Đây là bản dịch Chương 3 của phiên bản online cũ của cuốn Lịch sử triết học của tác giả Alan Woods. Cuốn sách này đã được cập nhật bổ sung và xuất bản với tựa đề History of Philosophy: A Marxist Perspective

Cảm ơn tác giả và ban biên tập đã cho phép tôi dịch và duy trì các nội dung đã dịch từ cuốn sách cũ để phục vụ bạn đọc Việt nam. Các nội dung đã dịch sẽ được cập nhật theo phiên bản mới của cuốn sách.

Tham khảo: Chương 1: Chúng ta có cần triết học không?, Chương 2: Những nhà biện chứng đầu tiên, Chương 4: Thời kỳ Phục hưng, Chương 5: Descartes, Spinoza và LeibnizChương 6: Triết học Ấn Độ và Hồi giáo.

Cập nhật lần cuối: 2022-02-11 ICT

Tranh cuả Charles Laplante, 1866 / Image: Public Domain

Tranh cuả Charles Laplante, 1866 / Image: Public Domain

Aristotle và sự cáo chung của triết học Hy Lạp cổ đại

Marx gọi ông là “bộ óc bách khoa nhất trong số các nhà tư tưởng cổ đại”. Aristotle sống từ năm 384 đến 322 TCN, ông không sinh ra ở Athens mà ở Stagira, Thrace. Ban đầu là học trò của Plato, ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng triết học của Plato trong hơn 20 năm, nhưng rõ ràng trở nên bất mãn với triết học ấy. Sau khi Plato chết, ông rời bỏ viện Hàn lâm và sau này trở thành thầy của Alexander. Ông trở về Athens vào năm 335 TCN, để thành lập trường học của riêng mình, Lyceum. Ông là bộ óc lỗi lạc, am hiểu một số lượng lớn các bộ môn – logic học, tu từ học, đạo đức học, khoa học chính trị, sinh học, vật lý học và siêu hình học (metaphysics) (“cái đến sau vật lý học”, nghiên cứu về những nguyên lý và định đề đầu tiên). Ông là nhà sáng lập thực sự của logic học, lịch sử tự nhiên, học thuyết về đạo đức, và thậm chí cả kinh tế học.

Triết học Aristotle đánh dấu một sự đoạn tuyệt dứt khoát với triết học Plato. Ở nhiều phương diện nó đối lập hoàn toàn. Thay vào phương pháp duy tâm, cái quay lưng lại với thực tại nhằm tìm chỗ ẩn náu trong một thế giới của những ý niệm và hoàn toàn hình thức, Aristotle tiếp tục từ những dữ kiện cụ thể của tri giác cảm giác, và từ đó đi đến những nền móng và nguyên lý tối hậu. Trong khi Plato xuất phát từ ý niệm, rồi cố gắng giải thích thực tại từ đó, Aristotle xuất phát từ thực tại, cẩn trọng xem xét một số lượng lớn dữ kiện và hiện tượng, nhằm rút ra từ đó một loạt những suy diễn khái quát. Tức là nói, ông đã sử dụng phương pháp quy nạp.

Mối quan tâm của Aristotle với vật lý học và sinh học là một minh chứng cho cách tiếp cận tổng thể của ông, tình yêu của ông đối với thực nghiệm và quan sát như là nguồn gốc chủ đạo của tri thức. Ở đây, ông là nhà tiên phong của phương pháp khoa học hiện đại. Khi Alexander Đại đế tham gia những cuộc chinh phạt, ông tìm cách gửi về cho Aristotle những chi tiết và hình vẽ của những khám phá về thực vật và động vật. Một điều khác biệt với Plato, người xem thế giới vật chất thô thiển của tự nhiên là không đáng để ông bận tâm! Aristotle dành nhiều năm thu thập, sắp xếp, và phân loại thông tin từ mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, Aristotle không chỉ đơn thuần thu thập các dữ kiện. Dựa trên thông tin xuất phát từ thế giới vật chất khách quan, ông tiến hành khái quát hóa. Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Siêu hình học, ông nghiên cứu ý nghĩa của những khái niệm phổ quát. Trong quá trình đó, ông tổng kết và phê phán các triết học trước đó, và do vậy có thể xem ông là người đầu tiên viết lịch sử triết học. Cần phải lưu ý rằng điều này không liên quan gì đến cách sử dụng chữ “siêu hình học” trong các tác phẩm của Marx và Engels, nơi nó được sử dụng theo nghĩa hoàn toàn khác – tức là như một cách diễn tả thế giới quan cơ giới hẹp hòi của các triết gia duy vật phi-biện chứng ở thế kỷ 18 và thế kỷ 19. Thực tế, “siêu hình học” của Aristotle chiếm giữ vị thế tương tự như phép biện chứng trong triết học của Plato.

Trong Siêu hình học, Aristotle lần đầu tiên đem lại một mô tả có tính hệ thống cho một số phạm trù cơ bản của phép biện chứng. Thực tế này thường bị bỏ qua, bởi vì ông cũng đề ra các quy luật của logic hình thức (“Aristotlian”), cái thoạt đầu, có vẻ đứng mâu thuẫn với phép biện chứng. Thực tế, đối với Aristotle, logic và biện chứng là hai cách tư duy đều có giá trị. Thực tế đúng là như vậy. Tư duy biện chứng không phủ nhận logic hình thức mà bổ sung cho nó. Chính xác hơn, các quy luật của logic hình thức có giá trị trong những giới hạn nhất định, vượt qua giới hạn đó chúng không hoạt động. Cụ thể là, logic hình thức, dựa trên quy luật đồng nhất, không thể giải quyết vấn đề chuyển động, cái liên quan tới một mâu thuẫn – logic hình thức dứt khoát loại trừ mâu thuẫn. Đối với một loạt những sinh hoạt hằng ngày, các quy tắc của logic hình thức có giá trị và đóng một vai trò hữu ích. Song, khi người ta tìm cách áp dụng những quy luật và hình thức tư duy ấy vào những lĩnh vực mà chúng xung đột với thực tại, chúng trở thành cái đối lập với chúng. Chẳng những không giúp chúng ta hiểu sự vận động của tự nhiên, chúng trở thành nguồn gốc bất tận cho sai lầm, kìm hãm sự phát triển của khoa học và tri thức.

Toàn bộ logic hình thức được đặt cơ sở trên ba định đề, tạo thành phép tam đoạn luận Aristotle cơ bản:

  1. quy luật đồng nhất (“A” = “A”)
  2. quy luật mâu thuẫn (“A” không bằng “không A”) và
  3. quy luật bài trung (hay quy luật loại trừ cái thứ ba) (“A” không phải “B”)

Hơn 2000 năm qua, đây là hòn đá tảng của mọi logic. Vào cuối thế kỷ 18, Kant đã có thể nói rằng logic, từ Aristotle, không tiến một bước nào cũng không lùi một bước nào. Mặc cho mọi biến động mà khoa học trải nghiệm trong thời gian đó, các quy luật logic vẫn vững như bàn thạch, dưới những dạng thức do Aristotle đã đề ra, và sau này bị cải biến thành giáo điều của Giáo hội trung cổ. Nhưng phép tam đoạn luận Aristotle cơ bản trên đó toàn bộ công trình được xây dựng là dựa trên một tiền đề sai lầm. Trước hết, dù bề ngoài của một tiến bộ logic, đây là một ảo tưởng. Tất cả ba khẳng định, thực ra, đã được chứa đựng trong định đề đầu tiên “A” là “A.” Mọi thứ đứng vững hoặc sụp đổ cùng với định đề này, “quy luật đồng nhất.”

Thoạt đầu, chân lý của định đề này dường như là hiển nhiên. Giống như quy luật mâu thuẫn, cái chỉ là cách nói phủ định về cùng một quy luật, nó dường như không phải chịu sự phản đối nào.

“Có người cho rằng (a) một sự vật có thể vừa là nó lại vừa là cái khác, và (b) do vậy không thể nào phán xét. Nhiều nhà vật lý cũng đã sử dụng ngôn ngữ theo cách này. Bây giờ chúng ta vừa cho rằng một sự vật không thể vừa là nó và vừa không phải là nó, và chúng ta cũng chỉ ra đó là nguyên lý hiển nhiên nhất trong số các nguyên lý. Việc đòi hỏi chúng ta phải chứng minh định luật này chứng tỏ một sự thiếu giáo dục trong môn logic học – tức khoa học cho phép người ta nhận ra cái gì đòi hỏi bằng chứng và cái gì không đòi hỏi bằng chứng. Không thể tuyệt đối có bằng chứng cho mọi sự vật: quá trình sẽ tiếp diễn vô hạn định, và kết quả cũng chẳng chứng minh được điều gì. Mặt khác, nếu thừa nhận rằng một số sự vật không đòi hỏi bằng chứng, thì cho tôi hỏi, có nguyên lý nào là hiển nhiên hơn quy luật mâu thuẫn không?” (Aristotle, Metaphysics, tr. 125.)

Thật thú vị khi để ý rằng ở đây Aristotle, người thường quan tâm tột bậc tới việc chứng minh từng định đề của mình bằng một quá trình lập luận chặt chẽ, ông không tìm cách chứng minh luật mâu thuẫn, mà chỉ giáo điều khẳng định nó. Nó xứng đáng được chấp nhận như một “lẽ phải thông thường” (“lương thức”). Nhưng, xem xét kỹ lưỡng hơn, vấn đề không hề đơn giản như vậy. Trong đời sống hiện thực, một vật vừa là nó vừa không phải là nó, bởi vì nó không ngừng biến đổi. Bạn không nghi ngờ rằng bạn là bạn. Nhưng cùng lúc bạn đọc những dòng chữ này, hàng tỷ sự biến đổi đang diễn ra trong cơ thể bạn – các tế bào chết đi và được thay thế. Cơ thể gồm các mô, chúng đang không ngừng phân nhỏ và được thay thế, không ngừng loại bỏ chất thải và vi khuẩn, không ngừng đào thải carbon dioxide qua các lá phổi, không ngừng mất nước qua mồ hôi và bài tiết, và vân vân. Những thay đổi không ngừng ấy là cơ sở cho mọi sự sống. Chúng có nghĩa là, tại bất cứ khoảnh khắc nào, cơ thể là chính nó và cũng là cái gì đó khác biệt với nó. Do vậy bạn không còn là chính bạn như trước. Cũng không thể nào tránh được thực tế đó bằng cách tranh luận rằng bạn là bạn tại một thời khắc chính xác trong thời gian, bởi vì ngay cả trong ngăn thời gian nhỏ nhất, sự biến đổi vẫn diễn ra.

Đối với những mục đích thông thường, chúng ta có thể chấp nhận rằng A = A, rằng bạn là bạn chứ không phải ai khác. Lý do là ở chỗ loại thay đổi mà chúng ta đang nói đến là quá nhỏ và có thể bỏ qua cho những mục đích thông thường. Song, qua một thời gian dài, 20 năm chẳng hạn, có thể nhận ra sự khác biệt. Và trong 100 năm, sự khác biệt có thể đủ để người ta kết luận rằng bạn không còn là bạn nữa! Vả lại, điều này không chỉ áp dụng cho giới sinh vật. Vật chất vô cơ cũng trong trạng thái không ngừng biến đổi, cho nên mọi vật vừa là nó vừa không phải là nó, bởi vì, như Heraclitus diễn đạt xuất sắc “mọi vật đều trôi qua.”

Đối với những mục đích thông thường, chúng ta chấp nhận luật đồng nhất. Thực ra, điều đó là không thể thiếu được, nếu không tư duy sẽ tan biến vào sự bối rối đến tột cùng. Nhưng đối với các tính toán chính xác hơn, hoặc các vận tốc lớn hơn gần với vận tốc ánh sáng, hoặc đối với một loạt những tình huống tới hạn, quy luật ấy hoá ra không thỏa đáng. Tại một điểm nhất định, một sự tích lũy của những thay đổi nhỏ về lượng gây ra sự thay đổi căn bản về chất. Tất cả điều đó vẫn là một cuốn sách đóng đối với logic hình thức, yếu kém căn bản của nó là sự bất lực khi đối mặt với sự vật trong sự vận động và [sống động].

