chúng ta một thói quen là xem xét những sự vật tự nhiên và quá trình tự nhiên trong trạng thái biệt lập của chúng, ở bên ngoài mối liên hệ to lớn chung, và do đó không xem xét chúng trong trạng thái vận động mà xem xét trong trạng thái tĩnh, không coi chúng về cơ bản là biến đổi, mà coi chúng là vĩnh viễn không biến đổi, không xem xét chúng trong trạng thái sống mà xem xét chúng trong trạng thái chết. Và khi phương pháp nhận thức ấy được Bacon và Locke đưa từ khoa học tự nhiên vào triết học thì nó tạo ra tính hạn chế đặc thù của những thế kỷ gần đây, - tức là phương pháp tư duy siêu hình.”11

Trong các tác phẩm của Thomas Hobbes (1588-1679) chủ nghĩa duy vật của Bacon được phát triển một cách có hệ thống hơn. Hobbes sống trong một giai đoạn cách mạng. Một người quân chủ tận tâm, ông trải nghiệm trực tiếp bão tố và căng thẳng của cuộc Nội chiến Anh. Thắng lợi đang đến của Quốc hội buộc ông phải tháo chạy sang Pháp, nơi ông đã gặp và xung đột với Descartes. Những lời kết tội ông theo phe bảo hoàng lẽ ra phải khiến ông được yêu mến bởi những người lưu đày ủng hộ nền quân chủ mà ông đã sống cùng họ (có lúc ông dạy toán cho hoàng tử Charles). Nhưng, giống Hegel, quan điểm chính trị bảo thủ của ông không ngăn cản triết học của ông bị giới chức trách nghi ngờ, tư tưởng của Hobbes được coi là quá cấp tiến đối với những người cùng thời. Giọng điệu duy vật trong Leviathan, xuất hiện vào năm 1651, khiến Giáo hội và chính phủ Pháp nổi giận, trong khi chủ nghĩa duy lý ở các học thuyết của ông về xã hội làm mất lòng những người Anh tha hương. Bằng sự trớ trêu tột cùng, Hobbes buộc phải chạy trở lại Anh, nơi ông được Cromwell chào đón, với điều kiện ông phải từ bỏ hoạt động chính trị.

Sự Khôi phục của nền quân chủ sau khi Cromwell chết đã dẫn tới sự áp đặt những hạn chế khắt khe đối với tự do tri thức. Người phái Bacon bị trục xuất khỏi Oxford và Cambridge, do vậy làm suy yếu các trung tâm khoa học ấy. Dưới Luật Licensing (1662-95) sự kiểm duyệt gắt gao đã được áp đặt trở lại. Hobbes lo ngại rằng các Giám mục tìm cách thiêu sống ông. Ông bị nghi ngờ là vô thần, và thậm chí được đề cập đến trong một báo cáo của quốc hội về vấn đề này. Cuốn sách Behemoth của ông bị rút khỏi xuất bản cho đến năm 1679. Sau đó, ông không thể xuất bản tác phẩm quan trọng nào ở Anh vì lo sợ sự đàn áp của giáo hội.

Dễ thấy tại sao ông lại thu hút sự tai tiếng đến như vậy. Ngay từ trang đầu tiên của Leviathan, ông tuyên bố học thuyết duy vật với một tinh thần không khoan nhượng nhất. Đối với ông, tuyệt đối không có gì ở tinh thần con người lại không bắt nguồn từ cảm giác:

"Đối với Tư duy của con người, tôi sẽ xem chúng đầu tiên là Singly [cái đơn lẻ], và tiếp đến là Trayne [cái móc nối], hay sự phụ thuộc vào cái khác. Singly, chúng chính là Sự Thể hiện hoặc Hiện tượng, của phẩm chất nào đó, hoặc Sự ngẫu nhiên của một vật thể mà không cần chúng ta; cái mà chúng ta hay gọi là một Đối tượng. Đối tượng tác động vào Mắt, Tai và các bộ phận khác của cơ thể người; và bằng sự phong phú khi vận động, sản sinh ra sự phong phú ở các Hiện tượng.

“Nguồn gốc của tất cả, chính là cái mà chúng ta gọi là CẢM GIÁC; (Bởi vì không có khái niệm trong tư duy con người, cái thoạt đầu, toàn bộ hoặc theo bộ phận được sinh ra bởi các bộ phận của Cảm giác). Những gì còn lại được sinh ra từ nguồn gốc ấy.”12

Nơi khác, ông tiến gần tới quy kết nguồn gốc của tôn giáo về những mê tín nguyên thủy nảy sinh từ những hiện tượng như giấc mơ, mặc dù, vì những lý do hiển nhiên, ông giới hạn việc áp dụng tư tưởng này vào những tôn giáo phi-Kitô!

“Từ việc bỏ qua cách thức để phân biệt những Giấc mơ, và những điều Kỳ diệu mạnh mẽ khác, với Sự tưởng tượng và Cảm giác, đã xuất hiện một bộ phận vĩ đại nhất của Tôn giáo phi Do thái ở quá khứ, nó tôn thờ Satyre, Fawn, Nymph, và tương tự; và ngày nay ý kiến cho rằng người thô lỗ có Tiên, Ma, và Yêu tinh; và năng lực của Phù thủy.”13

Theo gót chân của Bacon, Hobbes trực tiếp kêu gọi lấy tự nhiên làm nguồn gốc của mọi tri thức:

“Tự nhiên bản thân nó không thể sai lầm: và khi con người có thừa sự phong phú của ngôn ngữ; nên họ trở nên khôn ngoan hơn, hoặc điên rồ hơn bình thường. Cũng không thể nào không có Chữ nghĩa vì bất cứ ai cũng có thể hoặc khôn ngoan tột bậc, hoặc (ngoại trừ trí nhớ của anh ta bị tổn thương bởi bệnh tật, hoặc cấu tạo nội tạng suy yếu) ngu xuẩn tột bậc. Bởi vì từ là thước đo của người khôn ngoan, họ dùng chúng để suy nghĩ: nhưng họ là những kẻ ngớ ngẩn, khi coi trọng chúng bằng thẩm quyền của một Aristotle, một Cicero, hoặc một Thomas, hoặc bất cứ một Tiến sĩ nào, miễn họ là người”14

Và, giống Bacon và Duns Scotus, ông theo truyền thống của chủ nghĩa duy danh, phủ nhận sự tồn tại của cái phổ biến, chúng chỉ tồn tại trong ngôn ngữ:

“Về tên gọi, một số là Tên riêng, và số ít đối với sự vật đơn lẻ; như Peter John, Người đàn ông này, cái Cây này: và một số là tên gọi là Chung cho nhiều sự vật: như Người, Ngựa, Cây; mặc dù mỗi cái không gì hơn một Tên gọi, nhưng là tên gọi của nhiều sự vật đặc thù; đối với tất cả đi cùng nhau người ta gọi nó là cái Phổ biến; trong thế giới Phổ biến không có gì ngoài những Tên gọi; bởi vì sự vật được đặt tên chính là một trong số cái Cá biệt và cái Số ít.”15

So với Bacon, phương pháp của Hobbes chi tiết hơn rất nhiều, nhưng đồng thời nó cũng trở nên ngày một phiến diện, cứng đờ, vô hồn, tức là, máy móc. Đây không phải là điều ngẫu nhiên, bởi vì khoa học tiến bộ nhanh nhất ở vào thời cơ học. Người ta ngày càng xem hoạt động của thế giới bằng những thuật ngữ vay mượn từ cơ học. Do vậy, đối với Hobbes, xã hội giống như một cơ thể người, cái, đến lượt, cũng chỉ là một cỗ máy:

“Tự nhiên (Nghệ thuật mà Thượng đế tạo ra và cai quản thế Giới) là Nghệ thuật con người, cũng như ở nhiều sự vật khác, cho nên ở đây cũng được sao chép, để nó có thể tạo ra một Sinh vật Nhân tạo. Bởi vì xem sự sống không là gì hơn sự vận động của các Chi, mà khởi đầu là ở những bộ phận chính ở bên trong; tại sao chúng ta không thể nói rằng mọi Automata (tức là những Động cơ tự chúng chuyển động nhờ những lò xo và những bánh răng như ở một chiếc đồng hồ) cũng có một đời sống nhân tạo? Bởi vì Trái tim là gì nếu không phải là chiếc Lò xo; và Dây thần kinh là gì nếu không phải là những Sợ dây; rồi các Khớp nối là gì nếu không phải là những Bánh răng, đem lại sự vận động cho toàn bộ Cơ thể, như chủ ý của một người Chế tác? Nghệ thuật đi xa hơn, bắt chước Lý trí và tác phẩm xuất sắc nhất của Tự nhiên, tức Con người. Đối với Nghệ thuật nó đã tạo ra LEVIATHAN vĩ đại gọi là COMMON-WEALTH, hay STATE (Nhà nước), (tiếng La tinh là CIVITAS [Dân sự]) cái không là gì hơn một Con người Nhân tạo.”16

Marx tổng kết đóng góp của Hobbes bằng đoạn sau đây trong Gia đình thần thánh:

“Căn cứ vào Bacon, Hobbes chứng minh rằng nếu cảm giác của chúng ta là nguồn gốc của mọi hiểu biết của chúng ta thì ý niệm, tư tưởng, biểu tượng v.v., phải chỉ là những ảo ảnh của thế giới thực thể đã ít nhiều bị tước hết những hình thức cảm tính của nó. Cái mà khoa học có thể làm được chỉ là đặt tên cho những ảo ảnh đó. Cùng một tên gọi có thể dùng cho nhiều ảo ảnh. Thậm chí có thể có những tên gọi của tên gọi. Nhưng nếu một mặt, khẳng định rằng mọi tư tưởng đều bắt nguồn từ thế giới cảm tính mà mặt khác lại cho rằng ý nghĩa của một từ không chỉ là một từ, rằng ngoài những thực thể được biểu tượng và vĩnh viễn đơn nhất thì còn có những thực thể phổ biến - như thế sẽ là mâu thuẫn. Một thực thể không có hình thể cũng là một mâu thuẫn như một vật thể không có hình thể. Vật thể, Tồn tại, Thực thể chỉ là những quan niệm về cùng một thực tại duy nhất. Không thể tách rời tư duy ra khỏi vật chất đang tư duy. Vật chất là chủ thể của mọi sự biến hoá. Từ vô hạn là vô nghĩa nếu nó không có nghĩa là tinh thần của chúng ta có khả năng cộng thêm một cách vô hạn vào một đại lượng nhất định nào đó. Vì chỉ có cái vật chất mới có thể được cảm thấy, được nhận thức nên không thể biết một tí gì về sự tồn tại của thượng đế. Chỉ có sự tồn tại của bản thân tôi mới là xác thực. Mọi ham muốn của con người đều là sự vận động máy móc đang kết thúc hoặc đang bắt đầu. Đối tượng của những thèm muốn, đó là cái chúng tôi gọi là hạnh phúc. Người và giới tự nhiên đều phải phục tùng những quy luật như nhau. Quyền lực và tự do là đồng nhất với nhau.” (Marx-Engels (1995), Phần 7)

