Đây là bản dịch Chương 5 của phiên bản online cũ của cuốn Lịch sử triết học của tác giả Alan Woods. Cuốn sách này đã được cập nhật bổ sung và xuất bản với tựa đề History of Philosophy: A Marxist Perspective

Cảm ơn tác giả và ban biên tập đã cho phép tôi dịch và duy trì các nội dung đã dịch từ cuốn sách cũ để phục vụ bạn đọc Việt nam. Các nội dung đã dịch sẽ được cập nhật theo phiên bản mới của cuốn sách.

Tham khảo: Chương 1: Chúng ta có cần triết học không?, Chương 2: Những nhà biện chứng đầu tiên, Chương 3: Aristotle và sự cáo chung của triết học Hy Lạp cổ đại, Chương 4: Thời kỳ Phục hưng, Chương 6: Triết học Ấn Độ và Hồi giáo.

Cập nhật lần cuối: 2022-02-11 ICT

Descartes, Spinoza và Leibniz

“Khuyết điểm chủ yếu, từ trước cho đến nay, của mọi chủ nghĩa duy vật – kể cả chủ nghĩa duy vật của Feuerbach – là sự vật, hiện thực, cái có thể cảm giác được, chỉ được nhận thức dưới hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức là hoạt động cảm giác của con người, là thực tiễn; không được nhận thức về mặt chủ quan. Vì vậy, mặt năng động được chủ nghĩa duy tâm phát triển một cách trừu tượng, vì chủ nghĩa duy tâm dĩ nhiên là không hiểu hoạt động hiện thực, cảm giác được, đúng như là hoạt động hiện thực, cảm giác được”1

Đoạn trên của Marx, từ Luận cương đầu tiên trong Luận cương về Feuerbach thường gây ra sự hoang mang nhất định. Ý nghĩa của nó không ngay lập tức rõ ràng, cũng không thể làm nó rõ ràng được trừ khi chúng ta đặt nó trong bối cảnh của lịch sử triết học. Nhưng tư tưởng chứa đựng bên trong nó là điểm xuất phát cho sự phát triển của chủ nghĩa duy vật biện chứng và của chủ nghĩa Marx nói chung.

Một khi tư duy bắt đầu phát triển, nó sống đời sống của riêng mình, nó tiến triển nhanh hơn cùng với sự phát triển của phân công lao động và sự tăng trưởng của văn minh, cái trùng khớp với sự phân chia xã hội thành giai cấp. Tư duy bản thân nó trở thành một đối tượng nghiên cứu. Nguồn gốc vật chất của nó biến mất khỏi tầm nhìn. Nó xuất hiện như cái gì đó thần bí, tách rời và đứng riêng rẽ với vật chất, một nội dung thần thánh, có liên kết tới Thượng đế, một linh hồn bất tử, độc lập với thể xác của chúng ta, cái sẽ không tiêu vong khi chúng ta chết.

Sự xuất hiện của hình thức mới của chủ nghĩa duy vật trong giai đoạn Phục hưng là tiền đề cho sự tái sinh của khoa học ở trình độ cao hơn về chất. Nhưng, như chúng ta đã chứng kiến, nó chịu đựng sự phiến diện, dưới hình thái của chủ nghĩa duy nghiệm, cái có hậu quả cực kỳ tiêu cực. Việc phủ nhận giá trị của tất cả những gì không đến từ quan sát trực tiếp, việc bác bỏ lý thuyết và những tổng quát hóa chung (Newton đã nói “tôi không giả định”) ắt khiến hình thức duy vật này trở nên cằn cỗi. Kết quả chủ đạo là các đại diện của phái này không thể vượt lên trên những hạn chế của thế giới quan của khoa học đương thời, cái có đặc điểm cơ bản là cơ giới và tĩnh tại. Khiếm khuyết này áp dụng không chỉ cho những nhà duy nghiệm Anh mà ngay cả những nhà duy vật Pháp, mặc dầu thế giới quan của họ rộng mở hơn nhiều và đôi lúc có sự đột nhập tài tình vào phép biện chứng.

Chủ nghĩa duy vật cũ là phiến diện ở chỗ nó xem tư duy của con người bằng phương pháp tĩnh tại, thụ động và suy tư. Con người chỉ đơn thuần là người quan sát giới tự nhiên, ghi chép những “sự kiện”. “Tư duy đối mặt với mình trong sự hư vô của chính mình, một cái gương thuần túy của thế giới bên ngoài, một phòng tối ở đó các hình ảnh về sự vật không sụp đổ, không có bất cứ sự đóng góp nào hoặc hành động nào từ bộ phận của nó; toàn bộ nội dung của nó là do những dấu vết do sự vật vật chất tạo ra trên nó” (Schwegler, op. cit tr.180-1). Xuất phát từ một tư tưởng đúng đắn, quan niệm hẹp hòi về chủ nghĩa duy vật này đi đến ngõ cụt, không có khả năng phát triển tiếp được. Trong thực tế, phải cho đến cuộc cách mạng do Marx và Engels thực hiện cùng với phép biện chứng duy vật của họ, không diễn ra thêm sự phát triển nào của chủ nghĩa duy vật. Ngay cả Feuerbach thực sự không đi xa hơn nhưng nhà duy vật Pháp ở thế kỷ 18.

Do vậy chúng ta đối mặt với một trong những nghịch lý vĩ đại nhất trong lịch sử triết học – đó là những tiến bộ có ý nghĩa thực sự trong tư tưởng ở giai đoạn sau Locke đã được thực hiện, không phải bởi những nhà duy vật, mà bởi những nhà duy tâm. Không bị hạn chế bởi những giới hạn tự áp đặt của chủ nghĩa duy nghiệm, họ đã đi đến hàng loạt tổng quát hóa lý thuyết xuất sắc, mặc dù vậy, do xuất phát những giả thuyết sai lầm, chúng không tránh khỏi chứa đựng tính cách không tưởng. Hiện tượng đặc biệt này đạt tới sự thể hiện cực đoan nhất trong triết học của Hegel, “một cái thai đẻ non khổng lồ nhất trong lịch sử”, nơi tất cả các yếu tố biện chứng chủ đạo xuất hiện trong một hình thức có hệ thống, nhưng đứng bằng đầu, như Marx đã nói vậy.

Một điều hiển nhiên đối với hầu hết mọi người là tư duy và tồn tại là hai thứ khác nhau. Ở một trong những vở hài kịch của mình, Sheridan, nhà viết kịch vĩ đại người Ireland ở thế kỷ 18, để cho một trong những nhân vật của ông, một tay nghiện cờ bạc, nói “Tôi không bao giờ thua khi chơi bài – hoặc ít nhất tôi không bao giờ cảm thấy mình đang thua, điều đó là như nhau.” Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng điều đó không phải như nhau, cũng như điều đó không như nhau khi nghĩ tới một người có một triệu bảng và thực sự sở hữu số tiền đó. Tư duy bản thân nó là phi vật chất, mặc cho những nỗ lực của một số nhà duy vật cơ giới nhằm chứng minh rằng nó là chất liệu vật chất, được tiết ra từ bộ não, cũng như mật được tiết ra từ gan. Tư duy là thuộc tính của vật chất được tổ chức theo cách đặc biệt, nhưng bản thân nó không phải là vật chất. Câu hỏi nảy sinh, nếu như tư duy và thực tại vật chất là khác nhau hoàn toàn, bằng cách nào mà người ta rất thường xuyên thấy chúng thống nhất như vậy? Mối liên hệ chính xác giữa tư duy và tồn tại là nguồn gốc của tất cả những tranh cãi triết học chủ đạo trong suốt hai nghìn rưỡi năm, và chỉ được giải quyết một cách thỏa mãn bởi chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Descartes

Vấn đề về mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại đã được triết gia Pháp Descartes (1596-1650) nêu ra theo một cách khác biệt so với những nhà duy nghiệm Anh. Sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả, ông nghiên cứu cùng với các thầy tu dòng Tên. Việc nếm trải chính thống giáo khô cằn ấy sản sinh trong ông cả một cuộc đời ác cảm với chủ nghĩa giáo điều ở mọi hình thức, và một sự mất kiên nhẫn đối với các tư tưởng đã được thừa nhận rộng rãi. Đối lập lại với chủ nghĩa bi quan lệch lạc của Hume, chủ nghĩa hoài nghi của ông chứa đựng tính cách tích cực và sống động. Ông bắt đầu hoài nghi, không phải về khả năng của tri thức nói chung, mà chỉ về những tư kiến đang tồn tại lại được nêu ra như là những chân lý không thể sai lầm. Ngay từ lúc còn trẻ, phương châm của ông đã là “Hoài nghi tất cả”.

“Và trong mọi sự, tôi đặc biệt suy đến những điều có thể làm cho chúng trở thành hồ đồ và lộn xộn, cho nên tôi đã vứt bỏ khỏi tâm trí tôi tất cả những sai lầm đã lọt vào đó trước đây. Không phải vì thế mà tôi muốn bắt chước những người theo chủ nghĩa hoài nghi là những kẻ hoài nghi để mà hoài nghi, và làm ra vẻ không quyết gì bao giờ; trái lại, tất cả ý định của tôi là đi tới chỗ vững tâm, gạt bỏ lớp cát với bãi đất bồng bềnh hòng gặp được nền đá hoặc đất sét.” (Descartes, Phương pháp luận)2

Ông viết “Bởi vậy, thoạt khi đến tuổi cho phép tôi thoát khỏi sự kiềm chế của các thầy dạy, tôi liền bỏ hết việc học chữ nghĩa và quyết tâm không tìm kiếm một tri thức nào khác nữa ngoài tri thức có thể được tìm thấy ở trong tôi hoặc trong cuốn sách vĩ đại của thế giới.”3 Để có được kiến thức và mở rộng đường chân trời của mình ông đầu tiên gia nhập quân đội Hà Lan rồi tiếp đến là quân đội Bavaria, vào lúc bắt đầu của Chiến tranh Ba mươi Năm. Trong lúc vẫn ở trong quân đội, ông viết một cuốn sách về triết học, nhưng khi nghe về vụ xét xử Galileo, ông quyết định giấu không xuất bản vì lo sợ làm kích động cơn giận của Nhà thờ. Sau đó, các tác phẩm của ông xuất hiện rải rác với những tham chiếu nhằm xoa dịu các chức trách tôn giáo và tránh sự buộc tội vô thần hết sức rầy rà. Ngay cả như vậy, giống Locke, ông cảm thấy mình buộc phải chuyển tới Hà Lan, đất nước duy nhất ở châu Âu có tồn tại một bầu không khí tương đối tự do để nói và viết. Thậm chí ở đây ông đối mặt với những tấn công của những kẻ mù quáng tôn giáo (ở trường hợp này là những tín đồ Tin Lành), họ kết tội ông vô thần. Chỉ có sự can thiệp cá nhân của Hoàng tử Da cam mới cứu ông thoát khỏi sự trừng phạt. Ngay cả khi đó, giới chức trách của Trường Đại học Leyden đặt ông dưới sự cấm đoán hoàn toàn, họ nghiêm cấm nhắc đến tên ông. Cuối cùng ông phải chuyển tới Thụy Điển, nơi ông chết, một phần vì ảnh hưởng của khí hậu tới thể trạng ốm yếu của ông.

Mặc dầu rất có thể Descartes là một người có tín ngưỡng, khi đọc các tác phẩm của ông, người ta có ấn tượng về một con người lúc nào cũng nhìn xa hơn vai mình. Để né tránh Nhà thờ, Descartes chấp nhận sự tồn tại của Thượng đế, nhưng rồi nói rằng tôn giáo là chủ đề quá cao quý để mà “biện hộ cho sự bất lực của lý trí chúng ta.” Khi bàn về lịch sử giới tự nhiên, ông chấp nhận rằng Thượng đế đã sáng tạo ra thế giới, nhưng bổ sung, như một giả thiết, rằng “người ta có thể tin rằng các sự vật thuần túy vật chất có thể, cùng với thời gian, hình thành như chúng ta thấy hiện nay, mà không làm hại đến phép lạ của công việc sáng tạo; và bản tính của vạn vật sẽ dễ hiểu hơn khi ta nhìn chúng phát sinh dần dần theo cách đó, hơn là khi ta coi chúng như hoàn thành ngay từ đầu.”4 Đại triết gia Pháp phải dựa vào những lẩn tránh như vậy để công bố tư tưởng của mình.

Trong lĩnh vực khoa học, tiếp cận của Descartes là hoàn toàn đối lập với những triết gia Anh. Trong khi họ đặt tất cả nhấn mạnh vào thực nghiệm, tiếp cận của ông là lý tính, quan tâm nhiều đến các nguyên lý chung hơn là công việc quan sát chi tiết. Đóng góp của ông cho khoa học là xuất sắc, đặc biệt trong lĩnh vực toán học, ở đó ông có thể được coi là người sáng lập ra hình học giải tích. Đóng góp vĩ đại của ông là phát minh ra tọa độ hình học, giúp xác định vị trí của một điểm trong mặt phẳng bằng khoảng cách của nó đến hai trục cố định. Trong vật lý, ông là nhà duy vật, như Marx và Engels đã chỉ ra:

“Descartes trong lĩnh vực vật lý của mình ban cho vật chất sức mạnh tự sáng tạo và vận động cơ giới như sự thể hiện của đời sống của nó. Ông chia tách hoàn toàn vật lý học của mình khỏi siêu hình học. Trong vật lý học của ông, vật chất là bản thể duy nhất, là nền tảng duy nhất của tồn tại và tri thức.”5

Nhưng Descartes không thể giải quyết vấn đề cơ bản của mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Trong tác phẩm nổi tiếng của ông Phương pháp luận (Discourse on Method), ông tìm kiếm một chân lý ai cũng có thể thừa nhận mà không thể tranh cãi được. Ông đi đến một câu nổi tiếng “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Đó là viên đá nền tảng của triết học của ông. Nhưng nó lại không phải như vậy. Cùng lắm ông đã có thể khẳng định, “Tôi tư duy, nên tư duy tồn tại.” “Tôi” ở đây là gì? Rõ ràng là một hệ thống thần kinh con người, một bộ não, một cơ thể, và v.v.. Gassendi, nhà duy vật Pháp, phản đối rằng tồn tại đều có thể được suy diễn từ mọi chức năng khác của con người. Các nhà duy tâm đáp lại rằng không có cái nào trong những chức năng ấy có thể nhận thức được mà không có tư duy. Nhưng cũng cần thiết phải nói tư duy là gì.