Tương tự với quy luật bài trung, nó tuyên bố rằng cần thiết phải hoặc khẳng định hoặc phủ định, rằng một vật phải hoặc là trắng hoặc là đen, hoặc là sống hoặc là chết, hoặc là “A” hoặc là “B.” Nó không thể cùng lúc là cả hai. Đối với những mục đích hằng ngày, chúng ta có thể coi điều đó là đúng thật. Thực ra, không có những giả thiết ấy, không thể có được một tư duy rõ ràng và nhất quán. Trong giai đoạn suy tàn của lối ngụy biện, việc đùa giỡn với biện chứng một cách tùy tiện đã trở thành một thói quen, nó bóp méo phương pháp lập luận nhằm chứng tỏ tính thực dụng của mọi tư kiến. Aristotle kiên định xoá bỏ sự lộn xộn gây ra bởi phương pháp biện chứng chủ quan của lối ngụy biện, do vậy ông nhấn mạnh vào các định đề logic [sơ cấp].

Tuy nhiên, khi chúng ta rời bỏ vương quốc của trải nghiệm hằng ngày và xem xét các quá trình phức tạp hơn, thì phân biệt “A” với “B” là vấn đề không hề đơn giản. Sự khăng khăng giáo điều đòi loại bỏ mâu thuẫn dẫn tới một hình thức siêu hình học trong tư duy theo nghĩa cụ thể được Marx và Engels hiểu rõ, như được giải thích trong Chống Duhring, tác phẩm chỉ ra những hạn chế của các quy luật logic hình thức khi đối mặt với thực tại mâu thuẫn của tự nhiên:

"Đối với nhà siêu hình học thì những sự vật là phản ánh của chúng vào tư duy, tức là những khái niệm, đều là những đối tượng nghiên cứu riêng biệt, cố định, cứng đờ, vĩnh viễn, phải được xem xét cái này sau cái kia, cái này độc lập với cái kia. Nhà siêu hình học suy nghĩ rằng những sự tương phản hoàn toàn trực tiếp; họ nói: có là có, không là không, ngoài cái đó ra là của ma quái. Đối với họ thì sự vật hoặc là tồn tại hoặc là không tồn tại: một sự vật không thể vừa là bản thân nó lại vừa là một sự vật khác.

“Cái khẳng định và cái phủ định tuyệt đối bài trừ lẫn nhau; nguyên nhân và kết quả cũng đối lập hẳn với nhau. Phương pháp tư duy ấy mới xem thì có vẻ hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi vì nó là phương pháp của cái mà người ta gọi là lý trí lành mạnh của con người. Nhưng lý trí lành mạnh của con người ta, tuy là một người bạn đường rất đáng kính trong bốn bức tường của sinh hoạt gia đình, cũng sẽ trải qua những câu chuyện phiêu lưu kỳ lạ nhất một khi nó mạo hiểm bước vào thế giới nghiên cứu rộng lớn; và phương pháp nhận thức siêu hình, dù được coi là chính đáng và thậm chí là cần thiết trong những lĩnh vực nhất định ít nhiều rộng lớn tùy theo tính chất của đối tượng nghiên cứu, nhưng chóng hay chầy nó cũng sẽ gặp phải một ranh giới mà nếu vượt quá thì nó trở thành phiến diện, hạn chế, trừu tượng và sa vào những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được, vì nó chỉ nhìn thấy những sự vật cá biệt mà không nhìn thấy mối liên hệ qua lại giữa những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy sự tồn tại của những sự vật ấy mà không nhìn thấy sự phát sinh và sự tiêu vong của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy trạng thái tĩnh của những sự vật ấy mà quên mất sự vận động của những sự vật ấy, chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng. Thí dụ, trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta biết và có thể nói một cách chắc chắn rằng một con vật đang tồn tại hay không tồn tại; nhưng nghiên cứu kỹ hơn nữa thì chúng ta lại thấy rằng đôi khi đó lại là một vấn đề hết sức rối rắm như các luật sư đã hiểu rất rõ điều đó khi phải vò đầu bứt tai để tìm ra một giới hạn hợp lý mà nếu vượt quá thì việc giết một cái thai trong bụng mẹ sẽ bị cọi là tội giết người; cũng như không thể xác định một cách chính xác lúc chết là lúc nào, bỏi vì sinh lý học chứng minh rằng cái chết không phải là một sự kiện đột ngột và trong nháy mắt, mà là một quá trình rất dài.”

"Cũng giống như trong mỗi giây lát, bất kỳ một vật hữu cơ nào cũng vừa là bản thân nó, vừa không phải là bản thân nó; trong mỗi giây lát nó tiêu hóa những chất mà nó nhận được từ ngoài vào và bài tiết những chất khác ra khỏi nó; trong mỗi giây lát, một số tế bào trong cơ thể của nó chết đi và những tế bào khác được hình thành; sau một thời gian dài hay ngắn, những chất của cơ thể ấy đổi mới hoàn toàn và được những nguyên tử vật chất khác thay thế, thành thử mỗi vật hữu cơ bao giờ cũng là bản thân nó nhưng lại không phải là bản thân nó.

"Khi xem xét kỹ hơn, chúng ta cũng thấy rằng hai cực của một thể đối lập – cái khẳng định và cái phủ định – cũng không thể tách rời nhau giống như chúng không thể không đối lập với nhau, và mặc dầu tất cả sự đối lập giữa chúng với nhau, chúng vẫn thâm nhập lẫn nhau; cũng như chúng ta thấy rằng nguyên nhân và kết quả là những quan niệm chỉ có ý nghĩa với tư cách là như vậy khi được áp dụng vào những trường hợp cá biệt nhất định; nhưng một khi chúng ta nghiên cứu trường hợp cá biệt ấy trong mối liên hệ chung của nó với toàn thế giới thì những khái niệm ấy lại ăn khớp với nhau và hòa thành quan niệm về sự tác động qua lại phổ biến, trong đó nguyên nhân và kết quả luôn luôn đổi chỗ cho nhau, cái lúc này và ở chỗ này là nguyên nhân thì lúc khác và ở chỗ khác lại là kết quả và ngược lại.

“Tất cả những quá trình ấy và tất cả những phương pháp tư duy ấy không nằm trong khuôn khổ của tư duy siêu hình. Trái lại, đối với phương pháp biện chứng là phương pháp xem xét những sự vật và những phản ánh của chúng vào tư duy chủ yếu là trong mối liên hệ qua lại của chúng trong sự móc xích của chúng, trong sự vận động của chúng, trong sự phát sinh và tiêu vong của chúng, – thì những quá trình như những quá trình nói trên chỉ là những điều chứng thực cho phương pháp nghiên cứu của bản thân nó mà thôi.”1

Tiếc thay, dù không phải là trường hợp duy nhất, tư tưởng lỗi lạc và [đầu tiên] của một thiên tài đã bị hóa cứng và mất hết công dụng trong tay của những người tiếp nối ông. Mặt biện chứng, linh hoạt trong phương pháp của Aristotle, cùng sự nhấn mạnh của phương pháp vào quan sát và thực nghiệm đã biến mất trong một thời gian dài. Các nhà triết học kinh viện trung cổ, chỉ quan tâm đến việc mang lại một cơ sở ý thức hệ cho các học thuyết của Giáo hội, đã tập trung vào logic của ông, diễn giải nó một cách hình thức chủ nghĩa và không có sự sống, tới mức loại bỏ gần như mọi khía cạnh khác. Do vậy, một bộ tư tưởng đáng lẽ phải đem lại một kích thích lành mạnh cho sự phát triển của khoa học, thì đã biến thành cái đối lập với nó – một bộ xiềng xích cho giới trí thức, nó chỉ bị đập tan bởi cuộc nổi dậy cách mạng của thời Phục hưng.

Có một điều mỉa mai sâu sắc về việc Giáo hội đổi hướng tư tưởng của Aristotle. Thực tế, các tác phẩm của ông được thai nghén với tinh thần duy vật mạnh mẽ. Lenin đã xem rằng “Aristotle đã tiến sát tới chủ nghĩa duy vật.”2 Do vậy, không như Plato, ở Aristotle, logic hình thức có liên hệ chặt chẽ với học thuyết về tồn tại và học thuyết về nhận thức, bởi vì ông đã xem các hình thức của tư duy là tồn tại, không phải là những hiện tượng đang tồn tại một cách độc lập, mà là những dạng thức của tồn tại, được biểu đạt trong ý thức con người.

Aristotle bác bỏ hoàn toàn học thuyết về ý niệm của Plato với tư cách là những mô thức bị tách rời. Dĩ nhiên, mục đích của khoa học là nhằm khái quát hóa dựa trên cơ sở của kinh nghiệm. Nhưng sự khái quát chỉ tồn tại và thông qua sự vật vật chất đem lại cho ta bằng tri giác cảm giác. Ông đã hiểu đúng đắn những hạn chế của những nhà duy vật thời kỳ đầu như Thales người tìm cách diễn đạt thế giới vật chất dưới dạng một thể hiện cụ thể đơn nhất, như nước chẳng hạn. Ông coi vật chất là bản thể vĩnh cửu, cái luôn biến đổi, không thể tạo ra được hay không thể tiêu diệt được, cũng không có khởi đầu và không có kết thúc, mà ở trong một quá trình không ngừng thay đổi và biến đổi. Một trong số những phản bác của ông trước chủ nghĩa duy tâm của Plato là sự vật phi-vật chất (“cái không khả giác được”) thì không thể có sự vận động: “Nhưng điều đó là không thể chấp nhận được; một bầu trời…không có vận động là không thể tưởng tượng ra được; một bầu trời không khả giác được nên không thể có vận động cũng là điều không thể tưởng tượng ra được.”3

Bộ óc [tư duy] sắc sảo của Aristotle đã phát hiện mâu thuẫn không thể giải quyết được ở chủ nghĩa duy tâm Plato. Nếu thực sự tồn tại những hình thức vĩnh cửu, bất biến, làm thế nào chúng khởi phát được một thế giới vật chất không ngừng vận động, biến đổi ngay trước mắt chúng ta? Từ ý niệm bất động ấy, hoàn toàn không có một nguyên lý vận động nào, thì người ta chẳng thể nào tìm thấy được gì cả, ngoại trừ sự một tĩnh tại tuyệt đối. Không có gì sinh ra, mà không có lực vận động nào, dù ở bên trong chính bản thân nó hay ở bên ngoài, như Newton đã tìm ra, khi ông giao phó cho Thượng đế nhiệm vụ đem lại cái đẩy đầu tiên để vũ trụ cơ giới của ông chuyển động. Song ở đây không hề có gì hết. Những Ý niệm của Plato không có sự vận động ở bên trong. Nhưng vì mọi vật chuyển động và biến đổi, những ý niệm được cho là hoàn hảo ấy chịu đựng sự bất hoàn hảo vĩ đại nhất. Chúng không hề tồn tại. Đúng hơn, chúng không tồn tại ở đâu cả ngoài như những bóng ma trong đầu của các nhà triết học.

