Đây là bản dịch Chương 6 của phiên bản online cũ của cuốn Lịch sử triết học của tác giả Alan Woods. Cuốn sách này đã được cập nhật bổ sung và xuất bản với tựa đề History of Philosophy: A Marxist Perspective

Cảm ơn tác giả và ban biên tập đã cho phép tôi dịch và duy trì các nội dung đã dịch từ cuốn sách cũ để phục vụ bạn đọc Việt nam. Các nội dung đã dịch sẽ được cập nhật theo phiên bản mới của cuốn sách.

Tham khảo: Chương 1: Chúng ta có cần triết học không?, Chương 2: Những nhà biện chứng đầu tiên, Chương 3: Aristotle và sự cáo chung của triết học Hy Lạp cổ đại, Chương 4: Thời kỳ Phục hưng, Chương 5: Descartes, Spinoza và Leibniz.

Cập nhật lần cuối: 2022-02-11 ICT

Triết học Ấn Độ và Hồi giáo

Ấn Độ

Theo truyền thống triết học Ấn Độ được chia làm bốn thời kỳ: 1) thời kỳ Veda (Vệ-đà); 2) thời kỳ cổ đại (hay thời kỳ Bà La Môn - Phật giáo), kéo dài từ thế kỷ thứ 6 TCN đến thế kỷ thứ 10 SCN; 3) thời kỳ hậu cổ đại hoặc thời kỳ Hindu, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 18; và 4) thời kỳ hiện đại,

Triết học phương đông bao giờ cũng gắn bó mật thiết với tôn giáo, bắt đầu với bản thân đạo Hindu. Đạo Hindu là một hệ thống các quan niệm và tín ngưỡng vẫn còn tồn tại ở hầu khắp Tiểu lục địa Ấn Độ từ Thời Trung cổ cho đến tận ngày nay, mặc dầu nó chứa đựng các yếu tố xuất phát từ quá khứ rất xa xôi. Vì vậy đạo Shiva có gốc rễ tiền-Veda và có liên hệ tới tư tưởng về thần Shiva, vị chúa tể của những loài vật bị xiềng xích. Tuy nhiên, trong hình thức hiện đại của nó, nó phát sinh từ cuộc tổng khủng hoảng ý hệ và xã hội ở Ấn Độ vào thế kỷ 6 đến thế kỷ 4 TCN. Ở thời kỳ Hindu, các hệ thống Vishnu và Shiva được phát triển. Người ta tuyên bố rằng Brahman1 của các kinh Upanishad là thần Shiva, thần Siva hay thần Vishnu. Trong tác phẩm vĩ đại của mình Lịch sử Triết học, Hegel viết: “Văn hóa Ấn Độ đã phát triển tới một trình độ cao, và thật ấn tượng, không phải vì triết học của nó là đồng nhất với tôn giáo của nó, và các đối tượng mà người ta dành sự chú ý trong Triết học thì cũng là những gì mà chúng ta thấy được nêu ra trong Tôn giáo. Do vậy những cuốn kinh thiêng liêng hay Veda cũng hình thành nên tác phẩm nền móng chung cho Triết học.”2

Trong đạo Hindu, có thể tìm thấy những yếu tố biện chứng nhất định ở dạng phôi thai, chẳng hạn như ba giai đoạn của sự sáng tạo (Brahma), sự duy trì trật tự (Vishnu) và sự hủy diệt hay sự hỗn loạn (Shiva). Ian Stewart, tác giả cuốn Thuyết Hỗn độn, chỉ ra rằng sự khác biệt giữa các vị thần Shiva, “thuần khiết”, và thần Vishnu không phải là sự đối kháng giữa cái thiện và cái ác, mà là các nguyên lý thực sự của sự hài hòa với sự bất hòa tạo ra nền tảng cho toàn bộ tồn tại. Ông viết “Cũng như vậy, các nhà toán học đang bắt đầu nhìn nhận cái trật tự và cái hỗn độn như là hai thể hiện phân biệt của cái tất định nền móng. Không có cái nào tồn tại một cách cô lập. Hệ thống điển hình chỉ có thể tồn tại ở những trạng thái đa dạng, một số trạng thái thì trật tự, một số thì hỗn loạn. Mặc dầu có hai cực đối lập nhau, tồn tại một phổ liên tục. Khi sự hài hòa và sự bất hòa tổng hợp trong một vẻ đẹp âm nhạc, thì trật tự và hỗn độn tổng hợp trong vẻ đẹp toán học.”3

Hegel không hoàn toàn công bằng với triết học Ấn Độ, bởi vì ông bỏ qua khuynh hướng duy vật phi-Veda trong triết học Ấn Độ, cùng với thành kiến quen thuộc của ông đối với chủ nghĩa duy vật nói chung. Thế nhưng, sự thật là căn nguyên của triết học Ấn Độ có thể được tìm thấy trong các tác phẩm lâu đời nhất Ấn Độ, kinh Veda.

Chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, một số tôn giáo độc thần khác đã nảy sinh ở thế kỷ 10, đáng chú ý là Sikh giáo như một nỗ lực nhằm điều hòa Hindu giáo với Hồi giáo. Đạo Hindu được đặc trưng bởi sự cực kỳ đa dạng, gần như là sự sinh sôi quá mức, của các vị thần. Có lúc, số lượng các vị nam thần và nữ thần ở Ấn Độ (330 triệu) vượt quá tổng dân số hiện tại. Nhưng từ các thời kỳ sớm nhất chúng ta cũng thấy một xu thế đối lập: một xu thế hướng tới chủ nghĩa duy vật và vô thần.

Triết học Ấn Độ nảy sinh trên nền tảng của một trong những nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại, một dòng phát triển văn hóa có trước rất xa văn hóa Tây Âu. Các truyền thống văn hóa Ấn Độ có gốc rễ từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15 TCN và kéo dài gần như không đứt gẫy cho đến tận ngày nay, nó cho thấy sức sống và sự đa dạng lớn lao. Nguồn gốc của toàn bộ triết học Ấn Độ là phần chính yếu của văn học truyền miệng cổ đại được biết đến là các bộ kinh Veda, nổi tiếng nhất trong số đó là Rig-Veda. Ngoài những lời ca tụng tự nhiên-thượng đế và những chi tiết về nghi lễ, chúng còn chứa đựng chất liệu khác với cá tính triết học rõ ràng. Ngay từ sớm 1500 TCN, Rig-Vega đã đặt câu hỏi: Vũ trụ là từ đâu ra? Trong khi đó, khổ mở đầu trong một trong những bộ kinh Upanishad đặt câu hỏi: “Cái gì thúc đẩy một tinh thần có hướng đích đáp xuống một đối tượng của nó? Ai đầu tiên đã khởi động sự sống? Ai thúc giục những lời này phải được nói ra? Vị thần nào dùng đến đôi mắt và đôi tai?”

Kinh Veda

Các bản văn kinh tôn giáo cổ nhất Ấn Độ, bộ kinh Veda, đã có từ khoảng 1500 TCN và do vậy có thể được xem là tư liệu triết học cổ nhất trên thế giới. Theo ý nghĩa chính thức, kinh Veda là các lời ca tụng các vị thần, nhưng, như Hegel cũng chỉ ra rằng tôn giáo Phương Đông có tính cách triết học hơn Kitô giáo Phương Tây. Các vị thần có ít đặc tính cá nhân hơn và giống những quan niệm và biểu tượng khái quát hơn. Chúng ta thậm chí tìm thấy những yếu tố biện chứng trong đạo Hindu, và trên hết là trong đạo Phật, như Engels đã giải thích. Các nam thần và nữ thần của kinh Veda không phải là những cá nhân mà là sự thể hiện của chân lý và thực tại tối hậu, và những tác phẩm chứa đựng một số lượng lớn những suy diễn có tính chất tôn giáo và triết học về bản chất vũ trụ. Kinh Veda đã chứa đựng những mầm mống của một tư tưởng triết học – cái gọi là, quan niệm về một trật tự thế giới đơn nhất (Ritam). Nguyên lý của trật tự, pháp quyền và công lý do vậy được xây vào trong kết cấu của bản thân vũ trụ. Cũng tồn tại một sự thống nhất giữa các mặt đối lập (cái đặc thù và cái phổ biến) trong sự thống nhất của Brahman, một linh hồn-thế giới, và Atman, một linh hồn cá nhân; sự bất tử của linh hồn cái được tái sinh theo nghiệp hoặc luật nhân quả. Bằng cách thực hiện điều đúng đắn con người có thể thoát khỏi vòng tái sinh vô tận.