Tư duy, từ quan điểm duy vật nhất quán là vật chất suy tư. Tư duy không và không thể tự mình tồn tại, tách rời khỏi vật chất. Về vấn đề có tính quyết định này Descartes chấp nhận một lập trường không nhất quán và không thỏa mãn, điều đó đi đến những mâu thuẫn ở mọi hình thức. Sự khác biệt căn bản giữa tư duy và vật chất, ông nói, là vật chất có quảng tính, trong khi tư duy, tinh thần, linh hồn thì không. Điều đó dẫn chúng ta đi thẳng tới lập trường nhị nguyên. Theo Descartes, không tồn tại cái gì chung giữa tư duy và vật chất. Chúng không chỉ khác nhau mà còn đối lập nhau hoàn toàn. Sự thống nhất giữa linh hồn và cơ thể, do vậy, là hoàn toàn cơ giới. Linh hồn trú ngụ trong cơ thể như một cái gì xa lạ, một mối quan hệ cơ giới và hoàn toàn nhân tạo. Không có linh hồn, cơ thể giống như một cỗ máy hay một automatum không có sự sống. Ngay cả một con robot được xây dựng hoàn hảo nhất cũng không thể có được nhận thức như con người, thậm chí cả khi nó được lập trình để nói được (điều này được viết ra vào năm 1637, nhưng vấn đề bàn tới lại rất hiện đại).

Chẳng hạn, người ta có thể dạy một cỗ máy nói và thậm chí thể hiện “cảm xúc”, “nhưng ta không thể quan niệm nó có thể sắp xếp những lời đó để trả lời đúng ý nghĩa những gì ta nói trước mặt nó, như người ngu đần nhất cũng có thể làm được. Hai là mặc dầu những máy đó làm được nhiều việc cách khéo như hoặc khéo hơn bất cứ ai trong chúng ta, nhưng chắc chắn chúng sẽ không làm được những việc khác, nhân đó người ta sẽ khám phá ra chúng không hành động do hiểu biết, nhưng chỉ do sự xếp đặt của những bộ phận của chúng. Bởi vì trong khi lý trí là dụng cụ phổ quát có thể dùng trong tất cả các trường hợp, thì những bộ phận kia lại cần từng cách xếp đặt riêng cho từng hành động một. Bởi vậy hầu như không thể có đủ những cơ phận khác nhau nơi một chiếc máy để làm cho nó hành động trong tất cả mọi hoàn cảnh ở đời như lý trí của ta vẫn làm ta hành động.”6

Cũng vì lý do ấy những sinh vật thấp kém hơn được phân loại thành các “automata”. Đoạn này cũng xứng đáng được trích dẫn đầy đủ bởi vì nó cho thấy một mạch tranh luận duy vật đáng chú ý, và dĩ nhiên ưu việt hơn rất nhiều so với những thứ tào lao thần bí thốt ra bởi những nhà khoa học hiện đại trong mối quan hệ với trí tuệ của loài vật như người bạn của chúng ta Tiến sĩ Wickremasssinge và những con kiến của ông ta, những người nắm giữ bí quyết thành công cho bản thân mình.

"Điều đáng chú ý là không có người nào đần độn và ngớ ngẩn đến đâu, kể cả những người điên, mà lại không có khả năng sắp xếp các lời nói lại với nhau làm thành một câu nói để diễn tả ý tưởng mình; ngược lại, không một con vật nào, dầu hoàn hảo và sinh ra với những hoàn cảnh tốt lành đến đâu, có thể làm như vậy. Điều này không ở tại chúng không có cơ quan, vì người ta thấy những con cưỡng và những con vẹt có thể phát ra những lời nói như ta, nhưng chúng không thể ăn nói như ta, nghĩa là không thể chứng tỏ rằng chúng có nghĩ tưởng những gì chúng nói. Trái lại những người điếc hoặc câm từ sơ sinh thì thiếu những cơ quan người ta dùng để ăn nói, và thiếu như hoặc thiếu hơn các con vật, nhưng họ lại thường đích thân phát minh những ký hiệu để những người sống chung với họ và có giờ học ngôn ngữ của họ có thể hiểu họ.

“Điều này không những chứng tỏ rằng các con vật có ít lý trí hơn con người, nhưng còn chứng minh rằng chúng không có chút lý trí nào hết, bởi vì người ta thấy chỉ cần rất ít lý trí là có thể ăn nói. Người ta càng nhận rõ sự chênh lệch giữa các con vật cùng một loài cũng như giữa các con người, vì con nọ dễ tập hơn con kia, thành thử không thể tưởng được tại sao một con khỉ hay một con vẹt toàn hảo nhất loài chúng lại không bằng một đứa con nít ngớ ngẩn nhất, hoặc một đứa con nít có bộ óc điên, nếu không phải tại vì hồn của chúng có bản tính khác với hồn của ta.”7

Chủ nghĩa duy tâm của Descartes dẫn ông tới cái bẫy phân đôi tinh thần và thể xác, và xem thể xác chỉ là một automaton, bên trong nó linh hồn trú ngụ. Điều đó trở thành nguồn gốc cho sự mơ hồ lớn lao, và có tác động xấu tới tri thức khoa học về bản chất thực sự của tinh thần và mối quan hệ của nó với thể xác, tức bộ não và hệ thần kinh.

Mặc cho sự đột phá có tính duy tâm về tổng thể của Phương pháp luận, quan điểm vật lý và sinh học có tính duy vật của Descartes vẫn xâm nhập. Chẳng hạn, ông không thể che dấu sự hăng hái của ông đối với khám phá của Harvey về sự lưu thông của máu, mà từ đó ông dành cho không ít hơn sáu trang sách. Nhưng khi ông đi đến vấn đề gây nhiều tranh cãi về mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác, ông phải dùng đến những khái niệm siêu hình và không khoa học. Ông định vị linh hồn vào cái gọi là “tuyến tùng” nằm ở trung tâm não bộ, đơn thuần là vì mọi bộ phận khác của não bộ đều đi theo cặp, và do vậy không đạt yêu cầu hoạt động như một cơ quan của linh hồn, cách sắp xếp như vậy được cho là sẽ gây ra tình huống xấu do hình ảnh bị gấp đôi.

Vấn đề đối với tất cả điều đó là, nếu như tư duy và vật chất được xem là tách biệt nhau hoàn toàn, vậy bằng cách nào mà chúng lại thống nhất và kết hợp với nhau được? Lựa chọn duy nhất còn lại cho Descartes là đưa một tác nhân ở bên ngoài vào – một sự can thiệp thần thánh. Ngay cả như vậy, cũng không thể thấy được chúng có thể tác động qua lại lẫn nhau như thế nào. Bằng cơ chế nào chúng có thể xâm nhập vào nhau? Chẳng hạn, tâm trí có thể muốn tôi nâng cánh tay của tôi lên, nhưng bằng cách nào nó có thể nâng cánh tay lên? Học trò của Descartes, Geulinx, trả lời với sự bộc trực đáng ngưỡng mộ rằng nó không thể, rằng thực tế cánh tay nâng lên cùng lúc tôi muốn nó nâng lên chỉ đơn thuần là sự trùng khớp. Điều này dẫn đến mâu thuẫn của triết học Descartes, một chủ nghĩa nhị nguyên không được giải quyết là gót chân Achilles của triết học ấy.

Mặc những yếu kém của nó, triết học Descartes chứa đựng mặt tiến bộ đáng chú ý. Tiến bộ của nó trong khoa học đã thúc đẩy sự phát triển của khoa học tự nhiên ở Pháp. Về mặt triết học, chủ nghĩa duy tâm của Descartes bị lật đổ bởi xu hướng duy vật đang thịnh hành ở thời kỳ Khai minh, dẫu vậy ông đã ảnh hưởng tới những người như La Mettrie. Nhưng bên ngoài nước Pháp tư tưởng của ông là điểm xuất phát cho hai trong số những triết gia vĩ đại nhất, Spinoza và Leibniz.

Spinoza

Benedictus (Baruch) Spinoza sinh ra ở Amsterdam vào năm 1632, là con trai của một thương nhân Do thái, ông là một trong số nhiều người đã bỏ chạy khỏi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để thoát khỏi sự hà khắc tôn giáo. Từ lúc niên thiếu, Spinoza đã chứng tỏ bản thân ông là một người can đảm tìm kiếm sự thật, sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình bất chấp hậu quả đến với mình. Dự định là ông phải tiến hành công việc làm ăn của gia đình, nhưng vào năm 1656, dù đã là người nghiên cứu Kinh thánh và Talmud siêng năng, ông va chạm với các giáo sĩ Do thái chính thống. Ông được đề nghị 1.000 florins mỗi năm để giữ im lặng, nhưng ông từ chối và bị nguyền rủa rồi bị trục xuất khỏi cộng đồng Do thái vì “những chính kiến lầm lạc” cùng “những tà giáo khủng khiếp” của ông. Lo sợ tính mạng bị đe dọa, ông buộc phải chạy trốn khỏi Amsterdam. Ông định cư ở Rhynsburg gần Leyden, ở đó ông kiếm sống bằng nghề mài mắt kính, trong khi đó ông dành thời gian rảnh rỗi cho các tác phẩm triết học của mình.

Khi là một người bị ruồng bỏ, Spinoza trở nên thân thiết với các thành viên của một số phái Tin Lành nhỏ hơn, họ có liên hệ với những người Anabaptist, bản thân họ cũng là nạn nhân của sự hà khắc và họ cởi mở thảo luận những tư tưởng mới. Thời điểm này tư tưởng của Descartes là chủ đề tranh cãi gay gắt ở Hà Lan. Năm 1656, các giáo sư đại học được yêu cầu phải thề rằng họ không nghiền ngẫm những tư tưởng Cartes vốn đã gây ra sự xúc phạm. Đối với nhóm nhỏ chung quanh Spinoza, Descartes được coi là nguồn cảm hứng, một tâm hồn dũng cảm người đã từ chối đặt chính kiến của mình vào truyền thống đơn thuần, và khẳng định rằng tất cả những gì chúng ta biết là được biết bởi “ánh sáng tự nhiên” của lý tính. Descartes là cảm hứng cho Spinoza, nhưng người đi sau có một tri thức quá sắc sảo để chấp nhận người đi trước mà không có phê phán.

Đó là một kỷ nguyên của những khám phá. Khoa học bắt đầu trải rộng đôi cánh của mình, và thế giới quan Aristotle cổ đại được thay thế bởi quan điểm có tính khoa học-cơ giới mới về tự nhiên. Chính Galileo đã viết rằng ông tin rằng cuốn sách của tự nhiên được viết bằng ngôn ngữ toán học. Toàn bộ thế giới quan của Spinoza bị thống trị bởi mối quan tâm đầy say mê về tự nhiên và khoa học. Ông trao đổi thư từ với nhà hóa học Anh Robert Boyle, thảo luận về sao chổi với Henry Oldenburg, thư ký Hiệp hội Hoàng gia, bình luận về các quy luật chuyển động của Descartes và các lý thuyết của Huygens.

Hà Lan là quốc gia tự do nhất ở châu Âu ở thời điểm đó. Tư sản Hà Lan đã lật đổ thành công ách thống trị của Tây Ban Nha bằng một cuộc đấu tranh cách mạng mà nó dựa vào sự ủng hộ của giai cấp trung lưu bên dưới và quần chúng nửa-vô sản. Năm 1579, các tỉnh của những người Hà Lan theo Tin Lành đã cùng nhau thành lập Liên minh Utrech, từ đó Cộng hòa Hà Lan hình thành. Điều 3 trong Liên minh tuyên bố sự khoan dung tôn giáo là nguyên tắc cơ bản. Tuy nhiên, sự sắp đặt này bị phản đối bởi phái quyền năng của những người Calvin “khắt khe” và “nghiêm ngặt”, họ muốn chỉ có một Giáo hội chính thức ở Hà Lan – một Giáo hội của riêng họ.

Tại Hội nghị tôn giáo ở Dordrech (1618-19) họ đã thành công khi đưa Thần học Calvin được công nhận là tôn giáo chính thức. Nhưng Jan de Wit theo chủ nghĩa tự do, là lãnh đạo của Hà Lan từ 1653 đến 1672, kiên định chống lại sự không khoan dung tôn giáo. Spinoza không đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị. Ông đặt tác phẩm về Đạo đức học của mình sang một bên để xuất bản cuốn sách nhằm bảo vệ tự do tư tưởng và ngôn luận, Luận văn về Thần học và Chính trị, cuốn sách xuất hiện vào năm 1670. Cuốn sách ấy khiến ông nhận được sự thù hằn khốc liệt của những người Calvin khắt khe, họ đã bị xúc phạm bởi nỗ lực của ông nhằm chỉ ra rằng Kinh thánh phải không được xem là cái chứa dựng những chân lý triết học hay khoa học.

Tháng 7 năm 1670 Hội nghị tôn giáo tuyên bố Luận văn là “một cuốn sách độc hại và báng bổ”. Một cuốn sách mỏng nặc danh nhằm công kích de Wit đã mô tả cuốn sách ấy là “sinh ra dưới địa ngục bởi một tín đồ Do thái suy đồi và một Quỷ sứ,” và rằng nó đã “được xuất bản cùng tri thức của Ngài Jan de Wit.” Năm 1672 quân đội Pháp xâm lược Hà Lan và de Wit bị đám đông ở thành phố La Hay (The Hague) giết chết. Vì những lý do cơ hội chủ nghĩa, William xứ Orange đã đứng về phía phe Calvin. Hai năm sau Luận văn bị cấm. Phần còn lại của cuộc đời ngắn ngủi của mình, Spinoza buộc phải cúi đầu. Bi kịch thay, tuyệt tác của ông, Đạo đức học, không bao giờ được xuất bản lúc ông còn sống, do lo sợ phản ứng của Giáo hội. Nó chỉ xuất hiện vào năm 1677, năm vĩ nhân ấy chết vì bệnh lao phổi.