Thế giới quan cơ giới này, theo nghĩa nào đó, thể hiện một bước lùi so với Bacon. Marx viết “Cảm tính mất cái vẻ lộng lẫy của nó và trở thành cảm tính trừu tượng của nhà hình học. Vận động vật lý bị hy sinh cho vận động máy móc hoặc vận động toán học; hình học được tuyên bố là khoa học chủ yếu. Chủ nghĩa duy vật trở thành kẻ yếm thế. Muốn khắc phục tinh thần phi thể xác, yếm thế ngay trong lĩnh vực của chính nó, chủ nghĩa duy vật buộc phải tự hành hạ thể xác mình và biến thành người khổ hạnh. Nó biến thành một thực thể lý trí nhưng đồng thời cũng phát triển một cách triệt để khắc nghiệt, mọi kết luận của lý trí.” (Marx-Engels (1995), Phần 7) Ấy vậy mà hình thức duy vật cơ giới này sẽ thống trị một thế kỷ rưỡi tiếp theo ở Anh và ở Pháp.

John Locke (1632-1704) kế tục theo cùng hướng với Hobbes, tuyên bố rằng kinh nghiệm là nguồn gốc duy nhất của ý niệm. Câu cách ngôn nổi tiếng của ông nihil est in intellectu, quod non prius fuit in sensu – không có gì ở tri thức mà đầu tiên không có ở cảm tính. Chính Locke, với bài Khái luận về lý tính con người, là người đã cung cấp bằng chứng cho nguyên lý cơ bản của Bacon, cho rằng nguồn gốc của mọi hiểu biết và ý niệm của con người là từ thế giới vật chất được đem lại cho ta bằng tri giác cảm giác. Ông là nhà triết học của lẽ thường lành mạnh, người “đã nói một cách gián tiếp rằng không thể có một thứ triết học nào tách rời cảm giác lành mạnh của con người, và tách rời lý trí dựa trên những cảm giác ấy (Marx-Engels (1995), Phần 7)”. Ông nói “Lý tính phải là sự phán xét và dẫn dắt cho chúng ta ở mọi hoàn cảnh”. Tác phẩm của Locke được dịch sang tiếng Pháp, và đã gây cảm hứng cho Condillac và những người khác phát động trường phái triết học duy vật Pháp, trường phái triết học đã chuẩn bị nền móng tri thức cho Cách mạng 1789-93.

Tiến bộ Khoa học

Giai đoạn từ cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 chứng kiến một sự chuyển biến hoàn toàn trong thế giới khoa học đã bén rễ từ những cuộc chinh phục ở giai đoạn trước. Ở Anh, chiến thắng của giai cấp tư sản trong cuộc Nội chiến, và sự thỏa hiệp sau đó của nền quân chủ lập hiến sau 1688, đã mang lại những điều kiện tương đối tự do hơn cho sự phát triển của nghiên cứu và tìm tòi khoa học. Cùng lúc, sự lớn mạnh của thương mại và sự gia tăng sản suất đã tạo ra một nhu cầu cho những công nghệ tân tiến hơn và nhu cầu về vốn cần thiết để trả cho công nghệ ấy. Đó là giai đoạn của những phát minh và tiến bộ khoa học chưa từng có.

Những cải thiện ở lĩnh vực quang học khiến việc phát minh ra kính hiển vi có thể diễn ra. Ở Pháp, Gassendi hồi sinh các lý thuyết nguyên tử của Democritus và Epicurus. Ở Đức, Von Guericke phát minh ra bơm không khí. Robert Boyle thực hiện những tiến bộ đáng kể trong hóa học. Những khám phá của Copernicus, Tycho Brache, Kepler, Galileo và Huygens đã chuẩn bị nền móng cho cuộc cách mạng của Newton trong thiên văn học, lĩnh vực trở nên thiết yếu bởi nhu cầu đạo hàng chính xác hơn. Phương pháp khoa học thống trị thời đại là cơ học: tức là, các hiện tượng tự nhiên được diễn giải theo quan điểm hình dạng, kích thước, vị trí, sự sắp xếp, và chuyển động của các hạt, và hành vi của chúng được giải thích duy nhất theo quan điểm tương tác giữa các hạt với nhau.

Nhân vật tiêu biểu nhất cho nền khoa học mới là Ngài Issac Newton (1643-1727). Trở thành Chủ tịch Hội Hoàng gia năm 1703, Newton đã gây ảnh thưởng to lớn không chỉ ở lĩnh vực khoa học mà ở cả lĩnh vực triết học và phương thức tư duy nói chung của giai đoạn mà ông sống và giai đoạn sau này. Nhà thơ Alexander Pope tổng kết thái độ xu nịnh của người Anh với câu thơ sau:

“Tự nhiên và quy luật Tự nhiên chìm trong bóng tối:
Chúa phán ‘Newton hãy xuất hiện’ thì liền có ánh sáng.”

Newton sinh vào ngày Giáng sinh năm 1642, năm Galileo qua đời và Nội chiến nổ ra giữa vua Charles I và Quốc hội. Năm 1678, ông công bố tác phẩm nổi tiếng Principia Mathematica, đưa ra ba định luật về chuyển động – luật quán tính, luật tỷ lệ thuận giữa lực và gia tốc, luật cân bằng giữa tác động và phản tác động, từ đó các nguyên lý cơ bản của vật lý và cơ học cổ điển được ra đời. Ở đây ông đã trình bày và chứng minh học thuyết vạn vật hấp dẫn. Học thuyết đánh dấu một sự đoạn tuyệt dứt khoát với bức tranh về thế giới theo quan điểm Aristotle-Ptolomey. Thay cho các khối thiên cầu do các thiên thần vận hành, Newton đưa ra một lược đồ vũ trụ hoạt động theo các quy luật cơ học mà không cần tới bất cứ sự can thiệp thần thánh nào, trừ cú hích đầu tiên cần thiết để đưa toàn bộ sự vật sang trạng thái chuyển động.

Một sản phẩm tiêu biểu của trường phái kinh nghiệm Anh, Newton không bận tâm nhiều về điều đó, lựa chọn không đặt câu hỏi về vai trò của Đấng toàn năng trong vũ trụ cơ giới của ông. Về phần họ, Thiết chế tôn giáo, hiện thân ở Giám mục Sprat, cúi đầu trước điều không thể tránh được, đã chủ trương một sự thỏa hiệp với khoa học, rất giống sự thỏa hiệp giữa Vua William và Quốc hội, một sự thỏa hiệp đã được duy trì trong một thế kỷ, cho đến khi nó bị lật đổ bởi những khám phá của Darwin. Những đòi hòi của chủ nghĩa tư bản đảm bảo rằng phải cho khoa học được yên để nó xúc tiến công việc.

Giống như những nhà tư tưởng Phục hưng vĩ đại, các nhà khoa học ở thời Newton hầu hết là những người có tầm nhìn khoa học rộng. Bản thân Newton không chỉ là nhà thiên văn, mà còn là nhà toán học, nhà quang học, nhà cơ học, và thậm chí nhà hóa học. Người cùng thời và người bạn của ông, Robert Hook, không chỉ là nhà thực nghiệm vĩ đại nhất trước Faraday, mà còn là nhà hóa học, nhà toán học, nhà sinh vật học và nhà khám phá, người chia sẻ cùng với Papin sự công nhận về việc đã chuẩn bị nền móng cho động cơ hơi nước.

Phát minh ra giải tích

Sự phát minh ra phép tính các vô cùng nhỏ, đã cách mạng hóa toán học, tùy lúc được quy cho Newton và Leibniz. Có thể cả hai ông đã độc lập đi đến cùng một kết quả. Trong tác phẩm Method of Fluxions, Newton xuất phát từ khái niệm về một đường được xem là một “lượng trôi chảy” (tính “trôi chảy” [“fluent”]), và vận tốc mà đường này “chảy” được mô tả bởi “vi phân” của nó. Newton coi một “moment” là một độ dài vô cùng nhỏ mà tính trôi chảy tăng lên trong một thời gian vô cùng nhỏ. Phương pháp này thể hiện sự đoạn tuyệt hoàn toàn với phương pháp toán học truyền thống, cái hoàn toàn loại bỏ khái niệm vô cùng và những lượng vô cùng nhỏ, chúng được cho là không tồn tại. Tiến bộ to lớn của phương pháp này là nó cho phép toán học lần đầu tiên giải quyết vấn đề chuyển động. Thực ra, Newton coi nó là “toán học của chuyển động và phát triển.” Chính công cụ này đã cho phép ông hệ thống hóa các định luật chuyển động hành tinh do Kepler khám phá thành các quy luật tổng quát của chuyển động và vật chất.