Các kinh Upanishad, là những bình giải từ thời cổ đại về kinh Veda, cấu thành tác phẩm tiếp theo của triết văn Ấn Độ, khám phá các vị thần và các nghi lễ Veda với nội dung triết học mới. Những văn bản sớm nhất này có từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 6 TCN. Chúng có một tác dụng lớn lao không chỉ cho tư tưởng Ấn Độ mà còn cho đời sống xã hội trong hàng ngàn năm. Hệ thống đẳng cấp Ấn Độ, cùng với hệ thống cai trị phức tạp quy định các thành viên của từng đẳng cấp có thể hay không thể được làm gì, được thể hiện bởi các kinh Upanishad như một sản phẩm bất biến của trật tự vũ trụ. Trong trật tự của sự vật ấy, Brahma là nguyên lý sáng tạo đặt nền tảng cho mọi sự vật. Từ nguyên lý phổ quát này, tất cả được sinh ra, rồi trở lại sau khi chết. Niềm tin vào sự tái sinh được tái khẳng định và đem lại nền tảng cho hành vi đạo đức của con người. Chẳng hạn, quan niệm nhân quả (karma; nghiệp) khẳng định rằng kẻ vu khống sẽ tái sinh với hơi thở hôi hám! Để thoát khỏi vòng luân hồi đó, con người phải chú tâm vào suy ngẫm về sự thống nhất giữa linh hồn (atman) với brahma.

Bản chất duy tâm và thần bí của nó không đòi hỏi bất cứ bình luận nào. Tuy nhiên, đọc kinh Upanishad cho thấy chúng chứa đựng một loạt những tranh luận có dụng ý như một sự bác bỏ tư tưởng vô thần và duy vật, những tư tưởng đã có mặt từ lúc bình minh của triết học Ấn Độ. Trong cuốn sách của mình Con người, Thượng đế và Tôn giáo, nhà duy vật hiện đại người Ấn Độ Geetesh Sharma (bản thân ông là một thầy tu Hindu) đưa ra một số ví dụ về điều này:

"Trong một số ‘sukta’ của Veda, có bằng chứng về sự đối lập với ‘Yagnas’ [tôn thờ lửa] và các nghi lễ do các thầy tu tiến hành.

"Trong thời kỳ của các Upanishad, việc phê phán các thầy tu trở nên gay gắt hơn. Trong Upanishad chdandogya, đám rước của các thầy tu được so sánh với đám rước của những con chó. Trong Upanishad Mundak nghi lễ dùng người để tế thần và các nghi lễ khác bị phê phán kịch liệt.

“Trong số 18 Upanishad ưu thế có một Upanishad Veda Shvasan. Upanishad này về cơ bản chứa đựng những giáo huấn có tính chất tự nhiên và duy vật. Có đoạn viết: ‘không có sự hóa thân, cũng không có Thượng đế; cũng không có thiên đường hay địa ngục. Tất cả tác phẩm tôn giáo truyền thống ấy là quan niệm của những sự ngu ngốc tự mãn’” 4

Những người theo phái Carvaka

Bao giờ cũng có những người phủ nhận thẩm quyền của kinh Veda và phủ nhận đời sống của linh hồn sau khi chết. Các nhà duy vật Ấn Độ đầu tiên, cũng giống như những nhà duy vật Hy Lạp đầu tiên, coi các yếu tố (nước, lửa, không khí) hoặc thời gian hoặc không gian, là những chất liệu căn bản của vũ trụ. Những thông tin đầu tiên về giáo lý duy vật ấy được tìm thấy trong kinh Veda và trong các anh hùng ca viết bằng chữ Sanskrit. Cái tên Lokayata có nghĩa là “quan điểm của người tầm thường”, “một hệ thống có nền móng ở thế giới tầm thường, trần tục”, “một nghệ thuật ngụy biện”, và “một triết học phủ nhận sự tồn tại một thế giới khác với thế giới này”. Truyền thống quy giáo lý Lokayata cho vị hiền triết tên là Brihaspati, người, cùng với một nhân vật khác tên là Charvaka (hay Charvak), là hai cá nhân xuất sắc của giáo lý duy vật. Do người ta không biết gì về họ, nhiều người nghĩ rằng họ là những nhân cách huyễn hoặc. Nhưng thế thì, người ta cũng chẳng biết gì nhiều về các nhà triết học Hy Lạp đầu tiên, nhưng chúng ta thường chấp nhận họ như những nhân vật lịch sử.

Carvaka bác bỏ quan niệm về một thế giới sau khi chết, bác bỏ thẩm quyển của những bộ kinh linh thiêng, kinh Veda, và bác bỏ sự bất tử của cái tôi. Tất cả những đối tượng phi-vật chất như “kiếp sau”, “số phận”, hay “linh hồn” đều không tồn tại. Ý thức do vậy được xem là một sản phẩm của cấu trúc vật chất của thể xác và đặc trưng cho bản thân thể xác – chứ không phải là linh hồn – và nó tiêu vong cùng với thể xác. Giáo lý Lokayata nhận thức vũ trụ là tồn tại được hình thành từ bốn yếu tố: đất, nước, không khí, lửa. Trong một số văn bản, yếu tố thứ năm (ether) được thêm vào. Những yếu tố này, đến lượt, được coi là cấu tạo bởi các nguyên tử, những đơn vị không thể phân chia mà được xem là bất biến, bất diệt và tồn tại vĩnh hằng. Các thuộc tính của bất cứ đối tượng cho trước nào cũng đều được xác định bởi các nguyên tử cấu hành nên nó. Trong khi đó, ý thức và cảm giác là kết quả của sự tổ hợp nhất định của các nguyên tử và tỷ lệ mà chúng kết hợp lại với nhau. Sau khi một sinh vật chết đi, tổ hợp này bị phân rã thành các yếu tố rồi sau đó kết hợp lại với các loại nguyên tử tương ứng trong giới tự nhiên vô tri vô giác.

Mặc cho sự bất toàn và các yếu tố chất phác của nó, chủ nghĩa duy vật Ấn Độ ban đầu ấy chứa đựng những mầm mống tư tưởng sâu sắc và thể hiện một sự báo trước cho khoa học nguyên tử hiện đại, cũng giống như triết học của Democritus, Leukippus và Epicurus của Hy Lạp cổ đại. Vả lại, theo cách nào đó nó báo trước thuyết tiến hóa hiện đại. Một số văn bản mô tả bằng cách nào mà các yếu tố nhất định phát sinh từ các yếu tố khác, với trái đất là nguồn gốc nguyên thủy cho mọi sự phát triển. Trong lĩnh vực nhận thức luận (lý luận nhận thức) giáo lý Lokayata là cảm tính, tức là nói, nó cho rằng tất cả nhận thức của con người là xuất phát từ cảm giác (tri giác-cảm giác). Các cơ quan cảm giác chỉ có thể hiểu các đối tượng bởi vì chúng được cấu thành từ những yếu tố giống nhau. Những gì giống nhau thì đến được với nhau. Bởi vậy nó phủ nhận khả năng của bất cứ tri thức gián tiếp nào. Sự suy diễn và kết luận bị coi là những công cụ nhận thức sai lầm. Trong số các phương pháp nhận thức được công nhận (pramana), Carvaka chỉ công nhận tri giác trực tiếp. Người ta cho rằng Brihaspati đã nói “Quan sát là nguồn gốc của mọi bằng chứng”.

Điều đó cho thấy mặt tiêu cực của chủ nghĩa duy vật Ấn Độ sơ kỳ, cái có xu hướng đi đến chủ nghĩa duy cảm hẹp hòi. Nhưng đó chỉ là một khiếm khuyết chia sẻ cùng với mọi chủ nghĩa duy vật trước Marx. Người ta có thể thấy cũng sự hẹp hòi ấy, chẳng hạn, ở chủ nghĩa duy vật kinh nghiệm của Bacon, Locke và Hobbes những người tuy vậy đã đại diện cho một bước tiến vĩ đại về phía trước trong mối quan hệ với chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa u mê tôn giáo của thời Trung cổ và đã đặt nền móng cho toàn bộ sự phát triển của khoa học hiện đại. Điều kinh ngạc về chủ nghĩa duy vật ban đầu ấy không phải ở những hạn chế của nó mà ở sự hiểu biết và sự uyên thâm khác thường của nó.

Tương phản mạnh mẽ với chủ nghĩa thần bí và chủ nghĩa khổ hạnh của tôn giáo đang thắng thế, các nhà duy vật Ấn Độ phủ nhận sự tồn tại của thượng đế, linh hồn và tư tưởng quả báo (“Nghiệp” [Karma]). Trong toàn bộ tư tưởng Ấn Độ đây là học phái riêng mình đã từ bỏ tính luân hồi của linh hồn. Thế vào đó, đặc trưng bao trùm của Lokayata là chủ nghĩa khoái lạc vui tươi và khỏe khoắn. Chống lại quan điểm về sự luân hồi của sự sống và cái chết cùng với viễn tượng giải thoát tâm linh cuối cùng, đạo lý Carvaka thúc giục mỗi cá nhân phải tìm kiếm khoái lạc của mình ở đây và ngay lúc này. Charvaka nói “Chừng nào bạn còn sống, hãy sống cuộc đời trọn vẹn nhất”. “Sau khi chết, thể xác biến thành tro tàn. Không có sự tái sinh”. Những lời ấy, đầy ắp tình yêu cho nhân loại và cuộc sống, gợi nhớ một cách mãnh liệt tới triết học đề cao cuộc sống của Epicurus.

