Đây là bản dịch của bài viết Marxists and national question của tác giả Ben Curry, 04/07/2019.

Khi hệ thống tư bản hết chao đảo từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, những mâu thuẫn cũ lại xuất hiện. Bất ổn, sự phân cực và những dịch chuyển chính trị lớn lao đang diễn ra trên khắp thế giới. Với tư cách là một phần của quá trình ấy, những vấn đề dân tộc chưa được giải quyết đang một lần nữa phun trào cùng với sức mạnh được hồi sinh ở khắp nơi trên địa cầu – từ Catalonia đến Kurdistan đến Ireland.

Và không chỉ về vấn đề dân tộc mà những dịch chuyển lớn lao ấy đang diễn ra. Sự xuất hiện của những phong trào và tổ chức chính trị mới, từ Sanders tới Corbyn tới Podemos, phản chiếu sự bế tắc của hệ thống và thực tế rằng quần chúng, do thiếu vắng một đảng với một cương lĩnh cách mạng rõ ràng, đang đi tìm kiếm một lối thoát.

Phương pháp Marxist

Đối với những người Marxist, vấn đề dân tộc đặt ra một trong những vấn đề thách thức và phức tạp nhất – một vấn đề không có công thức “cho mọi trường hợp”. Khi giải quyết vấn đề này, nguyên tắc trên hết của chúng tôi bao giờ cũng là mục tiêu đoàn kết giai cấp công nhân trên toàn thế giới để đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản.

Nói chung, những người Marxist mong muốn xóa bỏ những biên giới, chứ không phải đặt ra những biên giới mới. Thế nhưng, lập trường của những người Marxist, được Lenin và những người Bolshevik phát triển một cách chi tiết, là nhằm bảo vệ quyền dân chủ của các dân tộc đối với vấn đề tự quyết, cho đến và bao gồm cả việc ly khai. Điều này thể hiện một mâu thuẫn hiển nhiên. Sau hết: không phải là chúng ta muốn bãi bỏ mọi biên giới? Thế thì tại sao lại bảo vệ quyền thiết lập những biên giới mới?

Vào năm 1903, Đảng Dân chủ Xã hội Nga (RSDLP) (những người Bolsheviks là một phái trong đó) tranh luận về chính xác vấn đề này. Nước Nga ở thời điểm đó được gắn nhãn “nhà tù của các dân tộc” bởi sự áp bức kinh hoàng đối với người Ukraina, người Georgia, người Belarus, người Lithuan, người Do thái và những dân tộc thiểu số khác. Những người Marxist Nga, khi phản đối sự áp bức của Nga Hoàng, đã khắc sâu vào ngọn cờ của họ việc bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc.

Vào thời điểm đó, lập trường này bị Rosa Luxemburg phản đối, bà đã tiến hành đấu tranh quyết liệt chống lại chủ nghĩa dân tộc Ba Lan. Trong cuộc tranh luận này, Lenin đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng cách tốt nhất để loại bỏ chủ nghĩa dân tộc Ba Lan chính là ủng hộ giai cấp công nhân Nga (giai cấp của dân tộc đi áp bức) tuyên bố một cách công khai rằng họ không có lợi ích gì khi tiếp nối sự áp bức dân tộc của Nga Hoàng. Một chính sách bảo vệ quyền dân chủ của các dân tộc bị áp bức được ly khai do vậy là nhằm cố kết sự đoàn kết của giai cấp công nhân chống lại kẻ thù chung của họ.

Phương pháp này được chứng minh là đúng 100%. Không có chính sách này, việc nổ ra Cách mạng Nga 1917 có lẽ sẽ dẫn đến nhiều nước cộng hòa chia rẽ khỏi Liên Xô. Các phong trào dân tộc đã có thể ngờ vực xem đảng Bolsheviks chỉ là đảng của người ‘Nga’ thuần túy.

Nói cách khác, lập trường của những người Marxist đối với vấn đề dân tộc được tiếp cận chính xác từ quan điểm phá vỡ sự thù hận và ngờ vực dân tộc, do vậy sửa soạn để đạt được sự đoàn kết giai cấp quốc tế thực sự.