Spinoza là một trong số những thiên tài thực sự đã tiến hành một cuộc cách mạng thực sự trong triết học. Lấy triết học Descartes làm xuất phát điểm cho mình, ông cải biến nó hoàn toàn, và khi làm như vậy, ông đã đặt nền móng cho cách tiếp cận khoa học thực sự đối với tự nhiên. Hegel viết “Do vậy điều đáng chú ý là tư tưởng đó phải khởi đầu bằng cách đặt bản thân nó từ quan điểm của chủ nghĩa Spinoza; trở thành kẻ đi theo Spinoza là sự khởi đầu thiết yếu của mọi Triết học.” (Hegel, Lịch sử triết học, Vol. 3, tr. 257). Không những Hegel mà cả Goethe, Schiller, Marx và Schelling trẻ cũng đều chịu nhiều ảnh hưởng của Spinoza. Khi Einstein tham gia vào một cuộc tranh cãi triết học với Niels Bohr về vấn đề cơ bản trong cơ học lượng tử, ông viết rằng ông thà chọn “lão già Spinoza” làm trọng tài còn hơn là chọn Bertrand Russell hay Carnap.

Có thể đó là lý do tại sao, cùng với sự kiêu căng quen thuộc của mình, Bertrand Russell viết trong cuốn Lịch sử triết học Phương Tây của ông ta rằng toàn bộ “siêu hình học” của Spinoza là “không tương thích với logic hiện đại và với phương pháp khoa học. Sự thật phải được khám phá bằng quan sát, chứ không phải bằng suy luận; khi chúng ta suy diễn thành công về tương lai, chúng ta làm vậy bằng các phương pháp của những nguyên tắc mà về mặt logic là không cần thiết, nhưng được gợi ý bởi dữ liệu thực nghiệm. Và quan niệm về bản thể mà Spinoza tin vào là cái mà không khoa học hay triết học nào ngày nay có thể chấp nhận.” (B. Russell, sđd, tr. 560.)

Vấn đề là ở chỗ, bằng cách không hạn chế bản thân ông vào giới hạn hẹp hòi của triết học duy nghiệm, Spinoza đã có thể vượt qua được những giới hạn của khoa học có tính cơ giới của thời đại. Trong khi Berkeley và Hume dẫn dắt triết học vào ngõ cụt (và cũng dẫn dắt luôn cả khoa học vào ngõ cụt nếu như khoa học đã lưu tâm tới họ, thật may là khoa học đã không làm như vậy), Spinoza đã chỉ ra con đường tiến lên phía trước một cách xuất sắc. Mặc cho sự tự phụ lố bịch của Russell và những kẻ thực chứng logic của ông ta, những người – không có tý chút căn bản nào – đã tự đề cao bản thân họ cứ làm như họ là những người bảo vệ tối cao cho cái gọi là “phương pháp khoa học” mà do họ tùy tiện định nghĩa ra, khoa học tiến lên theo cách hoàn toàn khác biệt với nội dung biểu lộ trong những dòng văn ấy.

Đặc biệt, vai trò của những giả thuyết vĩ đại trong việc chỉ dẫn nghiên cứu khoa học theo hướng đi đúng đắn đã trở thành nguyên tắc cơ bản. Và, theo định nghĩa, một giả thuyết chỉ có thể đặt cơ sở vào một số lượng hữu hạn các “dữ kiện”, rồi đòi hỏi phải suy luận, cùng với sự dũng cảm và trí tưởng tượng. Chẳng hạn, người ta đã có thể tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và công sức nếu như các nhà khoa học để ý tới thuyết tinh vân của Kant về nguồn gốc của hệ mặt trời? Và bao nhiêu thời gian giờ đây đang bị lãng phí để tìm kiếm “vật chất tối, lạnh”, cái không dựa vào “dữ kiện quan sát được” nào hết, và người ta định dùng nó để xác nhận cho một giả thuyết vũ trụ học tuyệt vời hơn bất cứ điều gì mà Spinoza có thể nghĩ tới.

“Cần phải thừa nhận cái vinh dự hết sức lớn của nền triết học thời bấy giờ là đã không bị những kiến thức có hạn của thời bấy giờ về giới tự nhiên đưa vào con đường lầm lạc, mà lại còn kiên trì – kể từ thời Spinoza đến các nhà duy vật vĩ đại Pháp – xuất phát từ bản thân thế giới để giải thích thế giới và để cho khoa học tự nhiên tương lai làm cái việc chứng minh về chi tiết.” (Engels, Biện chứng của Tự nhiên)8

Spinoza, bằng sức mạnh của lý tính, và cùng với những kết quả khoa học rất hạn chế mà ông có được trong tay, đã đi đến một trong những giả thuyết vĩ đại nhất của mọi thời đại. Đoạn tuyệt với Descartes, cùng với quan niệm của Descartes về một thể xác không linh hồn và một linh hồn không thể xác, ông đã đưa ra tư tưởng rằng thể xác và tinh thần là hai thuộc tính của một và cùng một sự vật. Vũ trụ không phải cấu thành từ tinh thần và vật chất, như khẳng định bởi thuyết nhị nguyên của Descartes. Chỉ có một Bản thể (Substance) duy nhất, cái bao gồm bên trong bản thân nó mọi thuộc tính của tư duy và tồn tại. Nó là vô tận và vĩnh cửu, và sở hữu mọi tiềm năng để phát sinh vô vàn những hiện tượng mà chúng ta quan sát được trong vũ trụ.

Spinoza đặt tên cho Bản thể (Substance) là “Thượng đế”. Nhưng thực tế, khi đặt Thượng đế ngang hàng với tự nhiên là từ bỏ Thượng đế, một sự thật không mất đi ở phía những kẻ thù của Spinoza, khi họ tố cáo ông là vô thần. Trong vũ trụ của Spinoza, vô tận và vĩnh cửu, và do đó không được tạo ra và không bị giới hạn bởi thiên đường hay địa ngục, không có chỗ cho một vị thần tách biệt, thực ra, không có chỗ cho bất cứ thứ gì khác ngoài Bản thể, cái chỉ là tự nhiên được nói theo một cách khác.

Do vậy, một cách kỳ lạ, triết học của Spinoza, bất chấp vẻ bề ngoài duy tâm của nó, là xuất phát điểm thực sự của chủ nghĩa duy vật theo ý nghĩa biện chứng, tức là không máy móc, về thế giới. Tất cả những gì cần làm là thay thế “vật chất” cho “Thượng đế”, và chúng ta có một lập trường duy vật nhất quán hoàn hảo. Như Marx viết trong thư gửi Lassalle ngày 31 Tháng 5 năm 1858:

“Ngay cả trong trường hợp các nhà triết học đưa ra hình thức có hệ thống cho công trình của họ, như Spinoza chẳng hạn, cấu trúc nội tại thực sự của hệ thống là hoàn toàn không giống hình thức mà nó được thể hiện một cách có ý thức bởi anh ta.” Sự ngưỡng mộ to lớn của Marx và Engels dành cho Spinoza được Plekhanov tiết lộ, ông nhớ lại cuộc hội thoại với Engels, khi đó là một ông già, vào năm 1889: “Tôi hỏi ‘Vậy ngài có nghĩ rằng lão Spinoza đã đúng khi lão nói rằng tư duy và quảng tính không phải là gì khác hơn hai thuộc tính của một và cùng một bản thể?’ Engels đáp ‘Tất nhiên, lão Spinoza đã hoàn toàn đúng’” (Plekhanov, Các tác phẩm triết học tuyển chọn, Vol. 2, tr. 339.)

Sự tồn tại của vũ trụ vật chất được xem là một tiên đề. Mô hình của Spinoza là hình học, một mô hình triển khai bằng các khẳng định tiên đề-hiển nhiên không cần bằng chứng. Thế nhưng cũng những người sẵn sàng chấp nhận tin vào các tiền đề của Euclid (chúng, một cách tình cờ, không hề là những chân lý hiển nhiên, có thể bị phản đối nghiêm khắc) mặc dù vậy lại là những người thể hiện sự do dự cực đoan khi thừa nhận tính thực tại của thế giới vật chất, họ tuyên bố nó ngoài phạm vi mà tri thức của ta khẳng định. Nhưng cũng thế giới vật chất ấy là xuất phát điểm cho mọi trải nghiệm và tri thức của chúng ta. Spinoza tuyên bố “Chúa hay một bản thể bao gồm những thuộc tính mà mỗi cái biểu đạt bản chất vĩnh cửu và vô hạn, là những tồn tại tất yếu.” (Đạo đức học). Vả lại, vật chất không bao giờ tạo ra được cũng không bao giờ tiêu diệt được, chỉ biến đổi được:

“Vật chất là như nhau ở khắp mọi nơi, và các thành phần của nó là không thể phân biệt được từ chất này sang chất khác trừ khi chúng ta còn nhận thức vật chất là bị tác động bởi những phương thức đa dạng, đo đó các thành phần của nó là được phân biệt từ cái này sang cái khác ở dạng thức (mode) chứ không ở thực tại. Tức là có thể nhận thức được nước, chừng nào nó là nước, có thể chia ra được và các thành phần của nó tách biệt nhau: nhưng không thể nhận thức được chừng nào nó là bản chất vật chất, bởi vì lúc đó nó không tách biệt được cũng không phân chia được. Vả lại, nước, chừng nào nó là nước, thì có thể tạo ra được hoặc tiêu diệt được, nhưng chừng nào nó là bản thể thì nó không thể tạo ra được hoặc tiêu diệt được.” (sđd, tr. 16.)

Thượng đế do vậy không tồn tại tách rời và đứng riêng rẽ với thế giới vật chất, cái đã không được tạo ra bởi vì nó bao giờ cũng đã tồn tại. Ngài là “tự do” – để tuân theo các quy luật tự nhiên và vân vân. Nói cách khác, “Thượng đế” chỉ là giới tự nhiên. Chủ nghĩa phiếm thần này của Spinoza thực ra là chủ nghĩa duy vật được che giấu một cách sơ sài. Mặc dầu hình thức đặc biệt của nó (có lẽ đó là một nỗ lực bất thành nhằm gạt bỏ những cáo buộc vô thần), nó cao hơn một cái đầu so với thế giới quan cơ giới của các nhà khoa học đương thời. Thay vì khái niệm cơ giới về vật chất được vận động bởi một lực bên ngoài, ở đây chúng ta có vật chất vận động theo những quy luật cố hữu của riêng nó, nó là “nguyên nhân của chính mình”.

Tư duy không thể tồn tại tách rời khỏi Bản thể (vật chất). Nó là một thuộc tính của vật chất được tổ chức theo cách nhất định, “do đó bản thể đang tư duy và có quảng tính là một và cùng một bản thể, cái được lĩnh hội lúc thì thông qua thuộc tính này lúc thì thông qua thuộc tính kia.” Nói cách khác, tư duy và vật chất là “một và cùng một thứ, nhưng được biểu đạt theo hai cách” (sđd tr.42). Đây thực sự là một đột phá. Về căn bản, chúng ta có ở đây một đánh giá đúng đắn về mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại; không phải là một sự chia tách triệt để giữa hai cái, như ở Descartes, mà là sự thống nhất biện chứng của chúng. Không phải tư duy đối lập với vật chất mà là vật chất suy tư. Ở đây Spinoza tiến gần đến lập trường duy vật công khai: “Tư duy”, ông nói, “không có tri thức về bản thân nó chừng nào nó nhận thức những ý tưởng về sự thay đổi của cơ thể” (sđd tr.59). Vả lại, “Vì cơ thể con người … bị tác động bởi các vật thể bên ngoài theo nhiều cách và được sắp đặt để tác động lên các vật thể bên ngoài theo nhiều cách. Nhưng tư duy của con người… phải nhận thức tất cả sự vật diễn ra trong cơ thể con người.” (sđd tr.53)

Trình bày này ưu việt hơn nhiều so với quan niệm thô thiển của chủ nghĩa duy vật cơ giới cái xem tư duy như một thực thể vật chất tiết ra từ não bộ, giống như mồ hôi tiết ra từ các tuyến mồ hôi. Spinoza, theo sau Descartes, nói rằng tư duy khác với vật chất ở chỗ nó không có quảng tính. Nó không phải là một thứ vật chất, mà chính là chức năng của bản thân não bộ, một thuộc tính cơ bản của não bộ. Tư duy không chỉ đơn thuần là hoạt động suy tư trừu tượng, mà là cách thức con người đang tư duy phản ứng lại môi trường của họ ở cấp độ có ý thức. Không thể chia tách tư duy khỏi tất cả các hoạt động khác của con người. Tư duy, theo như Spinoza hiểu là một trong các thuộc tính của vật chất được tổ chức ở mức độ cao, là tự nhiên suy tư, và không phải là một cái gì đó đối lập với tự nhiên:

“Khi đó người ta ắt phải hết sức ngạc nhiên khi thấy ý thức và giới tự nhiên, tư duy và tồn tại, những quy luật của tư duy và những quy luật của giới tự nhiên phù hợp với nhau đến như thế. Nhưng nếu sau đó người ta hỏi rằng tư duy và ý thức là gì, chúng từ đâu đến, thì người ta sẽ thấy rằng chúng là sản vật của bộ óc con người và bản thân con người lại là một sản vật của giới tự nhiên, một sản vật phát triển trong một môi trường nhất định và cùng mới môi trường đó; vì vậy, lẽ tự nhiên là những sản vật của bộ óc con người, – quy đến cùng, cũng là những sản vật của giới tự nhiên, – không mâu thuẫn mà lại còn phù hợp với mối liên hệ khác của giới tự nhiên”9

Ở đây tư duy và vật chất là khác biệt nhưng không đối lập một cách cơ giới, không phải là các mặt đối lập loại trừ nhau hoàn toàn. Spinoza hiểu rằng vật chất (“Bản thể”) chứa đựng bên trong nó tất cả những gì cần thiết để hình thành nên tư duy. Với sự sắp xếp các nhân tố một cách hợp lý, vật chất hữu cơ nảy sinh từ vật chất vô cơ. Và ngay cả các dạng sống sơ khai nhất cũng có thể tiến hóa để sinh ra con người biết tư duy. Không có một phân giới tuyệt đối, như Descartes nghĩ vậy, chia tách vật chất hữu cơ khỏi vật chất vô cơ, hoặc chia tách con người khỏi động vật. Với tất cả những tư tưởng ấy, Spinoza đã chứng tỏ bản thân ông đã đi xa trước thời đại mình.