Khám phá ra phép tính các vô cùng nhỏ là cơ sở cho toàn bộ sự phát triển của khoa học. Mặc dầu nó liên quan tới một mâu thuẫn mà ngay lập tức gây ra tranh cãi, diễn ra trong một thời gian dài. Người đầu tiên phỉ báng giải tích không ai khác chính là Giám mục Berkeley, ông phản đối việc sử dụng những lượng vô cùng nhỏ. Ông tranh luận rằng điều đó trái ngược với logic, và do đó không thể chấp nhận được. “Các fluxions này là gì?” ông ta chất vấn. “Vận tốc của những gia tăng nhỏ. Thì các gia tăng nhỏ ấy là gì? Chúng không phải là những lượng vô cùng, cũng không phải là những lượng vô cùng nhỏ, chúng không là gì hết. Chúng ta không gọi chúng là những bóng ma của những lượng đã chết có được không?”17

Ở đây một lần nữa, chúng ta thấy hạn chế căn bản của phương pháp logic hình thức. Tiền đề cơ bản của nó là loại bỏ mâu thuẫn. Vậy mà chuyển động là một mâu thuẫn – tức là cùng lúc vừa ở chỗ đó lại vừa không ở chỗ đó. Trong quyển đầu tiên của tác phẩm Khoa học Logic, Hegel đề cập chi tiết về giải tích vi phân và tích phân, và chỉ ra rằng nó giải quyết các độ lớn ở trong quá trình đang tiêu biến, không phải trước đây, khi chúng là những độ lớn xác định, cũng không phải sau đó, khi chúng không là gì cả, nhưng ở trong một trạng thái tồn tại và không tồn tại. Điều đó một rõ ràng mâu thuẫn với các quy luật của logic hình thức, và do vậy kích động những cuộc phản công đầy phẫn nộ của các nhà toán học và logic học chính thống. Mặc cho mọi phản đối, nền toán học mới đã đạt được những kết quả xuất sắc khi giải quyết các vấn đề mà những phương pháp truyền thống không giải quyết được. Tuy vậy khi Newton công bố tác phẩm Principia của mình, ông cảm thấy buộc phải viết lại nó dưới hình thức của hình học Hy Lạp cổ đại, nhằm che đậy sự thật là ông đã sử dụng phương pháp mới trong mọi phép tính của mình.

Newton cũng tiến đến lý thuyết cho rằng ánh sáng được cấu tạo từ các hạt, những hạt rất nhỏ được bắn vào không gian bởi những vật thể phát sáng. Đầu thế kỷ 19, lý thuyết này bị bác bỏ … thuyết sóng của Huygens, thuyết này có liên hệ tới ý tưởng về “ether”, một phương tiện giả định không nhìn thấy được, không có trọng lượng, cái, giống như “vật chất tối” của các nhà thiên văn học hiện đại, không thể phát hiện được bằng giác quan của chúng ta, nhưng được cho là tràn ngập không gian và lấp đầy khoảng trống giữa không khí và các vật chất khác.

Lý thuyết này dường như giải thích tất cả các hiện tượng đã biết về ánh sáng cho đến năm 1900, khi Max Planck đưa ra ý tưởng cho rằng ánh sáng được truyền đi theo những gói năng lượng nhỏ hay các “lượng tử” (“quanta”). Do vậy, lý thuyết của Newton trước đây được hồi sinh, nhưng với sự khác biệt rõ ràng. Người ta khám khá ra rằng các hạt hạ nguyên tử hành xử như cả sóng lẫn hạt. Mâu thuẫn và quan niệm “phi logic” đến thế đã gây chấn động cho các nhà logic hình thức ngang bằng giải tích vi phân và tích phân đã làm. Cuối cùng, họ buộc phải miễn cưỡng chấp nhận nó, chỉ vì, cũng như với giải tích, lý thuyết đã được củng cố bằng những kết quả thực tiễn. Nhưng tại bước ngoặt quyết định, chúng ta thấy xung đột tương tự giữa những tiến bộ khoa học thực sự với những trở ngại ngáng trên con đường của nó bởi những cách tư duy lỗi thời.

Đóng góp cách mạng của Newton cho khoa học là không còn phải nghi ngờ gì nữa. Nhưng di sản của ông không phải không xen lẫn sự may mắn. Sự nịnh bợ không có phê phán mà ông nhận được trong suốt cuộc đời ông ở Anh đã che mờ vai trò quan trọng của những người cùng thời ông, như Hooke, người đã báo trước tác phẩm Principia của ông 7 năm trước, mặc dù không có những ủng hộ cần thiết về mặt toán học cần thiết, và Leibniz, triết gia Đức có lẽ là người khám phá thực sự của giải tích. Một số lý thuyết quan trọng của Newton thực tế đã được đề ra sớm trước rất nhiều bởi Galileo và Kepler. Vai trò chính của ông là hệ thống hóa và tổng kết những khám phá của giai đoạn trước, và đem lại cho chúng một hình thức tổng quát, được hậu thuẫn bởi những phép tính toán học.

Ở mặt tiêu cực, quyền uy to lớn của Newton làm nảy sinh một niềm tin chính thống mới ngăn cản tư duy khoa học trong một thời gian dài. Bernal viết “Năng lực của ông là quá vĩ đại, hệ thống quá hoàn hảo đến nỗi chúng rõ ràng lấy hết can đảm của tiến bộ khoa học một thế kỷ tiếp theo, hoặc chỉ cho phép sự tiến bộ ở những lĩnh vực mà ông ta chưa động đến”18. Những hạn chế của trường phái duy nghiệm Anh được tổng kết bằng câu nói nổi tiếng của ông: hypothesis non fingoTôi không đặt giả thuyết. Khẩu hiệu này trở thành tiếng hô xung trận của chủ nghĩa kinh nghiệm, song nó không hề liên quan gì tới phương pháp khoa học thực sự, kể cả phương pháp của Newton, người, chẳng hạn, ở lĩnh vực quang học, đã đưa ra “rất nhiều phỏng đoán cho các nguyên nhân vật lý ở hiện tượng quang học và các hiện tượng khác và thậm chí phần nào coi chúng là những sự thật. Do vậy trong giải thích của ông về cái sau này được gọi là vân tròn Newton [giao thoa bản mỏng], ông coi những vân xen kẽ của tia tới và tia phản xạ dọc theo tia sáng là những sự thật đã được xác lập bằng thực nghiệm, sự thật ấy sau đó được ông sử dụng”19

Những tiến bộ khoa học thì khổng lồ. Nhưng thế giới quan chung mà thời kỳ này để lại là bảo thủ. Quan điểm tĩnh tại và cơ giới phủ lên đầu óc con người hàng thế hệ, như Engels chỉ ra:

“Nhưng cái đặc biệt nói lên nét đặc trưng của thời kỳ ấy là việc đề xuất một quan điểm tổng quát riêng biệt của nó mà điểm trung tâm là cái quan niệm về tính tuyệt đối không thay đổi của giới tự nhiên. Theo quan điểm này thì dầu cho bản thân giới tự nhiên đã xuất hiện bằng cách nào chăng nữa, nhưng một khi nó đã có rồi thì nó vĩnh viễn không thay đổi, chừng nào nó còn tồn tại. Các hành tinh và các vệ tinh của chúng một khi đã được”cái hích đầu tiên" thần bí làm cho vận động, thì cứ tiếp tục chuyển động theo những quỹ đạo bầu dục đã được quy định vĩnh viễn như thế, hay là ít nhất cũng mãi cho tới ngày tận thế. Các tinh tú cứ nằm yên vĩnh viễn bất động ở vị trí của chúng, ngôi nọ giữ ngôi kia, nhờ vào “sức hấp dẫn của vạn vật”. Trái đất thì vẫn mãi mãi không thay đổi từ bao nhiêu thế kỷ nay, hoặc từ ngày nó được sáng tạo ra (tuỳ theo quan điểm). “Năm châu” hiện có lúc nào cũng vẫn tồn tại, bao giờ chúng cũng vẫn có những núi non ấy, cũng những thung lũng ấy, những sông ngòi ấy, khí hậu ấy, các cây cỏ ấy, động vật ấy, trừ phi bị bàn tay con người làm biến đổi đi hoặc xê dịch đi thì không kể. Các loài thực vật và động vật sinh ra như thế nào thì cứ vĩnh viễn như thế không thay đổi, cái giống nhau bao giờ cũng sinh ra cái giống nhau và khi Lin-nê cho rằng đây đó, đã có thể xuất hiện những loại mới do lai giống, thì đã là quá lắm rồi. Ngược với lịch sử của nhân loại là cái diễn ra trong thời gian, người ta cho rằng lịch sử của giới tự nhiên chỉ diễn ra trong không gian mà thôi. Người ta phủ nhận mọi sự biến đổi, mọi sự phát triển trong giới tự nhiên. Khoa học tự nhiên, lúc đầu thì cách mạng như thế, bỗng nhiên đứng trước một giới tự nhiên tuyệt đối bảo thủ, trong đó, - cho tới ngày tận thế hoặc mãi mãi, - mọi vật trước thế nào thì sau cũng vẫn phải như thế."20

Sự sa sút của Chủ nghĩa kinh nghiệm

Trong khi chủ nghĩa duy vật nơi Bacon phản chiếu thế giới quan nhìn về phía trước, đầy hy vọng của thời Phục hưng và cải cách, triết học cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 hình thành trong một bầu không khí hoàn toàn khác biệt. Ở Anh, người giàu và quyền lực đã nhận lấy một cú sốc trong giai đoạn Nội chiến, cùng với sự “quá thừa mứa” của nó. Sau khi đập tan sức mạnh của nền quân chủ chuyên chế, giai cấp tư sản không còn cần đến sự phục vụ của tiểu tư sản cách mạng và của tầng lớp thấp hơn trong xã hội, đội quân xung kích của Quân đội Kiểu mẫu của Cromwell, những người đã bắt đầu lên tiếng cho những đòi hỏi độc lập của họ, không chỉ ở lĩnh vực tôn giáo mà bằng cách đặt vấn đề nghi ngờ về sự tồn tại của sở hữu tư nhân.

Bản thân Cromwell đã nghiền nát cánh tả đại diện bởi những người Leveller và Digger, nhưng những thương nhân Presbyterian giàu có thuộc khu City ở London không cảm thấy an toàn cho đến khi họ vời Charles từ Pháp quay trở lại, sau khi Cromwell chết. Sự thỏa hiệp với nhà Stuarts không kéo dài, và giai cấp tư sản buộc phải loại bỏ James người kế nhiệm Charles khỏi ngai vàng. Nhưng thời gian này không có việc đặt vấn đề kêu gọi sự ủng hộ của quần chúng. Thay vào đó họ kêu gọi sự phục vụ của người Tinh Lành Hà Lan, William Da Cam, để chiếm lấy ngai vàng nước Anh, với điều kiện chấp nhận quyền lực của Quốc hội. Thỏa hiệp này, được biết đến là “Cách mạng Vinh quang” (mặc dù nó chẳng cách mạng và cũng chẳng vinh quang) đã thiết lập một lần và cho tất cả quyền lực của tư sản Anh.