Sự chia tách hoàn toàn giữa tư duy và tồn tại, chính sự phân liệt đặc biệt ấy làm khổ sở mọi loại hình của chủ nghĩa duy tâm, cuối cùng dẫn nó đến chỗ bất lực, bởi vì không có phương pháp thực sự nào để Ý niệm Tuyệt đối cái được cho là đứng trên thế giới của thực tại vật chất thô thiển có thể tác động đến thế giới, hoặc ảnh hưởng tới nó theo bất cứ cách nào. Như Schwegler nhận xét:

“Những người ủng hộ Học thuyết Ý niệm, do đó, không ở một lập trường có tính logic để xác định một ý niệm nào hết; các ý niệm của họ là không thể định nghĩa được. Mối quan hệ nói chung của sự vật với ý niệm đã bị Plato bỏ mặc trong sự mơ hồ hoàn toàn. Ông đặt tên cho ý niệm là nguyên mẫu, và giả định sự vật tham dự vào nguyên mẫu ấy; nhưng những diễn đạt như vậy chỉ là những phép ẩn dụ thi ca trống rỗng. Chúng ta phải nhận thức ‘sự tham dự’ vào, bản sao, của những khuôn mẫu xa xôi, không hiện diện ở một nơi xa lạ như thế nào? Ở đây thật vô ích khi tìm kiếm ở Plato bất cứ một giải thích rõ ràng nào. Nó hoàn toàn không thể hiểu nổi bằng cách nào và tại sao vật chất xuất hiện để tham dự vào những ý niệm.” (Schwegler, op. cit. p. 104)

Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa chủ quan ở các biện sĩ, Socrates nhấn mạnh đòi hỏi phải tìm kiếm những ý niệm phổ biến, và đi đến những khái niệm và định nghĩa đúng đắn tương đương thực sự với vấn đề đang xem xét. Đây là một tiến bộ đối lập với phương pháp tùy tiện của các biện sĩ. Thực ra, không có những cái phổ biến, khoa học về tổng thể là không thể có được. Tuy nhiên, nỗ lực của Plato nhằm biến những quan niệm phổ biến ấy thành các thực thể độc lập đã dẫn thẳng đến chủ nghĩa thần bí tôn giáo. Điều chúng ta đang thực sự đối mặt ở đây, dưới tiêu đề của những “cái phổ biến” là giống [genus] và loài [species] của sự vật. Quan niệm rằng một giống hay một loài có thể tồn tại tách biệt với các cá thể tạo nên nó, hoặc ngược lại, là rõ ràng phi lý. Aristotle bác bỏ quan niệm cho rằng mô thức và ý niệm có thể tồn tại tách biệt với sự vật vật chất:

“Trong khi Học thuyết Ý niệm khiến chúng ta vướng vào vô số khó khăn, sự phi lý nhất của nó là học thuyết này cho rằng tồn tại những thực thể tách rời khỏi vũ trụ khả giác, và rằng chúng cũng như những sự vật khả giác ngoại trừ các thực thể thì vĩnh cửu còn các sự vật khả giác thì có thể diệt vong. Những người ủng hộ quan điểm này là những người nói rằng do vậy tồn tại một Con người tuyệt đối, một Con ngựa tuyệt đối, một Lò sưởi tuyệt đối. Họ theo sát bước chân của những người giảng giải rằng có các vị thần, nhưng có nhân dạng; bởi vì cái sau đơn thuần tạo nên con người vĩnh cửu, do vậy cái trước không làm gì hơn việc tạo ra những Mô thức vĩnh cửu khả giác.” (Aristotle, Metaphysics, tr. 93-4.)

Bằng sự kiên nhẫn bao la và sự chặt chẽ về tri thức, Aristotle nghiên cứu tất cả các phạm trù tư duy, chúng được ông diễn đạt bằng phương pháp rõ ràng và phát triển hơn nhiều so với người ta cho đến nay đã từng làm. Nhiều phạm trù của tư duy biện chứng sau này được phát triển trong Logic của Hegel đã được Aristotle đề cập ở dạng phác thảo – Tồn tại, Lượng và Chất, Bộ phận và Toàn bộ, Tất yếu và Ngẫu nhiên, Khả năng và Hiện thực, và vân vân. Có rất nhiều hiểu biết sâu sắc ở đây. Chẳng hạn, khi thảo luận về mối quan hệ giữa khả năng (“dynamis”) và hiện thực (“energeia”), Aristotle báo trước tư tưởng về sự thống nhất giữa vật chất và năng lượng. Đối với Aristotle, vật chất bao gồm hai mặt, bản thể, chứa đựng bên trong nó thế năng cho vô vàn những biến đổi, và một loại nguyên lý hoạt động, “energia”, là lực vận động bẩm sinh và tự phát. Khi phát triển tư tưởng về sự vận động của tồn tại khả năng sang tồn tại thực tế, Aristotle đưa ra một phiên bản cụ thể hơn về “sự trở thành” của Heraclitus. Ở đây chúng ta có điểm khác biệt chủ đạo giữa triết học Aristotle và triết học của Plato. Thế chỗ của Ý niệm tĩnh tại, không có sự sống, chúng ta có một xu hướng cố hữu của vật chất đối với vận động và phát triển, cái hiện thực hóa bản thân mình bằng cách không ngừng vượt qua khả năng để đi đến hiện thực.

Đối với thời gian, Aristotle chứng tỏ bản thân ông ưu việt hơn không chỉ Plato mà hơn cả nhiều nhà khoa học hiện đại, những người nói ra sự phi lý thần bí về “sự khởi đầ của thời gian.” Ông chỉ ra rằng thời gian, giống như vận động, bao giờ cũng tồn tại, và rằng do vậy, thật ngớ ngẩn khi nói về sự khởi đầu của thời gian:

“Tuy nhiên, vận động không thể phát sinh được hay hủy diệt được, nó phải luôn tồn tại. Cũng thế thời gian không thể sinh ra hay chết đi; bởi vì không thể có”trước" và “sau” khi không có thời gian. Vận động, do vậy, là cũng liên tục theo nghĩa thời gian là liên tục, bởi vì thời gian hoặc cũng chính là vận động hoặc là một thuộc tính của vận động." (Sđd tr.342) Đây là một tư tưởng sâu sắc và là tư tưởng báo trước lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, rằng thời gian, không gian và vận động là phương thức tồn tại của vật chất, dẫu Aristotle không thể phát triển tư tưởng này theo một cách thỏa đáng.

Xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa duy tâm khách quan, Aristotle đã tiến sát tới chủ nghĩa duy vật, mặc dù ông không bao giờ có thể thực hiện một bước ngoặt hoàn toàn; như Lenin nhận xét, ông “do dự giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật.”4 Trong các tác phẩm của Aristotle, chúng ta thấy những mầm mống của quan niệm duy vật về lịch sử và về sự phát triển của tư duy và văn hóa. Ông giải thích rằng, trong khi hành động của loài vật được quyết định bởi ấn tượng-cảm giác trực tiếp (sự vật mà chúng nhìn, nghe được, v.v.) và trí nhớ, chỉ có loài người sống bằng kinh nghiệm xã hội được chia sẻ, nghệ thuật và văn hóa. Trong khi điểm xuất phát của mọi tri thức là từ trải nghiệm và tri giác-cảm giác, điều đó là không đủ:

“Sự thông thái, một lần nữa, phải không được đồng nhất với tri giác cảm giác, mặc dầu là nguồn gốc chủ đạo cho tri thức về những cái đặc thù, nó không thể nói cho chúng ta biết tại sao sự vật lại như vậy (thí dụ tại sao lửa lại nóng) mà chỉ nói nó là như vậy.” (Aristotle, sđd., tr. 52.)

Lý luận nhận thức của Aristotle cũng tiến gần tới lập trường duy vật. Xuất phát điểm là các sự kiện và hiện tượng đem lại cho chúng ta bằng cảm giác (ở tri giác cảm giác), đi từ cái đặc thù đến cái phổ biến, “sao cho ở trường hợp này chúng ta xuất phát từ cái dễ nhận thức hơn cho chúng ta (tức là những sự kiện và những đối tượng phức tạp của trải nghiệm) và tiến tới tri thức về cái thuộc về bản chất có thể nhận thức bằng tư duy (tức là những nguyên lý đơn giản, phổ quát về tri thức khoa học).” (nđd, tr. 172)

Sự không nhất quán trong lập trường của Aristotle được bộc lộ trong những thú nhận của ông về tôn giáo, khi ông giao cho Thượng đế vai trò của Nguyên nhân Đầu tiên. Báo trước Newton, ông lập luận rằng phải có một cái gì đó khởi phát sự vận động và cái đó bản thân nó phải bất động. Tuy nhiên, “cái gì đó” ấy phải là một bản thể và thực tại vĩnh cửu. Quan niệm là mập mờ, khá giống “bản thể” của Spinoza. Nó có thể phải chịu cùng những phản đối mà Aristotle chĩa vào Plato. Bởi vì nếu như vũ trụ đã từng không có vận động – điều đó là không thể – thì không có cách nào khiến nó có thể vận động, trừ khi bằng một cái đẩy từ bên ngoài. Nhưng nếu “Cái đẩy Đầu tiên bất động” không phải là vật chất, thì nó không thể truyền vận động cho một vũ trụ vật chất.

Vả lại, mạch tranh luận này không giải quyết vấn đề đặt ra, mà chỉ đơn thuần dịch chuyển nó trở lại một [giai đoạn]. Chúng ta hãy chấp nhận rằng “Nguyên nhân Đầu tiên” đưa vũ trụ vào sự vận động. Nguyên nhân nào dẫn đến “Nguyên nhân Đầu tiên”? Người ta không mong đợi câu hỏi này. Câu trả lợi được cho là đã có từ trước bởi cách nói “Cái đẩy Đầu tiên bất động,” điều, dĩ nhiên, không trả lời gì hết. Sự yếu kém của toàn bộ lập luận này là hiển nhiên, và đến từ mối bận tâm của Aristotle tới cuộc tìm kiếm những nguyên nhân đầu tiên (đối lập với cái mà ông gọi là những nguyên nhân vật chất hình thức và hiệu quả). Trong giới hạn nhất định, đối với những mục đích hằng ngày, có thể làm như vậy với một mức độ khá thỏa mãn. Chẩng hạn, nguyên nhân của sự tồn tại của một ngôi nhà có thể được lần ra từ những vật liệu xây nhà, người thợ xây, kiết trúc sư, và vân vân.

Tuy nhiên, trong thực tế, có thể bám theo những nguyên nhân của một hiện tượng thậm chí đơn giản nhất cho đến vô hạn. Ngay cả ở ví dụ đã nêu, chúng ta có thể tiếp tục xác định nhu cầu xây nhà, hiện trạng của nền kinh tế thế giới, cấu tạo nguyên tử của những viên gạch và xi-măng, cha mẹ và ông bà của những người liên quan, và cứ tiếp tục như thế. Đối với những mục đích thực tế, chúng ta chọn cách không làm vậy, mà đặt một giới hạn lên tính nhân quả. Do vậy, quan niệm “Nguyên nhân Đầu tiên” là không khoa học và thần bí. Tất nhiên, mặt yếu kém nhất này của Aristotle đã bị Giáo hội chộp lấy và đẩy lên mức độ giáo điều.

Một hiểu lầm khác đối với Aristotle, có liên quan tới điều ở trên, là sự diễn giải theo mục đích luận về tự nhiên. Mục đích luận Teleology (từ tiếng Hy Lạp telos, sự kết thúc) cho rằng mọi hiện tượng tự nhiên, gồm cả con người, đều được xác định bởi một mục tiêu hay mục đích tối hậu. Quan niệm sai lầm này đóng vai trò tiêu cực trong việc kìm hãm khoa học, bởi vì nó không thể thực sự giải thích bất cứ điều gì. Hơn nữa, nó dẫn đến những kết luận có tính tôn giáo, bởi vì người ta phải nói “mục đích” này từ đâu ra. Kết luận được rút ra là mục đích của sự vật là do Thượng đế quyết định.