Spinoza tin rằng bí ẩn của tự nhiên và sự mở mang tri thức của con người là mục đính chủ đạo của việc theo đuổi tri thức. Trong lĩnh vực đạo đức và giá trị đạo đức, ông bảo vệ các tư tưởng tiến bộ. Ông hiểu một cách đúng đắn rằng giá trị đạo đức là tương đối:

“Đối với thuật ngữ tốt và xấu, chúng cũng không hề có nghĩa tích cực ở những sự vật khi được xem xét bằng bản thân chúng, hoặc chúng cũng không là gì khác hơn những hình thái của tư duy, hoặc của những quan niệm mà chúng ta hình thành từ sự so sánh sự vật với nhau. Đối với một và cùng một sự vật có thể cùng lúc là tốt, xấu và trung lập. Ví dụ, âm nhạc là hay đối với kẻ u sầu, và là dở đối với kẻ khóc than, và chẳng hay cũng chẳng dở đối với kẻ điếc. Mặc dù là như vậy, chúng ta phải giữ gìn những lời nói ấy.” (Spinoza, Đạo đức học, tr. 141.) ???

Ông bác bỏ ý tưởng về ý chí tự do, và thế vào đó đề xướng một lập trường quyết định luận nhất quán. Không có những hành động “tự do”, theo nghĩa mọi hành động đều được gây ra bởi cái gì đó, cho dù chúng ta có nhận ra nó hay không. Spinoza là người đầu tiên đem lại một đánh giá biện chứng về mối quan hệ giữa tự do và tất yếu, khi ông chỉ ra rằng tự do thực sự cốt ở sự hiểu biết về cái tất yếu. Tự do thực sự không ở chỗ phủ nhận sự tồn tại của các quy luật khách quan của tự nhiên, mà ở nỗ lực nhận thức được các quy luật ấy, nhằm làm chủ các quy luật ấy.

Ông phản đối thành kiến và sự mê tín ở bất cứ nơi nào ông phát hiện ra chúng, và trước xa thời kỳ Khai minh Pháp, ông đã quyết định triệu tập tất cả những thành kiến ra trước “quan tòa của lý tính”. Đối với những người ẩn náu vào ý chí Thượng đế, “một nhà thương cho sự ngu dốt”, ông không có gì khác ngoài sự kinh rẻ. Trong đoạn sau, ông rõ ràng nói ra từ trải nghiệm xương máu của cá nhân ông:

“Do vậy, khi họ quan sát cơ thể người họ bị kinh ngạc, và vì họ không biết nguyên nhân cho thứ quá nghệ thuật như vậy, họ kết luận rằng nó được làm ra không phải bởi thứ nghệ thuật có tính cơ giới mà là thứ nghệ thuật thần thánh hoặc siêu nhiên, và được tạo dựng theo cách để bộ phận này không làm tổn thương bộ phận khác. Và do vậy người ta cho rằng những ai muốn tìm ra những nguyên nhân thật sự của những điều kỳ diệu ấy, và muốn thấu hiểu những sự vật trong giới tự nhiên như một người đang học hỏi, chứ không nhìn chằm chằm vào chúng trong sự sửng sốt giống như một gã khờ, thì lại bị xem là rất dị giáo và bất kính, và họ bị tuyên bố như vậy bởi những người được đám đông tôn sùng như những kẻ diễn giải về tự nhiên và về Thần thánh.” (sđd tr. 34-5.).

Tư tưởng cơ bản của triết học Spinoza là nhất nguyên luận (monism) – một tư tưởng cho rằng tất là một. Tất cả hằng hà sa số của các hình thức tồn tại, hình hài, màu sắc, dạng vận động, đều chỉ là những sự thể hiện khác nhau của cùng một Bản thể, cái có thể mang vô vàn những hình thức khác nhau. Ông gọi các hiện tượng tạm thời, ngẫu nhiên này là các “modi” (số ít: modus). Chúng là những hình thức mà vật chất chuyên chở, liên tục trở thành rồi tan biến, giống như những ngọn sóng không ngừng nghỉ trên một đại dương dũng mãnh. Nhưng các hình thức chuyển tiếp ấy của tồn tại không thể có sự tồn tại tách biệt, độc lập với Bản thể, cái không bị giới hạn và vĩnh cửu, vận động tuân theo các quy luật của riêng nó, ắt phát sinh vô số các hình thức xác định và cụ thể. Những hình thức ấy, đến lượt, không phải là những tác nhân tự do, mà tuân theo những quy luật tự nhiên cái quyết định sự tồn tại của muôn vật. Bằng tác dụng của lập luận, có thể hiểu được những quy luật ấy và do vậy đạt được tự do một cách có ý thức để quyết định hành vi của chúng ta và hiểu rõ chỗ đứng thực sự của chúng ta trong vũ trụ.

Triết học thật ấn tượng này là hoàn toàn thống nhất với những phát hiện của khoa học hiện đại. Tất cả những hình thức vô tận của vật chất vô cơ và hữu cơ mà chúng ta thấy trong vũ trụ đều có thể quy về cùng một bản chất - phân tử, nguyên tử và hạt hạ nguyên tử. Theo những lý thuyết mới nhất, một số lượng nhỏ các hạt quark được kết hợp lại theo những cách khác nhau để tạo ra hàng trăm hadron, chúng tổ hợp lại để hình thành nên hạt nhân của hàng trăm hoặc hơn các yếu tố hóa học. Cùng với các lepton, tiếp đến chúng tạo ra nguyên tử, rồi chúng tổ hợp lại để tạo ra phân tử, từ đó mọi thứ khác được xây dựng nên. Do vậy cùng một bản chất vật chất đặt nền móng cho tất cả các hình thức tồn tại trong vũ trụ. Dĩ nhiên, bức tranh ấy còn phức tạp hơn nhiều so với bức tranh của Spinoza, ông chỉ có thông tin ít ỏi để mà đi tiếp. Một giai đoạn dài của tiến bộ khoa học là cần thiết trước khi bức tranh của ông về vũ trụ có thể được củng cố thêm một cách đúng đắn. Nhưng giả thiết của ông cho rằng vạn vật đều đến từ một bản chất chung thì đã được xác nhận về căn bản.

Nguyên lý của chủ nghĩa nhất nguyên có thể được diễn giải theo ý nghĩa duy vật hoặc duy tâm. Plato và Hegel cũng là những người nhất nguyên luận, bởi vì họ cho rằng vũ trụ và muôn vật trong nó là một thể hiện tối hậu của “Ý niệm Tuyệt đối”. Marx và Engels là các nhà nhất nguyên luận duy vật. Trường hợp Spinoza là cá biệt. Trong khi về mặt hình thức ông có thể được xem là người duy tâm, có một yếu tố mập mờ về Bản thể của ông mà nhất định là để ngỏ cho diễn giải duy vật. Điều đó nhanh chóng được những người cùng thời hiểu ra, những tín đồ Do thái cũng như những tín đồ Kitô giáo, họ đều tố cáo ông vô thần. Tất cả những loại tội ác ghê tởm cùng những tư tưởng vô đạo đức đều bị quy kết cho ông. Một thời gian dài sau khi ông chết tên của ông hiếm khi được nhắc đến trong xã hội phong lưu. Nhà văn Đức Lessing, ở thời ông, tức là một thế kỷ sau, đã nói rằng người ta đối xử với Spinoza “như đối với một con chó chết”.

Mặc cho tất cả những lời vu khống, triết học Spinoza đứng sừng sững trước tinh thần cao quý và vĩ đại đã thai nghén nó. Triết học của ông, đã đến rất gần chủ nghĩa duy vật, đã dẫn dắt ông rút ra những kết luận xã hội tiến bộ nhất, đối lập với lòng căm gét con người một cách phản động của Hume và Berkeley. Điều đó xuất hiện rõ ràng ở những trang sách trong kiệt tác của ông, Đạo đức học :

“Con người là Thượng đế đối với con người. Nhưng hiếm khi diễn ra việc con người sống dưới sự dẫn dắt của lý tính, giữa họ mọi thứ ở trong một trạng thái khiến họ thường đố kị hoặc gây phiền toái lẫn nhau. Nhưng dẫu vậy họ hiếm khi có khả năng sống một cuộc đời cô độc, đến nỗi với nhiều người định nghĩa con người như một sinh vật xã hội là cực kỳ hấp dẫn; và đúng là mọi thứ quá ngăn nắp đến nỗi ở xã hội con người thông thường những thứ tiện lợi nảy sinh nhiều hơn những thứ bất lợi. Vậy nên hãy để những kẻ châm biếm cười nhạo chuyện đời, hãy để những nhà thần học sỉ vả họ, và hãy để kẻ sầu não ca ngợi cuộc đời thô lỗ và hoang dại chừng nào họ có thể: cứ để họ kinh rẻ con người và ngưỡng mộ con vật – thế nhưng, qua trải nghiệm con người sẽ thấy rằng họ có thể thu nhận dễ dàng hơn những gì họ cần bằng sự giúp đỡ lẫn nhau, và ngăn ngừa dễ dàng hơn những hiểm nguy bủa vây họ từ mọi phía bằng sức mạnh đoàn kết: đấy là chưa nói gì về việc ấy tốt hơn bao nhiêu và tri thức của chúng ta giá trị hơn biết nhường nào, để xem hành vi của con người hơn hành vi của con vật.” (sđd tr161-2)

Leibniz

Ngắm thế gian trong một hạt cát
Và thiên đường trong một bông hoa dại,
Nắm Vô tận trong lòng bàn tay,
Và Vĩnh cửu trong một giờ này.

(To see a World in a Grain of Sand
And a heaven in a Wild Flower,
Hold Infinity in the palm of your hand,
And Eternity in an hour.)

(William Blake, Auguries of Innocence, 1)

Quan điểm nhất nguyên của Spinoza bị thách thức bởi một người cùng thời vĩ đại, Gottfried Leibniz (1646-1716), ông cũng là một bộ óc bách khoa. Leibniz là một nhà toán học, nhà vật lý học, nhà địa chất học, nhà sinh vật học, nhà ngoại giao, nhà quản thủ thư viện và nhà sử học. Ông đã phát minh giải tích vi phân, mặc dầu Newton cho rằng ông đã phát minh ra sớm trước. Trong vật lý, ông đoán trước định luật bảo toàn năng lượng. Ông cũng được xem là nhà sáng lập ra logic học toán học, mặc dầu ông không công bố công trình của mình về chủ đề này.

Là một nhà duy tâm khách quan, Leibniz dẫu vậy đã phát triển phép biện chứng. Trong Bút ký triết học, Lenin viết “Thông qua thần học Leibniz tiến gần đến nguyên tắc liên hệ không thể tách rời (và phổ biến, tuyệt đối) giữa vật chất và vận động”. Marx cũng thể hiện sự ngưỡng mộ của mình đối với Leibniz (xem Thư gửi Engels, ngày 5 Tháng 10 năm 1870). Nền tảng của triết học của Spinoza là thực thể vũ trụ đơn nhất. Leibniz cũng xuất phát từ quan niệm về thực thể nhưng định nghĩa nó theo cách khác. Ông xem nó giống như hoạt động sống, như vận động nội tại, và như năng lượng. Sự khác biệt căn bản với Spinoza là, ở chỗ ông nhấn mạnh tính đơn nhất của tồn tại, Leibniz đặt tất cả nhấn mạnh vào sự vô hạn của vũ trụ. Đối với ông, toàn bộ vũ trụ được cấu thành từ một số lượng vô hạn các thực thể mà ông gọi là các “đơn tử”. Đơn tử của Leibniz tương tự như tư tưởng về nguyên tử. Khi ở Paris, Leibniz đã gặp và chịu ảnh hưởng của nhà duy vật Gassendi người đã làm sống lại mối quan tâm trong triết học nguyên tử luận của Democritus và Epicurus. Đối với Leibniz, tất cả đều được tạo thành từ các đơn tử, bao gồm cả chính bản thân các đơn tử. Nhưng, có một vài điểm đặc biệt trong học thuyết này. Đầu tiên là không có đơn tử nào giống nhau. Mỗi cái là một thế giới đặc biệt của riêng nó, không thể xâm nhập được từ bên ngoài. Leibniz cho rằng trong thế giới không có hai vật nào giống nhau hoàn toàn. Mỗi đơn tử (và chúng vô hạn ở số lượng) đều là một tiểu vũ trụ, cái phản chiếu vũ trụ ở quy mô lớn. Nó là một dạng phôi thai của toàn bộ sự vật. Do vậy, cái đặc thù chứa đựng cái phổ biến.