Sân khấu đã được sắp đặt để phục vụ sự phát triển nhanh chóng của thương mại và công nghiệp, song hành bằng những bước tiến khổng lồ của khoa học. Trong lĩnh vực triết học, tuy vậy, nó không sản sinh ra kết quả vĩ đại nào. Những giai đoạn như vậy, không có lợi cho những khái quát hóa triết học đại cương. Plekhanov viết “Thời đại mới sinh ra những cảm hứng mới, cảm hứng mới sinh ra các triết học mới.” Thời kỳ cách mạng anh hùng đã là dĩ vãng. Giai cấp thống trị mới không muốn nghe đến những điều ấy nữa. Họ thậm chí đặt tên cho cuộc cách mạng thực sự đã giúp họ đập tan sức mạnh của những kẻ thù của mình, là “Cuộc Nổi dậy Vĩ đại”. Những người có tiền được dẫn dắt bởi những toan tính thực dụng hẹp hòi, và nhìn vào lý thuyết với sự ngờ vực, mặc dù họ khích lệ nghiên cứu khoa học với những kết quả thực tế, có thể chuyển thành những đồng bảng, những đồng shilling và những đồng pence. Chủ nghĩa vị kỷ hèn hạ này tràn ngập tư duy triết học của thời kỳ, ít nhất ở Anh, nơi nó chỉ được chấn hưng bởi những tác phẩm của các nhà văn châm biếm như Swift và Sheridan.

Phát triển tiếp theo của khuynh hướng thực nghiệm đã bộc lộ tính cách hạn chế của nó, rốt cục đưa triết học Anglo-Saxon vào một cul-de-sac [ngõ cụt] mà từ đó nó vẫn chưa ngoi lên được. Mặt tiêu cực của “Chủ nghĩa duy cảm” là hiển nhiên trong các tác phẩm của David Hume (1711-76) và George Berkeley (1685-1753). Người sau là giám mục của Cloyne ở Ireland, ông sống vào đúng cuối giai đoạn bão tố khi Ireland đã bị cuốn vào sự hỗn loạn của Nội chiến Anh và những biến loạn tôn giáo và triều đại sau đó, kết thúc ở “Cách mạng Vinh quang” và Trận Boyne, nơi lợi ích của người dân Ireland đã bị phản bội trong một cuộc tranh giành giữa Anh và Hà Lan Tự xưng, cả hai đều không có gì liên quan tới người dân.

Phản chiếu tâm trạng bao trùm của chủ nghĩa bảo thủ triết học, Berkeley bị ám ảnh với nhu cầu phải phản đối những gì ông coi là khuynh hướng lật đổ trong khoa học đương thời, cái ông diễn giải như là sự đe dọa đối với tôn giáo. Là một người sắc sảo, nếu không nói là một nhà tư tưởng độc đáo, ông nhanh chóng nhận ra rằng có thể chộp lấy mặt yếu kém của chủ nghĩa duy vật đang tồn tại, để chuyển nó thành cái đối lập. Ông làm điều đó rất hiệu quả trong tác phẩm quan trọng nhất của ông A Treatise Concerning the Principles of Human Knowledge (1734) (Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người21)

Lấy những tiền đề triết học của Locke làm xuất phát điểm, ông tìm cách chứng minh rằng thế giới vật chất không tồn tại. Lý luận nhận thức của Locke bắt đầu với mệnh đề hiển nhiên: “Tôi giải thích thế giới bằng cảm giác của tôi”. Tuy nhiên, cần phải bổ sung một câu cũng hiển nhiên ngang bằng, rằng thế giới tồn tại độc lập với cảm giác của tôi, và rằng những ấn tượng tôi có được từ cảm giác của tôi là đến từ thế giới vật chất ở bên ngoài tôi. Nếu không chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ nhanh chóng rơi vào chủ nghĩa thần bí và chủ nghĩa duy tâm chủ quan lố bịch nhất.

Berkeley nhận thức rõ rằng một lập trường duy vật nhất quán sẽ dẫn tới sự lật đổ hoàn toàn tôn giáo. Chẳng hạn, ông nghi ngờ sâu sắc nền khoa học mới, cái dường như không để lại chỗ trống nào cho Đấng sáng tạo. Newton thú nhận ông là một người theo tôn giáo. Nhưng giải thích của ông về vũ trụ như một hệ thống khổng lồ của những vật thể chuyển động, tất cả tác động tuân theo các quy luận cơ học, đã gây sốc cho giám mục. Thượng đế đã xuất hiện ở nơi nào? Đúng, Newton gán cho Đấng toàn năng nhiệm vụ khởi động tất cả bằng một cú hích, rồi sau đó, Thượng đế dường như không còn việc gì nhiều để làm!

Locke, giống Newton, không bao giờ từ bỏ tôn giáo, nhưng quyên bố thẳng thừng rằng Thượng đế tồn tại (Tự nhiên thần luận), trong khi không đưa cho Ngài một vai trò thực sự nào trong công chuyện của con người hay tự nhiên, chỉ là chiếc lá thuận tiện che dấu việc không theo tôn giáo. Như Marx nói: “Tự nhiên thần luận, ít ra là đối với nhà duy vật, chỉ là một phương pháp thuận tiện và dễ dàng để thoát khỏi tôn giáo.” (Marx-Engels (1995), Phần 7). Theo sau Newton, Locke vui mừng công nhận sự tồn tại của một vị Thần sốt sắng, người mà sau khi cho vũ trụ một cú hích, đã nghỉ ngơi ở bên rìa bầu trời vĩnh hằng để cho phép những người của khoa học tiến hành công việc của họ. Chính sự tương đồng về mặt triết học của nền quân chủ lập hiến đã được thiết lập như là kết quả của sự thỏa hiệp giữa quốc hội và William III sau “Cách mạng Vinh quang” năm 1688, một cách tình cờ, là lý tưởng chính trị của Locke.

Tuy hiên, vỏ bọc tự nhiên thần luận không lừa gạt được Berkeley một giây phút nào. Rõ ràng có một mắt xích yếu. Chuyện gì xảy ra nếu vũ trụ không khởi đầu theo cách ấy. Chuyện gì xảy ra nếu như nó bao giờ cũng tồn tại? Locke và Newton đã cho rằng, theo các quy luật cơ học căn bản, một vũ trụ hoạt động như một cỗ máy [clockwork] phải được khởi phát bằng một cú hích từ bên ngoài. Nhưng không có cách nào họ có thể phản bác khẳng định trái ngược, rằng vũ trụ bao giờ cũng tồn tại vĩnh cửu. Trong trường hợp đó, vết tích cuối cùng ở vai trò của Đấng sáng tạo đã hoàn toàn biết mất. Locke cũng cho rằng, cùng với vật chất, vũ trụ chứa những bản thể “phi vật chất”, tư duy và linh hồn. Song, như bản thân ông đã thú nhận, kết luận này không nhất thiết phải bắt nguồn từ hệ thống của ông. Ý thức có thể chỉ là một thuộc tính khác của vật chất (trong thực tế nó chỉ chính là nó) – một thuộc tính của vật chất được tổ chức theo một cách nhất định. Cũng ở đây, những thú nhận của Locke trước tôn giáo treo mắc một cách không thoải mái vào những tiền đề duy vật của ông, tuồng như chúng đã được đính thêm vào như một suy tính muộn mằn.

Triết học của Berkeley, như triết học của Hume, là sự thể hiện của một phản ứng chống lại bão tố và căng thẳng cách mạng của giai đoạn trước, trong tư duy của ông nó được đồng nhất với chủ nghĩa duy vật, tức căn nguyên của chủ nghĩa vô thần. Berkeley một cách có ý thức sẵn sàng nhổ tận gốc chủ nghĩa duy vật một lần và cho tất cả, bằng phương thức triệt để nhất – bằng cách phủ nhận sự tồn tại của bản thân vật chất. Bắt đầu bằng khẳng định không thể phủ nhận rằng “Tôi diễn giải thế giới bằng cảm giác của tôi,” ông rút ra kết luận rằng thế giới chỉ tồn tại khi tôi tri giác nó – esse is percipi (tồn là được tri giác). “Tôi nói cái bàn tôi ngồi viết tồn tại, tức là, tôi thấy và sờ mó được nó; còn nếu tôi ở bên ngoài phòng làm việc của tôi, thì khẳng định rằng nó tồn tại có nghĩa là nếu tôi ở trong phòng, ắt tôi có thể tri giác nó [cái bàn], hoặc có một tinh thần nào khác đang thực sự tri giác nó…”22

“Vì, những đối tượng kể trên là gì nếu không phải là những sự vật mà ta tri giác bằng giác quan? Và ta tri giác được những gì ngoài những ý niệm hay cảm giác của riêng ta? Và chẳng phải là nói ngang ngược lấy được khi cho rằng bất kì một sự vật nào trong số đó, hay bất kì sự kết hợp nào của các sự vật đó, sẽ tồn tại mà không cần được tri giác?”23

Do vậy, đây là nơi mà chủ nghĩa kinh nghiệm, hay chủ nghĩa duy vật không nhất quán, dẫn chúng ta tới khi nó tiến tới những kết luận logic hay thực ra là phi logic. Thế giới không thể tồn tại nếu như chúng ta không quan sát nó. Vì đây chính xác là điều Berkeley nói. Thực tế, ông ta thấy kỳ lạ khi mọi người có thể tin khác đi được: “Quả thật có một ý kiến thịnh hành rất kì lạ cho rằng nhà cửa, núi non, sông suối, và tóm lại là mọi đối tượng khả giác, đều có một tồn tại tự nhiên hay thực tồn khác với trạng thái được tri giác của chúng nhờ giác tính.”24. Nảy sinh vấn đề cái gì tạo nên thế giới thực mà chỉ đơn thuần nhờ hành vi tri giác nó. Berkeley đáp: “cái thực thể tri giác, năng động này tôi gọi là tâm trí, tinh thần, linh hồn, hay bản ngã.”25