Marx và vấn đề dân tộc

Bảo vệ quyền của các dân tộc được quyết định số phận của riêng họ, tuy nhiên, rõ ràng là không đồng nghĩa với việc bao giờ cũng biện hộ cho sự độc lập và chia rẽ. Chúng ta có thể lấy sự tương tự với việc ly hôn. Chúng ta dĩ nhiên bảo vệ quyền của mỗi bên trong hôn nhân đối với việc ly hôn. Điều đó liệu có nghĩa là chúng ta phải biện hộ cho mọi cuộc hôn nhân phải kết thúc bằng ly hôn? Tất nhiên là không!

Vấn đề những người Marxist tranh luận ủng hộ hay không sự tự quyết ở trường hợp này hay ở trường hợp kia bao giờ cũng là vấn đề cụ thể. Ở một số trường hợp Marx, Engels, Lenin và Trotsky ủng hộ hoặc phản đối phong trào dân tộc ở Châu Âu. Tiêu chí của họ bao giờ cũng là: liệu điều đó phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân như thế nào?

Chẳng hạn, vào những năm 1840, Marx cho rằng cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho công nhân Anh (tức là phong trào Hiến chương) là chính yếu cho tự do của người Ireland. Nhưng sang những năm 1860, ông lại đi đến quan điểm trái ngược: rằng sự chia tách của Ireland khỏi Anh là tiền đề cần thiết cho cách mạng xã hội ở chính nước Anh.

Marx đã giải thích bằng cách nào sự chia tách của Ireland có thể đem lại những hậu quả cách mạng ở Anh. Vùng đất mà địa chủ Anh thường xuyên vắng mặt có thể hoàn toàn không được bảo vệ khi quân đội Anh dời đi. Sự độc lập do vậy có thể là dấu hiệu cho một cuộc cách mạng ruộng đất ở Ireland. Một chiến thắng cách mạng trước địa chủ Anh ở Ireland có thể là màn dạo đầu cho sự lật đổ chủ nghĩa tư bản ở chính nước Anh.

Sự chia tách của Ireland có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực cho phong trào công nhân. Tình trạng áp bức đối với Ireland đã dẫn đến những căng thẳng dân tộc giữa công nhân Anh và Ireland tại các thành phố nước Anh. Giai cấp tư bản biết cách lợi dụng những thù hằn ấy. Sự chia tách của Ireland có thể giúp xóa bỏ thù hận dân tộc và dọn đường cho sự đoàn kết giữa công nhân Ireland và công nhân Anh ở cả Ireland lẫn ở Anh.

Vậy là chúng ta thấy Marx và Engels ủng hộ sự độc lập của Ireland từ quan điểm quốc tế. Khi đánh giá những thể hiện của vấn đề dân tộc hôm nay, các tác phẩm của những người thầy Marxist vĩ đại tiêu biểu cho trải nghiệm phong phú và là những tấm gương về tính linh hoạt và tính nhạy cảm khi giải quyết vấn đề này.

Vấn đề dân tộc tái xuất hiện

Bằng chứng cho mức độ khủng hoảng sâu sắc của ngày hôm nay là ngay ở những nước nơi vấn đề dân tộc được xem là “đã được giải quyết” qua hàng thế kỷ, thì vấn đề ấy giờ đây xuất hiện trở lại. Đó là trường hợp Scotland, nơi sự liên minh với nước Anh và xứ Wales – tính cho đến giờ – đã tồn tại khá suôn sẻ suốt 300 năm.

Tại sao giờ đây vấn đề ấy lại xuất hiện? Nguyên nhân có gốc rễ căn bản ở tình trạng kinh kế. Cuộc khủng hoảng của thập kỷ 1970 đã dẫn đến một giai đoạn đấu tranh giai cấp lôi kéo công nhân trên khắp nước Anh tham gia. Nhưng cùng với thất bại mà phong trào lao động trong thập kỷ 1980 phải đối mặt (phong trào của thợ mỏ, thợ in ấn, thợ bốc xếp, v.v.) tình thế không đơn giản bất động. Người ta tiếp tục đi tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề của mình.