Bản thân Aristotle đã không tiếp cận sự vật theo cách này, mặc dù nó có lợi cho Giáo hội sau này đem lại cho nó một diễn giải có tính tôn giáo. Đối với ông, mọi vật chứa đựng bên trong chính bản thân nó một nguyên lý hoạt động, hay một “linh hồn” (“entelechy”), và toàn bộ tự nhiên được dẫn dắt bởi mục tiêu tối thượng duy nhất này. Tư tưởng này có lẽ đến từ việc Aristotle nghiên cứu sinh học. Trong các các phẩm của mình, ông đề cập đến khoảng 500 loài động vật khác nhau, trong đó ông tự mình giải phẫu khoảng 50 loài khác nhau. Từ quan sát tỉ mỉ, ông để ý làm sao mà cấu trúc cơ thể của động vật thích nghi một cách hoàn hảo với môi trường và phương thức tồn tại của chúng. Từ những quan sát như vậy, Darwin đi đến học thuyết tiến hóa. Nhưng Aristotle đã rút ra một kết luận khác biệt, cho rằng bản chất của mỗi động vật là được Tự nhiên quyết định trước phù hợp với một trật tự, một kế hoạch cho trước, cái là cố hữu trong bản chất của sự vật. Do đó, Aristote mô tả cơ thể theo một kế hoạch siêu phàm:

“Trong số các động vật chỉ có con người là đứng thẳng, bởi vì bản chất của anh ta và thực chất của anh ta là siêu phàm. Tư duy, thực hành trí tuệ, là đặc tính thuộc về cái siêu phàm nhất. Việc này không dễ dàng khi phần lớn cơ thể được đặt ở phía trên. Bởi vì sức nặng khiến việc sử dụng tư duy và tri giác trở nên chậm chạp. Theo đó, nếu sức nặng và thành phần cơ thể tăng lên, cơ thể phải hạ thấp xuống mặt đất; do đó, vì lý do an toàn, tự nhiên phải dùng chân trước thay cho bàn tay và cánh tay, và chúng ta thành động vật bốn chân…Nhưng dáng đứng thẳng của con người không cần đến chân trước; thay vào đó tự nhiên đã cho anh ta bàn tay và cánh tay. Giờ thì Anaxagoras đã nói rằng sở hữu bàn tay khiến con người là động vật thông minh nhất. Có lẽ chính là bởi vì anh ta thông minh nhất nên anh ta có đôi bàn tay. Vì bàn tay là công cụ, và tự nhiên, giống như một người thông minh, bao giờ cũng ban phát công cụ tới những ai có thể sử dụng chúng. Việc làm đúng đắn là đưa cho người thổi sáo tài ba một cây sáo thay vì đưa cho người có cây sáo trong tay một kỹ năng thổi sáo, bởi vì làm thế là bổ sung cái tầm thường hơn vào cái cao quý hơn và đáng kính hơn thay vì bổ sung cái cao quý hơn và đáng giá hơn vào cái tầm thường hơn. Do vậy, nếu tối ưu phải là như vậy, và nếu tự nhiên, bao giờ nó cũng làm điều tối ưu, thì không phải bởi vì sở hữu bàn tay nên anh ta trở nên khôn ngoan, mà bởi vì anh ta là người khôn ngoan nhất trong số những động vật nên anh ta sở hữu bàn tay.”5

Tư tưởng của Anaxagoras, cho rằng sự phát triển của trí tuệ con người là khả thi nhờ giải phóng đôi tay là một thấu hiểu phi thường, thế nhưng Aristotle đã đặt nó đứng bằng đầu hoàn toàn. Cách tiếp cận theo mục đích luận của ông ngăn cản ông đi đến đánh giá khoa học thực sự về tự nhiên, bất chấp quy mô rộng lớn ở những nghiên cứu của ông. Mục đích luận bị Thomas Aquinas và Giáo hội lợi dụng, nó đã kìm hãm việc nghiên cứu giới tự nhiên hàng thế kỷ, cho đến khi những khám phá của Darwin đã đem lại lời giải thích lý trí cho mục đích tương đối của các sinh vật sống. Ngay cả như vậy, những quan nhiệm mục đích luận trong sinh vật học đã xuất hiện trở lại ở những vỏ bọc khác nhau – thuyết tân-sinh lực-luận (neo-vitalism), thuyết tân-Lamarckism, v.v.. Xu thế tương tự thường được thể hiện ngay cả thời hiện đại bởi những người, khi tìm cách mô tả các hiện tượng tự nhiên, một cách vô thức ban cho “Tự nhiên” những tính cách con người, tuồng như là tự nhiên đã “tạo ra” động vật và thực vật, và buộc chúng phải ứng xử theo cách nhất định. Trong thực tế, “tính mục đích” mà thực vật và động vật trưng bày là quá trình thích nghi tối ưu của các đối tượng sống với môi trường xung quanh, và không phải là sản phẩm của một kế hoạch đã được định trước.

Khoa học Hy Lạp trong thời kỳ Alexander

Sự cằn cỗi của triết học duy tâm được phơi bày bởi thực tế là nó không có khả năng phát triển xa hơn. Triết học Plato kết thúc cùng với cái chết của Plato. Viện Hàn lâm của ông được tiếp quản bởi một loạt những kẻ hạng hai, họ không đóng góp gì mới cho sự phát triển của tư duy. Nhưng trường học Lyceum của Aristotle thì không phải như vậy. Việc ông nhấn mạnh vào nghiên cứu đã thúc đẩy các học trò của ông tham gia vào những nghiên cứu thực tế có kết quả. Những nghiên cứu đồ sộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà Sư phụ truyền lại đã đặt cơ sở cho sự phát triển của nhiều khoa học. Bảo tàng vĩ đại ở Alexandria là một nhánh của Lyceum, nơi sản sinh những luận thuyết quan trọng về thực vật học, vật lý học, giải phẫu học, sinh lý học, toán học, thiên văn học, địa lý học, cơ học, âm nhạc và ngữ pháp.

Người nối nghiệp đầu tiên của Aristotle, Theophrastus, đã tiến hành đột phá trong sinh học, là người đầu tiên rút ra sự phân biệt vững chắc giữa thực vật và động vật để thiết lập khoa học về thực vật. Theophrastus cũng bắt đầu đặt vấn đề về tính hiệu lực của mục đích luận, và đề xuất phải đặt một giới hạn lên việc áp dụng nó trong sinh học:

“Chúng ta phải tìm cách đặt một giới hạn lên việc quy cho những nguyên nhân tối hậu”, ông viết. “Đây là điều kiện tiên quyết cho mọi truy vấn khoa học về vũ trụ, tức là, về những điều kiện tồn tại của sự vật thực tại và về những mối liên hệ giữa chúng với nhau.”6

Ông trở lại với những giải thích duy vật của các triết gia tiền-Socrates, nhằm vượt qua những mâu thuẫn mà chính Aristotle đã tìm ra trong mối liên hệ giữa vật chất và vận động.

Strato, người đứng đầu Lyceum giai đoạn 287 đến 267 TCN, có thể được xem là cha đẻ của thực nghiệm khoa học. Theo Polybius, ông giành được tên hiệu là “Nhà vật lý,” vào thời đó dùng để chỉ những ai quan tâm đến nghiên cứu giới tự nhiên. Bằng giọng điệu không tán thành, Cicero nói rằng ông “từ bỏ luân lý, phần cần thiết nhất cho triết học, và chú tâm vào nghiên cứu giới tự nhiên” (sđd, tr. 182). Vào năm 1893, Hermann Diels đã phân tích một đoạn văn được cho là của người Anh hùng của thành Alexandria, Pneumatics, được viết vào nửa sau thế kỷ I sau công lịch, rõ ràng đặt nền móng cho phương pháp thực nghiệm được Strato phát triển.

Các nhà khoa học thời Alexander đạt được những thành tựu vĩ đại ở mọi lĩnh vực tri thức. Chẳng hạn, trong cơ học họ đưa ra giải thích toán học cho một loạt các hoạt động: đòn bẩy, cái cân, ròng rọc, bánh xe của người thợ gốm, vật hình nêm, mái chèo, bài toán quán tính, v.v.. Theo Farrington, trong lĩnh vực thực vật học, tác phẩm của Theostratus vẫn là vô song cho đến thời hiện đại. Strato giờ đây được coi là tác giả của tài liệu Các bài toán Cơ học, ban đầu được cho là của Aristotle, chứa đựng những mầm mống của nguyên lý quan trọng trong cơ học, nguyên lý về vận tốc ảo (nguyên lý về sự dịch chuyển ảo). Erastothenses tính toán chu vi trái đất, sử dụng các phương pháp khoa học, và có vẻ đạt được kết quả có sai số nằm trong 0.4% so với kết quả đúng. Anh hùng của thành Alexandria thậm chí còn phát minh ra động cơ hơi nước, mặc dù không thể đưa nó vào khai thác được. Câu hỏi bao giờ cũng nảy sinh trong đầu chúng ta là tại sao những khám phá phi thường ấy đã không dẫn đến một cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ 2000 năm trước. Câu trả lời cho vấn đề này nằm ở bản chất của chính nền kinh tế nô lệ.

Nói chung, với ngoại lệ nhất định như khai thác mỏ, những cỗ máy chiến tranh và công trình công cộng, kẻ cai trị ở Hy Lạp và La Mã không quan tâm tới việc áp dụng các khám phá khoa học vào những mục đích thực tiễn. Trong giai đoạn mà nô lệ trở thành phương thức sản xuất thống trị, sự chia cắt giữa khoa học và công nghệ gần như là hoàn toàn. Những nghiên cứu triết học và khoa học được coi là những trò tiêu khiển trí truệ cho người giàu. Các nhà triết học và các nhà toán học coi khinh những người thực hành. Euclid, nhà hình học vĩ đại, khi bị một học sinh khinh suất hỏi rằng anh ta có thể thu lợi gì từ nghiên cứu hình học, liền sai một nô lệ đưa cho anh ta vài đồng xu, “bởi vì anh ta phải thu lợi từ những gì mình học.” Thực tế, người ta không tìm thấy ứng thực tế nào cho các lý thuyết của Euclid cho đến thế kỷ 17, khi Galieo khám phá ra đạn đạo đi theo đường parabol và Kepler phát hiện ra các hành tinh chuyển động theo đường ellipse.

Với sự dồi dào của lao động nô lệ rẻ mạt, không có động lực nào để chuyển sang công nghệ tiết kiệm- lao động. Thị trường cho những sản phẩm tinh xảo bị giới hạn vào phục vụ tầng lớp nhỏ bé của những người giàu. Vấn đề sản xuất hàng loạt do đó không xuất hiện. Ngay ở cả nông nghiệp, lĩnh vực mà ở giai đoạn sau của lịch sử La Mã đã dựa trên hình thức điền trang quy mô lớn (latifundia), không có động lực đưa máy móc vào sử dụng. Đầu tiên là, vì sự dồi dào của nguồn cung nô lệ, và thứ đến là, vì nô lệ, không giống như các lao động tự do, không thể dựa vào họ để trông coi những cỗ máy tinh xảo và đắt đỏ. Trong ghi chú sâu sắc ở quyển I của bộ Tư Bản, Marx giải thích lý do không thể đưa công nghệ tân tiến dựa trên cơ sở của chế độ nô lệ.