Toàn bộ vũ trụ chỉ là tổng cộng của những đơn tử. Tất cả là tập hợp của những đơn tử, thậm chí cả linh hồn con người. Thêm nữa, các đơn tử này không phải là vật chất chết, mà là những trung tâm của hoạt động sống, luôn vận động và biến đổi. Ở nhiều khía cạnh, bức tranh này là sự báo trước kinh ngạc về thế giới quan theo thuyết nguyên tử hiện đại về vũ trụ. Có lẽ, Leibniz nảy ra ý tưởng của mình từ những quan sát qua kính hiển vi. Do vậy, ông so sánh các vật thể như một ao cá ở đó những giọt nước nhỏ nhất cũng đầy ắp sự sống đông đúc, mặc dầu người ta không thể nói rằng bản thân cái ao đang sống. Feuerbach so sánh triết học Spinoza như một ống viễn kính khiến các vật thể có thể nhìn thấy được bằng mắt mà nếu không có viễn kính sẽ không thể nhìn thấy được do sự xa cách giữa chúng, trong khi đó triết học của Leibniz như một kính hiển vi khiến có thể nhìn thấy các vật thể vốn không thể nhận ra được do kích thước nhỏ bé và tinh tế của chúng. Đơn tử giống một tế bào riêng lẻ chứa đựng tất cả thông tin cần thiết để tạo nên một cơ thể. Cũng theo cách ấy, trong Tư bản, Marx dẫn ra mọi mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản từ một tế bào đơn lẻ, đó là hàng hóa.

Mặc cho hình thức duy tâm của nó, ở đây có mầm mống của một tư tưởng sâu sắc và một quan niệm biện chứng về tự nhiên, dựa trên sự vận động, những mối liên kết vô tận, sự biến đổi và tiến hóa từ giai đoạn thấp đến cao. Chẳng hạn, ông phân biệt các cấp độ khác nhau của đơn tử, từ hạng thấp nhất, tương tự như giai đoạn vô cơ tự nhiên, trong đó sự sống của các đơn tử thể hiện bản thân nó chỉ ở hình thức chuyển động. Có những giai đoạn cao hơn, tương tự như thực vật và động vật, cái đạt tới tột đỉnh ở linh hồn con người. Lenin nhận xét “Ở đây là một loại phép biện chứng, và rất sâu sắc, mặc dầu có chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa thầy tu”10. Thượng đế có vai trò gì trong mối quan hệ với các đơn tử? Dường như không có vai trò gì nhiều. Leibniz khiến Thượng đế là “lý do đủ” cho tất cả các đơn tử. Feuerbach xem ông chỉ là tín đồ một nửa của Kitô giáo, vô thần, hoặc là một gạch nối giữa một tín đồ Kitô giáo và một nhà theo chủ nghĩa tự nhiên. Như Schwegler nhận xét: “Thật là một vấn đề khó khăn để Leibniz đưa nguyên tử luận và Thần học của ông đi đến nhất trí với nhau mà không loại bỏ những giả định trước của cả hai.” (Lịch sử triết học, tr. 198.)

Xuất phát từ lập trường duy tâm khách quan, lý luận nhận thức của Leibniz là đối lập với chủ nghĩa duy nghiệm của Locke. Leibniz có thể được xem là cha đẻ của chủ nghĩa duy tâm Đức. Ông được biết đến nhiều nhất bởi học thuyết nổi tiếng của mình về “thế giới tốt nhất trong tất cả những thế giới khả dĩ”, theo đó không thể có chuyện nó phải là một thế giới hoàn hảo hơn cái đang tồn tại. Đó chắc chắn là một tư tưởng dễ chịu cho lớp quý tộc giàu có mà Leibniz làm việc cho họ. Nhưng từ quan điểm triết học, sự thỏa mãn của họ không thực sự được biện minh. Đối với Leibniz, tồn tại vố số các thế giới khả dĩ, nhưng chỉ có duy nhất một thế giới được Thượng đế lựa chọn. Nói cách khác, thế giới mà chúng ta đang sống tại khoảnh khắc đặt biệt này là cái “tốt nhất” bởi vì chỉ có một cái như vậy. Nhưng cũng chính Leibniz viết trong Đơn tử luận số 22:

“Mỗi trạng thái hiện tại của một thực thể đơn giản là kết quả tự nhiên của trạng thái trước của nó, theo cách mà sự có mặt của nó là quan trọng với tương lai của nó.” (Leibniz, Luật văn về siêu hình học và các tác phẩm khác, tr. 256.). Triết học biện chứng của Leibniz, lặp lại Heraclitus và báo trước Hegel, không hề bảo vệ tư tưởng về một hiện trạng không thay đổi, “bởi vì mọi vật thể đều trong tình trạng biến đổi vĩnh hằng giống như những dòng sông, và các bộ phận liên tục xuất hiện hoặc tiêu biến” (sđd, tr. 267.)

Kant

Nhà triết học Đức Immanuel Kan (1724-1804) đánh dấu sự khởi đầu của một bước ngoặt trong triết học. Ông sinh ra ở Königsberg, nước Phổ, nơi ông sống phần lớn cuộc đời mình. Là một người tự do chính trị, ông chịu ảnh hưởng bởi những tư tưởng của Rousseau, và có thiện cảm với Cách mạng Pháp, chí ít là ở những giai đoạn đầu Cách mạng. Ảnh hưởng lớn khác tới tư tưởng của ông là khoa học, khoa học ở thời gian ấy đang trải qua những tiến bộ ngoạn mục. Bản thân Kant có đóng góp quan trọng cho khoa học, đặc biệt ở Lịch sử Tự nhiên Phổ thông và Thuyết về Bầu trời (1755). Trong tác phẩm ấy, ông đề xướng giả thuyết tinh vân cho sự hình thành của hệ mặt trời, sau này được Laplace phát triển, và giờ đây nhìn chung đã được chấp nhận.

Khi Kant bắt đầu hoạt động tri thức, Triết học Đức đã đi vào ngõ cụt. Những lóe sáng từ nguồn cảm hứng đặc trưng cho tư tưởng của Leibniz đã không thực sự bồi đắp thành một trường phái triết học mạch lạc. Sau khi ông mất, Christian Wolff cố gắng chuyển nó thành một hệ thống, nhưng thành công chỉ ở việc tầm thường hóa nó. Kant bị khó chịu bởi sự tư biện siêu hình ấy, cái tìm cách giải quyết những bí ẩn của vũ trụ, không phải bằng cách quan sát giới tự nhiên, mà bằng những suy luận trừu tượng không hồi kết. Trong khi đó, ở thế giới thực, một tinh thần mới đang khuấy đảo. Các khoa học tự nhiên đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt ở Anh và ở Pháp. Ngay cả ở nước Đức đang ngủ, nơi Chiến tranh 30 năm đã làm tê liệt sự tiến bộ, có một sự đổi mới văn hóa ở phong trào Auklärung, tiếng Đức tương đương với Khai minh Pháp. Kant là đứa con thực sự của thời đại của mình.

Tác phẩm quan trọng nhất của ông, Phê phán lý tính thuần túy, xuất bản lần đầu vào năm 1781, khi ông đã 57 tuổi, mặc dù về sau nó được sửa lại ở ấn bản thứ hai vào năm 1787. Trong tác phẩm này, Kant tìm cách giải quyết vấn đề tri thức, cái đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong triết học, biểu hiện rõ ràng nhất của nó là chủ nghĩa duy tâm chủ quan ở Berkeley và chủ nghĩa hoài nghi ở Hume. Mục đích công khai của Kant là chấm dứt siêu hình học cổ hủ cái “đã biến thành một đấu trường có vẻ được dựng lên chỉ để phô diễn sức mạnh, tập tành những cuộc đấu trận giả, nơi chưa hề có một chiến binh nào thực sự giành được chỉ một tất đất để làm chủ lâu dài nhờ thắng lợi.”11

Những thành tựu vĩ đại của khoa học tự nhiên, đặc biệt là ở Anh, đã cho thấy tri thức không thể bị giới hạn vào tư biện trừu tượng thuần túy, tức là mút ra các lý thuyết của nó từ ngón tay cái. Cương quyết đoạn tuyệt với sự “siêu hình” ấy, Kant quyết định rằng cần thiết phải đi trở về những căn bản. Ông quyết định giải quyết câu hỏi gai góc về bằng cách nào đạt được tri thức thực sự. Một đàng, những tiến bộ kinh ngạc của khoa học tự nhiên đã chỉ ra con đường tiến lên. Mọi vấn đề về bản chất của vũ trụ và vị trí của con người trong vũ trụ ấy không thể được giải quyết bằng tư biện trừu tượng, mà chỉ bằng quan sát và thực nghiệm.

Nhiệm vụ của các khoa học không chỉ là thu thập một đống dữ kiện. Nhiệm vụ phải là đạt được sự hiểu biết lý tính về sự vận động của tự nhiên. Vì vậy, những khái quát khóa thuần túy là không đủ. Theo Kant hiểu tư duy không được thụ động mà phải chủ động. Không phải ngẫu nhiên mà tên tác phẩm vĩ đại của ông là Lý tính (Anh: Reason, Đức: Vernunft), điều mà ông phân biệt rành mạch với Giác tính (Anh: Understanding; Đức: Verstand). Nhưng các hình thức lý tính có đủ để hiểu rõ thực tại? Kant bắt các hình thức logic ấy phải chịu sự phê phán sâu sắc, và chỉ ra rằng logic truyền thống rơi vào tình trạng mâu thuẫn (nghịch lý, antimony). Kant chỉ ra rằng có thể suy ra những kết luận đối lập tuyệt đối từ cùng những mệnh đề. Nhưng ở Kant, mâu thuẫn này vẫn không được giải quyết.

Lý luận nhận thức của Kant

Mối quan hệ chủ thể-khách thể là vấn đề trung tâm của triết học qua nhiều thế kỷ. Nói cho cho đơn giản, các nhà duy vật cơ giới [máy móc] đặt tất cả sự nhấn mạnh vào khách thể (thực tại vật chất, giới tự nhiên), bỏ mặc vai trò của chủ thể đang tư duy, cái được miêu tả như một chỗ chứa thụ động (một tấm bảng trắng, [tabula rasa]), trái lại các nhà duy tâm đặt tất cả sự nhấn mạnh vào chủ thể (tâm trí, Ý niệm, v.v.).

Kant hỏi chúng ta có thể biết gì, và bằng cách nào chúng ta có thể biết. Đó là một trong những câu hỏi trọng tâm của triết học – tức học thuyết về tri thức hoặc nhận thức (“nhận thức luận”, “epistemology”). Chúng ta có được phần lớn tri thức của mình từ quan sát thế giới thực tại. Từ thời sơ khai, chúng ta quan sát sự vật, chúng ta lắng nghe, chúng ta sờ mó, và vân vân. Dần dà, chúng ta xây dựng được một bức tranh về thế giới mà chúng ta sống trong đó. Loại tri thức này là tri thức của cảm giác-tri giác. Đối với những nhà duy nghiệm như Locke, không có một loại tri thức nào khác. Ở đây Kant không đồng tình. Để hiểu biết thế giới, tư duy không chỉ là một cái bình rỗng mà có thể được lấp đầy bằng nội dung bất kỳ (Locke mô tả nó như một tabula rasa – một tấm bảng trắng). Đối với Kant, hành vi nhận thức là không thụ động mà là chủ động. Chúng ta không chỉ liệt kê các sự vật mà chúng ta quan sát mà chúng ta lựa chọn một cách có ý thức, sắp xếp rồi diễn giải chúng. Đối với vấn đề này, tư duy có các phương pháp và quy tắc của riêng nó. Đó là các hình thức tư duy mà chúng ta áp dụng, một cách có ý thức hoặc vô thức, khi chúng ta cố gắng hiểu thông tin đem lại bởi giác quan của chúng ta (“dữ liệu cảm giác”).

Kant tranh luận rằng có hai loại tri thức. Trong khi hầu hết tri thức được phát sinh từ kinh nghiệm, một phần tri thức của chúng ta là tiên nghiệm và không xuất phát từ kinh nghiệm. Theo Kant, chúng ta chỉ biết cái gì được đem lại cho chúng ta trong kinh nghiệm cảm giác. Nhưng sự vật bản thân nó, cái gây ra các cảm giác, là không thể biết được. Ở đây Kant đang trượt trên một lớp băng mỏng. Mặc dù ông từ chối điều đó, những quan điểm ấy dường như tương tự như chủ nghĩa duy tâm chủ quan của Hume và Berkeley. Kant đã thay đổi các công thức của mình trong ấn bản thứ hai, chính xác là để tránh kết luận ấy. Trong ấn bản đầu tiên, ông ám chỉ rằng chủ thể đang tư duy có thể cùng là khách thể mà nó tri giác. Sau đó, ông thay đổi quan điểm, chủ trương rằng sự vật bên ngoài chúng ta nhất định tồn tại, nhưng sự vật chỉ thể hiện bản thân chúng trước chúng ta chỉ ở bề ngoài, chứ không như tự bản thân chúng.

Theo Kant, có một vài ý niệm không xuất phát từ cảm giác-tri giác. Điều này chỉ ra sự khác biệt giữa triết học Kant và triết học Locke, người đã xem mọi tri thức đều đến từ cảm giác. Trái ngược, Kant cho rằng một số tri thức là bẩm sinh, ấy là tri thức về không gian và thời gian. Ông nói rằng nếu như chúng ta lấy ra sự trừu tượng từ tất cả các khía cạnh vật chất của các hiện tượng, chúng ta chỉ còn lại hai thứ – không gian và thời gian. Giờ đây thời gian và không gian, cùng với vận động, là những thuộc tính căn bản và chung nhất của vật chất. Cách duy nhất để có thể hiểu chúng là ở mối liên hệ của sự vật vật chất. Nhưng Kant là một nhà duy tâm. Ông kiên định rằng các quan niệm về thời gian và không gian là bẩm sinh. Chúng không thể đến từ kinh nghiệm mà từ cái ông gọi là tiên nghiệm (priori, tiếng La Tinh có nghĩa là “từ khởi đầu”)

Để củng cố tư tưởng cho rằng không gian và thời gian là hiện tượng tiên nghiệm, Kant sử dụng một hình thức tư duy rất đặc biệt. Ông cho rằng, mặc dù không thể tư duy về các đối tượng mà không có thời gian, hoàn toàn có thể tư duy về thời gian mà không có các đối tượng; cũng tương tự như vậy đối với không gian. Nhưng thực ra, không gian và thời gian là không thể tách rời khỏi vật chất, và không thể nhận thức chúng là “vật tự thân”.