Và nếu như giai cấp công nhân không thể tìm ra một lối thoát bởi vì giới lãnh đạo theo đường lối cải cách của họ, vấn đề dân tộc có thể tái xuất hiện như một trở ngại lớn, cùng với việc tiểu tư sản và tư sản dân tộc có vẻ như đưa ra được một lối thoát. Đó chính là trường hợp ở Scotland. Trong quá khứ Đảng Dân tộc Scotland (SNP) được xem là đảng cánh hữu. Người ta nhắc đến họ như là ‘Đảng Bảo thủ phong cách Tartan1’, họ giành được chút ít ủng hộ từ công nhân.

Nhưng với sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Blair, SNP đánh lấn sang Công Đảng ở phía cánh tả. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland do vậy có thể đưa ra các giải pháp – bằng cách hứa hẹn sự ly khai khỏi nước Anh – nơi Công Đảng qua hàng thập kỷ không đưa ra được một giải pháp nào. Do vậy, nhiều người trong số những công nhân và thanh niên có ý thức chính trị nhất đã chuyển sang ủng hộ Scotland độc lập như một giải pháp khả thi cho những vấn đề của tình trạng chính sách khắc khổ, nghèo đói và khổ đau mà chủ nghĩa tư bản Anh đã áp đặt lên họ.

Đối với những người Marxist, lập trường cơ bản của chúng tôi là không thay đổi. Chúng tôi ủng hộ sự đoàn kết của giai cấp công nhân. Chúng tôi ủng hộ một Liên bang Xã hội gồm Stottland, Anh, xứ Wales và Ireland, với tư cách là một phần trong Liên bang Xã hội thống nhất Châu Âu. Chúng tôi tiếp tục giải thích rằng “độc lập” dựa trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản là không có độc lập nào hết. Chính sách khắc khổ, tình trạng nghèo đói và bóc lột mà công nhân Scotland muốn thoát ra sẽ còn tiếp diễn bởi vì khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản buộc nó phải như thế.

Nhưng cuộc trưng cầu dân ý cho vấn đề độc lập năm 2014 đã thể hiện một bước ngoặt quyết định. Mặc dù số biểu quyết “Không” đã chiến thắng sít sao, quần chúng công nhân và thanh niên đã bước vào màn kịch chính trị, và quan niệm của họ về độc lập không hề tương đương với cái kiểu “độc lập” mà những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cánh tả tán thành.

Chúng tôi không gạt bỏ khát vọng dân tộc bằng cách vẫy tay nói rằng, “chủ nghĩa xã hội sẽ giải quyết tất cả những vấn đề ấy”. Do vậy những người Marxist giương cao khẩu hiệu một Cộng hòa Scotland độc lập của giai cấp Công nhân, như một phần trong quá trình cải biến xã hội chủ nghĩa trên khắp các hòn đảo ấy và là một bước tiến tới một liên bang xã hội chủ nghĩa.

Nhưng một lần nữa, câu chuyện vẫn chưa đi tới hồi kết. Vấn đề dân tộc sẽ tiếp tục tiến hóa cho đến khi chủ nghĩa tư bản bản thân nó bị lật đổ. Trong giai đoạn tới, không loại trừ việc đấu tranh giai cấp gia tăng ở khắp nước Anh – đặc biệt là cuộc bầu chọn của chính phủ Công Đảng cánh tả – có thể chia cắt phong trào đòi độc lập một thời gian. Nhưng phần lớn điều đó phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo Công Đảng ở Anh khi giải quyết một cách thận trọng những nguyện vọng dân tộc của công nhân Scotland, điều đó chứa đựng một hạt nhân tiến bộ.

Cần phải nói rằng năm 2014 xung lực mạnh mẽ nhất tác động đến chủ nghĩa dân tộc Scotland là do những người theo phái ủng hộ việc hiện đại hóa các chính sách của Blaire [Blarite] mang lại, họ đã đứng trên cùng một nền tảng giống Đảng Bảo thủ như một phần của chiến dịch “Cùng nhau tốt hơn”.