Tất cả đều rõ ràng và không mập mờ một cách đáng ngưỡng mộ. Đây là học thuyết của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, không có những “nếu” hoặc “nhưng”. Các nhà triết học hiện đại thuộc các học phái khác nhau của chủ nghĩa thực chứng logic đi theo đúng con đường này, nhưng họ không có văn phong của Berkeley lẫn sự trung thực của ông. Hậu quả của mạch tranh luận này là chủ nghĩa thần bí và phi lý trí cực đoan. Xét cho cùng, nó là kết quả của ý niệm cho rằng chỉ có tôi tồn tại, và rằng thế giới chỉ tồn tại bao lâu tôi có mặt và quan sát nó. Nếu tôi bước ra khỏi căn phòng, thì nó không còn tồn tại nữa, và tương tự như vậy. Làm thế nào Berkely đối mặt với phản đối này? Thật dễ dàng. Có thể có những đối tượng không thể tri giác bằng tinh thần của tôi, nhưng chúng được tri giác bởi “tinh thần vũ trụ” của Thượng đế, và chúng tồn tại trong tinh thần ấy. Do vậy, dứt khoát, Đấng toàn năng, người được quy thành tồn tại bấp bênh ở những biên lề của một vũ trụ cơ giới, đã được đưa trở lại với tư cách là “tất cả những dàn đồng ca trên trời lẫn toàn thể sự vật đa tạp dưới trần gian”26 trong một thế giới hoàn toàn không có vật chất. Bằng cách này, Berkeley tin rằng ông đã giành được “thắng lợi dễ dãi và rẻ mạt nhất trần đời”27 trước “các nhà vô thần thảm hại”.28

Theo thuật ngữ triết học thuần túy, triết học của Berkeley có thể phải chịu nhiều phản đối. Thứ nhất, sự phê phán chủ đạo của ông đối với Locke là ông đã nhân đôi thế giới, tức là, ông cho rằng đàng sau những tri giác-cảm giác, cái theo chủ nghĩa kinh nghiệm là những sự vật duy nhất mà chúng ta có thể biết, tồn tại một thế giới sự vật vật chất bên ngoài. Để loại bỏ tính đối ngẫu này, Berkeley đơn giản chối bỏ sự tồn tại của thế giới khách quan. Nhưng điều đó không giải quyết được vấn đề gì. Chúng ta vẫn bị bỏ lại với cái ở bên ngoài tri giác-cảm giác của chúng ta. Sự khác biệt duy nhất là “cái gì đó” không phải thế giới vật chất, có thực, mà theo Berkeley, là thế giới phi vật chất của những linh hồn được tạo ra bởi “tinh thần vũ trụ” của Thượng đế. Nói cách khác, bằng cách coi những ấn tượng có trên giác quan của chúng ta là cái độc lập, tách rời khỏi thế giới vật chất khách quan bên ngoài chúng ta, chúng ta nhanh chóng rơi vào vương quốc của chủ nghĩa duy linh, một hình thức tệ nhất của chủ nghĩa thần bí.

Các lập luận của Berkeley chỉ giữ lại một mức độ nhất quán nếu như người ta chấp nhận tiền đề đầu tiên của ông, rằng chúng ta chỉ có thể biết những ấn tượng-cảm giác, nhưng không bao giờ biết về thế giới thực bên ngoài chúng ta. Ngay từ đầu điều đó đã được đưa ra một cách giáo điều, và tất cả những gì còn lại được suy ra từ định đề ấy. Nói khác, ông tiền giả định cái phải được chứng minh, tức là cảm giác và tư tưởng của chúng ta không phải là sự phản chiếu của thế giới bên ngoài chúng ta mà chỉ tồn tại nhờ chính nó. Chúng không phải là thuộc tính của vật chất tư duy, của bộ não và hệ thống thần kinh, có khả năng được nghiên cứu và hiểu rõ một cách khoa học, mà chỉ là những điều thần bí của thế giới tâm linh, bắt nguồn từ tinh thần của Thượng đế. Những điều thần bí ấy không nhằm kết nối chúng ta với thế giới, mà dựng lên một rào cản không thể xuyên thủng, vượt qua nó chúng ta chắc chắn không thể biết gì hết.

Bằng cách đẩy những lập luận của chủ nghĩa kinh nghiệm đến giới hạn, Berkeley đã thành công ở việc biến nó thành cái đối lập. Engels chỉ ra rằng ngay cả Bacon trong lịch sử tự nhiên của ông đưa ra công thức chế tạo vàng, và Newton khi về già “đã vùi đầu vào việc phân tích Apocalypse của thánh John”29 Như chúng ta sẽ thấy, khuynh hướng tư duy thần bí không biến mất, mà có vẻ lớn mạnh tỷ lệ thuận với tiến bộ của khoa học. Đây là cái giá mà chúng ta phải trả cho thái độ phóng túng của các nhà khoa học những người tưởng tượng một cách sai lầm rằng họ có thể tiến xa mà không cần tới bất cứ một nguyên lý triết học phổ quát nào hết. Bị tống ra khỏi cửa trước, triết học ngay lặp tức bay trở lại từ lối cửa sổ, và bao giờ cũng ở hình thức suy đồi và thần bí nhất.

Cũng như mọi ý niệm xét đến cùng đều xuất phát từ thế giới vật chất khách quan, thế giới mà Berkeley cho rằng không tồn tại, do vậy, phân tích cho đến cùng, chân lý hay điều gì khác của những ý niệm ấy phải được quyết định trong thực tiễn, thông qua thí nghiệm, bằng vô số những quan sát, và trên hết, thông qua hoạt động thực tiễn của con người trong xã hội. Berkeley sống trong thời đại khi khoa học đã phần lớn thành công trong việc giải phóng bản thân nó khỏi sự kìm kẹp chết chóc của tôn giáo, và do vậy nó đã có thể thực hiện nhiều bước tiến vĩ đại nhất. Bằng cách nào tư tưởng của Berkeley phù hợp với toàn bộ điều này? Bằng cách giải thích nào tư tưởng của Berkeley đem lại thế giới vật chất? Làm thế nào để chúng liên hệ tới những khám phá của Galileo, Newton và Boyle? Chẳng hạn, theo Berkeley, lý thuyết hạt về vật chất là không thể đúng được, bởi vì không có gì cho nó là đúng.

Berkeley bác bỏ thuyết hấp dẫn của Newton, bởi vì nó tìm cách giải thích sự vật bằng “những nguyên nhân hữu hình”. Hiển nhiên, do trong khi mặt trời và mặt trăng, là vật chất, có khối lượng, ấn tượng-cảm giác của tôi về những thứ ấy không có gì hết và có thể gây ra lực hút hấp dẫn chỉ trong sự tưởng tượng của tôi. Ông ta mặt khác bác bỏ khám phá toán học quan trọng nhất – giải tích vi phân và tích phân, không có khám phá này những thành tựu của khoa học hiện đại là không thể có được. Nhưng không vấn đề gì. Do quan niệm về tính có thể chia được đến vô hạn của “không gian thực” đi ngược lại các định đề trong triết học của ông, ông ta kịch liệt phản đối khám phá này. Sau khi chống lại những khám phá khoa học chủ đạo ở thời ông, Berkeley kết thúc cuộc đời của mình ở việc ca ngợi những thuộc tính của thuốc sát trùng như là thuốc tiên chữa mọi bệnh tật. Người ta có thể bỏ qua suy nghĩ cho rằng triết học lệch lạc như vậy phải biến mất mà không có vết tích. Không hề. Những tư tưởng của Giám mục Berkeley đã tiếp tục gây ra sức quyến rũ kỳ lạ tới các nhà triết học tư sản cho đến ngày hôm nay, chúng trở thành nguồn gốc và cơ sở thực sự của lý luận nhận thức (“nhận thức luận”) của chủ nghĩa thực chứng logic và triết học ngôn ngữ. Điều này đã được Lenin đề cập một cách xuất sắc trong cuốn sách của ông Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa Kinh nghiệm Phê phán, chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề này.

Dường như không thể tin nổi, triết học phi lý trí và phản khoa học này đã xâm nhập vào tư duy của nhiều nhà khoa học, thông qua chủ nghĩa thực chứng ở những vỏ bọc khác nhau. Ở thời Berkeley tư tưởng của ông không có được nhiều tiếng vọng. Chúng phải chờ đợi bầu không khí tri thức của thời đại mâu thuẫn của chính chúng ta, khi những tiến bộ vĩ đại nhất trong tri thức nhân loại phải chen vai với những thụt lùi về văn hóa nguyên thủy nhất để được chấp nhận trong một xã hội tri thức. Như G. J. Warnock chỉ ra trong cuốn Nhập môn các Nguyên tắc của Tri thức Con người (Introduction to The Principles of Human Knowledge) rằng triết học Berkeley “ở chính thời đại của chúng ta đã giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn rất nhiều so với trước đây”. Do vậy, “một số nhà vật lý hôm nay có xu hướng tán thành chính xác những gì ông ta đã làm, rằng lý thuyết vật lý không phải là vấn đề chân lý thực sự, mà về cơ bản chỉ là sự thuận tiện về toán học và dự đoán.”30

Giá trị của bất cứ lý thuyết hoặc giả thuyết nào xét đến cùng được quyết định bởi liệu nó có thể áp dụng được vào thực tại, liệu nó có gia tăng hiểu biết của chúng ta về thế giới và gia tăng sự làm chủ cuộc sống của chúng ta. Một giả thuyết không làm được một điều nào trong số đó thì vô ích, tức chỉ là một sản phẩm của sự tư biện vô ích, giống như những tranh cãi của các nhà Kinh viện trung cổ xem liệu có bao nhiêu thiên thần có thể nhảy múa trên đầu một mũi kim. Biết bao nhiêu thời gian đã bị lãng phí ở các trường đại học để tranh cãi không hồi kết về những thứ như vậy. Ngay cả Bertrand Russell cũng buộc phải thừa nhận rằng một lý thuyết giống như ở Berkeley, “ngăn cản chúng ta nói về bất cứ điều gì mà bản thân chúng ta không minh nhiên để tâm tới. Nếu như vậy, đó là quan điểm mà không ai có thể thực hiện trong thực tiễn, đó là một khiếm khuyết trong một lý thuyết chủ trương dựa vào những căn cứ thực tiễn” Song ngay câu tiếp theo ông ta cảm thấy buộc phải bổ sung rằng “Toàn bộ vấn đề về sự thẩm tra, và sự liên hệ của nó với tri thức, là khó khăn và phức tạp; do vậy, hiện tại tôi sẽ gạt nó sang một bên.”31 Những vấn đề như vậy chỉ “khó khăn và phức tạp” đối với những ai chấp nhận tiền đề cho rằng tất cả những gì chúng ta có thể biết là những dữ kiện cảm tính, tách rời khỏi thế giới thực. Vì đây là xuất phát điểm của phần lớn các nhà triết học hiện đại, bất kể họ quanh co thế nào, chính họ không sao thoát khỏi cái bẫy do Giám mục Berkeley cài đặt.