Kant tuyên bố rằng có thể hình dung không gian mà không có gì ở trong đó, nhưng không thể hình dung không có không gian. Nhưng không phải như vậy. Không gian không có vật chất thì cũng chỉ là một sự trừu tượng trống rỗng như vật chất không có không gian. Thực ra, thời gian, không gian và vận động là hình thức tồn tại của vật chất, và không thể nhận thức được theo cách nào đó khác. Tư tưởng của Kant cho rằng thời gian và không gian là ở ngoài tầm kinh nghiệm-cảm giác đã bị phản bác bởi những khám phá của hình học phi Euclid.

Trong Chống Duhring, Engels chỉ ra toàn bộ quan niệm về tri thức tiên nghiệm là sai lầm. Tất cả ý niệm xét đến cùng đều xuất phát từ thực tại, thậm chí kể cả các định đề toán học. Đúng là, nếu như chúng ta bỏ sang một bên mọi phẩm chất vật chất của một sự vật, thì tất cả những gì còn lại là không gian và thời gian. Tuy nhiên, lúc này chúng là những trừu tượng trống rỗng. Chúng không thể tự đứng một mình, không hơn gì trái cây mà không có táo, lê, cam v.v.; hoặc nhân loại mà không có con người, và vân vân. Sự khác biệt duy nhất là ý tưởng về trái cây, hoặc về nhân loại, tức là những trừu tượng về một loại vật chất cụ thể, thế nhưng thời gian và không gian là những đặc tính chung nhất, hay đúng hơn là phương thức tồn tại của vật chất nói chung.

Vật tự thân

Tất cả tri thức (nhận thức) nhân loại là sản phẩm của hai nhân tố – chủ thể đang nhận thức và khách thể được nhận thức. Chất liệu thô của tri thức được đem lại từ khách thể bên ngoài (thế giới vật thể), trong khi đó chủ thể (tinh thần đang suy tư) đem lại hình thức và ý nghĩa cho thông tin từ cảm giác. Kant, không như Berkeley, chấp nhận sự tồn tại của thế giới bên ngoài, mà không có nó không thể có tri thức hay kinh nghiệm. Mặc dầy vậy, Kant phủ nhận rằng ta có thể hiểu biết sự vật bởi vì chúng là “tự thân”. Chúng ta chỉ có thể biết về các hiện tượng. Sai lầm căn bản của ông là không nhìn thấy mối quan hệ giữa hiện tượng và bản chất. Là sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể biết các “hiện tượng.” Khi tôi biết thuộc tính về sự vật, tôi biết về bản thân sự vật. Không có cái gì nữa để biết; không có cái “vượt quá”, không có Vật-Tự-Thân.

Giờ đây điều đã thành thuyết phục ở mọi thời đại là phương pháp duy nhất để hiểu biết một sự vật chính xác là nắm lấy nguyên liệu đem lại cho ta bằng cảm giác, rồi phân tích nó bằng các phương pháp phản tư. Đó, và không phải điều gì khác, là quá trình nhận thức. Ở đây, lần đầu tiên, chúng ta đối mặt với khẳng định cho rằng có tồn tại một khác biệt nào đó giữa cái chúng ta quan sát và trải nghiệm với bản chất “thực sự” của sự vật. Đó là một quan niệm khác thường, và là quan niệm đi ngược lại mọi trải nghiệm con người. Do vậy nó đòi hỏi một sự biện minh rất rõ ràng. Nhưng sự thật là Kant không biện minh một chút nào cho điều đó. Ông đơn thuần khẳng định nó một cách giáo điều, đối lập với những gì ông đặt ra để thực hiện.

Hegel nhận xét “căn bệnh của thời đại của chúng ta là đã dẫn đến chỗ tuyệt vọng rằng nhận thức của ta chỉ là một nhận thức chủ quan, và rằng cái chủ quan này là tiếng nói cuối cùng”.12 Hegel, giống Kant, là một người duy tâm, nhưng ông là một người duy tâm khách quan, ông không bao giờ phủ định việc có thể hiểu thế giới thực tại. Bất chấp thiếu sót của mình, chủ nghĩa duy tâm khách quan ấy là ưu việt hơn nhiều so với chủ nghĩa mơ hồ hoàn toàn, tức là cái xuất phát từ chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Do vậy không ngạc nhiên khi “căn bệnh” của thời đại chúng ta, chính là Kant chứ không phải Hegel đã được ưu ái nhất bởi các nhà triết học và khoa học những người muốn thuyết phục chúng ta rằng chúng ta không thể thực sự khẳng định về thế giới vật chất đang tồn tại, hoặc rằng chúng ta không thể biết (và đừng có hỏi) về những gì xảy ra trước “vụ nổ lớn”, hoặc rằng hành vi của các hạt hạ nguyên tử phụ thuộc hoàn toàn vào việc chúng ta có mặt để quan sát chúng hay không.

Phản đối điều đó, chúng tôi nhất trí cả trăm lần với Hegel khi ông nói:

“Những đối tượng thế giới tự nhiên bên ngoài lẫn bản tính tự nhiên bên trong – hay khách thể nói chung, tồn tại tự thân như thế nào thì cũng tồn tại như thế ấy ở trong tư tưởng, và rằng tư duy là chân lý của cái gì mang tính đối tượng [khách quan]. Công việc của triết học chỉ là ở chỗ mang lại cho ý thức một cách minh nhiên những gì con người đã xem là có giá trị hiệu lực đối với tư duy từ thời xa xưa. Vì thế triết học không đề ra một điều gì mới mẻ cả; những gì chúng ta mang lại ở đây thông qua sự phản tư chính là những gì mọi người đã xem là được đảm bảo mà không có sự phản tư nào hết.”13

Hiển nhiên, tại bất cứ thời khắc nào trong thời gian, chúng ta cũng không thể biết tất cả mọi điều về một hiện tượng. Chân lý cũng vô tận như bản thân vũ trụ. Nhưng toàn bộ lịch sử của tư tưởng nhân loại được đặc trưng bởi sự vận động không ngừng từ vô minh sang tri thức. Cái chúng ta hôm nay chưa biết, ngày mai chúng ta sẽ khám phá. Bởi vậy, một sai lầm nghiêm trọng khi lẫn lộn giữa cái chưa biết với cái không thể biết. Vật-Tự-Thân của Kant chỉ là một cách biểu thị những hạn chế hiện tại của chúng ta. Nó không phải là điều thần bí mà là một vấn đề cần phải được giải quyết. Cái hôm nay là Vật-Tự-Thân ngày mai sẽ là Vật-Cho-Ta. Đó là thông điệp của toàn bộ lịch sử nói chung, và của khoa học nói riêng.

Trong thực tại, Vật-Tự-Thân là một sự trừu tượng trống rỗng. Nếu chúng ta bỏ đi mọi thuộc tính của một đối tượng có thể biết, chúng ta còn lại chính xác không gì hết. Như J. N. Findlay, lặp lại Hegel, quan sát một cách đúng đắn: “Vật-Tự-Thân, cái Kant cho là không thể biết thực sự là cái không thể biết triệt để nhất trong tất cả những trừu tượng; đó là cái chúng ta nhận được khi chúng ta chủ tâm bỏ ra ngoài tất cả các nội dung thường nghiệm và mọi dấu vết của cấu trúc có tính phạm trù.” (Lời dẫn trong Logic của Hegel, tr. xii.). Có một sự khác nhau căn bản giữa cái chưa biết với cái không thể biết. Ở đây Kant rơi vào thuyết bất khả tri, một học thuyết bất lực cho rằng có những sự vật nhất định mà ta không thể biết, và do vậy, có những vấn đề nhất định mà ta không thể đặt câu hỏi. Findlay khắt khe nhưng không bất công khi kết luận rằng “Kant, nói ngắn gọn, rơi vào một sự rối ren triết học vĩnh viễn, và không bao giờ biết ông ta đã tới đâu và cũng không bao giờ biết ông ta đang đi đâu.” (sđd tr.xiv.) Quan niệm Vật-Tự-Thân chắc chắn là phần yếu nhất trong triết học Kant, và đó cũng vì lý do ấy, thực tế là mẩu duy nhất đã bị các nhà triết học và khoa học hiện đại chộp lấy.

Nguồn gốc sai lầm của Kant là ở chỗ xem hiện tượng và bản chất là hai thứ tách rời nhau hoàn toàn. Tư duy, thay vì được coi như một cầu nối giúp thống nhất chủ thể đang tư duy với thế giới, thì lại được coi như một rào cản, một cái gì đó chặn giữa chủ thể và khách thể. Kant xem tư duy là phương tiện mà chúng ta dùng để hiểu thế giới. Đó là một công thức không thỏa đáng, như Hegel giải thích:

“Một quan điểm chủ yếu của Triết học Phê phán (tức Triết học Kant) là: trước khi đi đến việc nhận thức về Thượng đế, về bản chất của những sự vật v.v., phải khảo sát bản thân quan năng nhận thức để xem nó có đủ sức làm điều như thế không; [nói khác đi], người ta phải hiểu biết về công cụ trước khi bắt tay vào công việc được giả định là sẽ hoàn tất nhờ vào công cụ ấy, bởi nếu công cụ là không thích hợp thì ắt mọi nỗ lực đều hoài công. Ý tưởng này đã tỏ ra quá hợp lý đến độ nó gợi lên được sự ngưỡng mộ và tán thành lớn nhất và đã hướng dẫn nhận thức của ta từ chỗ quan tâm đến những đối tượng và làm việc với chúng đi đến chỗ quay trở lại với bản thân nó, tức là quay trở lại với phương diện hình thức của bản thân việc nhận thức.”14

Hegel chỉ ra rằng tư duy không phải là một “công cụ”, giống như một công cụ có thể được khảo sát trước khi bắt đầu một công việc. Chúng ta sẽ đối mặt với nghịch lý là “công cụ” phải khảo sát chính bản thân nó, bởi vì tư duy chỉ có thể được khảo sát bằng tư duy. Tìm cách hiểu biết trước khi chúng ta hiểu biết là giống như hành vi của một người từ chối nhảy xuống nước cho đến khi anh ta đã học được cách bơi. Con người đã tư duy rất lâu trước khi logic được hình thành. Thực tế là, các hình thức tư duy, bao gồm cả logic, là sản phẩm của một giai đoạn phát triển nhân loại rất lâu dài, gồm cả sự phát triển tư duy và thực tiễn. Các đối tượng của thế giới vật chất trực tiếp đem lại cho ta bằng cảm giác-tri giác. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Giác tính phải hoạt động trên thông tin đem lại từ cảm giác. Nó được phân tích, chia nhỏ thành các bộ phận. Quá trình này được gọi là trung giới trong triết học.

Con rể Marx, nhà xã hội Pháp Paul Lafargue, giải thích những hậu quả thực tiễn của lý luận Vật-Tự-Thân:

"Người công nhân ăn xúc-xích và nhận được 100 xu một ngày hiểu rất rõ ràng rằng anh ta bị ông chủ cướp và anh được nuôi dưỡng bằng thịt lợn, rằng ông chủ là kẻ cướp và xúc-xích thì có vị thật dễ chịu và nuôi dưỡng cơ thể. Những người ngụy biện tư sản nói, không đâu, dù họ có là Pyrrho, Hume hay Kant. Tư kiến của anh ta là cá nhân, một tư kiến hoàn toàn chủ quan; anh ta có thể bằng lập luận tương tự cho rằng ông chủ là ân nhân và rằng xúc-xích cấu thành từ da băm, vì anh ta không thể biết vật-tự-thân.

“Cách đặt vấn đề không đúng, đó chính là toàn bộ rắc rối…Để biết một đối tượng, con người trước tiên phải kiểm tra xem giác quan của anh ta có lừa dối anh ta hay không…Nhà hóa học đã tiến xa hơn – họ xâm nhập vào vật thể, họ phân tích chúng, phân rã chúng thành các yếu tố của chúng, rồi thực hiện quy trình ngược lại, họ tái tổng hợp chúng từ các yếu tố của chúng. Rồi từ thời điểm ấy con người có khả năng tạo ra sự vật theo mục đích sử dụng của riêng mình từ các yếu tố đó, họ có thể, như Engels nói, khẳng định rằng họ biết về vật-tự-thân. Thượng đế của các tín đồ Kitô giáo, nếu như ngài có tồn tại và nếu như ngài đã tạo ra thế giới, cũng không thể làm gì hơn”15

Mặc dù ông rõ ràng là một thiên tài, Kant làm tổn hại triết học và khoa học bằng cách ngấm ngầm đặt giới hạn cho tri thức nhân loại. Học thuyết về cái không thể biết, phần này trong triết học Kant đáng ra phải được phép lặng lẽ chìm xuống mà không để lại sủi tăm, thì lại chính là phần của Kant đã bị chộp lấy ở thế kỷ 20 bởi những người, như Heisenberg, muốn đưa chủ nghĩa thần bí vào khoa học. Trong khi Kant cố gắng phê phán các hình thức logic (đó là công lao vĩ đại của ông), ông thể hiện sự không nhất quán nhất định, chẳng hạn, khi chấp nhận quy luật mâu thuẫn. Điều đó dẫn ông vào những rắc rối mới.