Mặc dù việc bầu chọn Corbyn, và bầu chọn nhân vật theo cánh tả – Richard Leonard – làm lãnh đạo của Công Đảng Scotland, các lãnh đạo đảng tiếp tục mù lòa khi xem xét vấn đề dân tộc, như chúng ta thấy việc Công đảng tiếp tục từ chối ủng hộ quyền được tham gia trưng cầu dân ý lần thứ 2.

Catalonia

Ở Catalonia chúng ta cũng thấy một diễn biến tương tự. Cho đến năm 2017, ở nhiều phương diện phong trào dân tộc Catalan đã không đạt tới giai đoạn tương tự như những diễn biến ở Scotland. Nhưng vào ngày mùng 1 Tháng 10 năm 2017 các lãnh đạo theo đường lối dân tộc ở Catalonia tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cho vấn đề độc lập. Họ lường trước được rằng nhà nước Tây Ban Nha sẽ nghiền nát cuộc trưng cầu dân ý và họ kỳ vọng giành được chút vốn liếng chính trị. Dĩ nhiên họ không có bụng dạ nào cho một cuộc đấu tranh thực sự.

Nhà nước Tây Ban Nha thối nát phản ứng với những mức độ đàn áp làm gợi lại thời kỳ Franco. Thực tế, giai cấp tư sản Tây Ban Nha lạc hậu không bao giờ giải quyết được vấn đề dân tộc và ở những thời khắc quyết định nó chỉ có thể giữ vững nhà nước Tây Ban Nha bằng sự áp bức tàn bạo.

Tuy nhiên, tất cả các đảng phái đều kinh ngạc khi hàng triệu công nhân xứ Catalan đã huy động lực lượng để bảo vệ cuộc trưng cầu khỏi sự áp bức tàn bạo của nhà nước Tây Ban Nha.

Trotsky có lần nói rằng chủ nghĩa dân tộc có thể là “cái vỏ bên ngoài của Chủ nghĩa Bolshevik chưa trưởng thành”. Chúng ta có thể nói vậy với một chút công bằng đối với “chủ nghĩa dân tộc” của hàng ngàn lính cứu hỏa, y tá và sinh viên Catalan cánh tả, họ đã dũng cảm đương đầu với sự đàn áp của nhà nước Tây Ban Nha.

Thế nhưng, chủ nghĩa dân tộc cũng có thể là cái vỏ bên ngoài của chủ nghĩa phát-xít đang phôi thai. Chúng ta thấy điều đó ở trường hợp của chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha, nó đã được kích động bằng thái độ phản động của chính quyền Tây Ban Nha – tàn dư của chế độ Franco – khi đáp trả những sự kiện diễn ra ở Catalonia.

Những sự kiện ở Catalonia cung cấp một bài học còn ấn tượng hơn về tầm quan trọng đối với những người cánh tả khi họ chấp nhận một thái độ đúng đắn trước vấn đề dân tộc. Đảng cánh tả, Podemos, chấp nhận một cách thảm thương lập trường “cân bằng” giữa chủ nghĩa dân tộc Catalan và chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha – cứ thể hai thứ ấy là như nhau.

Chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha, đại diện bởi các đảng như PP, Ciudadanos và Vox có truyền thống thối nát, cánh hữu và phát-xít. Trái lại phong trào độc lập cho Catalan chứa đựng một nội dung cộng hòa và tiến bộ. Không giống như các lãnh đạo đảng Podemos, những người Marxist ở Catalonia do vậy ủng hộ khẩu hiệu: Vì một Cộng hòa Xã hội Catalan với tư cách là một tia lửa cho cuộc cách mạng ở bán đảo Iberia.

Kurdistan

Ít có nơi nào trên thế giới những mâu thuẫn của hệ thống tư bản đang chết đã đạt tới mức độ cấp tính và đau đớn sánh được với Trung Đông. Theo sau Mùa xuân Ả Rập các thế lực đế quốc cảm thấy mặt đất dưới chân mình đang rung chuyển. Cán cân quyền lực mà chúng đục khoét đã bị đứt gẫy. Ở Syria điều đó đã dẫn đến cuộc tranh giành tầm ảnh hưởng cùng những hậu quả phản động nhất.