Kết thúc chặng đường

Triết học của chủ nghĩa kinh nghiệm, chào đời với những kỳ vọng lớn lao, cuối cùng đi tới chỗ bế tắc nơi David Hume (1711-76). Là một Tory nguyên thuỷ, Hume tin tưởng theo đuổi con đường do Berkeley đã đặt ra, mặc dù có cẩn trọng hơn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Khảo luận về Bản tính Con người ( Treatise on Human Nature) được xuất bản năm 1739 ở Pháp nơi nó thất bại hoàn toàn. Đối với Hume, thực tại chỉ là một chuỗi những ấn tượng, những nguyên nhân của cái không biết và không thể biết được. Ông xem vấn đề tồn tại hay không tồn tại của thế giới là vấn đề không giải quyết được, và là một trong những người đầu tiên trong số các triết gia ấy chuyển ngữ sự ngu dốt của họ của sang tiếng Hy Lạp và gọi nó là agnosticism (bất khả tri). Về căn bản, cái chúng ta có ở đây là sự giật lùi trở về với tư tưởng của những người hoài nghi Hy Lạp, tư tưởng cho rằng thế giới là bất khả tri.

Lý do chủ đạo ở danh tiếng của ông là dựa trên phần nội dung trong tác phẩm của ông có tiêu đề Về Tri thức và Xác suất (Of Knowledge and Probability). Ở đây ông cũng không phải là người đầu tiên, mà chỉ phát triển tư tưởng đã có ở Berkeley, tức là tư tưởng cho rằng không tồn tại tính nhân quả. Tranh luận chống lại các khám phá trong ngành cơ học vừa mới được phát triển, ông tìm cách chỉ ra tính nhân quả không tồn tại trong cơ học, rằng chúng ta không thể nói rằng một sự kiện cụ thể gây ra một sự kiện khác, mà chỉ nói rằng sự kiện này theo sau một sự kiện khác. Do vậy, nếu chúng ta đun sôi một ấm nước tới 100 độ C, chúng ta không nói rằng hành động ấy khiến nước sôi, mà chỉ nói nước sôi sau khi chúng ta đun nóng nước. Hoặc nếu một người bị quật ngã bởi một chiếc xe tải nặng 10 tấn, chúng ta không có quyền khẳng định rằng cái chết của anh ta là do sự kiện ấy gây ra. Nó chỉ tiếp diễn theo thời gian. Tất cả chỉ có vậy.

Tư tưởng này dường như không thể tin nổi? Nhưng nó là kết quả không thể tránh khỏi của việc áp dụng nghiêm ngặt hình thức duy nghiệm hẹp hòi, cái đòi hỏi chúng ta phải kiên định với “sự kiện, và không gì khác ngoài sự kiện”. Tất cả những gì chúng ta có thể nói là một sự kiện này theo sau một sự kiện khác. Chúng ta không có quyền khẳng định rằng một sự vật thực sự gây ra một sự kiện khác, bởi vì điều đó có thể vượt xa sự kiện đơn lẻ được ghi nhận bởi tai và mắt của chúng ta trước một khoảnh khắc cụ thể theo thời gian. Tất cả làm gợi lại lời cảnh báo của Heraclitus trước đây: “Mắt và tai là kẻ làm chứng tồi cho con người nếu như họ có tâm hồn hiểu được ngôn ngữ của họ.”

Một lần nữa, thật kinh ngạc khi để ý rằng, tất cả những tư tưởng triết học tuyệt vời được sản sinh trong hai thế kỷ qua hoặc hơn, các nhà triết học và các nhà khoa học hiện đại chọn lấy các tác phẩm của…Hume làm xuất phát điểm và cảm hứng cho họ! Sự chối bỏ tính nhân quả của ông đã được chộp lấy để mang lại sự hậu thuẫn về mặt ý thức hệ nào đó cho những kết luận triết học sai lầm mà Heisenberg và những người khác đã tìm cách rút ra từ cơ học lượng tử. Chúng ta sẽ nói về đều này sau. Về cơ bản, Hume khẳng định rằng, khi chúng ta nói “A” gây ra “B”, chúng ta chỉ muốn nói rằng hai hành động ấy được quan sát cùng nhau nhiều lần trong quá khứ, và rằng, do đó, chúng ta tin là chúng có thể lặp lại trong tương lai. Tuy nhiên, điều đó không chắc chắn mà chỉ là một niềm tin. Nó không phải là sự tất yếu, mà chỉ là xác suất. Bởi vậy, “tất yếu là cái gì đó tồn tại ở trong tinh thần, chứ không tồn tại ở trong các đối tượng.”

Trên hết, phủ nhận tính nhân quả dẫn chúng ta đến phủ nhận tư duy khoa học và lý tính nói chung. Toàn bộ cơ sở và “raison d’être” (“lý do tồn tại”) của khoa học là nỗ lực đem lại giải thích lý tính cho các hiện tượng tự nhiên đã quan sát được. Từ việc quan sát một số lượng lớn các sự kiện, chúng ta rút ra những kết luận phổ quát, nếu chúng đã được kiểm chứng đầy đủ và cho thấy sự ứng dụng rộng rãi, thì các kết luận ấy có được địa vị của các quy luật khoa học. Dĩ nhiên, mọi quy luật như vậy phản ánh tình trạng của hiểu biết của chúng ta ở một giai đoạn phát triển nhất định của nhân loại, và, do vậy, sẽ bị thay thế bởi những lý thuyết và giả thuyết khác, chúng giải thích sự vật tốt hơn. Trong quá trình ấy, chúng ta dần dần đi tới sự hiểu biết sâu sắc hơn về cả tự nhiên lẫn bản thân chúng ta. Quá trình này cũng vô hạn như chính tự nhiên. Do vậy, đi tìm kiếm một Chân lý Tuyệt đối, cái có thể giải thích tất cả, hay, sử dụng một diễn đạt thời thượng hơn, một Thuyết Vạn Vật (Grand Universal Theory) là cũng giống như đi tìm viên đá triết học.

Sự thật là việc một tổng quát hóa cụ thể có thể trở thành sai lầm tại thời điểm nhất định không cho phép chúng ta loại bỏ hoàn toàn các tổng quát hóa. Hoặc không nó có nghĩa là chúng ta từ bỏ việc đi tìm chân lý khách quan, tìm cách ẩn náu trong thái độ hoài nghi, giống như ở Hume, cái mà, do sự không phù hợp của nó đối với thực tiễn thực sự, dù cho là ở khoa học hay sinh hoạt hằng ngày, thực sự chỉ là sự giả tạo tự phụ, giống như sự giả tạo của những người phủ nhận sự tồn tại của thế giới vật chất, nhưng họ không kiềm chế việc ăn uống, và trong khi kiên định bảo vệ sự không tồn tại của tính nhân quả, họ lại rất cẩn trọng tránh đụng phải những chiếc xe tải nặng 10 tấn vào thời điểm không mong muốn.

Mọi quy luật tự nhiên đều dựa trên tính nhân quả. Thủy triều do lực hấp dẫn của mặt trời và mặt trăng gây ra. Sự chia tách của nguyên tử gây ra vụ nổ hạt nhân. Thiếu thức ăn và nước uống một thời gian dài gây ra chết đói, và bị chiếc xe tải cán qua người cũng gây ra kết quả tương tự theo một cách khác. Sự tồn tại của tính nhân quả là cũng chắc chắn như mọi thứ có thể tồn tại trong thế giới vật chất tội lỗi này của chúng ta. Nhưng vẫn không đủ chắc chắn cho những môn đệ của Hume. Chấp nhận phương pháp tranh luận này, tất cả dự đoán về tương lai trở thành phi lý, bởi vì bao giờ cũng có khả năng sự vật sẽ diễn ra thế khác. Bertrand Russell, cho là với vẻ mặt nghiêm nghị, giải thích: “Tôi muốn nói rằng, ngay cả những kỳ vọng vững chắc nhất của chúng ta, chẳng hạn mặt trời ngày mai sẽ mọc, thì cũng không có chút lý do nào để cho rằng những kỳ vọng ấy nhiều khả năng sẽ được kiểm chứng hơn là không được kiểm chứng.”32 Ông ta nói tiếp: “Ví dụ: (để lặp lại minh họa trước đây) tôi thấy một quả táo, kinh nghiệm quá khứ khiến tôi cho rằng nó sẽ có vị như một quả táo, và không như một miếng thịt bò nướng; nhưng không có sự biện hộ lý tính nào cho sự trông đợi này.”33

Theo Hume, do chúng ta không thể biết gì hết, ông kết luận rằng “mọi lập luận của chúng ta về nguyên nhân và kết quả là phát sinh từ không gì khác ngoài tập quán; và rằng niềm tin đúng là một hành động của cảm tính, hơn là phần nhận thức trong bản tính của chúng ta.”(Hume, Quyển 1, phần 3, mục 4). Nói cách khác, người ta từ bỏ tri thức để đổi lấy niềm tin.