Các hình thức logic

Khía cạnh quan trọng nhất của Phê phán lý tính thuần túy là phê phán của Kant về logic học:

“Môn Logic học đã đi bước đi vững chắc này ngay từ nhưng thời rất xa xưa là điều dễ nhận ra từ sự kiện nó không hề được phép đi một bước lùi nào kể từ thời Aristotle…nó cũng không thể đi thêm một bước tiến nào cả, cơ hồ như đã hoàn chỉnh và hoàn tất hẳn rồi.”16

Một phần quan trọng trong truy vấn của Kant liên quan đến bản chất của các hình thức-tư duy nói chung, và các hình thức logic nói riêng. Chúng từ đâu tới? Chúng đại diện cho cái gì? Chúng phản ánh chân lý đến mức độ nào? Chính công lao của Kant là ông đã đặt những câu hỏi ấy, mặc dầu ông không đưa ra câu trả lời thỏa đáng, bằng lòng nhường lại cho những người kế cận. Vấn đề đó thực sự đi đến tận cốt lõi của vấn đề căn bản của mọi triết học – mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, giữa tinh thần và vật chất. Như Hegel, Kant có quan điểm rất khiêm tốn về logic hình thức, một “nghệ thuật … mang lại hình thức của giác tính cho mọi nhận thức của ta.”17 Kant là người đầu tiên phân biệt Giác tính (Verstand) với Lý tính (Vernunft). Giác tính là hình thức thấp nhất của tư duy lý tính. Giác tính coi sự vật như chúng vốn có, và đơn thuần ghi nhận thực tế trần trụi của tồn tại. Đó là cơ sở cho logic hình thức, và cũng cho cả “lương thức” [“common sense”] cái coi sự vật chính như chúng có vẻ như vậy.

Quá trình tư duy không dừng lại ở cấp độ giác tính, tức là sự ghi nhận đơn thuần về các sự kiện. Lý tính đi xa hơn cái trực tiếp đem lại cho mắt và tai ta, phân rã nó thành các cấu phần, rồi tổng hợp chúng lại. Đó là vai trò của phép Biện chứng. Cho đến Kant, nghệ thuật biện chứng đã gần như bị lãng quên. Người ta đã xem nó chỉ là sự bịp bợp và lối ngụy biện, là “logic của ảo tưởng.” Thành tựu vĩ đại của Kant chính là khôi phục phép biện chứng vào vị trí chính đáng của nó trong triết học, như là một hình thức logic cao hơn.

Nỗ lực của Kant nhằm đặt tri thức nhân loại trên một cơ sở vững chắc, bằng cách nhấn mạnh rằng nó phải được đặt trên cơ sở kinh nghiệm. Nhưng điều đó là không đủ. Khởi đầu trong quá trình nhận thức, chúng ta đối mặt với một khối dữ liệu mơ hồ, không có sợi dây logic hay mối liên kết thiết yếu nào. Nó không thể là tư duy phổ biến của tri thức thực sự, tri thức vẫn còn ít tính khoa học. Chúng ta mong đợi điều gì đó hơn thế. Để hiểu thông tin đem lại bằng cảm giác, lý tính cần thiết phải chủ động chứ không thuần túy thụ động:

“Họ (các nhà khoa học tự nhiên) hiểu ra rằng lý tính chỉ nhận ra những gì do chính bản thân nó tạo ra theo phác họa của nó; rằng lý tính tiến lên bằng những nguyên tắc của các phán đoán theo các quy luật ổn định; bắt buộc Tự nhiên phải trả lời cho các câu hỏi của nó, chứ không chỉ chịu để cho Tự nhiên dẫn dắt; vì nếu không như thế, các quan sát ngẫu nhiên không được tiến hành theo một kế hoạch được phác họa từ trước sẽ không gắn kết được với nhau trong một quy luật tất yếu, là cái mà lý tính tìm kiếm và đòi hỏi. Lý tính phải đi đến giới tự nhiên với một tay là các nguyên tắc của nó và chỉ những hiện tượng nào tương ứng với các nguyên tắc ấy mới có thể có giá trị là các quy luật; và trong tay kia là các thí nghiệm được lý tính tự suy nghĩ ra theo các nguyên tắc trên; tất nhiên với mục đích là để được Tự nhiên giảng dạy, nhưng không phải với tính cách của một cậu học trò chịu để cho người thấy muốn dạy bảo gì cũng được, trái lại, với tính các của một vị thẩm phán được bổ nhiệm có đủ thẩm quyền để buộc các nhân chứng phải trả lời các câu hỏi do ông đặt ra.”18

Có một sự khác biệt quan trọng giữa cách thức Kant và Aristotle hiểu các định luật logic. Đối với Aristotle, chúng là các định luật về sự vật, trái lại, đối với Kant duy tâm, chúng chỉ là các định luật của tư duy. Điểm trọng yếu của vấn đề là, đối với Kant, Luật Đồng Nhất chẳng hạn, không thể được tìm thấy ở bản thân các đối tượng. Nó chỉ thuần túy áp dụng tới các đối tượng bằng ý thức. Do vậy, đối với Kant, logic chỉ là phương pháp thuận tiện để sắp xếp và phân loại sự vật, trong khi ấy phép biện chứng hình thành các định luật của nó từ thế giới thực, và áp dụng chúng trở lại thế giới thực. Quan niệm sai lầm ấy của Kant đã được đưa vào toán học và logic học hiện đại, nơi người ta khẳng định rằng các quy luật, định lý, v.v., chỉ là các ý niệm hình thức được sử dụng vì sự thuận tiện mà không có liên hệ thực sự nào với thế giới khách quan.

“Nghịch lý” (“Antimonies”)

Phần thú vị nhất trong Phê phán lý tính thuần túy được biết đến là các nghịch lý. Trong phần ấy, Kant chỉ ra những mâu thuẫn tồn tại trong tư duy. Do vậy, xuất phát từ các quy luật của logic hình thức, rồi áp dụng chúng vào thế giới của kinh nghiệm, Kant tiến hành phơi bày những mâu thuẫn nảy sinh. Kant lấy điều đó làm bằng chứng cho tính không thể biết của Vật-Tự-Nó, thay vì hiểu rằng rằng các mâu thuẫn là khách quan và thể hiện bản thân chúng ở các hiện tượng.

Vấn đề cơ bản ở đây là: Bằng cách nào các hình thức logic liên hệ với thế giới thực? Các phạm trù của logic hình thức hoàn toàn không nói cho chúng ta một điều gì về thế giới thực. Nhiệm vụ của khoa học là khám phá ra các quy luật của thế giới thực tại thông qua quan sát và thực nghiệm. Nhưng, bức tranh về thế giới không bao giờ hoàn thiện được, bởi vì khoa học chắc chắn sẽ khám phá ra những lĩnh vực mới theo thời gian, và sẽ không ngừng điều chỉnh lại các học thuyết và định đề của nó.

Phải cho đến Hegel lý do cho những mâu thuẫn ấy mới được giải thích. Vấn đề nảy sinh từ bản chất của bản thân logic hình thức, cái coi các mặt đối lập là loại trừ nhau. Chẳng hạn, phạm trù logic của sự đồng nhất bao hàm mặt đối lập-khác biệt của nó. Khi chúng ta nói về một cái gì đó, chúng ta nghĩ rằng chúng ta vừa xác định nó. Tuy nhiên, nó chỉ có đặc tính nhận diện khi so sánh với những sự vật khác. John là John, bởi gì anh ta không phải là Peter, Paul, v.v.. Do vậy, sự đồng nhất bao hàm sự khác biệt và nó không có ý nghĩa khi đứng cô lập. Nói chung, các sự vật không có ý nghĩa trừ khi chúng được xem cùng với các mặt đối lập của chúng. Không thể hiểu được cuộc sống nếu không có cái chết. Nam và Bắc, trái và phải, đực và cái, tốt và xấu chỉ có ý nghĩa trong quan hệ với các mặt đối lập của chúng. Sự thống nhất giữa các mặt đối lập là sự thật căn bản của tồn tại.

Hegel sau đó đã giải thích rằng tồn tại thuần túy, không biệt hóa thì cũng không khác gì hư vô. Nếu chúng ta chỉ giam hãm bản thân vào khẳng định về một sự vật mà không giải thích các thuộc tính cụ thể, các mâu thuẫn nội tại, sự vật động và biến đổi và các mối liên hệ đa dạng của sự vật ấy thì chúng ta không thực sự nắm được chân lý về nó. Không có sự cụ thể hóa xa hơn, một tồn tại đơn giản biến thành một sự trừu tượng trống rỗng. Mâu thuẫn đặc biệt này (“nghịch lý” [“antimony”]) chỉ có thể được giải quyết bằng cách hiểu rằng tồn tại và không tồn tại không loại trừ lẫn nhau mà được tổng hợp vào quá trình trở thành [becoming].

Tương tự, các cực đối lập nguyên nhân và kết quả cũng phải được thống nhất như sự tương tác. Nếu chúng ta tìm cách cô lập nguyên nhân hay kết quả riêng biệt, ngay lập tức chúng ta rơi vào mâu thuẫn, bởi vì bao giờ cũng có vô hạn số lượng các nguyên nhân cho một tình huống nào đó; thực tế, đằng sau mỗi sự việc cô lập là toàn bộ lịch sử của vũ trụ. Cũng thế, nếu chúng ta tìm cách hiểu một sự việc đặc thù như là một nguyên nhân, chúng ta sẽ rơi vào một chuỗi vô hạn của các hiện tượng, trôi chảy trong thời gian, cho tới vô cùng tận.

Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn này? Nếu chúng ta tuân theo các quy tắc của logic hình thức, giải pháp duy nhất cho những nghịch lý của Kant là phủ nhận tính hợp lệ của đúng một nửa các phạm trù của nó, chỉ công nhận duy nhất nửa kia. Các nhà triết học kinh viện thời trung cổ, chẳng hạn, tuyên bố rằng sự ngẫu nhiên (tình cờ) là một khái niệm thuần túy chủ quan, một sản phẩm khi bỏ qua các nguyên nhân. Mọi thứ trong vũ trụ đã được xác định một cách tuyệt đối, thực ra là, đã được định trước từ đầu chí cuối bởi Đấng Tối cao. Trong khi ấy, luật Đồng nhất được tuyên bố là tuyệt đối và luật Mâu thuẫn ngăn cấm một cách nghiêm ngặt bởi logic truyền thống.

Kant chỉ ra trong đoạn nói về nghịch lý rằng mâu thuẫn không chỉ là một thủ thuật của những kẻ ngụy biện mà là điều không thể tránh khỏi. Các nghịch lý, ở đó ông đưa ra hai bộ bằng chứng cho những định đề đối lập, là “không phải là các ngụy biện sai lầm đơn thuần, trái lại có cơ sở sâu xa từ bản chất của lý tính…”19. Chẳng hạn, trong vũ trụ luận, ông quan tâm sâu sắc về những câu hỏi như vũ trụ có khởi đầu hay không.

“Nhưng thật không may cho sự tư biện (nhưng có lẽ lại may cho vận mệnh thực hành của con người) khi giữa lúc đang ôm ấp các kỳ vọng lớn lao nhất, lý tính thấy mình bị vướng vào một thế giằng co giữa các lập luận và phản lập luận khiến cho nó vừa - vì danh dự và sự an toàn - không thể rút lui, và không thể xem cuộc tranh chấp này một cách thản nhiên như xem một cuộc tập trận giả đơn thuần [vô thưởng vô phạt], vừa càng không thể đơn giản ra lệnh vãn hồi hòa bình, bởi lẽ đối tượng của cuộc tranh cãi này được nó hết sức quan tâm. Do đó, lý tính không còn cách nào khác hơn là phản tư lại về nguồn gốc của sự không nhất trí (Veruneinigung) của lý tính với chính nó, [tự hỏi] phải chăng lỗi ở đây là do một sự ngộ nhận đơn thuần, và sau khi khảo sát được sự ngộ nhận ấy, cả hai phía có lẽ sẽ vứt bỏ các yêu sách cao ngạo của mình và thay vào đó, một sự chỉ huy yên ổn, lâu dài của lý tính đối với giác tính và giác quan có được sự bắt đầu.”20

Giải pháp thực sự là một quá trình đào sâu tri thức không có hồi kết:

“Vì, phía phản đề không thể giải đáp cho câu hỏi liên quan đến các điều kiện của sự tổng hợp thường nghiệm, ngoại trừ làm nảy sinh các câu hỏi mới liên tục đến vô tận. Theo cách đó, với một cái khởi đầu đã cho, ta phải tiến lên cái khởi đầu cao hơn; với từng bộ phận, ta phải đi tới bộ phận nhỏ hơn nữa; sự việc gì cũng có một sự việc trước đó làm nguyên nhân, và những điều kiện của sự tồn tại nói chung lại phải dựa vào những điều kiện còn cao hơn nữa, tóm lại không bao giờ có được điểm kết thúc vô điều kiện và chỗ dựa [tối hậu] nơi một Hữu thể tối cao, tự thân tồn tại.”21

Mỗi câu trả lời chỉ làm nảy sinh một câu hỏi mới và cứ như vậy đến vô cùng tận. Không có câu trả lời cuối cùng. Không có sự chấm dứt của quá trình. Do vậy, tư duy biện chứng không giáo điều và không có giới hạn. Giải pháp cho những vấn đề được cho là “không thể giải quyết được” ấy là thông qua quá trình vô tận của lịch sử khoa học và tư tưởng nhân loại nói chung. Chỉ có cách giải quyết các mâu thuẫn trong tư duy là xem xét lại toàn bộ logic học, đoạn tuyệt với phương thức cứng nhắc cũ, cái đã không và không thể phản ánh chân thực thực tại của một thế giới đang vận động, biến đối, sống động, mâu thuẫn. Hegel ca ngợi Kant đã đưa quan niệm mâu thuẫn trở lại logic học.

“Tư tưởng cho rằng sự mâu thuẫn – được thiết định bởi những quy định của Giác tính nơi cái Lý tính – là có tính bản chấttất yếu, phải được xem như là một trong những bước tiến quan trọng nhất và sâu sắc nhất của triết học cận kim”22. Nhưng sau khi đã đặt câu hỏi, Kant đã không thể hoặc không sẵn lòng cung cấp câu trả lời. “Cách nhìn sâu sắc bao nhiêu thì sự giải quyết lại tầm thường bấy nhiêu.” (nt)

Kant đã không hoàn thành cuộc cách mạng ấy. Nhưng công lao vĩ đại của ông là chỉ ra con đường tiến lên phía trước. Kant mang lại sức sống mới cho triết học, bằng cách đặt các hình thức tư duy cũ trước sự phê phán triệt để, làm bộc lộ bản chất mâu thuẫn và không thỏa đáng cố hữu của các hình thức ấy. Phê phán lý tính thuần túy cho thấy rằng các mâu thuẫn là cố hữu trong tư duy. Khi làm như vậy, Kant đưa phép biện chứng trở lại triết học. Từ trước cho đến nay, phép biện chứng bị coi là phương pháp suy luận [reason] thuần túy chủ quan. Kant đã chỉ ra rằng phép biện chứng không hề tùy tiện hay chủ quan mà là một phương pháp suy luận hoàn toàn có giá trị.