Cùng với sự dũng cảm lớn lao, và khiếu hài hước sinh động, các nhà duy vật Carvaka chế giễu các nghi lễ tôn giáo, nói rằng chúng được các Bà La Môn (một đẳng cấp tu sĩ) phát minh ra để đảm bảo cuộc sống cho họ. Khi các Bà La Môn biện hộ cho các cuộc hiến tế động vật bằng cách tuyên bố rằng con vật bị hiến tế sẽ đến thẳng thiên đường, các thành viên của phái Carvaka hỏi tại sao các Bà La Môn không giết chết cha mẹ già của mình để giúp họ đến thiên đường nhanh hơn!

Trong số những nhà duy vật Ấn Độ sơ kỳ khác, Geetesh Sharma viết: "‘Triết hệ sankhya’ của Kapil về cơ bản là vô thần. Đức Phật và Mahavir5 không tin vào quan niệm Thượng đế, tuy Mahavir thì duy linh hơn. Đức Phật hình thành một tôn giáo không có những quan niệm Thần thánh và dựa trên những nguyên lý nhân văn, được trình bày một cách logic, để minh họa những giá trị nhân văn căn bản về cuộc sống. Ngài muốn mang đến sự giải phóng cho nhân loại khổ đau và do vậy đặt các nguyên lý cơ bản cho tôn giáo của mình trên những giá trị ấy, trong lúc vẫn là một người vô thần.

"Madhavacharya, trong các tác phẩm của mình, đã giải thích chi tiết học thuyết của những triết gia duy vật những người chỉ tin vào thế giới hiện tồn. Họ không tin vào các học thuyết về sự sáng tạo thần thánh ra vũ trụ bằng một thế lực siêu nhiên. Theo họ, nếu tồn tại một Thượng đế giám sát nhân loại, vậy thì tại sao đại đa số nhân loại lại ở trong sự khổ sở và đau đớn? Nếu tồn tại một Thượng đế công bằng bên trên chúng ta, vậy thì tại sao lại có quá nhiều bất công trên trái đất chống lại người nghèo và những tầng lớp thiếu thốn trong xã hội?

“Thánh Brihaspati, người tiên phong của chủ nghĩa duy vật, trong thời kỳ Rig Vega, đã tin rằng việc tôn thờ lửa, chủ nghĩa nghi lễ, thực hành kinh Veda, trát tro lên khắp cơ thể, v.v. đều là những trò hề được thực hiện bởi những người xem bản thân họ là quyền lực và có tri thức (…) Dhishan, môn đệ của Brihaspati, đã coi những người soạn văn bản Veda là một nhóm những kẻ lừa đảo. Nhà tư tưởng thời Veda Permeshthin xem vật chất như chân lý tuyệt đối. Theo ông, đó là nguồn gốc duy nhất của tri thức lý tưởng.”6

Không may, người ta không biết gì nhiều về những chi tiết của triết học này. Do sự phản đối dữ dội từ sự thống trị của phái Veda, không có một tài liệu nào còn để lại cho chúng ta, và chúng ta buộc phải tìm hiểu về tư tưởng của những người hùng ấy từ các tác phẩm của kẻ thù của họ, đặc biệt là những luận thuyết triết học và những tóm tắt (darsana) do những đối thủ theo Veda của phái Lokayata viết giữa thế kỷ 9 và thế kỷ 16. Cuối cùng, những người ủng hộ chủ nghĩa duy vật chiến đấu uổng công. Thắng lợi của kinh Veda và Upanishad được củng cố trong thời kỳ cổ điển. Nhưng ngay cả khi ấy bao giờ cũng tồn tại một mạch tư tưởng phi chính thống thách thức thẩm quyền của Veda được duy trì bởi các phái chính thống như Mimamsa, Samkhya, Yoga, Nyaya, Vaiseshika và Vedanta. Ngoài các phái duy vật và vô thần nhất quán của phái Charkavakas và Lokayata, còn có các phong trào phi chính thống như các phái Phật giáo và Kỳ Na (Jaina) giáo

Tất cả các phái phản-Veda, và ngay cả một vài phái thuộc Veda như Samkhya và Mimamsa, đều là vô thần. Sự tồn tại của thượng đế là chủ đề chính cho tranh luận lý tính. Vào thế kỷ 11 Udayana, trong tác phẩm Flower Offering of Arguments, đã đưa ra 5 phương pháp chứng minh sự tồn tại của thượng đế. Các nhà vô thần đã đưa ra những đáp trả xuất sắc, tương tự như sau: “Nếu vũ trụ đòi hỏi một kẻ làm ra nó bởi vì nó trải qua sự biến đổi, ngay cả Thượng đế cũng cần một kẻ tạo ra ngài bởi vì ngài lúc thì sáng tạo, lúc thì hủy diệt.”

Phật giáo và biện chứng

Giai đoạn thuộc thế kỷ 6 TCN ở Ấn Độ là một giai đoạn hỗn loạn. Hệ thống cộng đồng nguyên thủy đang sụp đổ và đang bị thay thế bởi xã hội có giai cấp, một khoảng trống ngăn cách giữa người giàu và người nghèo và sự nảy sinh của một nhà nước áp bức. Những giai đoạn như vậy trong lịch sử nhân loại không thể tránh khỏi được đặc trưng bởi cuộc khủng hoảng ý thức hệ, và sự ra đời của các trường phái triết học, chính trị và tôn giáo. Siddhartha Gotama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm), những môn đệ của ông gọi ông là Buddha (Bụt) (tức Người Thức Tỉnh). Bụt là người sáng lập của trường phái tư tưởng triệt để được phát triển như một phản ứng trước hình thức xơ cứng của triết học Veda cổ.

Sinh ra vào khoảng 563 TCN, là con của một quý tộc, Siddhartha là mẫu người điển hình đã từ bỏ giai cấp bên trên và bắt đầu phản chiếu những phản kháng và cảm hứng của người dân thường trong một giai đoạn cách mạng. Cho đến lúc 29 tuổi, ngài sống một cuộc sống được bao bọc của một hoàng tử điển hình, cùng với sự xa hoa tùy ngài thích. Theo truyền thuyết, ngài nhìn thấy một cảnh tượng (“Bốn dấu hiệu”) đã đánh thức ngài ra khỏi sự tự mãn. Ngài nhìn thấy sự tiếp diễn nhanh chóng của một người đàn ông già yếu, một người bị bệnh phong gớm guốc, một đám tang, và một nhà tu hành khổ hạnh đáng kính. Ngài bắt đầu nghĩ về tuổi già, bệnh tật và cái chết, rồi quyết định đi theo con đường của thầy tu. Trong 6 năm ngài theo đuổi một cuộc sống khổ hạnh để buông bỏ, nhưng cuối cùng, trong lúc đang thiền dưới cây, ngài kết luận rằng giải pháp không phải là trốn tránh khỏi thế giới này, mà là một cuộc đời thực của lòng thương cảm cho nhân loại khổ đau.

Phật giáo thường được cho là một tôn giáo, và sự thực sau nhiều thế kỷ nó đã chấp nhận vẻ bề ngoài của một tôn giáo. Điều này thật trớ trêu, vì bản thân Bụt phản đối tôn giáo. Ngài phản đối thẩm quyền của kinh Veda và từ chối việc đặt ra bất cứ một tín điều mới nào. Đạo Bà La Môn cổ hủ, cùng với sự phân chia xã hội thành các đẳng cấp cứng nhắc, các nghi lễ phức tạp và sự hiến tế cho các vị thần, đã ngày càng trở nên không được tin tưởng. Trái lại, giáo lý của Siddhartha là thẳng thắn, giản dị và nhanh chóng được quần chúng chấp nhận. Ngài xem các nghi lễ tôn giáo như một sự lãng phí thời gian và các niềm tin thần học như một sự mê tín đơn thuần. Thế vào chỗ các niềm tin và các nghi lễ tôn giáo, Bụt đề xướng một cuộc đời tận tâm cho lòng thương và tình anh em rộng khắp.

Ngài răn dạy rằng có thể đạt được sự giải phóng khỏi khổ đau, không phải bằng thay đổi xã hội hay đấu tranh để chế ngự tự nhiên, mà bằng cách rút khỏi cuộc đời, tìm cách đạt được sự hoàn thiện đạo đức và trẫm mình vào niết bàn. Bằng cuộc đời như vậy người ta mới có thể đạt được mục đích tối thượng, Niết Bàn, một trạng thái ở đó mọi sinh vật sống được giải thoát khỏi nỗi đau và phiền muộn. Người ta nhìn chung cho rằng do có thể đạt đến Niết Bàn bằng cách thiền, đạo Phật dạy cách rút khỏi thế giới thực. Nhưng điều đó còn tranh cãi. Một người theo Phật giáo có thể đáp lại rằng mục đích của Niết Bàn không phải là để tìm kiếm cho riêng một cá nhân. Nó được xem là sự thống nhất của cái tôi cá nhân với cái tôi vũ trụ ở đó tất cả muôn vật đều tham dự. Bằng cách sống một cuộc đời với lòng trắc ẩn và tình yêu thương cho tất cả, một cá nhân đạt được sự giải thoát khỏi những ham muốn ích kỷ, sự giải thoát mà trường phái khổ hạnh đã tìm kiếm, và đạt được sự thanh thản và thỏa mãn trọn vẹn hơn bất cứ thứ gì có được từ sự ham mê trong khoái lạc, cho đến khi mọi thứ tồn tại trong vũ trụ đạt tới Niết Bàn.