“Đó là một trong những tình hình làm cho nền sản xuất dựa trên chế độ nô lệ trở nên đắt đỏ theo cách nói rất đúng của người thời cổ, thì trong chế độ này, người lao động không khác gì với gia súc và với công cụ lao động vô tri vô giác như là một instrumentum vocale [công cụ biết nói] khác với một instrumentum semi-vocale [công cụ nửa biết nói] và với một instrumentum mutum [công cụ câm]. Nhưng bản thân người lao động muốn tỏ cho súc vật và công cụ lao động thấy rằng họ không giống chúng, rằng họ là một con người. Họ nhận thức được cái giá trị của sự khác nhau đó khi họ đối xử với chúng một cách tàn bạo và hủy hoại chúng con amore [một cách thích thú]. Cho nên nguyên tắc kinh tế của phương thức sản xuất đó là: chỉ dùng những công cụ lao động thô thiển và cục mịch nhất, vì nặng nề cục mịch như thế thì khó bị hủy hoại hơn. Vì vậy, cho đến khi nổ ra cuộc nội chiến, ở những bang có chiếm hữu nô lệ trên vịnh Mexico, người ta còn thấy rất thịnh hành những chiếc cày kiểu Trung Quốc cũ, những chiếc cày này chỉ dũi đất như kiểu con lợn hoặc chon chuột dũi, chứ không rẽ thành luống và lật ngửa đất lên. Xem J. E. Cairnes, ‘The Slave Power’, London, 1862 tr. 46 và tiếp theo. Trong cuốn ‘Seaboard Slave States’ của ông Olmsted kể lại như sau: ‘Ở đây, người ta đã đưa cho tôi xem những công cụ mà không một người nào có đầu óc lành mạnh lại để cho người công nhân của mình dùng; tôi cho rằng tính chất nặng nề và thô kệch quá mức của những công cụ đó làm cho lao động khó khăn thêm ít nhất là đến 10% so với những công cụ thường dùng ở nước ta. Nhưng người ta khẳng định với tôi rằng vì thái độ cẩu thả và thô bạo mà những người nô lệ đối xử với chúng, nên giao cho họ những công cụ nhẹ hơn và ít thô kệch hơn sẽ là một việc không tiết kiệm, và những công cụ mà chúng ta thường giao cho công nhân của chúng ta – vào giao như thế rất có lợi cho chúng ta – sẽ không tồn tại được lấy một ngày trên những cánh đồng lúa mì ở Virginia mặc dù đất ở đây nhẹ hơn và ít đá hơn ở nước ta. cũng giống như khi tôi hỏi tại sao trong các trại người ta lại dùng la thay ngựa một cách phổ biến như thế, thì lý do đầu tiên và có tính thuyết phục nhất là ngựa không thể chịu nổi được những sự đối xử của người da đen; ngựa bao giờ cũng chóng bị kiệt sức hay bị què do sự đối xử đó, còn la thì có thể chịu được những trận đòn và thỉnh thoảng bỏ ăn một vài bữa cũng không bị hại gì lắm, chúng không bị cảm lạnh và không bị ốm khi người ta bỏ qua không chăm sóc chúng hay bắt chúng làm việc quá sức. Vả lại tôi cũng chẳng cần đi xa hơn cái cửa sổ của căn phòng trong đó tôi đang viết để hầu như bao giờ cũng được chứng kiến những sự ngược đãi súc vật mà nếu thấy được thì hầu như không một phéc-mi-ê nào ở miền bắc lại không đuổi ngay người công nhân của mình đi’ [tr. 46-47]”7

Sự trỗi dậy của giai cấp nô lệ làm suy yếu tầng lớp nông dân tự do, họ bị nghiền nát bởi nghĩa vụ quân sự, nợ nần, và cạnh tranh từ giai cấp nô lệ. Nghịch lý thay, năng suất của lao động-nô lệ thấp hơn năng suất của nông dân quy mô nhỏ hơn mà họ thay thế. Nhưng với nguồn cung nô lệ khổng lồ từ các cuộc chinh phạt ở nước ngoài, trình độ năng suất thấp của mỗi nô lệ được bù đắp bởi sự rẻ mạt ở sức lao động của một lượng khổng lồ các nô lệ buộc phải lao động cưỡng bức. Việc thay thế ruộng đất nhà nông quy mô nhỏ bằng điền trang quy mô lớn, làm việc bằng những đội quân nô lệ, đã đem lại thặng dư khổng lồ, bao lâu nguồn cung nô lệ tiếp diễn. Khi nô lệ là phương thức sản xuất thống trị, khái niệm lao động bị mất đi phẩm chất, bị đồng nhất trong tư tưởng con người với mọi thứ hèn hạ và thoái hóa. Không ngạc nhiên Aristotle không thể tiêu hóa được học thuyết của Anaxagoras cho rằng trí tuệ của con người là phụ thuộc vào đôi bàn tay!

Đây không phải nơi để phân tích chi tiết những mâu thuẫn của phương thức sản xuất nô lệ, phương thức cuối cùng đã dẫn đến cái chết của nó. Đủ để lưu ý rằng, mặc nỗ lực phổ biến nhằm so sánh hệ thống nô lệ với chủ nghĩa tư bản hiện đại, ở nhiều phương diện nó hoàn toàn đối lập. Chẳng hạn, giai cấp vô sản, ngày nay, cùng với tự nhiên, sản xuất ra mọi của cải cho xã hội, thì trong giai đoạn đế quốc La Mã họ là một giai cấp ăn bám, sống trên lưng của những người nô lệ. Mặt khác, trong lúc tư bản hiện đại phụ thuộc vào việc liên tục tìm mọi cách để tái đầu tư, những tiềm năng đầu tư mở ra cho tư bản La Mã đã bị giới hạn bởi bản chất của chính nền sản xuất nô lệ.

Chìa khóa cho sự mở rộng của lực lượng sản xuất dưới chế độ tư bản hiện đại là sự sản xuất ra phương thức sản xuất, sự sản xuất ra máy móc mới, cái dẫn tới sự gia tăng không ngừng về tư bản. Tuy nhiên, ở thời Cổ đại, những điều kiện cho sự phát triển và ứng dụng của máy móc là không có. Điều kiện đầu tiên trong số đó là sự tồn tại của một giai cấp rộng lớn của những lao động tự do, họ buộc phải bán sức lao động của mình cho những người chủ công nghiệp. Không có động lực để phát minh ra máy móc mà có thể đưa vào sử dụng thực tiễn. Một giai cấp tương đối nhỏ của những người thợ thủ công tập trung vào sản xuất ra những mặt hàng xa xỉ làm hài lòng người giàu, những người không như các nhà tư bản hiện đại, không có lối thoát hữu ích nào cho thặng dư của họ, đã dành hết vào những tiêu dùng phô trương ở quy mô khổng lồ.

Toàn bộ hệ thống bắt đầu tan vỡ khi nguồn cung lao động nô lệ rẻ mạt trở nên khan hiếm, khi đế chế đã đạt tới giới hạn của nó. Thiếu vắng một bước ngoặt cách mạng, toàn bộ xã hội lâm vào vào giai đoạn suy thoái và mục nát kéo dài. Những cuộc xâm lược của man tộc không gây ra sự sụp đổ mà là sự thể hiện của thực tế là hệ thống nô lệ bản thân nó đã kiệt sức. Cảm giác bao trùm trước sự mục nát đã tác động đến thế giới quan của mọi giai cấp. Cảm giác của sự mệt mỏi, của sự suy đồi đạo đức của sự căm ghét trước một thế giới không còn là chính nó, tìm thấy sự thể hiện của nó ở những triết học phổ biến của thời đại – những từ ngữ cho hai trong số các triết học đó, chủ nghĩa yếm thế và chủ nghĩa hoài nghi, đã đi vào từ vựng của thời đại chúng ta, mặc dầu với những ý nhĩa ban đầu hoàn toàn khác biệt.

Người phái khuyển nho (cynics) là những người đi theo Diogenes học trò của Antisthenes, một học trò của Socrates, người đã thú nhận sự khinh miệt công khai với mọi đạo đức và phong tục đang tồn tại. Học trò nổi tiếng hơn của ông cũng tên là Diogense, đến từ Sinope, đưa ý tưởng này đến cực đoan khi mong muốn sống “như một con chó” bởi vậy có từ “cynic” (tiếng Hy Lạp có nghĩa là chó). Người ta nói rằng ông ta sống trong một cái thùng. Tư tưởng, giống như “bỏ giữa chừng” (“drop-outs”) của thời hiện đại, nhằm giảm sự lệ thuộc của con người vào vật chất tới mức tối thiểu. Theo truyền thuyết, khi Alexander Đại đế muốn thực hiện bất kỳ nguyện vọng của ông, ông ta trả lời, “xin hãy dịch sang bên, ngài đang chắn ánh sáng của tôi.” Toàn bộ tư tưởng, đối lập với chủ nghĩa yếm thế hiện đại, là coi kinh sự vật trần tục.

Tư tưởng này quay lưng lại với thế giới để tìm kiếm sự cứu rỗi tinh thần bên trong chính mình đã phản chiếu cuộc khủng hoảng xã hội và văn hóa sâu sắc gây ra bởi sự suy thoái ở các thành bang Hy Lạp. Ngay cả Pythagoras và Plato, dẫu triết học duy tâm của họ, đã không thực sự hoàn toàn chối bỏ thế giới. Cả hai cố gắng ảnh hưởng tới nó bằng cách cố gắng thuyết phục kẻ cai trị đưa những quan điểm triết học của họ vào thực hành. Cả hai kêu gọi logic và lý trí. Những gì chúng ta thấy ở đây có gì đó khác biệt. Một sự chối bỏ hoàn toàn thế giới này, và một sự phủ nhận hoàn toàn khả năng hiểu biết về bất cứ điều gì.

Trong lúc Lyceum sản sinh ra những kết quả khoa học quan trọng, viện Hàn lâm ngày càng rơi vào ảnh hưởng của chủ nghĩa hoài nghi. Triết học hoài nghi, đại diện bởi Pyhroo, Sextus Empiricus và những người khác, nghi ngờ khả năng của tri thức khách quan về thực tại. “Chúng ta không bao giờ biết gì hết, thậm chí không biết rằng chúng ta không biết gì hết.” Đó là giáo lý trung tâm của họ. Ở chừng mực nhất định đó là kết quả hợp logic của phương pháp diễn dịch, được các nhà duy tâm theo đuổi như là phương pháp duy nhất để đi đến chân lý, không phải bằng tham khảo thế giới thực tại của quan quan sát và thực nghiệm, mà bằng cách rút ra các ý tưởng từ những ý tưởng khác, từ những tiên đề và từ những “nguyên lý đầu tiên,” giống như những tiền đề Euclid trong hình học, chúng được xem là hiển nhiên và không cần chứng minh.

Người hoài nghi như Timon phủ nhận khả năng tìm ra những nguyên lý ấy. Mọi sự vật đều phải được chứng minh bằng sự vật khác, rồi đến lượt lại bằng sự vật khác, rồi cứ như vậy cho đến vô tận. Do vậy, người ta không thể biết gì hết.

Những tư tưởng như vậy không từ trên trời rơi xuống. Chúng là sự phản tư gián tiếp và hỗn loạn trong bộ óc con người về thực tại của xã hội hiện tồn. Chủ nghĩa hoài nghi ở mọi vỏ bọc của nó, bao gồm cả những vỏ bọc thời hiện đại, là thể hiện của một thời kỳ mà ở đó hình thái cụ thể của xã hội đã bước vào suy thoái không thể đảo ngược, khi những lý tưởng cũ đang tan vỡ, nhưng lý tưởng mới vẫn chưa khẳng định được chính mình. Một tâm trạng chung của sự bất định và bất ổn lan tràn khắp xã hội, bắt đầu ở tầng lớp tri thức, tầng lớp cảm nhận nó đã mất phương hướng. Thể hiện phổ biến nhất của những tâm trạng ấy chính xác là chủ nghĩa hoài nghi, sự khẳng định vào tính tương đối của mọi tri thức nhân loại, vào sự hoài nghi, vào thuyết bất khả tri. Vào thế kỷ 18, giai đoạn của sự vươn lên cách mạng của giai cấp tư sản, chủ nghĩa hoài nghi nơi Montaigne và những người khác đóng một vai trò tiến bộ trong việc phê phán các giáo điều tôn giáo của những nhà thần luận. Tuy nhiên, chủ nghĩa hoài nghi nơi Hume và Kant, mưu toan đặt một giới hạn lên những tiềm năng của tri thức nhân loại, đã mở cửa cho sự quay trở về với niềm tin tôn giáo. Không phải tình cờ, chính biến thể sau này đã được tiếp quản bởi triết học tư sản, trong vỏ bọc của chủ nghĩa thực chứng logic.