Sự luân phiên chóng vánh giữa cách mạng và phản cách mạng đã tác động sâu sắc đến số phận của người Kurd, nhóm dân tộc lớn nhất thế giới không có tổ quốc. Bốn mươi triệu người Kurd phần lớn bị chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran.

Khi Cách mạng Syria khởi đầu vào năm 2011 nó đã có thể vận động theo hướng giai cấp công nhân giành được quyền lực. Giá như thời điểm ấy có một đảng cách mạng ở Syria, đảng ấy đã có thể giương cao khẩu hiệu về nhu cầu vì một liên bang xã hội chủ nghĩa ở Trung Đông, nhấn mạnh trên hết nhu cầu vì sự đoàn kết của giai cấp công nhân, và ủng hộ quyền tự trị của những nhóm dân tộc khác nhau. Ở Syria có rất nhiều nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số nằm trong những khu vực đông dân cư nhất: không chỉ có người Ả Rập và người Kurd mà còn có cả người Sunni, người Alawi, người Druze, người Thiên chúa giáo và những nhóm tôn giáo khác.

Tuy nhiên, cùng với việc chìm sâu vào cuộc nội chiến, và sự gia tăng thống trị của người Hồi giáo đối lập, sự phản động chiếm ưu thế khiến người Kurd ở khu vực bắc Rojava kiểm soát công việc của riêng họ. Trong khi đó, khắp biên giới Iraq, các khu vực của người Kurd ngày càng trở nên tách biệt khỏi phần còn lại của đất nước. Bị chế độ phe phái ở Baghdad áp bức, nguyện vọng của người Kurd đòi ly khai là dễ hiểu.

Những diễn biến như vậy đã bùng lên ý tưởng trong hình dung của hàng triệu người Kurd rằng việc thiết lập một nhà nước của riêng họ là có thể nằm trong tầm tay.

Chính trong bối cảnh này mà Barzani, một người dân tộc cánh hữu của người Kurd ở Iraq, đã kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý vì sự độc lập vào năm 2017, họ đã giành chiến thắng với đại đa số 92.73%. Kết quả là gì? E sợ điều đó có thể lặp lại trong nhóm dân chúng người Kurd của chính mình, các thế lực trong khu vực đã vận động nhằm hăm dọa Barzani và người Kurd ở Iraq. Cả Iran lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều đóng cửa biên giới của họ, trong khi chính quyền Iraq đưa quân đội đến Kirkuk nhằm cắt đứt đường dẫn dầu.

Chú ý rằng, cần phải nhắc lại rằng bè lũ Barzani đã tìm cách mở rộng tầm kiểm soát của họ vượt ra ngoài những khu vực mà người Kurd chiếm đa số để tới những thành phố như Kirkuk và những nơi khác, nơi có sự pha trộn về dân tộc. Thật là hấp dẫn khi đơn giản hóa thế giới thành trắng và đen; thành các dân tộc áp bức và bị áp bức. Tuy nhiên tư sản ở những quốc gia bị áp bức nói chung chính bản thân họ lại thiết tha hơn hết để trở thành những kẻ áp bức chủ đạo!

Mỹ về phần mình không làm gì cả nhằm bảo vệ quyền dân tộc của người Kurd. Kể từ lúc trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo ISIS, Mỹ đã ngày càng dựa vào người Kurd với vai trò là lực lượng chiến đấu có năng lực nhất trong khu vực. Những người Marxist cảnh báo rằng Mỹ và những thế lực đế quốc khác sẽ lợi dụng người Kurd (và những dân tộc thiểu số bị áp bức khác) như một sự thay đổi nhỏ trong cách chúng đối đầu với nhau. Điều đó quả đã diễn ra đúng như vậy.

Trong bối cảnh của cuộc đấu tranh này, những người Marxist ủng hộ quyền đòi độc lập của người Kurd. Nhưng, như chúng tôi đã giải thích – và sự kiện đã chứng minh – rằng độc lập này chỉ có thể đạt được bằng cách công nhân ở toàn bộ khu vực tiến hành lật đổ Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ, những lãnh tụ Ayatollah ở Iran, v.v..