Tuy nhiên, gạt sang một bên sự tố cáo cho rằng Phật giáo bao hàm một yếu tố thụ động, ở đó con người học cách chấp nhận số phận của mình thay vì đấu tranh một cách chủ động để thay đổi nó, Phật giáo, ở nguồn gốc của nó, chắc chắn chứa đựng yếu tố cách mạng và phê phán quan trọng. Bụt phủ nhận sự tồn tại của các vị thần như đấng sáng tạo thế giới. Người bác bỏ tư tưởng cũ về vòng sinh tử (sansara) và quả báo (karma), nhưng ở đây nó mang một ý nghĩa khác biệt. Nó có nghĩa là sự tái sinh phụ thuộc, không phải vào đẳng cấp của con người, hay vào những nghi lễ và những hiến tế mà anh ta thực hiện, mà chỉ phụ thuộc vào hành vi tốt hay xấu của anh ta. Trong lĩnh vực luân lý, Phật giáo đề xướng một luân lý dựa trên sự không vị kỷ và lòng thương cảm đối với nhân loại khổ đau. Bụt nói với những môn đệ phải tự tư duy cho bản thân mình và nhận trách nhiệm cho tương lai của chính mình. Những ngụ ý có tính cách mạng của tư tưởng ấy, và sự lôi cuốn của nó đối với quần chúng thời điểm đó, là hiển nhiên.

Vào thế kỷ 2 TCN, giáo thuyết mới được Nagarjuga (Long Thụ) tranh luận theo phương pháp logic và có tính nhất quán cao, chủ nghĩa duy lý của ông đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của logic Phật giáo. Cũng như các nhà tư tưởng duy tâm vĩ đại của phương Tây, trong lúc bảo vệ học thuyết duy tâm sai lầm (ở đây đã đi đến cực đoan khi phủ nhận thế giới thực tại) Nagarjuga dẫu vậy đã đẩy sự phát triển của logic và biện chứng tiến lên phía trước. Logic của Phật giáo sau này được phát triển bởi những luận sư đáng chú ý khác như Dignaga (Trần Na) và Dharmakirti (Pháp Xứng) (500-700 TCN). Sự phát triển ấy đã đặt nền móng cho các tông phái duy tâm sau này như Madhyamaka (Trung quán tông), Vijnanavada (Duy thức tông), Phật giáo Tantra, và Phật giáo Thiền tông (Zen)

Thế nhưng, tính cách của phong trào mới mẻ này dần dần thay đổi. Ở giai đoạn đầu tiên (thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 1 SCN) tư tưởng về sự cứu rỗi của Bụt là dựa trên tư tưởng cho rằng thế giới và nhân cách cấu thành nên một dòng của những yếu tố vật chất và ý thức (dharma) chúng không ngừng thay thế lẫn nhau. Con đường đi đến sự cứu rỗi nằm ở chỗ không làm xáo trộn dharma. Nhưng vào những thế kỷ đầu tiên SCN Phật giáo đã bị biến đổi. Trước đó Bụt là người thầy tôn kính duy nhất. Nay ngài đã trở thành được thần thánh hóa, và sự cứu rỗi phải được tìm kiếm thông qua việc quý mến vị thánh, bằng cách không ngừng lặp lại những thánh kinh. Bằng cách ấy, Phật giáo đã biến đổi thành cái đối lập với nó. Phiên bản mới của Phật giáo Đại thừa (Mahayana) là khác biệt căn bản với phiên bản nguyên thủy (Hinayana) (Tiểu thừa) mà chính Bụt đã dạy. Phật giáo nguyên thủy dạy rằng các dharma vật chất và tinh thần là có thật, trái lại học thuyết của Phật giáo Đại thừa lại cho rằng không chỉ có dharma mà toàn bộ thế giới là không có thật.

Xuyên suốt lịch sử Ấn Độ bao giờ cũng tồn tại một cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Cả tác giả đạo Phật lẫn đạo Bà La Môn đều phủ nhận các triết học duy vật như triết học của Samakara, nhà triết học phái Vedanta xuất sắc nhất. Họ đã tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại những tư tưởng duy vật của phái này cũng như chống lại chủ nghĩa thực nghiệm của các phái Nyaya và Vaiseshika. Ngay cả bên trong bản thân Phật giáo cũng tồn tại một cuộc đấu tranh giữa các xu thế duy vật hoặc duy tâm, chẳng hạn như cuộc đấu tranh giữa các phái duy tâm Madhyamika và Yogacara với các học thuyết duy vật của phái Theravidins và Sarvastivadins. Thông qua cuộc đấu tranh và tranh luận nội bộ gay gắt ấy, triết học phát triển và trưởng thành, tạo ra những công cụ cần thiết cho hình thức logic, hình thức ấy đã trải qua một sự phát triển nhất định dưới bàn tay của những triết gia Phật giáo như Dignaga và Dharmakirti.

Tuy nhiên, đến cuối thời kỳ cổ đại, đạo Hindu đã phản công. Đạo Jaina, xu thế đối lập lớn khác trong thế giới tôn giáo của Tiểu lục địa Ấn Độ, cùng với sự kiên định nghiêm ngặt của nó về phi-bạo lực và tôn trọng mọi sự sống, đã mất dần chỗ đứng. Và cuối cùng bản thân Phật giáo, dù cho tất cả những thành công vang dội của mình, đã gần như bị trục xuất khỏi Ấn Độ. Bụt sống và giảng đạo ở Ấn Độ, và do vậy Phật giáo nói chung được coi như một triết học luân lý Ấn Độ. Nhưng, Phật giáo không đâm rễ sâu tại mảnh đất mà nó đã khởi phát. Thay vào đó, nó lan tỏa dưới nhiều hình thức về phía nam đến Sri Lanka và Đông Nam Á, và về phía bắc qua Tây Tạng đến Trung Quốc, Hàn Quốc rồi Nhật Bản. Trong quá trình ấy, Phật giáo chịu cùng một định mệnh giống như triết học Veda mà nó đã nổi dậy chống lại định mệnh ấy: nó đã trở thành một tôn giáo, thường cứng nhắc, cùng với những bộ phái, những lễ đạo, và sự mê tín của riêng nó – một định mệnh thật trớ trêu khi người ta nghĩ đến những quan điểm nguyên thủy của người sáng lập ra nó.

Yếu tố năng động trong Phật giáo, mặt biện chứng của nó, được bộc lộ qua quan điểm coi thực tại như một cái gì đó không ngừng biến đổi và vô thường. Trái lại, đối với triết học Vedanta, chỉ có sự bất biến và sự bất diệt là có thực. Các nhà triết học Phật giáo hiện đại có xu thế nhấn mạnh nhiều hơn vào tính cách “duy lý” và “vô thần” với mục đích làm cho nó dễ chấp nhận hơn đối với những người phương tây có học thức, những người đang đi tìm kiếm một sự thay thế vừa ý cho Kitô giáo đang chết đứng. Nhưng mặc dầu đúng là Phật giáo trong hình thức nguyên thủy của nó có sở hữu hạt nhân lý tính, và rằng một số yếu tố biện chứng được thể hiện trong hạt nhân ấy, chúng chỉ thể hiện dưới một hình thức cực kỳ thô sơ và chưa được phát triển, cũng giống như Heraclitus và các triết gia Hy Lạp đầu tiên. Nó thể hiện những bước đi chập chững đầu tiên của triết học biện chứng, giống như những bước đi đầu tiên của một đứa trẻ tập đi. Đúng là thời thơ ấu có vẻ đẹp của riêng nó, và tất cả chúng ta đôi lúc ước mơ được trở lại thời đó. Nhưng đề nghị trở lại một hình thái sớm hơn, chưa phát triển, và còn trứng nước, khi chúng ta sở hữu một triết học duy vật biện chứng đã được phát triển một cách đầy đủ, bao quát và sâu sắc, là giống như đề nghị một người đàn ông hoặc một người đàn bà trưởng thành rằng họ nên trở về thời thơ ấu. Sự phát triển thực sự của phép biện chứng chỉ có thể được tìm thấy trong triết học cách mạng của chủ nghĩa Marx.