Đặc trưng chung của mọi triết học trong thời kỳ suy thoái của xã hội nô lệ là tư tưởng rút lui khỏi thế giới. Đây là triết học của sự tuyệt vọng. Thế giới được xem là bình nước mắt, cần phải thoát khỏi nó, tìm kiếm sự cứu rỗi cá nhân bằng nhiều cách khác nhau. Trong giai đoạn suy tàn của đế chế La Mã, triết học của chủ nghĩa Epicures và chủ nghĩa Khắc kỷ, thống trị từ thế kỷ I thể hiện cùng một xu thế, mặc dầu, như thường diễn ra, thường xuyên có sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành. Chẳng hạn, Seneca, một triết gia đạo đức nghiêm khắc của chủ nghĩa khắc kỷ, người giảng dạy luân lý cho hoàng đế Nero, kiếm được một gia tài từ việc cho vay nặng lãi, việc này kích động cuộc nổi loạn ở Bodicea chống lại người La Mã ở Anh. Nhà tiên tri của bần cùng này để lại phía sau một trong những gia tài khổng lồ của thời đại – 300 triệu đồng xettec.

Trong nghiên cứu về Cổ đại, Nguồn gốc cơ đốc giáo, Karl Kautsky mô tả bầu không khí tinh thần và tri thức ở đó những tư tưởng ấy đã đâm rễ:

"Epicurus gọi triết học là một hoạt động đem lại một cuộc đời hạnh phúc nhờ những phương thức của những khái niệm và thử thách. Ông ta tin điều đó có thể đạt được bằng cách đấu tranh vì khoái lạc, nhưng chỉ đấu tranh vì hạnh phúc lâu bền có lý trí, không vì sự xua tan cảm xúc nhất thời, cái dẫn đến sự hao tổn về sức khỏe và của cải, và do đó dẫn đến nỗi đau.

"Đây là triết học rất phù hợp với giai cấp bóc lột những kẻ không tìm thấy cách sử dụng nào khác cho của cải của chúng ngoài tiêu dùng nó. Cái họ cần là một sự điều tiết có lý trí cho một cuộc đời hưởng lạc. Nhưng học thuyết này không đem lại sự an ủi nào cho những người đã chịu đựng về mặt thân thể, tinh thần hoặc sụp đổ về tài chính, và số lượng những người này tiếp tục gia tăng; hoặc những người nghèo khổ, hoặc những người no xôi chán chè, những người bị nổi loạn bởi sự khoái lạc. Và nó không đem lại an ủi cho những người vẫn còn quan tâm đến những hình thức cộng đồng truyền thóng và vẫn theo đuổi những mục tiêu vượt lên nhân cách của riêng họ, những người yêu nước đau đớn nhìn sự suy thoái của nhà nước và xã hội nhưng không thể nào ngăn chặn được nó. Đối với tất cả những nhóm người ấy khoái lạc của thế giới này dường như đã ôi thiu và vô nghĩa. Họ quay sang học thuyết Khắc kỷ, cái đề cao giá trị không ở sự khoái lạc mà ở đức hạnh với tư cách là phẩm chất cao quý nhất, là hạnh phúc duy nhất, và coi của cải, sức khỏe, sự giàu có, v.v.. là những điều cũng chỉ bình thường như những điều xấu xa.

“Nó kết thúc bằng cách dẫn dắt nhiều người hoàn toàn quay lưng lại với thế giới, coi kinh cuộc đời, thậm chí mong chờ cái chết. Tự tử trở nên phổ biến ở Đế quốc La Mã; nó thực tế trở thành hợp thời.”8

Ở đây chúng ta đứng ở ranh giới giữa triết học và tôn giáo. Một xã hội đã làm kiệt quệ chính nó về mặt kinh tế, tinh thần và trí tuệ tìm thấy thể hiện của nó ở tâm trạng chung bi quan và tuyệt vọng. Logic và lý trí không đem lại câu trả lời, khi trật tự hiện tại bản thân nó bị lấp đầy bởi sự phi lý. Những tình cảnh như vậy không có lợi cho sự phát triển của tư tưởng khoa học và của những khái quát hóa triết học táo bạo. Nhiều khả năng hơn chúng sản sinh ra khuynh hướng nhìn vào bên trong, phản chiếu sự phân vụn xã hội, chủ nghĩa thần bí và phi lý tính. Từ thế giới ấy chúng ta không thể mong đợi được gì, và thậm chí không thể nhận thức được gì. Tốt hơn hết là quay lưng lại với nó, và chuẩn bị cho chúng ta một cuộc đời tốt đẹp hơn sẽ đến. Thay chỗ cho triết học, chúng ta có tôn giáo, thay chỗ cho lý tính, chúng ta có chủ nghĩa thần bí.

Chúng ta chứng kiến hiện tượng này ở giai đoạn suy thoái của các thành quốc Hy Lạp khi mà, theo những lời của Giáo sư Gibert Murray, “Chiêm tinh học tấn công đầu óc người Hy Lạp như một bệnh dịch tấn công những người dân ở đảo Thái Bình Dương.” (Trích dẫn bởi Russell, tr, 237). Hiện tượng tương tự được nhân lên cả ngàn lần trong thời kỳ suy thoái kéo dài của đế chế La Mã. Bệnh dịch của những tôn giáo và giáo phái ở phương Đông làm khổ sở xã hội La Mã ở thời gian này được ghi lại chi tiết – không chỉ Kitô giáo và Do thái giáo, mà có cả Mithras giáo, Isis giáo và Osiris giáo, và cả ngàn giáo phái ngoại lai khác sinh sôi nảy nở gây bất lợi cho tôn giáo chính thống.

Nhiều giáo phái ấy có cùng những nghi lễ và nghi thức. Lễ ban thánh thể của Mithras có bữa ăn thiêng liêng, ở đó bánh mì dâng lễ và cốc rượu vang được dùng cho người có niềm tin vào hy vọng về cuộc đời trong tương lai. Thực tế, nhiều yếu tố của Kitô giáo được lấy từ các tôn giáo khác, và hầu hết các học thuyết của nó đến từ các triết gia ngoại giáo. Plotinus (205-270) đã đóng một vai trò đặc biệt, một người theo chủ nghĩa thần bí Hy Lạp và sáng lập trường phái tân-Plato. Ở đây chúng ta có sự điêu tàn cuối cùng của chủ nghĩa tuy tâm cổ điển. Thế giới được cho là bao gồm cái Một, tức là cái không thể biết được và không thể diễn đạt được. Chúng ta chỉ có thể biết bằng những phương pháp thần bí, tiệc thánh xuất thần, thôi miên, và tương tự. Nó, đến lượt, đạt được bằng cách hành xác, và giải phóng cái tôi tốt đẹp hơn trong chúng ta khỏi sự trói buộc của vật chất. Plotinus xuất phát từ tư tưởng về Thiên Chúa Ba ngôi. Vật chất không có tính thực tại độc lập, mà chỉ là sự sáng tạo của linh hồn. Vấn đề chỉ là, tại sao linh hồn phải bận lòng tạo ra những thứ ấy. Nhưng người ta không nên thắc mắc về vấn đề đó ở đây, mà chỉ chấp nhận nó như là một “bí ẩn.” Tất cả không sót tí nào đều được tiếp nhận bởi những người biện hộ cho Kitô giáo, họ tạo ra thần học, đứa con lai của tôn giáo phương Đông với chủ nghĩa duy tâm Hy Lạp trong giai đoạn suy tàn của nó. Nó trở thành thực đơn chính của văn hóa Châu Âu suốt 2000 năm, cùng những hậu quả tiêu cực cho khoa học.

Cuộc đấu tranh chống Tôn giáo

Thiếu vắng một thay thế cách mạng, một sự đoạn tuyệt với xã hội nô lệ, đã gây ra sự sụp đổi kinh hoàng về văn hóa, mà ảnh hưởng của nó đã kéo dài hàng thế kỷ. Trong giai đoạn được biết đến là Thời kỳ Tăm tối, các thành tựu khoa học và nghệ thuật của thời Cổ đại phần lớn đã mất đi. Ngọn lửa của sự học tập được giữ cháy sáng ở Byzantium, Ireland, và trên hết, ở phần thuộc Tây Ban Nha do người Ả Rập chiếm đóng. Phần còn lại của Châu Âu vẫn chìm trong sự dã man suốt một thời gian dài.

Dần dà, một hình thức xã hội mới nảy sinh từ đống đổ vỡ của cái cũ, hệ thống phong kiến, dựa trên sự bóc lột nông dân những người không còn là nô lệ, mà gắn liền với ruộng đất, dưới sự thống trị của những lãnh chúa tinh thần và tạm thời. Cấu trúc kim tự pháp của xã hội phản chiếu sự thống trị này, với hệ thống cứng nhắc của những bổn phận và nghĩa vụ đối với “những kẻ đương nhiên ưu việt hơn.” Thế nhưng, nghĩa vụ căn bản mà tất cả những thứ khác phụ thuộc vào là bổn phận của nông nô phải cung cấp nghĩa vụ lao động miễn phí cho chúa và chủ của anh ta. Điều này phân biệt hình thức xã hội này với chế độ chiếm hữu nô lệ đi trước nó, và với chủ nghĩa tư bản theo sau nó. Tất cả đều được thần thánh hóa bởi Giáo hội, nắm quyền lực vô song, và được tổ chức theo những hệ thứ bậc tương tự.

Đặc trưng tĩnh tại, không thay đổi của hình thức sản xuất phong kiến, và cấu trúc xã hội cứng nhắc dựa trên hình thức ấy, đã tìm thấy sự thể hiện về ý thức hệ trong những giáo điều bất di bất dịch của Giáo hội, đòi hòi sự phục tùng mù quáng, dựa trên diễn giải chính thức về những văn bản thiêng liêng. Các học thuyết thời kỳ đầu của những người Kitô giáo, với những ngụ ý cách mạng và cộng sản mạnh mẽ đã bị hành hạ là dị giáo, rồi bị nghiền nát, một khi Kitô giáo được chấp nhận làm tôn giáo của nhà nước. Thay chỗ cho lý trí, các Đức Cha cầu nguyện niềm tin mù quáng, đúc kết ở câu nói nổi tiếng của Tertullian “Credo, quia absurdum est” – (Tôi tin bởi vì nó phi lý). Khoa học bị nghi ngờ, bị coi là một di sản của ngoại giáo. Một trong số các nhà toán học Hy Lạp cuối cùng, Hypatia, đã bị ném đá cho đến chết bởi một đám đông do một thầy tu dẫn đầu.

Di sản của triết học Hy Lạp cổ đại đã mất, và chỉ được hồi sinh phần nào ở Tây Âu vào thế kỷ 12. Tình thế như vậy không có lợi cho sự phát triển của tư duy và khoa học. “Tình trạng sản xuất phong kiến đã làm giảm nhu cầu đối với khoa học hữu dụng xuống mức tối thiểu,” J. D. Bernal viết. “Nó không được gia tăng trở lại cho đến khi thương mại và hàng hải tạo ra những nhu cầu mới ở Trung cổ hậu kỳ. Nỗ lực tri thức phải đi theo những hướng khác và phần lớn ở việc phục vụ đặc tính hoàn toàn mới của nền văn minh – đó là những niềm tin của tôn giáo có tổ chức.”9

Theo Forbes và Dijksterhuis:

“Nói chung có thể tuyên bố rằng suốt những thế kỷ đầu tiên trong sự tồn tại của mình Kitô giáo không có lợi cho những theo đuổi khoa học. Khoa học bị nghi ngờ bởi nguồn gốc ngoại giáo của nó; hơn nữa, tư tưởng phổ biến là người ta không khuyến khích những người Kitô giáo khi họ xâm nhập sâu vào những bí mật của tự nhiên hơn những gì có thể làm được bằng kinh thánh và hơn những gì cần phải hiểu về những bí mật ấy.”10

Khi những di tích của văn hóa cổ đại cuối cùng đến được Tây Âu, thì đó là những bản dịch từ tiếng Ả Rập. Nguồn năng lượng mạnh mẽ mà người Ả Rập đã thể hiện khi họ chinh phục Bắc Phi và Tây Ban Nha tới ngay sát dãy Pyrenees phù hợp với trí tuệ và thái độ mềm dẻo của họ đối với văn hóa của những người bị chinh phục, tương phản rõ ràng với sự dã man ngu dốt mà những người Kitô giáo thể hiện sau khi họ chinh phục lại vùng Al-Andalus. Hàng thế kỷ, các trường đại học Hồi giáo ở Tây Ban Nha, đặc biệt là ở Cordoba, là các trung tâm học tập thực sự duy nhất ở Châu Âu, nơi nếu chúng ta loại trừ Ireland vì sự xa cách của nó, vẫn nằm ngoài dòng chảy chính. Người Ả Rập đã đạt được những thành tựu vĩ đại trong mọi lĩnh vực – toán học, thiên văn học, địa lý học, dược học, quang học và hóa học, cũng như những thành tựu công nghệ quan trọng khác, thể hiện ở hệ thống thủy lợi vĩ đại mà đã bị người Kitô giáo phá hoại một cách bừa bãi. Song phải mất hàng trăm năm để tri thức này thấm dần vào Tây Âu.