Cần phải nhớ rằng chủ định đã được tuyên bố của tất cả điều này là để loại bỏ siêu hình học ra khỏi tư duy, cái do vậy sẽ bị giới hạn vào một sự liệt kê các “sự kiện” một cách trần trụi và hy vọng là có tính khoa học. Ai đó hóm hỉnh đã từng định nghĩa siêu hình là “một kẻ mù lòa, trong một phòng tối, đang đi tìm một chiếc mũ màu đen không có mặt ở đó”. Câu này đủ mô tả sự dò dẫm siêu hình của những người, bằng cách phủ nhận tính nhân quả ngay lập tức mở cửa cho sự phi lý. Với Hume, triết học kinh nghiệm đi đủ một chu trình. Như Russell nói đúng:

“Kết cục tối hậu của nghiên cứu của Hume về cái được coi là tri thức không phải là cái mà chúng ta phải trông chờ ông ta khao khát. Phụ đề cuốn sách của ông là: ‘Một nỗ lực đưa phương pháp lập luận có tính thực nghiệm vào những chủ đề đạo đức.’ Hiển nhiên là ông ta bắt đầu với niềm tin rằng phương pháp khoa học đem lại chân lý, toàn bộ chân ý, và không gì ngoài chân lý; nhưng ông ta kết thúc với sự thuyết phục rằng niềm tin không bao giờ là lý trí, bởi vì chúng ta không biết gì hết. Sau khi đưa ra những lập luận ủng hộ chủ nghĩa hoài nghi (Quyển I, phần iv, mục i), ông ta tiếp tục, không nhằm phản bác các lập luận, mà quay trở lại với bản tính cả tin.”34

Người ta có thể bị lôi kéo vào câu hỏi đâu là giá trị thực tiễn của triết học ấy. Về vấn đề này không có sẵn câu trả lời từ Hume, ông nhận xét với sự phù phiếm đến tột độ, đợm vẻ yếm thế: “Sự hoài nghi này, theo cả mặt lý tính lẫn mặt cảm tính, là một căn bệnh, không bao giờ có thể chữa khỏi tận gốc, nhưng ắt quay trở lại với chúng ta mọi thời khắc, tuy nhiên chúng ta có thể xua đuổi nó, và đôi khi có vẻ như giải phóng hoàn toàn khỏi nó…Riêng sự vô ý và sự lơ đễnh có thể cho chúng ta phương thuốc chữa trị nào đó. Vì lý do này tôi hoàn toàn dựa vào chúng; và cho điều đó là điều hiển nhiên, dù do ý kiến của độc giả ở thời khắc này có thế nào đi nữa, rằng một tiếng đồng hồ sau anh ta sẽ bị thuyết phục về sự tồn tại của cả thế giới ngoại tại và thế giới nội tại.”35 Đây không phải là triết học thực sự mà chính xác là sự bế tắc có tính siêu hình. Nó không nói cho ta điều gì về thế giới, và nó không dẫn chúng ta tới đâu hết. Đây chính xác là cái mà người ta mong đợi ở một người đã cho rằng không có lý do nào để nghiên cứu triết học ngoại trừ như một cách dễ chịu để thời gian trôi đi. Và thực ra, dĩ nhiên không có lý do gì để nghiên cứu triết học của Hume ngoại trừ như một cách lãng phí thời gian một cách vô nghĩa.

Chúng ta có thể đồng ý với Bertrand Russell về một điều. Triết học của Hume thể hiện “sự phá sản của lý tính của thế kỷ 18”. Tư tưởng của Hume, giống như tư tưởng của Berkeley, thể hiện một bước đi sang hướng của chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Đó là chủ nghĩa kinh nghiệm đã bị đảo lộn. Từ xuất phát điểm cho rằng mọi điều đều học được từ kinh nghiệm, chúng ta đi đến một kết luận cho rằng chẳng có điều gì có thể học được từ kinh nghiệm và quan sát. Đây là cái đối lập hoàn toàn với tinh thần khoa học tiến bộ mà giai đoạn này đã khai mở. Người ta không gặt hái được điều gì tích cực từ thế giới quan như vậy. Do vậy đối với những người mà họ không thể chắc chắn rằng mặt trời sẽ mọc vào ngày mai, chúng ta có thể bỏ lại họ ở nơi mà chúng ta đã tìm thấy họ – đó là bóng tối, nơi họ có thể tìm thấy sự an ủi nào đó cho những khó khăn của mình bằng cách trông chờ cái ngày ăn trái táo có vị như miếng thịt bò nướng.

Sự ra đời của Chủ nghĩa duy vật Pháp

Từ thời điểm này, con đường cho sự phát triển tiếp theo của triết học ở Anh đã bị chặn đứng, nhưng trước đó nó đã mang lại xung lực mạnh mẽ cho phong trào được biết đến là Khai minh Pháp. Sự khác biệt giữa chủ nghĩa kinh nghiệm Anh và chủ nghĩa duy vật Pháp đôi khi được quy cho sự khác biệt về khí chất dân tộc:

“Đưa chủ nghĩa kinh nghiệm của Locke đến kết cục tối hậu của nó, tức là đến chủ nghĩa duy cảm và chủ nghĩa duy vật – chính là nhiệm vụ đã được người Pháp gánh vác. Mặc dầu được sinh trưởng trên mảnh đất của những nguyên tắc của người Anh, và rất sớm trở nên phổ biến ở đó, người Anh đã không thể phát triển chủ nghĩa kinh nghiệm đến hình thái cực đoan mà người Pháp ngay sau đó đã tuyên bố – tức là, đến sự phá hủy hoàn toàn mọi cơ sở của đời sống đạo đức và tôn giáo. Hậu quả cuối cùng này không hợp với tính cách dân tộc Anh.” (Schwegler)36

Không nghi ngờ gì nữa, sự tồn tại của những khí chất dân tộc và truyền thống khác biệt đã đóng một vai trò chủ đạo, như Marx và Engels chỉ ra trong Gia đình thần thánh:

“Sự khác nhau giữa chủ nghĩa duy vật Pháp và chủ nghĩa duy vật Anh là phù hợp với sự khác nhau giữa hai dân tộc đó. Người Pháp đã đem lại tinh thần, xương thịt và sự hùng biện cho chủ nghĩa duy vật Anh. Người Pháp còn cho chủ nghĩa duy vật Anh cái khí khái và cái duyên dáng mà nó còn thiếu. Người Pháp đã làm cho nó trở thành văn minh.” (Marx-Engels (1995), Phần 7)

Tuy nhiên, để giải thích những phong trào lịch sử vĩ đại, chỉ quan tâm đến một mình tính cách dân tộc thôi là không đủ. Một trăm năm trước đó tính cách của người Pháp và người Anh cũng khác biệt, vậy mà không sản sinh ra Hume hay Voltaire, họ là sản phẩm của thời đại của mình, hoặc, đúng hơn, là sản phẩm của sự trùng khớp cụ thể của những hoàn cảnh, xã hội, kinh tế và văn hóa. Triết học của Berkeley và của Hume xuất hiện trong một giai đoạn khi mà tư sản đã giành được chiến thắng, và đang tìm cách đưa cách mạng đến chỗ yên nghỉ cuối cùng. Triết học của Concordet, Diderot và Voltaire thuộc về một giai đoạn hoàn toàn khác – một giai đoạn của sự sục sôi xã hội và tri thức đã dẫn đến cách mạng 1789-93. Ở một ý nghĩa quan trọng cuộc đấu tranh của “các nhà triết học” chống lại tôn giáo và chính thống là sự chuẩn bị cho sự kiện phá ngục Bastille. Trước khi trật tự cũ bị lật đổ thực sự, đầu tiên phải phơi bày sự thừa thãi của nó trước tinh thần của mọi người.

Trong bài luận xuất sắc về Holbach và HelvŽtius, Plekhanov đã nói như sau về triết học Pháp thế kỷ 18:

“Triết học duy vật thế kỷ 18 là một triết học cách mạng. Nó đơn thuần là sự thể hiện về mặt ý thức hệ của cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản cách mạng chống lại tăng lữ, quý tộc, và nền quân chủ chuyên chế. Khỏi phải nói, trong cuộc đấu tranh của nó chống lại một hệ thống lạc hậu, giai cấp tư sản không việc gì phải tôn kính một thế giới quan gắn chặt với quá khứ và đã thần thánh hóa hệ thống đáng ghê tởm ấy. `Thời đại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, thì triết học khác nhau,’ như Diderot đã nói tuyệt vời như vậy trong bài viết về Hobbes trong EncyclopŽdie [Bách khoa thư]’”37

Tư tưởng của Locke đã tác động mạnh mẽ tới Abbe de Condillac (1715-80). Condillac chấp nhận học thuyết của Locke cho rằng mọi tri thức bắt nguồn từ cảm giác, nhưng thậm chí còn tiến xa hơn, ông cho rằng tất cả những quá trình tinh thần, thậm chí cả ý chí, chỉ là cảm tính đã bị sửa đổi. Ông thực sự không bao giờ phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế, nhưng tuy vậy ông kiên định cho rằng chỉ có vật chất tồn tại. Một kết luận rất khác thường đối với người vốn là một linh mục. Một học trò khác của Locke, Claude Adrien HelvŽtius (1715-71), người mà Marx đã nói “chủ nghĩa duy vật mang tính chất riêng của Pháp” (Marx-Engels (1995), Phần 7). HelvŽtius thẳng thắn đến nỗi những người bạn duy vật của ông phải sửng sốt, và không dám theo ông ở những kết luận táo bạo.

Baron Holbach (1723-89), mặc dù là một người Đức, đã sống phần lớn cuộc đời tại Pháp, nơi ông giữ vai trò chủ đạo trong phong trào duy vật. Cũng như HelvŽtius, ông bị Giáo hội ngược đãi, và cuốn sách của ông Le Système de la Nature [Hệ thống của giới tự nhiên] đã bị đốt công khai theo lệnh của Quốc hội Paris. Là một nhà duy vật kiên định, Holbach đã tấn công tôn giáo và chủ nghĩa duy tâm, đặc biệt là những tư tưởng của Berkeley. Locke đã cho rằng vật chất có thể sở hữu quan năng của tư duy, và Holdbach đã nồng nhiệt tán thành, nhưng không như Locke, ông đã sẵn sàng rút ra mọi kết luận, ném tôn giáo và Giáo hội ra ngoài cửa sổ:

“Nếu chúng ta tham khảo kinh nghiệm, chúng ta sẽ thấy rằng chính ở trong những ảo tưởng và chính kiến tôn giáo chúng ta tìm thấy nguồn gốc thực sự của hàng loạt tội lỗi mà chúng ta chứng kiến ở khắp nơi đang nhấn chìm nhân loại. Việc thờ ơ với những nguyên nhân tự nhiên đã đẫn đến việc nó sáng tạo ra những Thượng đế của mình; sự lừa dối đã làm cho cái sau đáng khiếp sợ; một quan niệm độc hại trong số ấy đã theo đuổi con người nhưng không làm cho anh ta tốt hơn một chút nào, khiến anh ta run sợ một cách vô ích, lấp đầy trí óc anh ta bằng những con ngáo ộp, đi ngược lại sự tiến bộ của lý tính, và ngăn cản sự mưu cầu hạnh phúc. Những nỗi sợ ấy khiến anh ta trở thành nô lệ của những kẻ lừa gạt anh ta bằng cái cớ quan tâm đến điều tốt đẹp cho anh ta; anh ta gây tội ác khi họ bảo anh ta rằng Thượng đế của anh ta kêu gọi anh ta gây tội ác; anh ta sống trong sự bất hạnh bởi vì anh ta phải lắng nghe Thượng đế của anh ta kết tội anh ta phải khổ sở; anh ta không bao giờ dám chống lại Thượng đế của mình hoặc rũ bỏ xiềng xích của mình, người ta nhồi nhét anh ta rằng sự đần độn, sự từ bỏ lý tính, sự uể oải về tinh thần và sự hạ thấp phẩm giá của tâm hồn là phương thức tốt nhất để giành được hạnh phúc vĩnh cửu.”38

La Mettrie (1709-51) còn tiến xa hơn khi nhận ra rằng mọi hình thức của sự sống, thực vật và động vật (gồm cả con người), đều cấu thành từ vật chất được tổ chức theo những cách thức khác nhau. Các tác phẩm chính của ông là cuốn sách nổi tiếng L’ Homme Machine, (Con người, một Cỗ máy), và Le Système d’Epicure (Hệ thống Epicurus). Le Mettrie phần nào đi theo Descartes, người đã nói rằng động vật là những cỗ máy theo nghĩa rằng chúng không thể tư duy. Tiếp nhận điều này theo đúng nghĩa như vậy, La Mettrie đã nói rằng thế thì con người cũng phải là một cỗ máy, bởi vì không có sự khác biệt về chất giữa con người và động vật. Điều này chỉ phản chiếu sự ảnh hưởng vượt trội của cách tư duy cơ giới tới tư duy khoa học của thời đại.

Chủ định của La Mettrie là nhằm phản đối tư tưởng cho rằng con người là một sáng tạo đặc biệt của Thượng đế, một cái gì đó hoàn toàn đứng tách riêng ra khỏi phần còn lại của giới tự nhiên, bằng đặc quyền của một tâm hồn bất tử. Lập luận này, thực vậy, đã bị bác bỏ bởi các nhà duy vật Anh và nhà khoa học Joseph Priestley, ngày nay chủ yếu được nhớ đến là người khám phá ra khí ô-xy.

“Khả năng cắt gọt, ở một con dao, phụ thuộc vào sự cố kết nhất định, và sự sắp xếp của các bộ phận cấu thành nên nó. Nếu chúng ta giả sử con dao cạo này bị hòa tan hoàn toàn trong dung dịch a-xít, khả năng cắt của nó dĩ nhiên sẽ mất đi, hoặc không còn nữa, mặc dầu trong quá trình ấy không có hạt kim loại nào cấu thành nên con dao cạo bị hủy diệt; hình dạng trước đây của nó, và năng lực cắt của nó, v.v., có thể được phục hồi sau khi kim loại đã lắng kết. Do vậy khi một cơ thể bị phân rã bởi quá trình thối rữa, năng lực tư duy của nó chấm dứt hoàn toàn.”39

La Mettrie cho rằng tư duy là một trong số các thuộc tính của vật chất:

“Tôi tin rằng tư duy rất ít khả năng xung khắc với vật chất đã được tổ chức đến mức nó dường như là một thuộc tính của vật chất ấy theo cùng cách thức như điện, khả năng vận động, tính không thể xuyên qua được, quảng tính, v.v..”40

Từ chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy lý triệt để của phong trào Khai minh dễ dàng rút ra những kết luận có tính cách mạng, và người ta đã làm điều đó. Voltaire (1694-1778), mặc dù không thực sự là một nhà triết học, đã đóng một vai trò nổi bật trong phong trào này, với tư cách là một nhà văn, nhà sử học và người viết sách mỏng. Ông bị bắt hai lần vì những bài văn châm biếm chính trị, và sống phần lớn cuộc đời bên ngoài nước Pháp. Đóng góp vĩ đại nhất của Voltaire là sự hợp tác của ông với Diderot trong Bách khoa thư vĩ đại (1751-80) một nhiệm vụ đồ sộ đã đem lại một sự tổng hợp có tính hệ thống về tất cả tri thức khoa học của thời đại. Một thiên hà các nhà tư tưởng Pháp vĩ đại đã tham gia vào nhiệm vụ độc nhất này Montesquieu, Rousseau, Voltaire, Holbach, HelvŽtius, và những triết gia tiến bộ và duy vật khác đã hội tụ để sản sinh ra một công trình có tính chiến đấu nhằm chống lại nền móng của trật tự xã hội hiện hành, cùng với triết học và đạo đức của trật tự ấy.

So với các tác phẩm của các nhà duy vật Pháp, quan điểm triết học của Jean-Jacques Rousseau thể hiện một bước lùi. Tuy nhiên ở lĩnh vực phê phán xã hội, ông đã cho ra một số kiệt tác, và Engels đặc biệt lựa chọn ca ngợi tác phẩm Nguồn gốc của Bất bình đẳng giữa con người. Dẫu vậy, do ông không phải là một nhà triết học thực sự theo đúng nghĩa, ở đây chúng ta sẽ không đi vào các tư tưởng của ông một cách đầy đủ hơn.

Nói chung, các tác giả ấy đã chuẩn bị nền móng cho cách mạng tư sản 1789-93. Những phản đối kịch liệt của họ được hướng sang chống lại tội ác của chế độ phong kiến và Giáo hội. Tư tưởng của hầu hết trong số họ là quân chủ lập hiến. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy rằng sau này người ta bắt đầu rút ra các kết luận xã hội và cộng sản từ các tác phẩm của họ như thế nào:

Marx và Engels viết:

"Không cần phải thông minh lắm mới thấy được mối liên hệ tất yếu giữa học thuyết của chủ nghĩa duy vật về tính thiện bẩm sinh và sự ngang nhau về trí lực của con người, về tính vạn năng của kinh nghiệm, của tập quán và của giáo dục, về ảnh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài đối với con người, về ý nghĩa quan trọng của công nghiệp, về tính hợp lý của hưởng lạc, v.v., với chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Nếu như người ta thu được mọi tri thức và cảm giác, v.v., của mình từ thế giới cảm tính và từ kinh nghiệm trong thế giới cảm tính thì do đó cần phải tổ chức thế giới xung quanh sao cho người ta nhận thức và lĩnh hội được ở đó cái gì thực sự hợp với tính người, sao cho người ta thấy được mình là con người.

“Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức thì do đó cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người. Nếu như người ta không có tự do theo ý nghĩa duy vật, nghĩa là nếu như không phải nhờ lực lượng tiêu cực lẩn tránh cái này cái nọ mà nhờ lực lượng tích cực thể hiện cá tính chân chính của mình mà con người ta có được tự do thì không nên trừng phạt những hành vi tội lỗi của cá nhân riêng lẻ mà nên tiêu diệt nguồn gốc phản xã hội đẻ ra tội lỗi, và đem lại cho mỗi người địa bàn xã hội cần thiết để biểu lộ sức sống trọng yếu của anh ta. Nếu như tính cách con người là do hoàn cảnh tạo nên thì do đó phải làm cho hoàn cảnh hợp với tính người. Nếu như con người bẩm sinh đã là sinh vật có tính xã hội thì do đó con người chỉ có thể phát triển bản tính chân chính của mình trong xã hội và cần phải phán đoán lực lượng của bản tính của anh ta, không phải căn cứ vào lực lượng của cá nhân riêng lẻ mà căn cứ vào lực lượng của toàn xã hội.” (Marx-Engels (1995), Phần 7)

Tài liệu Tham khảo

George Berkeley, Đinh Hồng Phúc và Mai Sơn dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. 2014. Một nghiên cứu về các nguyên tắc nhận thức của con người. NXB Tri thức.

Marx, Engels. 2004. Toàn tập (doc format). Vol 20. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia - Sự thật.

Marx-Engels. 1983. Tuyển tập. Vol V. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1995. Toàn tập - Gia đình thần thánh. Vol 2. NXB Chính trị quốc gia, t.2, tr.13-316. https://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1845/gia_dinh_than_thanh.


  1. Marx (2004), Biện chứng của tự nhiên, tr. 459.

  2. Marx (2004), Biện chứng của tự nhiên, tr. 461.

  3. F. Bacon, The Advancement of Learning, tr. 26.

  4. Sđd., tr. 201.

  5. sđd., tr. 133.

  6. sđd.

  7. Hegel, Triết học Lịch sử, tr. 10.

  8. Sđd., tr. 529.

  9. Marx (2004), Biện chứng của tự nhiên, tr. 496.

  10. sđđ tr. 671.

  11. Marx-Engels (1983), Chống Duhring, tr. 35-36.

  12. Leviathan, tr. 3.

  13. sđd. tr. 7.

  14. sđd. tr. 15-6.

  15. sđd. tr. 13.

  16. sđd, tr. 1.

  17. Hooper trích dẫn, sđd., tr. 322

  18. Bernal, sđd., tr. 343.

  19. Forbes and Dijksterhaus, sđd., Vol. 1, tr. 247.

  20. Marx (2004), Biện chứng của tự nhiên, tr. 463-4.

  21. George Berkeley (2014)

  22. George Berkeley (2014), §3

  23. George Berkeley (2014), §4

  24. George Berkeley (2014), §4

  25. George Berkeley (2014), §2

  26. George Berkeley (2014), §6

  27. George Berkeley (2014), §93

  28. George Berkeley (2014), §92

  29. Marx (2004), Biện chứng của tự nhiên, tr. 496.

  30. G. J. Warnock, The Principles of Human Knowledge, tr. 25.

  31. Sđd tr. 632.

  32. Sđd. tr. 64

  33. sđd, tr. 643.

  34. nđd, tr. 644.

  35. Sđd., tr. 64.

  36. Schwegler, sđd., tr. 184.

  37. Plekhanov, Selected Philosophical Works, Quyển 2, tr. 45.

  38. Trích dẫn trong Plekhanov, sđd., tr. 72.

  39. Trích dẫn trong Plekhanov, sđd. , tr. 82., ghi chú.

  40. Sđd., tr. 333.