Sự suy tàn của triết học Ấn Độ

Sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân đã có tác động làm đẩy lùi sự phát triển của triết học Ấn Độ. Về tổng thể, sự tiến bộ của triết học ở các thế kỷ 18 và 19 là không đáng chú ý, và tụt lại đằng sau sự phát triển của nhận thức xã hội và chính trị, được gắn kết với sự thức tỉnh dân tộc và sự mở đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ảnh hưởng bao trùm trong những trường đại học mới được thành lập dĩ nhiên là những thứ triết học duy nghiệm, vị lợi và bất khả tri được nhập khẩu từ nước Anh, cùng với những sản phẩm kém chất lượng khác của nước Anh thời Victoria. Trí thức Ấn Độ được bón món cháo loãng của John Stuart Mill, Jeremy Bentham và Herbert Spencer cốt để làm họ quẫn trí và đảm bảo rằng họ không đọc những tài liệu có tính lật đổ hơn. Có những phản ứng chống lại, thường là đặc trưng bảo thủ-thần bí như phong trào Brahmo (Brahma) Samaj do Rammohan Ray sáng lập và, đến những thập kỷ cuối của thế kỷ, là vị thánh vĩ đại Ramakrishna Paramahamsa ở Calcutta. Điều đó phản chiếu sự bất lực đơn thuần trước sự hiện diện của sự thống trị của phương Tây, không có gì khác hơn. Những người khác đùa giỡn với Kant và Hegel, nhưng không có bất cứ một kết quả đáng kể nào. Gandhi và Rabindranath Tagore tạo ra những ồn ào mà thi thoảng nghe có vẻ như có tính triết lý mơ hồ, nhưng giai cấp tư sản Ấn Độ đã thoái hóa không có năng lực gì hơn để sản sinh ra tư tưởng độc lập cũng như nó không có năng lực để dẫn dắt một cuộc đấu tranh giành độc lập đích thực khỏi chủ nghĩa đế quốc Anh.

Hiện nay, hơn 50 năm sau khi tuyên bố Độc lập, Ấn Độ và Pakistan bị nô dịch trước chủ nghĩa đế quốc hơn cả thời kỳ Raj. Sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc ngày nay không được thực hiện bằng cách cai trị quân sự-quan liêu trực tiếp, mà bằng cơ chế của thị trường thế giới cùng những điều khoản thương mại, ở đó người ta trao đổi nhiều lao động hơn lấy lại ít giá trị hơn. Sự nô dịch tuy thế là vì điều đó. 50 năm sau, tư sản Ấn Độ và Pakistan bị kết án trước lịch sử. Họ đã không thực hiện dù chỉ một trong số những nhiệm vụ của cách mạng dân chủ tư sản. Họ đã không giải quyết vấn đề ruộng đất. Họ đã không hiện đại hóa xã hội. Họ đã không giải quyết vấn đề dân tộc. Tư sản Ấn Độ thậm chí đã không thể bãi bỏ những tàn dư độc ác của chủ nghĩa man rợ, đó là hệ thống đẳng cấp. Trên hết, họ không có độc lập thực sự nào hết.

Rồi giờ đây xã hội phải trả giá cho sự thối rữa và bất lực của giai cấp tư sản. Thật trớ trêu thay! Gandhi, Nehru và các nhà lãnh đạo khác của Đảng Quốc Đại xem bản thân họ là thế tục, thậm chí là những người xã hội. Giờ đây, 50 năm sau, cái đầu quái dị của chủ nghĩa sô-vanh và chủ nghĩa công xã Hindu đang được đề cao tại Ấn Độ. Đó là sự báo thù của lịch sử, lời phán quyết cuối cùng của nó cho hàng thập kỷ nắm quyền của Đảng Quốc Đại. Và một tình huống tương tự tồn tại ở Pakistan, nơi những lực lượng đen tối của chủ nghĩa chính thống Hồi giáo đang đe dọa xé toang kết cấu xã hội. Những lực lượng phản động ấy, khi đòi hỏi một quyền độc nhất nhằm “bảo vệ” tôn giáo và văn hóa của riêng họ, trong thực tế phá hoại cả tôn giáo và văn hóa tới mức không thể sửa chữa. Nhưng một nghiên cứu về lịch sử Hồi giáo cho thấy rằng những thành tựu vĩ đại của nó là đã đạt được trong những giai đoạn có sự tự do và khoan dung tôn giáo, trái lại những kẻ gọi là chính thống đã gây ra không gì khác hơn sự tổn hại tới thế giới Hồi giáo.

Triết học của thế giới Hồi giáo

Đạo Hồi phát sinh vào thế kỷ 7 tại bán đảo Ả Rập trong giai đoạn người Ả Rập chuyển tiếp từ hệ thống công xã nguyên thủy sang xã hội có giai cấp. Nó biểu thị sự thống nhất của người Ả Rập trong một nhà nước chung (Caliphate). Sự xuất hiện của Hồi giáo đã biến đổi một cách triệt để cuộc sống của hàng triệu người dân. Cùng với thông điệp đơn giản, bình đẳng, và sự phản đối của nó trước hệ thống đẳng cấp phản động (mặc dầu không phải giai cấp) nó gây ấn tượng đặc biệt tới những tầng lớp nghèo nhất và bị chà đạp nhất trong dân chúng. Ở nguồn gốc của nó, Hồi giáo đại diện cho một phong trào cách mạng và thức tỉnh của dân tộc Ả Rập vĩ đại. Một trong những diễn thuyết cuối cùng của Mohammed kết thúc bằng những lời như sau: “Hỡi những người dân! hãy lắng nghe tôi nói và hiểu lời tôi nói. Hãy hiểu rằng mỗi người Hồi giáo đều là anh em của nhau. Tất cả các bạn đều bình đẳng như nhau.”7

Giống như mọi phong trào cách mạng trong lịch sử, nó cũng bộc lộ bản thân mình như một sự thức tỉnh tinh thần và tri thức. Mặc dầu những mưu toan thường xuyên của những người sau này gọi là chính thống nhằm diễn giải Hồi giáo bằng tinh thần cuồng tín và hẹp hòi cái phủ định tư duy độc lập và sự thẩm vấn văn hóa, trong giai đoạn ban đầu của nó, cách mạng Hồi giáo đã đem lại một xung lực mạnh mẽ tới văn hóa, nghệ thuật và triết học. Trong tác phẩm kinh điển Lược sử người Hồi giáo8, Ameer Ali Syed có điều này để nói về Ali, cháu của Nhà tiên tri và là người đứng đầu Cộng hòa Ả Rập đầu tiên: “Trong khi Hồi giáo là … sự mở rộng tầm ảnh hưởng của nó ở những vùng xa xôi, Ali đã gắng sức ở Medina để đem lại một bước ngoặt cho nguồn năng lượng mới vừa được phát triển của chủng tộc Saracen. Trong thánh đường công cộng tại Medina, Ali cùng người anh em họ Abdullah con trai của Abbais, đã thực hiện các bài giảng triết học và logic học, truyền thống (lịch sử), thuật hùng biện và luật, trong khi những người khác đảm nhận các chủ đề khác. Do vậy đã hình thành được hạt nhân của phong trào tri thức cái đã thể hiện bản thân mình một cách mạnh mẽ trong các thời kỳ sau này ở Baghdad.”9

Đó đã là hiện trạng ở thế kỷ thứ 7. Đối lập với các quan điểm về chủ nghĩa chính thống hiện đại, Hồi giáo, ở dạng nguyên thủy của nó, không tương đương với sự tôn thờ sự ngu dốt và chủ nghĩa cuồng tín với đầu óc hẹp hòi. Hoàn toàn đối lập với những gì mà triết học ở các trường đại học của châu Âu trung cổ đã trải qua, ở đó nó hoàn toàn quỵ lụy trước Giáo hội Kitô, triết học Hồi giáo không phải là kẻ đầy tớ của thần học. Giai đoạn hình thành của triết học Hồi giáo có từ cuối thế kỷ 8 cho tới giữa thế kỷ 9. Được ủng hội bởi các Caliph, đáng chú ý là Ma’mun, nổi tiếng bởi sự khoan dung và tự do truy vấn khoa học. Các học giả từ các quốc gia bị chinh phục bởi người Ả Rập được đón chào bởi các viện được nhà nước cấp vốn. Tranh luận lý tính không trói buộc được khích lệ. Một đặc trưng quan trọng là việc nghiên cứu các bản dịch sách Hy Lạp. Ở thời kỳ mà châu Âu chìm trong bóng đêm, ngọn lửa văn hóa và văn minh được gìn giữ cháy sáng rực rỡ ở các nước Hồi giáo. Baghdad là trung tâm của một nền văn minh rộng lớn trải dài từ Cordoba ở Tây Ban Nha cho tới Ấn Độ.

Ngay đầu 664 SCN, một lực lượng Ả Rập đã tiến xa tận Afghanistan và chiếm Kabul. Vào năm 717, cuộc chinh phục người Sind được tiến hành. Từ đây người Ả Rập chuyển sang phương nam và chiếm giữ Multan. Vào năm 1010 phần phía tây của Punjab bị chinh phục. Năm 1206 Kutb-ul-Din tuyên bố ông ta làm chủ cả một vùng phía bắc Ấn Độ tại Delhi. Trong suốt 120 năm tiếp theo cuộc xâm lược di chuyển đều đặn về phía nam. Vào thế kỷ 15, sự thống trị của Hồi giáo ở Ấn Độ bị phân chia thành một số nước nhỏ. Cuối cùng chúng được thống nhất vào một đế chế hùng mạnh dưới hoàng đế Mogul Akbar và những người kế vị. A.C. Bouquet viết: “Akbar khoan dung đạo Hindu, và cố gắng thiết lập một tôn giáo chiết trung, bao gồm các yếu tố từ tất cả những tín ngưỡng được công nhận trong vương quốc của ông”.10

Đó thực sự là một nền văn minh phổ quát. Những nhà tư tưởng Hồi giáo như Ibn Sina (được phương Tây biết đến với tên Latin là Avicenna), sống ở Trung Á, trong một thành phố đại học quan trọng ở Bokhara, không chỉ là một triết gia mà còn là một bác sĩ và một nhà khoa học tự nhiên. Mặc dầu trung thành với Hồi giáo, ông đã làm nhiều việc để truyền bá tri thức khoa học và tri thức triết học của Hy Lạp cổ đại tới thế giới Ả Rập, và do vậy tới châu Âu, nơi, vì lỗi lo sợ đối với Hồi giáo, đã hướng về người Ả Rập như một nguồn tri thức và giáo dục. Có nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác, như Al-Farabi (hưng thịnh trong thế kỷ 9-10), tác giả của tác phẩm đầu tiên về triết học chính trị trong bối cảnh của Hồi giáo (Đạt được Hạnh Phúc và Chế độ chính trị). Ibn Sina và những người khác giống ông đã giúp củng cổ tư duy lý tính và truyền bá khoa học tự nhiên và toán học, cả hai lĩnh vực mà người Ả Rập đã thực hiện những khám phá vĩ đại.