Vì sự độc quyền về văn hóa của Giáo hội, tất cả đời sống tri thức phải được dẫn chảy qua nó. Tại các trường đại học nơi mọi thứ đều được dạy bằng tiếng Latin, chương trình học bị thống trị bởi ngữ pháp, logic học, tu từ học, số học, thiên văn học và âm nhạc. Đỉnh cao là triết học và thần học, hai cái có liên hệ mật thiết. Hàng thế kỷ, triết học được xem là “con hầu của thần học.” Khoa học bị quy giảm về mức tối thiểu: “Số học là sự liệt kê; hình học là ba cuốn sách đầu tiên của Euclid; thiên văn học hiếm khi vượt qua lịch biểu và làm thế nào để tính toán ra ngày Phục sinh; và vật lý học rất xa lạ và có tính chất Plato.”11. Người ta không thấy sự quan tâm nào tới nghiên cứu khoa học và thực nghiệm.

Triết học bị quy giảm thành một hình thức nghèo nàn của chủ nghĩa duy tâm Platon, sau này bị thay thế bằng việc đọc Aristotle một cách hoàn toàn cứng nhắc và phiến diện. Trong thời kỳ đầu, St. Augustine (354-430) dựa vào chủ nghĩa tân Plato để tấn công những đối thủ ngoại giáo của Kitô giáo. Mãi về sau, các tác phẩm của St. Thomas Aquinas (1225-74) thể hiện một sự xuyên tạc đối với triết học Aristotle nhằm đáp ứng nhu cầu của Giáo hội trong bối cảnh của xã hội phong kiến, hạ thấp các yếu tố duy vật và nhấn mạnh mặt yếu kém của Aristotle, “cái đẩy đầu tiên bất động” và vân vân. Cho đến nay, một biến thể của triết học của Thomas (chủ nghĩa tân Thomas) vẫn duy trì lập trường cơ bản của Giáo hội Kitô La mã.

Tuy nhiên, ngay cả trên mảnh đất rõ ràng cằn cỗi ấy, những hạt giống cho sự phát triển xa hơn bắt đầu nảy mầm. Các nhà kinh viện trung cổ, hay Schoolmen, tranh luận không ngớt những vấn đề thần học để mang lại cho thế giới quan tôn giáo của họ một cơ sở lý thuyết nhất định, rốt cuộc sản sinh ra một số nhà triết học những người bắt đầu rút ra những kết luận có tính duy vật. Không phải ngẫu nhiên, nổi bật nhất trong số đó là những người đến từ nước Anh, nơi cội rễ của chủ nghĩa kinh nghiệm theo truyền thống đã đâm sâu.

Vào cuối thời kỳ Trung cổ, sự vươn lên của thành thị và thương mại đã chứng kiến sự xuất hiện của một thành phần mới mẻ và đầy sinh lực vào phương trình xã hội. Tầng lớp thương nhân giàu có đang lên bắt đầu biểu dương sức mạnh, đòi hỏi quyền lợi. Sự mở rộng của thương mại, sự xuất hiện của những tuyến đường thương mại mới, sự vươn lên của nền kinh tế tiền tệ, sự sáng tạo ra những nhu cầu mới và những phương thức thỏa mãn những nhu cầu ấy, sự phát triển của nghệ thuật và mỹ nghệ, sự vươn lên của nền văn học dân tộc mới, tất cả đón chào sự khai sinh ra một lực lượng cách mạng trong xã hội, giai cấp tư sản, lợi ích của nó nằm ở chỗ phải đập tan những rào cản phong kiến nhân tạo đã ngăn cản sự phát triển của giai cấp ấy, và đồng thời, ở một mức độ ngày một gia tăng, đã ngăn cản sự phát triển và khai thác những đổi mới kỹ thuật.

Chẳng hạn, sự phát triển của hàng hải ở đại dương xa đất liền đòi hỏi sản xuất ra những hải đồ tốt hơn, dựa trên những quan sát thiên văn chính xác, và cũng đòi hỏi những thiết bị hàng hải tân tiến hơn. Sự xuất hiện của giấy và in ấn đem lại một ảnh hưởng cách mạng tới khả năng tiếp cận với những tư tưởng mà trước đây chỉ giới hạn trong một thiểu số những tu sĩ. Sự sản sinh ra văn học lần đầu tiên được viết bằng tiếng bản địa đã đem lại cùng một ảnh hưởng, với sự xuất hiện của những nhà văn dân tộc xuất sắc, Boccaccio, Dante, Rabelais, Chaucer và cuối cùng là Luther. Sự xuất hiện của thuốc súng không những cách mạng hóa chiến tranh, và làm suy yếu sức mạnh của quý tộc, mà còn đem lại xung lực mới cho việc nghiên cứu vật lý học và hóa học.

Đầu tiên là ở Italy, tiếp đến là ở Hà Lan, Anh, Bohemia, Đức, rồi đến Pháp, giai cấp mới bắt đầu thách thức trật tự cũ, trật tự mà sau một nghìn năm, đã vắt kiệt chính mình và bước vào giai đoạn suy thoái. Những cuộc chiến tranh và nội chiến liên miên của giai đoạn này là bằng chứng cho sự bế tắc của chế độ phong kiến. Cái Chết Đen, càn quét dân số Châu Âu ở thế kỷ 14, đã đẩy nhanh sự tan rã của những quan hệ phong kiến trên lục địa. “Jacqueries”, những cuộc nổi dậy của nông dân Pháp và những cuộc Khởi nghĩa của Nông dân Anh là lời cảnh báo về sự tan rã của trật tự phong kiến đang đến gần. Đối với nhiều người, dường như ngày tận thế đang lửng lơ trên đầu. Trong thực tế, cảm giác ngày tận thế đang đến gần làm xuất hiện những hiện tượng như những giáo phái tự hành xác, những nhóm cuồng tín tôn giáo, họ đi lang thang khắp đất nước, quất roi và gây tổn thương trên chính mình, họ mong chờ Ngày Cuồng nộ đang ập đến. Đây đơn thuần là sự phản chiếu đầy hỗn loạn trong sự tưởng tượng của dân chúng về sự tan vỡ đang de dọa trật tự xã hội hiện hành.

Sự phá vỡ của một hệ thống xã hội được báo trước bởi một cuộc khủng hoảng trong đạo đức và ý thức hệ chính thống, chúng ngày càng xung đột với những quan hệ xã hội đã thay đổi. Một tinh thần phê phán xuất hiện ở tầng lớp tri thức bao giờ cũng là phong vũ biểu cho những căng thẳng đang ngày một gia tăng bên dưới những đáy tầng của xã hội. Một ý thức hệ và đạo đức không còn phản ánh thực tại là thứ đã sống dai hơn cuộc đời của chính nó và nó đã được định đoạt số phận là phải bị lật đổ.

Thời kỳ Trung Cổ thường được tô vẽ là thời đại của sự tận tâm tôn giáo và của sự mộ đạo. Nhưng mô tả đó tất nhiên không áp dụng cho giai đoạn đang xem xét. Giáo hội, một thể chế giàu có và quyền năng đặt sức nặng lên lưng của xã hội, đã bị bất tín rộng rãi. Huizinga viết “Trong tất cả những mâu thuẫn mà đời sống tôn giáo ở thời kỳ này phơi bày, có lẽ mâu thuẫn không thể giải quyết được nhất là sự kinh miệt công khai của giới tăng lữ, một sự khinh miệt được xem như một dòng chảy ngầm xuyên suốt thời Trung Cổ, song hành với sự tôn kính mà người ta thể hiện dành cho sự bất khả xâm phạm của giáo chức… Do vậy chính quý tộc, dân thành thị và tá điền một thời gian đã nuôi dưỡng sự căm hờn của họ bằng những lời chế giễu hằn học trước thầy tu hoang dâm và linh mục tham lam. Căm hờn là từ thích hợp cho bối cảnh này, vì căm hờn là âm ỉ, nhưng bao trùm và dai dẳng. Người ta không bao giờ mệt mỏi khi nghe kể về những thói xấu của giới tăng lữ bị công kích. Một người thuyết pháp công kích nhà nước giáo hội chắc chắn sẽ được mọi người hoan nghênh. Bernardino ở Siena nói, ngay khi người thuyết pháp mở đầu chủ đề này, thính giả của ông quên hết tất cả; không có cách nào hiệu quả hơn để hồi sinh sự chú ý khi giáo đoàn ngủ gật, hoặc đang khổ sở bởi nóng bức hoặc giá rét. Mọi người ngay lập tức trở nên tập trung và vui mừng.”12

Những dòng chảy ngầm của sự bất đồng được cảm nhận ngay cả bên trong chính Giáo hội, phản chiếu những sức ép của xã hội. Những phong trào dị dáo như người Albirgenses đã bị dập tắt trong bể máu. Nhưng những xu thế phản đối mới đã xuất hiện, đôi lúc được ngụy trang trong bộ cánh của chủ nghĩa thần bí. Nhà sử học Ý ở thế kỷ 19 liên hệ:

“Tinh thần cải cách tương tự được những người Albigenese thổi sinh khí đã lan rộng khắp Châu Âu: nhiều người Kitô giáo, căm ghét sự thối nát và đồi bại của tăng lữ, hoặc những người có tư tưởng nổi loạn chống lại sự bạo hành mà nhà thờ đã thử thách lý trí của họ, đã chuyên tâm vào cuộc đời tu hành, từ bỏ mọi khát vọng và lạc thú của thế gian và tìm kiếm một con đường cứu rỗi mới ở sự liên minh giữa niềm tin và lý trí. Họ gọi mình là những cathari hay người đã được thanh khiết; những paterini, hay người chịu nhẫn nhục.”13

Dòng thánh Dominic và dòng thánh Francis được thành lập vào đầu thế kỷ 12 nhằm chống lại dị giáo, thuyết giáo quyền và các tư tưởng triết học mới. Sismondi nói về Giáo hoàng Innocent III như sau: “Ông thành lập hai dòng thánh Francis và Dominic; những chiến sĩ mới của giáo hội, họ có nhiệm vụ ngăn chặn mọi hoạt động tinh thần, chiến đấu với tri thức đang lớn mạnh, và trừ tiệt dị giáo. Ông ta giao phó cho các thầy tu dòng Dominic và Francis những quyền năng đáng sợ của tòa án dị giáo do ông thành lập: ông ta giao họ nhiệm vụ phải phát hiện và đuổi bắt để tiêu diệt những người chủ trương cải cách mới xuất hiện, những người, dưới cái tên paterini, đã sinh sôi nhanh chóng ở Italy.”14

Đàn áp bằng bạo lực sự chống đối ở mọi hình thức là đặc trưng bất biến trong cư xử của giới chức giáo hội từ cấp cao nhất, như lịch sử của các giáo hoàng đã cho thấy. Giáo hoàng Urban VI, khi không nhận được sự ủng hộ của các hồng y, đã giải quyết bằng thủ đoạn tố cáo họ mưu phản chống ông ta. Ông ta đã đem tra tấn nhiều hồng y trước sự có mặt của mình, trong khi đó ông bình thản đọc kinh rô-ze. Những người khác bị ông ta ra lệnh tống vào bao rồi ném xuống biển. Thầy tu chủ trương cải cách Girolama Savanarola, một người Ý trước Luther, bị tra tấn cho tới khi ông thú nhận mọi tội ác quy kết cho ông, rồi bị thiêu sống cùng hai thầy tu khác. Các ví dụ có thể tùy ý nhân lên gấp bội.