Nói cách khác, chỉ có thể giành được một Kurdistan độc lập, dân chủ với tư cách là một phần trong cuộc đấu tranh vì Liên bang Xã hội chủ nghĩa ở Trung Đông. Các lãnh đạo dân tộc tư sản và tiểu tư sản rõ ràng không quan tâm đến một giải pháp như vậy cho vấn đề người Kurd.

Ở Kurdistan, có lẽ hơn ở bất cứ nơi nào khác, có thể thấy rõ làm thế nào – dưới chủ nghĩa đế quốc – cuộc đấu tranh vì sự tự quyết của những người dân bị áp bức là gắn liền với cuộc đấu tranh quốc tế của giai cấp công nhân vì chủ nghĩa xã hội. Thực ra, không có một quan điểm giai cấp và quốc tế, nút thắt phức tạp của những mâu thuẫn dân tộc đang tồn tại khắp Trung Đông là không thể giải quyết được và nó chỉ trở thành một nguồn gốc của sự bất hạnh và khổ đau cho dân chúng.

Một tiến trình không đơn giản

Trong khi khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản ở Scotland, Catalonia, Kurdistan và những nơi khác đã dẫn tới sự xuất hiện của những cuộc đấu tranh dân tộc tiến bộ, nơi khác tư sản đã kích động vấn đề dân tộc nhằm chia rẽ cuộc đấu tranh giai cấp đang lớn mạnh. Ngay cả khi điều đó nghĩa là đẩy sự việc đến bờ vực nội chiến, đối với giai cấp thống trị việc đó còn được ưa thích hơn nhiều so với việc để tuột mất quyền lực và đặc quyền của chúng.

Giai đoạn 1968-69 sự bùng nổ của phong trào Dân quyền ở Bắc Ireland, được truyền cảm hứng từ những sự kiện diễn ra ở Pháp, đã tiếp nhận những đặc trưng cách mạng. Giai cấp tư bản Anh chủ tâm đẩy tiến diễn của phong trào ra xa cuộc đấu tranh giai cấp và chuyển hướng sang chủ nghĩa bè phái.

Đảng Bảo thủ chủ động thông đồng với những phần tử bán vũ trang trung thành nhằm tiến hành những cuộc giết chóc bè phái. Trong lúc ấy, một bộ phận tư sản ở Nam Ireland chuyển tiền và súng ống cho tổ chức Lâm thời IRA (PIRA) – một tổ chức cánh hữu, chống cộng. Việc PIRA sử dụng khủng bố cá nhân thực ra làm nới rộng sự chia rẽ phe phái. Giai cấp thống trị Anh thích việc đó hơn nhiều so với việc phải đối mặt với một giai cấp công nhân cách mạng và đoàn kết.

Đầu năm 2018 chúng ta chứng kiến sự lớn mạnh của Phong trào Pashtun Tahafuz (PTM) ở Pakistan. Pakistan được đế quốc Anh tạo ra khi chia cắt Ấn Độ vào năm 1947. Tội ác này dẫn đến hơn hai triệu người chết trong những cuộc bạo lực trong cộng đồng. Cho đến ngày hôm nay vấn đề dân tộc vẫn chưa được giải quyết. Chúng ta thấy ở Kashmir làm thế nào mà giai cấp thống trị ở Pakistan và Ấn Độ lợi dụng những vết thương chưa lành ấy nhằm gia tăng lợi ích của riêng mình và thổi cháy chủ nghĩa sô-vanh dân tộc ở quê nhà.

Ở Pakistan, giai cấp tư bản không thể tạo ra được một nhà nước dân chủ và ổn định. Đúng hơn, giai cấp thống trị đặt cơ sở chủ yếu ở khu vực Punjab, đã sử dụng sự áp bức tàn bạo nhằm ngăn chặn những lực ly tâm khiến Pakistan tan vỡ. Ở các bộ lạc vùng Pashtun điều đó đã buộc hàng ngàn người phải biến mất, cùng với những người thân không dám nói ra vì lo sợ hậu quả.