Tây Ban Nha và người Ả Rập

Cuộc chinh phạt Tây Ban Nha bắt đầu diễn ra vào thế 771 đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử thế giới. Người Ả Rập thực hiện những cuộc xâm nhập đầu tiên từ Bắc Phi chỉ có ý định thực hiện một cuộc cướp bóc nhanh chóng, nhưng sự thối rữa từ bên trong của vương quốc Visigoth đã dẫn đến sự sụp đổ chóng vánh của nó. Người Ả Rập – hay người Moor như người Tây Ban Nha gọi họ như vậy – chinh phục hầu như toàn bộ Bán đảo và tiến sâu vào Pháp. Tốc độ của cuộc chinh phục chủ yếu là do quần chúng Tây Ban Nha bị áp bức ở đã tuần hành cùng những kẻ xâm lược, những kẻ nhất định đối xử với họ còn tốt hơn cả nhưng lãnh chúa Kitô hữu.

Cuộc chinh phạt Tây Ban Nha có đặc trưng của một cuộc chiến tranh cách mạng-xã hội, đã được so sánh với cách mạng Pháp. Người Ả Rập xuất hiện trước những nông nô Tây Ban Nha như những người giải phóng xã hội, chứ không như những kẻ xâm lược ngoại bang. Họ bãi bỏ những quyền áp bức của các giai cấp sở hữu – lãnh chúa phong kiến và giới tăng lữ – và thay thế gánh nặng tàn khốc của các loại tô thuế bằng một loại thuế, vừa tương đối nhẹ nhàng vừa không đánh vào phụ nữ, trẻ em, người ốm, người mù, người ăn xin và nô lệ. Ngay cả các tu viện Kitô giáo cũng được miễn thuế. Hầu hết các thành phố Tây Ban Nha đều được đảm bảo các điều khoản có lợi được duy trì trong danh dự bởi những người chinh phạt. Chỉ có ruộng đất bị tịch thu là ruộng đất của quý tộc và tăng lữ những kẻ đã bỏ chạy để gia nhập kẻ thù (đòi hỏi tịch thu tài sản của phe đào vong phản cách mạng sau này được Marx và Engels bổ sung vào Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản)

Về cơ bản, Hồi giáo chứa đựng tư tưởng dân chủ và công bằng, tư tưởng ấy khẳng định sự bình đẳng của tất cả mọi người, bất kể chủng tộc hay màu da. Đó là một tiến bộ đặc biệt cho giai đoạn mà chúng ta đang xem xét. Chẳng những không ngược đãi những tín ngưỡng khác, người Ả Rập ở Tây Ban Nha bao dung hơn nhiều so với những tín đồ Kitô giáo cả khi trước lẫn khi sau thời kỳ thống trị của người Ả Rập. Họ bảo vệ tất cả các tôn giáo và ngay lập tức cho những người Do thái bị ngược đãi được phép tự do thờ phụng. Chúng ta hãy nhớ lại rằng Tòa án dị giáo Tây Ban Nha sau này đã trục xuất những người Do thái ra khỏi Tây Ban Nha một cách tàn bạo. Giống như những kẻ cai trị của đế chế Mogul ở Ấn Độ, họ khuyến khích kết hôn giữa người đi chinh phục và người bị chinh phục nhằm đem lại sự gắn kết của cả hai nhóm người. Họ thúc đẩy nông nghiệp và tạo ra những kỳ quan kiến trúc ở Granada, Cordoba và Seville. Không ngạc nhiên khi phần lớn dân chúng Tây Ban Nha đã cải đạo sang Hồi giáo, và thể hiện sự trung thành của họ bằng cách chiến đấu để bảo vệ quê hương và tự do của họ chống lại những đội quân phản động phong kiến-Kitô ở phương Bắc.

W.C. Atkinson mô tả ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo tới tâm trí của những người Tây Ban Nha bằng những lời ai oán của Alvra xứ Cordoba: “Alas, tất cả thanh niên Kitô mà trở nên nổi tiếng bởi tài năng của họ thì chỉ biết ngôn ngữ và văn học của người Ả Rập; họ hăng hái đọc và nghiên cứu những cuốn sách Ả Rập, họ tiêu tốn khoản kinh phí lớn để tạo nên những thư viện rộng lớn, và họ tuyên bố dõng dạc khắp nơi rằng văn học này là văn học đáng ngưỡng mộ.” 11

Cũng tác giả ấy tóm tắt thành tựu kinh tế mà người Ả Rập ở Tây Ban Nha đã đạt được: "Các công trình thủy lợi, những dấu vết của chúng vẫn sống sót cho tới ngày hôm nay, khiến những khu vực rộng lớn thiếu mưa hoặc mưa thất thường trở nên phì nhiêu; những vụ mùa gạo, mía, và cây ngoại lai khác được đưa vào; và mặc dầu kinh Koran cấm uống rượu, cây nho được trồng ở quy mô lớn.

“Nền công nghiệp tận hưởng một sự thịnh vượng song hành, trải dài từ khai thác vàng bạc, đan len và lụa, sản xuất giấy, được người Ả Rập đưa vào châu Âu, và kính, được phát minh ra ở Cordoba vào thế kỷ 9, mỹ nghệ bằng kim loại, đồ gốm, và đồ da. Tiếng tăm của những sản vật ấy đi xa, và để đáp ứng thương mại đang nở rộ đã hình thành đội thuyền buôn lớn đặt căn cứ chủ yếu tại Seville, Malaga và Almeria” (sđd tr. 58)

Do vậy đã khởi đầu một giai đoạn của tiến bộ kinh tế và xã hội kéo dài hàng thế kỷ, và cùng với nó là một chương chói lọi cho lịch sử văn hóa, nghệ thuật và khoa học của nhân loại. Một nhà bình luận viết: “Người Moor tổ chức vương quốc Cordova thật tuyệt vời, đó là điều kỳ diệu của thời Trung cổ, và, khi cả châu Âu bị rơi vào sự ngu dốt và xung đột man rợ, chỉ riêng họ cầm giữ ngọn đuốc tri thức và văn minh cháy sáng và chiếu rọi trước thế giới phương Tây.”12

Ngày nay bất cứ ai thăm Alhambra ở Granada hay Thánh đường hồi giáo ở Cordoba sẽ ngay lập tức hiểu rằng người Ả Rập ở Tây Ban Nha tiến bộ hơn xa hơn châu Âu trung cổ, họ xuất sắc không chỉ ở khoa học và công nghệ, mà còn ở mỹ thuật, điêu khắc và hội họa. Truyền thống văn hóa Ả Rập là rộng lớn: nó bao gồm cả nghiên cứu về logic học, về khoa học tự nhiên (gồm tâm lý học và sinh học), toán học (gồm âm nhạc và thiên văn học), siêu hình học, luân lý học và chính trị. Không thị trấn nào, dù nhỏ đến đâu, lại không có trường học hoặc trường đại học, trong khi đó mọi thị trấn quan trọng đều có trường đại học riêng, cả Cordoba (lừng danh khắp châu Âu), Seville (Ishbilia), Malaga, Zaragoza, Lisbon (Alishbuna), Jaen và Salamanca, đều lần lượt trở thành những trường đại học uy tín nhất trong số tất cả những trường đại học ở Tây Ban Nha. Có một thiên hà những nhà văn, nhà thơ, nhà sử học và nhà triết học.