Sự phát triển của khoa học bị kìm hãm hàng trăm năm vì tư duy bị cảnh sát tinh thần của Giáo hội bóp nghẹt. Những năng lượng tri thức không phải không đáng kể của các nhà kinh viện đã bị uổng phí vào những cuộc tranh luận liên miên và rối rắm về những chủ đề như giới tính của các thiên thần. Không ai được phép vượt quá giới hạn do tín điều của Giáo hội đặt ra, và ai tìm cách làm vậy sẽ tự đưa mình vào sự trả thù tàn nhẫn.

Bởi vậy cần phải có can đảm khi nhà triết học kinh viện Anh Roger Bacon (khoảng 1214-92) đã đi xa như vậy để thách thức giáo điều của Chủ nghĩa kinh viện và sự tôn kính trước thẩm quyền. Đi ngược lại tinh thần của thời đại, và báo trước phương pháp khoa học, ông chủ trương nghiên cứu thực nghiệm về tự nhiên. Với thực tế là khoa học vẫn chưa tách mình ra khỏi thuật giả kim và chiêm tinh học, không ngạc nhiên khi những yếu tố ấy xuất hiện trong các tác phẩm của Bacon. Cũng không ngạc nhiên khi ông nhận được phần thưởng cho sự táo gan của mình là bị đuổi không cho giảng dạy ở Oxford và bị giam hãm tại một tu viện vì những quan điểm dị giáo của ông. Ở tình huống này, ông ta đã may mắn.

Xu hướng triết học được biết đến là chủ nghĩa duy danh [nominalism], xuất hiện ở thời điểm này, đã tuyên bố rằng các khái niệm phổ quát chỉ là tên gọi của những sự vật cá biệt. Nó phản ánh một bước tiến về hướng của chủ nghĩa duy vật, như Engels giải thích:

"Chủ nghĩa duy vật là đứa con của nước Anh. Nhà triết học kinh viện Duns Scotus từng tự hỏi: ’không biết vật chất có thể suy nghĩ được không?

“Để thực hiện phép màu đó, ông phải nhờ đến tính vạn năng của thượng đế, nghĩa là ông buộc bản thân thần học phải tuyên truyền chủ nghĩa duy vật. Vả lại, ông còn là một nhà duy danh chủ nghĩa. Chủ nghĩa duy danh là một trong những nhân tố chủ yếu của các nhà duy vật Anh và nói chung là, biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa duy vật.” (Marx-Engels (1995), Phần 7.3d)

Xu thế duy danh được phát triển bởi một người Anh khác (mặc dầu, nói cho chính xác, Duns Scotus, như tên ông ám chỉ, sinh ra hoặc ở Scotland hoặc ở Bắc Ireland) William xứ Occam (mất năm 1349), là nhà Kinh viện quan trọng nhất. Occam cho rằng sự tồn tại của Thượng đế và những giáo điều tôn giáo khác là không thể phủ nhận được bằng lý trí, vì chúng chỉ dựa trên niềm tin. Đây là học thuyết nguy hiểm, bởi vì nó ngụ ý tách triết học ra khỏi tôn giáo, cho phép nó phát triển độc lập, giải phóng nó khỏi bàn tay chết chóc của Giáo hội. Occam bị rút phép thông công vào năm 1328, nhưng đã trốn thoát khỏi lãnh địa của Giáo hoàng ở Avignon, và chạy sang dưới sự che chở của Louis, Vua nước Pháp, người cũng bị rút phép thông công. Louis lúc đó đã kêu gọi một Ủy ban chung, và Giáo hoàng phát hiện mình bị tố cáo là dị giáo. Người ta nói rằng Occam gặp Hoàng đế và nói với ông ta rằng: “Ngài bảo vệ tôi bằng thanh gươm, và tôi sẽ bảo vệ ngài bằng ngòi bút.” Về bản chất, đây không phải là cuộc tranh luận trừu tượng về triết học mà là sự phản chiếu của cuộc đấu tranh sống còn giữa Giáo hội và Hoàng đế,và giữa Pháp, Anh và Đức.

Dù chứa đựng mầm mống của tư tưởng duy vật đúng đắn, triết học của thuyết duy danh là sai lầm khi cho rằng các khái niệm chung (“cái phổ biến”) chỉ là tên gọi. Thực tế, chúng phản chiếu những phẩm chất thực sự của sự vật đang tồn tại khách quan, những sự vật mà ngoài những đặc trưng cụ thể của chúng, cũng bao gồm bên trong bản thân chúng những yếu tố của cái chung, cái xác định chúng thuộc về một giống hay loài cụ thể. Sự phủ nhận cái phổ biến và nhấn mạnh vào cái đặc thù là đặc trưng riêng biệt của hình thức tư duy thực nghiệm cái đã hình thành nên tính cách của truyền thống triết học Anglo-Saxon kể từ đó. Với tư cách là phản ứng chống lại những học thuyết duy tâm cằn cỗi của Giáo hội trung cổ, nó đại diện cho một bước tiến quan trọng, một bước tiến về phía thực nghiệm khoa học:

“Không ngạc nhiên rằng các nhà tư tưởng nuôi dưỡng các quan niệm duy danh hoặc các quan niệm liên quan đã gây ảnh hưởng tới nghiên cứu khoa học. Chủ nghĩa duy danh dẫn đến sự chú ý tới trải nghiệm của những sự vật cụ thể do cảm giác đem lại, trái lại học thuyết đối lập là chủ nghĩa duy thực [realism] Platon (cách gọi tên dễ gây nhầm lẫn, bởi vì nó cho rằng thực tại nằm ở ý niệm cho nên nó đáng ra phải được gọi là chủ nghĩa duy tâm) bao giờ cũng hàm ý sự lôi cuốn vào tư biện tiên nghiệm.”15

Chủ nghĩa duy danh là mầm mống của chủ nghĩa duy vật, nhưng là một chủ nghĩa duy vật phiến diện và hời hợt mà sau này đã dẫn đến bế tắc nơi Berkeley, Hume và những nhà triết học ngữ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, hồi đó nó đại diện cho một bước tiến vĩ đại. Occam là người cuối cùng trong số những nhà kinh viện vĩ đại, những tiếp cận của ông đã khích lệ một thế hệ các nhà tư tưởng mới, như Nicholas xứ Oresme, học trò của ông, người đã nghiên cứu thuyết hành tinh. Ông báo trước Copernicus khi nghiên cứu thuyết địa tâm, cái đặt trái đất vào trung tâm của vũ trụ, và so sánh nó với thuyết nhật tâm, cái cho rằng mặt trời ở trung tâm, và kết luận rằng thuyết nào cũng giúp giải thích mọi sự kiện đã biết, và rằng, do đó, không thể chọn cái nào giữa chúng. Trong thực tế, kết luận rõ ràng rất cẩn trọng ấy là một bước đi thật táo bạo, bởi vì nó đã đặt một dấu chấm hỏi về lập trường chính thống của Giáo hội, và bằng cách ấy nó đã thách thức toàn bộ thế giới quan của Giáo hội.

Vũ trụ học của Giáo hội trung cổ tạo thành một bộ phận quan trọng trong thế giới quan chung của nó. Đây không phải là vấn đề thứ yếu. Bức tranh về vũ trụ được cho là hình ảnh phản chiếu của thế giới, với cùng đặc tính tĩnh tại, bất biến, với một trật tự tôn ti cứng nhắc. Nó không được xuất phát từ quan sát mà được lấy từ vũ trụ học của Aristotle và Alexandrines, rồi được chấp nhận một cách giáo điều. Bernal nhận xét:

“Trật tự xã hội được sản sinh từ trật tự của chính vũ trụ; cũng phải có giáo hoàng, giám mục, tổng giám mục, hoàng đế, vua, rồi quý tộc, không khác gì phẩm trật thiên thần với chín cấp bậc: luyến thần, minh thần, ngai thần; quản thần, dũng thần, quyền thần; lãnh thần, tổng lãnh thiên thần, thiên thần16 (tất cả đều là kết quả của sự tưởng tượng của Dionysius). Mỗi cấp bậc trong số đó có một chức năng xác định để vận hành vũ trụ, và họ được gắn theo cấp bậc vào những thiên cầu hành tinh để giữ chúng theo một chuyển động thích hợp. Bậc thấp nhất chỉ là những thiên thần thuộc về thiên cầu chứa mặt trăng một cách tự nhiên có liên quan đến trật tự của con người ngay bên dưới họ. Nói chung có một trật tự vũ trụ, giống như trật tự xã hội, một trật tự bên trong cơ thể con người, tất cả thể hiện những tình trạng mà Tự nhiên có xu thế quay trở lại khi nó đã bị xáo trộn. Tất cả đều có chỗ cho mình và tất cả đều biết chỗ của mình.”17

Vũ trụ quan này không thể bị thách thức mà không đặt nghi ngờ về toàn bộ thế giới quan của Giáo hội và hình thức xã hội mà nó bảo vệ. Sự xung đột chung quanh những tư tưởng của Copernicus và Galileo không phải là những tranh luận trí tuệ trừu tượng, mà là cuộc chiến sống còn giữa hai cách nhìn đối nghịch về thế giới, cái xét cho đến cùng đã phản chiếu một cuộc đấu tranh tuyệt vọng giữa hai trật tự xã hội không đội trời chung. Tương lai của thế giới xoay quanh hậu quả của cuộc đấu tranh này.

Tài liệu Tham khảo

Lenin. 2005. Bút ký triết học - Lenin Toàn tập. Vol 29. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia - Sự thật.

Marx-Engels. 1982. Tuyển tập. Vol III. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1983. Tuyển tập. Vol V. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1995. Toàn tập - Gia đình thần thánh. Vol 2. NXB Chính trị quốc gia, t.2, tr.13-316. https://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1845/gia_dinh_than_thanh.


  1. Marx-Engels (1983), Chống Duhring, tr. 36-38.

  2. Lenin (2005), tr. 307.

  3. Aristotle, Metaphysics, tr. 94.

  4. Lenin (2005), tr. 306.

  5. From Parts of Animals, trích dẫn trong Farrington, tr. 129-130

  6. Xem Farrington, tr. 162

  7. Marx-Engels (1982), Tư bản, tr. 291-292.

  8. Kautsky, sđd., tr. 89.

  9. Bernal, Science in History, tr. 181.

  10. Forbes and Dijksterhuis, A History of Science and Technology, Vol. 1, tr. 101-2.

  11. sđd, tr. 218

  12. J. Huizinga, The Waning of the Middle Ages, (Sự suy tàn của thời Trung cổ) tr. 172-3.

  13. Sismondi, A History of the Italian Republics, tr. 66.

  14. Sđd, tr. 60.

  15. Forbes và Dijksterhuis, op. cit., Vol. 1, tr. 117.

  16. seraphim, cherubim, ophanim (thrones); kyriotētes (dominations), virtutes, potestates (powers); principalities (archaios), archangels (archangelos), angels (angelos)

  17. sđd. tr. 27.