Nhưng vào năm 2018 điều đó đã đạt tới điểm tới hạn. Những cuộc tuần hành và mít-tinh quần chúng của hàng ngàn người dân Pashtun bị áp bức đã được tổ chức xung quanh phong trào PTM. Nhưng những người Pashtun không phải là những người duy nhất bị áp bức ở Pakistan. Người Hazara bị áp bức đã lấy cảm hứng từ phong trào PTM, người Balochi cũng làm như vậy.

Nhà nước Pakistan lo ngại rằng phong trào này có thể liên kết với cuộc đấu tranh của những nhóm người bị áp bức khác và đóng vai trò như một chất xúc tác mạnh mẽ tới cuộc đấu tranh giai cấp ở Pakistan. Sự thực, những người Marxist chính xác ủng hộ phong trào PTM liên kết cuộc đấu tranh của người Pashtun với cuộc đấu tranh của những nhóm người bị áp bức khác – và trên hết là liên kết với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.

Không có gì phải ngạc nhiên khi giai cấp thống trị Pakistan có thái độ rất thiện chí trước những người trong phong trào PTM những kẻ có mong muốn đẩy phong trào vào đường lối dân tộc chủ nghĩa thuần túy. Những kẻ dân tộc chủ nghĩa ấy thật không may đã xâm nhập vào được giới lãnh đạo của PTM. Do vậy cái khởi đầu như một phong trào rất hứa hẹn đã bị đảo chiều một cách có ý thức sang đường lối dân tộc chủ nghĩa bởi giai cấp thống trị.

Một vấn đề có tính cụ thể

Từ chỉ vài ví dụ nêu trên chúng ta có thể thấy vấn đề dân tộc có thể có nhiều mặt đến nhường nào. Không có vấn đề dân tộc nào giống vấn đề dân tộc nào. Và từ thời điểm này sang thời điểm khác, vẫn cùng một vấn đề dân tộc ấy nhưng nó không còn như trước nữa. Chỉ có điều không thay đổi chính là sự thay đổi.

Những kẻ dân tộc chủ nghĩa tư sản và tiểu tư sản sẽ thường xuyên lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cho mục đích của riêng mình: hoặc nhằm chia rẽ giai cấp công nhân hoặc nhằm giành lấy đặc quyền cho riêng mình. Giai cấp thống trị hoàn toàn ý thức được bằng cách nào những khác biệt về dân tộc có thể được lợi dụng để tung ra những rào cản và chia rẽ công nhân.

Trái lại, phương pháp của Chủ nghĩa Marx là nhằm trang bị cho những công nhân có ý thức giai cấp và tân tiến nhất những tư tưởng, khẩu hiện và chính sách cần thiết để đưa phần còn lại của giai cấp mình thoát khỏi sự mù quáng có tính chất dân tộc, phân biệt chủng tộc và tôn giáo, xé tan những rào cản mà giai cấp tư sản dựng lên.

Nhưng tìm ra những khẩu hiện đúng đắn, những chính sách đúng đắn và những đòi hỏi đúng đắn là nhiệm vụ không hề đơn giản. Không tồn tại những công thức đóng gói sẵn. Thế vào đó trên hết phải nghiên cứu từng vấn đề một cách cẩn trọng, nhằm gỡ ra mặt năng động của vấn đề ấy. Trên hết phải coi vấn đề dân tộc là một quá trình. Trong quá trình ấy những thái độ đang thay đổi của các giai cấp khác nhau là điều quan trọng nhất để đưa ra đánh giá đúng đắn.

May thay trợ giúp cho chúng ta là những tác phẩm phong phú thuộc chủ đề này do Marx, Engels, Lenin và Trotsky để lại. Những tác phẩm ấy cần phải được tất cả những người Marxist và những công nhân có ý thức giai cấp nghiên cứu. Chúng tiêu biểu cho những bề dày kinh nghiệm có được khi những người Marxist đối mặt với những vấn đề ấy trong quá khứ.

Càng về sau những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản chỉ càng thêm gay gắt. Những đối kháng dân tộc sẽ càng trở nên trầm trọng. Để đáp lại chúng ta phải được trang bị bằng một chính sách sáng suốt và rõ ràng về vấn đề dân tộc.

Đọc thêm


  1. Tartan: hình mẫu kẻ ô vuông, biểu tượng văn hóa Scotland, phong cách Scot.