Trái ngược với những gì mà người ta có thể mong đợi, có nhiều nữ tri thức danh tiếng. Tại thời kỳ mà quan niệm về bình đẳng nữ quyền là điều bị nguyền rủa ở châu Âu Kitô giáo, những nhà thơ nữ xuất sắc và những phụ nữ có văn hóa được quý trọng ở Cordoba và Granada. Hassana at-Tamimiyeh, con gái của nhà thơ Abu’l Hussain, và Umm ul-Ula, cả hai đều sinh ra ở Guadalajara, đã thành công vào thế kỷ 6 của kỷ nguyên Hegira. Ammat ul-Aziz (một hậu duệ của Nhà tiên tri, và do đó được gọi là ash-Sharifa), và al-Ghusanieh, từ tỉnh Almeria, cả hai đều là những người phụ nữ đứng hàng đầu trong số các học giả thời đó. Còn có nhiều người khác nữa. Mariam, con gái của Abu Yakub al-Ansari, là người gốc Seville, nơi cô dạy thuật hùng biện, thi ca và văn học, “điều, cùng với lòng thiếu thảo của cô, phẩm hạnh của cô, đức hạnh của cô, và tính tình hòa nhã đã đem lại cho cô sự quý mến và đem lại cho cô nhiều học trò” 13

Châu Âu lạc hậu và châu Á tân tiến

Tư tưởng Hồi giáo không hề bị giới hạn trong chủ nghĩa thần bí và chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo, nó cho thấy một khuynh hướng tự nhiên đi tới chủ nghĩa duy lý và khoa học, với khuynh hướng ấy trong hàng thế kỷ người Ả Rập đã dẫn đầu thế giới. Những tiến bộ vĩ đại đã đạt được đặc biệt là trong toán học và thiên văn học, cũng như trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ khác. Alfred Hooper đã làm rõ vấn đề này trong cuốn sách về lịch sử toán học của ông:

"Chúng ta có rất nhiều thứ mà nhờ người Moor mới có được. Họ đưa ra những ý tưởng mới cho tri thức y dược; họ dạy chúng ta các phương pháp cải tiến để xử lý kim loại và da; họ xây những công trình thủy lợi, hệ thống cống và kênh đào ở Tây Ban Nha; trên hết, họ mang tới sự thông thái của Ấn Độ và của phương Đông tới châu Âu nơi đã chìm vào sự u mê và dã man.

“Người Ả Rập quen thuộc với các công trình của các nhà toán học Hy Lạp vĩ đại những người đã xây dựng lên ‘Kỷ nguyên Vàng của toán học Hy Lạp’ trước khi nền văn minh tuyệt diệu và mong manh của Hy Lạp bị thấp thu bởi những người La Mã thực dụng và vị lợi; họ cũng đưa vào Tây Ban Nha phương pháp viết chữ số có tính cách mạng và mới mẻ mà họ đã học được từ người Hindu, một phương pháp đã dọn đường cho thế giới khoa học, kỹ thuật và toán học hiện đại của chúng ta”14

Xuyên suốt thời kỳ Trung cổ chỉ có những thành tựu thực sự trong toán học là do người Ấn Độ và người Ả Rập thực hiện. Chính họ đã khám phá ra lượng giác. Chính người Ả Rập đã khám phá ra đại số (algebra). Đại số tiếng Ả Rập là -al-jabr, cũng giống như rất nhiều thứ khác, đã tìm ra con đường đến châu Âu từ Tây Ban Nha. Nhà toán học người Ả Rập al-Khowarizmi, không những viết cuốn sách về hệ thống số Hindu-Ả Rập (người Ấn Độ cũng đóng vai trò sống còn trong quá trình phát triển toán học, và người Ả Rập đã học hỏi từ họ) mà còn viết một cuốn sách khác về giải các phương trình mà ông gọi là al jabr w’al muquabalah, “sự hợp nhất và sự đối lập”. Cuốn sách ấy sau này được dịch sang tiếng Latin và do vậy trở nên tiếp cận được đối với người châu Âu.

Alfred Hooper đánh giá: “Những năm từ khoảng 800 đến khoảng 1450, được biết đến là Thời kỳ Trung cổ, được đánh dấu bằng sự trì trệ gần như hoàn toàn của tư duy độc lập, điều đó đã làm tê liệt sự tiến bộ của toán học và phủ sự ảm đạm lên các nhà toán học ở châu Âu cũng như lên tất cả những nhà tư tưởng khác.”15

Vẫn tác giả ấy bổ sung: “Hàng thế kỷ sau khi người Ả Rập đã đưa biểu tượng-chữ số mới vào châu Âu nhiều người vẫn bám vào chữ số La Mã đã quen thuộc và không dính dáng gì tới hệ thống mới mà họ liên tưởng tới những thương nhân và những người ngoại đạo. Tuy nhiên, đến thế kỷ 13, hệ thống chữ số mới đã trở nên vững chắc tại nhiều phần thuộc châu Âu. Phải cho đến lúc đó mới có thể diễn ra sự phát triển thực sự trong kỹ thuật tính toán mà chúng ta giờ đây gọi là số học” (sđd., tr. 26, nhấn mạnh của tôi)

Thế giới Trung cổ có được sự tiếp cận với các tư tưởng của Aristotle và Plato chủ yếu từ các nguồn của người Ả Rập. Trong số các nhà tư tưởng xuất sắc đã ảnh hưởng tới châu Âu trung cổ, đặc biệt phải kể đến Ibn Roshd Muhammed – được biết đến ở phương Tây dưới tên Latin của ông là Averroës. Đại triết gia Ả Rập này sống giữa 1126 và 1198 ở Tây Ban Nha trong thời kỳ Caliphate Cordoba. Trong các các phẩm của ông, chúng ta thấy các yếu tố của triết học duy vật, xuất phát từ việc đọc Aristotle một cách kỹ lưỡng. Mặc dù ông vẫn là người Hồi giáo sùng đạo, Ibn Roshd tìm cách chứng minh vật chất và vận động là không thể tạo ra được cũng không thể tiêu diệt được, do vậy báo trước các lý thuyết bảo toàn trong vật lý hiện đại. Mặt khác ông phủ nhận tính bất tử của linh hồn. Những tư tưởng đó quá tiến bộ đến mức các học thuyết của ông bị quấy rầy bởi những người Hồi giáo chính thống. Nhưng thông qua tác phẩm của đại triết gia này, đặc biệt là bình luận của ông về Aristotle, người châu Âu trở nên quen thuộc với thế giới triết học Hy Lạp cổ đại từ lâu đã bị lãng quên.

Ngọn nguồn chủ đạo của tri thức ấy là Tây Ban Nha Hồi giáo, nơi, cho đến khi bị những tín đồ Kitô giáo phá hủy, là một dân tộc hưng thịnh, phồn vinh và có văn hóa. Granada, Seville và Cordoba là những trung tâm học tập quan trọng và lừng danh quốc tế. Tất cả các tôn giáo được đối xử với sự bao dung thức tỉnh, cho đến khi người Tây Ban Nha bị dẫn dắt bởi những kẻ hẹp hòi và mù quáng như Fernando ở Castille và Isabelle ở Aragon, những kẻ bắt đầu biến tinh túy của vùng Al-Andalus thành đống tro tàn đẫm máu. Thật trớ trêu, cho đến tận này hôm nay, người châu Âu vẫn xem bản thân họ là những người gánh vác duy nhất cho văn hóa nhân loại trong khi suốt thời kỳ Trung cổ họ đóng vai như những kẻ đào huyệt chôn vùi văn hóa phương Đông.

Cái được gọi là những cuộc Thập tự chinh mà người ta viết quá nhiều những thứ tào lao rác rưởi về nó thì chỉ là những cuộc tấn công hủy diệt và khát máu của những kẻ man rợ chống lại những con người ưu việt hơn họ ở mọi phương diện. Một trong những người Kitô ghi lại lịch sử vây hãm Granada, Cha Agapito viết bằng những lời kinh bỉ về thói quen tắm rửa của người Ả Rập: “Những kẻ không theo Kitô ấy cần nước hơn cần bánh mì; họ dùng nước để liên tục rửa ráy hằng ngày, và dùng nước để tắm, và ở hàng ngàn những hình thức phung phí không đâu mà chúng ta những người Tây Ban Nha và những tín đồ Kitô ít khi dùng”16

Bản chất phản động và man rợ của các cuộc Thập tự chinh đã được phơi bày một cách đầy đủ bởi các sử gia như Stephen Runciman. Đây là đoạn trích điển hình bởi một tác giả khác: “Ở mỗi thành phố bị chiếm đóng những kẻ Tafurs [những kẻ thập tự chinh đáng thương] đã vơ vét mọi thứ mà họ có thể đặt tay vào, hãm hiếp phụ nữ Hồi giáo và tiến hành những cuộc thảm sát bừa bãi. Các lãnh đạo chính thức của cuộc Thập tự chinh không có thẩm quyền gì trước tất cả những kẻ ấy. Khi Emir ở Antioch phản đối tình trạng ăn thịt đồng loại của bọn Tafurs, các hoàng tử chỉ có thể thừa nhận một cách hối tiếc: ‘Tất cả chúng ta hợp lại không thể chế ngự được Vua Tafur’.”17

Và đây nữa: “Thành Jerusalem thất thủ theo sau bởi một cuộc đại thảm sát; trừ thống đốc và vệ sĩ của ông ta, tất cả người Hồi giáo – đàn ông, đàn bà và trẻ em – đều bị giết hại. Bên trong và chung quanh Đền Solomon ‘những con ngựa lội trong máu ngập đến mắt cá chân, chúng bứt dây cương. Đó là phán quyết tuyệt vời và công bằng của Thượng đế rằng đó cũng là nơi phải nhận được máu của những kẻ mà sự phỉ báng của chúng trước Thượng đế đã diễn ra quá lâu’. Đối với những người Do thái của thành Jerusalem, họ tìm chỗ tị nạn trong các giáo đoàn chính và tất cả họ đều bị thiêu sống. Sung sướng đến phát khóc và hát vang những bài hát ca ngợi những kẻ thập tự chinh diễu hành thành đoàn tiến vào nhà thời Holy Sepulchre. ’Ôi một ngày mới, một ngày mới và hân hoan, một niềm vui mới và bất tận…Ngày đó, vang danh muôn đời sau, biến mọi khổ đau và cực nhọc của chúng ta thành niềm vui và sự hân hoan; ngày đó, ngày xác nhận của Kitô giáo, ngày hủy diệt của ngoại giáo, ngày khôi phục niềm tin của chúng ta!” (sđd tr. 68)

Những khuynh hướng phản động trong đạo Hồi

Tuy nhiên, sự phát triển của văn hóa Hồi giáo không diễn ra theo con đường thẳng, cũng giống như mọi sự phát triển của văn hóa khác. Ngay từ đầu đã có những xu hướng xung đột. Có những mạch phát triển phản động. Xét cho cùng, Hồi giáo được sinh ra như một tôn giáo để đi chinh phạt. Quan điểm về sự thù địch với những kẻ ngoại đạo (gyawurs), về sự thấp kém của phụ nữ, và về sự biện hộ cho bất công xã hội cũng có mặt – mặc dầu ở thời kỳ đó, chúng cũng không hơn gì những quan điểm của tín đồ Kitô giáo. Như mọi tôn giáo, Hồi giáo có thể bị diễn giải một cách hẹp hòi và cuồng tín (chủ nghĩa chính thống, [fundamentalism]). Đôi lúc, có những giai đoạn phản động, chúng cướp đi thành tựu của tư tưởng duy lý và khám phá khoa học. Việc người Mông cổ vào thế kỷ 12 phá hoại triều đại Abbasid Caliphate vĩ đại đã đưa toàn bộ tiến trình trở lại quá khứ và dọn đường cho một thời kỳ bùng nổ của chủ nghĩa chính thống Hồi giáo. Ibn Taymiyya kêu gọi các tín đồ rũ bỏ mọi sự đổi mới ra khỏi Hồi giáo. Điều đó không thể hiện sự tiến bộ của Hồi giáo mà thể hiện sự khủng hoảng, chia rẽ và suy thoái ở bên trong. Sự phản động của chủ nghĩa chính thống này là thảm họa cho sự phát triển của tư tưởng và văn hóa của thế giới Ả Rập. Có một thời gian, ngọn đuốc đã được truyền lại cho Iran.

Vào thế kỷ 16, các học giả dòng Shi’ite được đồng nhất với triết học khai minh cái thậm chí đã tìm thấy một sự thể hiện chính trị. Kết quả là những tiến bộ khoa học và triết học mới trở nên khả thi. Giai đoạn hồi sinh vĩ đại xuất hiện vào thế kỷ 16 và 17 ở Iran dưới triều đại Safavid, triều đại đã thiết lập dòng Hồi giáo Shi’ite với tư cách là một tôn giáo nhà nước chính thức, ban đầu tôn giáo này là sự phòng thủ chống lại đế chế Ottoman theo dòng Sunni. Triều đại Safavid đem lại cho các nghệ sĩ và tri thức những học viện được cấp vốn đầy đủ và một bầu không khí tự do để họ thực hiện công việc của mình. Như mọi giai đoạn khác khi các học giả Hồi giáo được tự do sống và hít thở, thì các nhà tư tưởng đạt được những kết quả xuất sắc, chẳng hạn như Mir Damad và học trò của ông là Molla Sadra và những ngôi sao sáng khác của phái Isfahan.

Tất cả điều đó đủ để phủ nhận thành kiến của phương Tây cho rằng phương Đông nói chung, và thế giới Hồi giáo nói riêng, đã không sản sinh ra cái gì đáng chú ý trong lĩnh vực triết học. Trong những giai đoạn mà các học giả Hồi giáo được phép tự do phát triển, họ đã chứng tỏ hơn cả những gì ngang hàng với những gì tốt đẹp nhất mà phương Tây sản sinh ra. Nhưng ở nơi Hồi giáo được diễn giải bằng tinh thần cuồng tín và hẹp hòi, thì người ta đã gây ra những tổn hại ghê gớm. Giới tri thức, giận dữ trước những hạn chế nặng nề áp đặt lên mình, đã phản ứng chống lại thẩm quyền của tôn giáo cái xuất hiện như sự phủ nhận văn hóa và tự do. Do vậy, trong thi ca Hồi giáo có một khuynh hướng chống tôn giáo. Như ví dụ sau đây sẽ cho thấy điều đó. Vào thế kỷ 17, Dara Shikoh đã viết: “Thiên đường là nơi linh mục Hồi giáo không sinh sống và người dân không theo những gì ông ta nói. Ở thành phố nơi linh mục Hồi giáo sinh sống, người ta không bao giờ tìm thấy được những con người thông thái.” (Dara Shikoh, 1615-1659)

Gần một thế kỷ sau nhà thơ Sachai Sarmast thuộc dòng Hồi giáo Sufi đã phàn nàn một cách cay đắng: “Chính tôn giáo làm mê muội người dân cũng vậy các Sheikh và các linh mục đã làm mê muội người dân một cách khủng khiếp. Trong khi một kẻ van xin trong thánh đường, thì kẻ khác quỳ gối bên ngoài. Nhưng cả hai đều không xích gần đến tình yêu thương nhân loại.” (Sachal Sarmast, 1731-1829.)

Ngày nay sự xuất hiện của chủ nghĩa chính thống một lần nữa phủ bóng đêm lên sự phát triển của văn hóa Hồi giáo. Chiến thắng của Taliban ở Afghanistan, được nước Mỹ Kitô giáo cung cấp súng ống và tiền bạc, thể hiện thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa man rợ và của sự u mê đen tối nhất che dấu sự trần trụi đằng sau chiếc mạng tôn giáo. Ngày nay thật khó khăn khi nhìn lên những đống đổ nát đang âm ỉ cháy ở nơi đã từng là Kabul và nhớ lại rằng nó đã từng là một trong những trung tâm văn hóa vĩ đại của Hồi giáo ở Trung Á. Đối với bất cứ người nào với kiến thức tối thiểu về lịch sử của văn hóa ấy, sự suy đồi thành chủ nghĩa man rợ lại càng khiến đau đớn hơn.

Một điều mà chúng ta có thể chắc chắn. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại thuốc giải độc cho căn bệnh này. Những người dân ở phương Đông, những người đã đem lại cho thế giới bằng chứng huy hoàng ấy về trí tuệ và sức sống nghệ thuật của mình, sẽ không bao giờ bằng lòng ngủ yên trong xiềng xích của sự khổ sở về vật chất và sự nghèo nàn về văn hóa. Và khi bình minh lên, khi họ chấm dứt sự nô dịch của tư bản và cải biến xã hội theo con đường xã hội, họ sẽ cầm chiếc chổi khổng lồ trong tay mình, rồi họ sẽ quét xã hội sạch bay khỏi những rác rưởi đã tích tụ sự ngu dốt, u mê và sự man rợ của công xã. Cuộc tái thiết xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa phải được tiến hành từ trên xuống. Và khi công trình vĩ đại này cuối cùng được hoàn thành, họ sẽ tạo ra những kỳ quan sáng tạo mà chúng sẽ làm mờ nhạt những điều kỳ diệu ở Granada và Cordoba. Rồi người dân sẽ khám phá lại di sản và truyền thống thực sự của họ, và khôi phục tất cả những phẩm giá đã mất của họ và tự hào về chính mình. Cái cũ sẽ được làm mới lại và được đặt lên trình độ cao hơn vô hạn vì niềm hân hoan và vì sự hoàn thiện của những thế hệ tương lai.


  1. Brahman: Thực tại tối thượng, đấng tối cao, phạm thiên

  2. G.W.F. Hegel, Các bài giảng Lịch sử Triết học, vol. 1, tr. 126.

  3. Ian Stewart, Liệu Chúa có chơi xúc xắc? tr. 22

  4. G. Sharma, Con người, Thượng đế và Tôn giáo, tr. 37.

  5. Mahavir: Đại anh hùng, nhà sáng lập ra đạo Jain, ND

  6. G. Sharman, Con người, Thượng đế và Tôn giáo, tr. 36-7.

  7. Trích dẫn trong Tôn giáo so sánh, của A.C. Bouquet, tr. 270.

  8. Short History of the Saracens

  9. Ameer Ali Syed, Short History of the Saracens, tr. 47.

  10. A.C. Bouquet, Tôn giáo so sánh, tr. 138.

  11. W.C. Anderson, Lịch sử Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tr. 60.

  12. Trích dẫn trong Ameer Ali Syed, Short History of the Saracens, tr. 115.

  13. Ameer Ali Syed, op. cit., tr. 578.

  14. Alfred Hooper, Makers of Mathematics, tr. 24.

  15. A. Hooper, sđd., tr. 84.

  16. W. Irving, The Conquest of Granada, tr. 251.

  17. N. Cohen, In Search of the Millennium, tr. 66-7.