Mặc dù triết học Kant là cách mạng ở thời đại của nó, triết học ấy không thể được xem như một giải pháp thỏa đáng cho những vấn đề mà nó đặt ra. Hơn hết, biện chứng của Kant giống biện chứng Socrate cổ đại. Tồn tại giá trị nhất định trong biện chứng ấy. Cuộc đấu tranh giữa các khái niệm đối lập, ở đó sức nặng thích đáng được đặt lên những tranh luận của phía bên kia và những tranh luận nhằm ủng hộ và phản đối một cách nghiêm ngặt, có thể dẫn tới sự gia tăng nói chung trong nhận thức về các vấn đề liên quan. Nhưng có gì đó chưa thỏa đáng; một hình thức bất khả tri; một tư tưởng hời hợt cho rằng “toàn bộ sự thật không bao giờ ở về một phía”, và vân vân.

Các nghịch lý của Kant chỉ có bốn loại. Phải cho đến Hegel mới chỉ ra rằng, thực tế mọi thứ đều chứa đựng một “nghịch lý” (mâu thuẫn)

“Ý nghĩa đúng thật và khẳng định tích cực của các Nghịch lý chính là ở chỗ: mọi cái hiện thực đều chứa đựng bên trong chúng những quy định đối lập, và, do đó, nhận thức và chính xác hơn, thấu hiểu một đối tượng chung quy có nghĩa là có ý thức về nó như về một nhất thể cụ thể của những quy định đối lập.”23

Công lao của Kant là đưa các hình thức logic học truyền thống tới sự phê phán triệt để. Khiếm khuyết của ông nằm ở lập trường chủ quan về vấn đề nhận thức luận. Đó là nguồn gốc của yếu kém chủ đạo của ông – mập mờ, không nhất quán và bất khả tri. Thất bại trong việc đoạn tuyệt gọn ghẽ với logic học truyền thống, trong khi phơi bày những hạn chế của nó, Kant đẩy bản thân mình vào mọi loại mâu thuẫn (nghịch lý) không thể giải quyết được, cái ông để lại không lời giải. Vấn đề về mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể (tư duy và tồn tại) cuối cùng chỉ được giải quyết bởi Marx và Engels, họ đã chỉ ra, xét đến cùng, mọi vấn đề của triết học là phải được giải quyết trong thực tiễn.

“Mọi đời sống xã hội, về thực chất, là có tính chất thực tiễn. Tất cả những sự thần bí đang đưa lý luận đến chủ nghĩa thần bí, đều được giải đáp một cách hợp lý trong thực tiễn của con người và trong sự hiểu biết thực tiễn ấy”24

Cuộc cách mạng trong Triết học của Hegel

“Vả lại cũng không khó khăn gì để thấy rằng thời đại của chúng ta là một thời đại của sự khai sinh và của sự quá độ sang một thời kỳ mới. Tinh thần đã đoạn tuyệt với thế giới cũ của sự hiện hữu và của sự hình dung trước nay của nó và đang dự tính trong đầu để cho chúng chìm sâu vào dĩ vãng và bắt tay vào công việc tái tạo của mình. Thật vậy, Tinh thần không bao giờ đứng yên, trái lại, luôn ở trong dòng vận động tiến lên không ngừng. Nhưng, cũng giống như sự ra đời của một đứa bé, sau thời gian dài được âm thầm nuôi dưỡng trong bụng mẹ, sự lớn lên liên tục về kích thước – tức sự thay đổi về lượng – bỗng nhiên được cắt đứt bằng hơi thở đầu tiên – một bước nhảy về chất - và đứa bé ra đời. Cũng thế, Tinh thần tự hào đào luyện mình chín muồi chậm chạp và âm thầm hướng đến một hình thái mới, phá vỡ lần lượt từng bộ phận trong tòa nhà của thế giới trước đây của nó. Sự rung chuyển dẫn đến sự sụp đổ chỉ được báo hiệu bằng những triệu chứng riêng lẻ đây đó. Sự thờ ơ và nhàm chán lan tràn trong trật tự hiện tồn, sự dự cảm mơ hồ về một cái gì chưa được biết đều là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một cái gì khác đang đến gần. Sự đổ vỡ dần dần – lúc đầu chưa làm biến dạng tướng trạng chung của cái toàn bộ – bị cắt đứt đột ngột bởi ánh bình minh mà một tia sáng chớp lóe lên kiến lập ngay lập tức hình thể và cấu trúc của thế giới mới”25

“Hành trình khám phá” của Hegel

George Wilhelm Friedrich Hegel sinh ra ở Stuttgart vào năm 1770. Thời trẻ ông là môn sinh, rồi sau là cộng sự của Schelling, quan điểm cấp tiến của Schelling làm ông thêm khét tiếng, cho đến khi ông giảng hòa với các nhà chức trách Phổ lúc cuối đời. Nhưng Hegel nhanh chóng tiến lên từ những nỗ lực ban đầu của ông. Đóng góp đầu tiên của Hegel cho triết học khởi đầu năm 1807 với ấn bản Hiện tượng học tinh thần. Giai đoạn nghiên cứu là giai đoạn bão tố và căng thẳng. Nước Pháp phun trào trong cách mạng khi ông là chàng sinh viên 19 tuổi. Cách mạng Pháp, và những cuộc chiến của Napoleon đặt một dấu ấn không thể gột sạch lên toàn bộ kỷ nguyên. Như những lời của chính Hegel, “việc sắp chữ cho cuốn sách kết thúc vào nửa đêm trước trận Jena”

Tác phẩm ấy, Hegel mô tả như “Hành trình khám phá” của ông, đã được đón nhận với sự lạnh nhạt và bất mãn bởi những người trước đây là người thầy và là bạn bè của ông. Hiện tượng học bám theo sự phát triển của tư duy xuyên suốt tất cả các giai đoạn của nó, từ hình thức thấp nhất, chung nhất và trừu tượng nhất cho tới hình thức cao nhất mà ông gọi là Ý niệm. Mỗi hình thức của tri thức được khảo sát trong những điều kiện và giới hạn của riêng ông, làm nổi bật mối quan hệ biện chứng của nó với các hình thức tư duy khác. Tầm quan trọng của triết học là một mình nó phải xem xét và biện minh chính những khái niệm của nó, không giống như toán học, cái xuất phát từ các định đề cho trước mà đã được chấp nhận một cách không phê phán. Triết học không giả định gì cả, kể cả về chính bản thân nó.

Đối với độc giả hiện đại, các tác phẩm của Hegel đặt ra những khó khăn đáng kể. Engels xem chúng là “trừu tượng và khó hiểu.” Điều đó là hiểu nhiên đúng về Hiện tượng học. Đôi khi, người ta có ấn tượng rằng Hegel đang cố tình gây khó hiểu, rằng ông đang thách thức độc giả xâm nhập vào tòa nhà khó khăn và phức tạp của tư duy biện chứng. Phần lớn của sự khó khăn ấy, thực ra, bắt nguồn từ thực tế Hegel là nhà duy tâm, và rằng, do vậy, phép biện chứng xuất hiện ở đây dưới một hình thức thần bí. Hiện tượng học là một ví dụ hay về điều đó.

Ở đây sự phát triển lịch sử xuất hiện trong một hình thức duy tâm, như sự phát triển của trí tuệ lương tâm tự mình (hay tinh thần). Mằc dầu vậy, có thể đọc Hegel, như Marx đã làm, từ quan điểm duy vật, làm lộ rõ hạt nhân lý tính trong tư tưởng của ông. Trong Hiện tượng học “tự ý thức” bộc lộ hoạt động của nó ở nhiều phương diện, thông qua cảm cảm và tri giác, cũng như thông qua các ý niệm. Bằng tất cả, có thể nhận thức được nét phác thảo không rõ ràng của những quá trình thực sự diễn ra trong giới tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Trái ngược với các triết học duy tâm trước đây, Hegel thể hiện sự quan tâm sắc sảo đối với những sự việc trong tự nhiên, bản chất con người và lịch sử nhân loại. Đằng sau cách trình bày trừu tượng của ông là sự phong phú của tri thức về tất cả các mặt của lịch sử, triết học và khoa học đương thời. Marx mô tả ông là “một trí tuệ bách khoa nhất thời bấy giờ.”

Đằng sau ngôn ngữ “trừu tượng và khó hiểu”, một khi sự thần bí hóa có tính duy tâm bị lột bỏ, chúng ta thấy trước mắt một cuộc cách mạng đủ lông đủ cánh trong tư duy nhân loại. Nhà dân chủ cấp tiến Nga Herzen xem biện chứng của Hegel là “đại số của cách mạng.” Trong một phương trình đại số cần phải tìm ra những đại lượng còn thiếu. Việc đó sau này được Marx và Engels hoàn thành, những người đã cứu lấy hạt nhân lý tính của triết học Hegel sau khi ông chết, và, bằng cách đặt nó trên cơ sở duy vật, đã đem lại cho nó tính cách khoa học. Nhận xét về triết học của Hegel, Engels viết:

“Nền triết học mới của Đức đã đạt tới đỉnh cao của nó trong hệ thống của Hegel, trong đó lần đầu tiên – và đây là công lao to lớn của ông – toàn bộ thế giới tự nhiên, lịch sử và tinh thần được trình bày như là một quá trình – nghĩa là được nhận thức trong sự vận động, biến đổi, biến hóa và phát triển không ngừng và đã cố chứng minh mối liên hệ nội tại của sự vận động và phát triển ấy. Theo quan điểm ấy, lịch sử loài người không còn hiện ra là một mớ hỗn độn kinh khủng gồm những hành vi bạo lực vô nghĩa và đáng phải kết tội như nhau trước tòa án của lý tính triết học ngày nay đã trưởng thành, và tốt hơn cả là người ta nên quên chúng đi cho thật nhanh – mà là một quá trình phát triển của bản thân loài người, và nhiệm vụ của tư duy hiện nay là phải theo dõi bước tiến tuần tự của quá trình ấy qua tất cả những bước lầm lạc của nó và chứng minh tính quy luật bên trong của nó qua tất cả những cái ngẫu nhiên bề ngoài.”26

Hegel ngày nay

Hegel là một thiên tài vượt xa trước thời đại ông. Thật không may, trình độ của các khoa học tự nhiên vào đầu thế kỷ 19 không trang bị đủ thông tin để cho phép ông áp dụng phương pháp mới mẻ có tính cách mạng của mình đến hiệu quả toàn diện, mặc dầu ông có một số hiểu biết sâu sắc như Ilya Prigogine đã chỉ ra. Engels đã áp dụng phương pháp này vào khoa học trong Biện chứng của Tự nhiên, một kiệt tác viết về biện chứng. Nhưng trong thời đại của chính chúng ta, khoa học đã tạo dựng một sự phong phú về chất liệu để cho thấy sự đúng đắn của những tư tưởng cơ bản của Hegel. Tấn bi kịch là thế kỷ 20 thiếu một Hegel để đem lại sự hiểu biết cần thiết cho những khám phá vĩ đại ấy.

Ngày nay, nhiều nhà khoa học chấp nhận một thái độ kinh miệt đối với triết học, họ xem triết học là thừa thãi đối với những nhu cầu của họ. Họ cho rằng tiến bộ thực sự do khoa học thực hiện đặt họ cao xa hơn triết học. Thế nhưng, trong thực tế họ thua kém xa triết học tại trình độ sơ khai nhất của nó. Người ta nói rằng tự nhiên căm ghét sự trống rỗng. Thiếu vắng một triết học nhất quán và rõ ràng, họ rơi vào đủ loại thành kiến và tư tưởng sai lầm mà họ tiêm nhiễm một cách vô thức từ những xu thế đang thịnh hành và từ tâm trạng trong xã hội mà họ đang sống. Những thứ tạp nham ấy, cùng với một vài hồi tưởng mơ hồ về thứ triết học tồi mà họ nhặt nhạnh ở trường đại học, trang bị toàn bộ hành lý trí thức cho nhiều người được coi là có giáo dục, bao gồm cả các nhà khoa học. Như Hegel quan sát một cách hài hước, “chúng cũng được xem như là chế phẩm rất tốt có thể thay thế được cho triết học thực sự, tương tự như món Chichory được ca tụng là thay thế được cho cà phê vậy.”27

Phần lớn thế kỷ này, thật đáng buồn khi người ta đã bỏ quên Hegel. Trường phái thống trị trong triết học Phương Tây, chủ nghĩa thực chứng logic, được khai sinh một phần để phản ứng chống lại chủ nghĩa Hegel, đã đối xử với Hegel thực sự như những người Tin Lành cực đoan đối xử với Giáo hoàng La Mã. Đến lượt, quan điểm của phái triết học này đã ảnh hưởng tới nhiều nhà khoa học. Một trong số ít những nhà khoa học phương Tây đã sửa soạn để trả lại cho Hegel món nợ xứng đáng là nhà khoa học Bỉ Ilya Prigogine, người đã phát triển thuyết hỗn độn và sự phức tạp, một mạch tư duy có nhiều điểm chung với phép biện chứng. Việc bác bỏ Hegel (hoặc Engels) là rất đơn giản bởi vì tác phẩm của họ về khoa học tất yếu bị giới hạn vào hiện trạng thực tế của khoa học thời ấy. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ở chỗ, những quan điểm của Hegel về khoa học thực sự tiến bộ biết nhường nào.

Trong cuốn sách Trật tự từ sự hỗn loạn (Order out of Chaos) Prigogine và Stengers đã chỉ ra rằng Hegel bác bỏ phương pháp cơ giới của vật lý học Newton cổ điển, vào lúc mà những tư tưởng của Newton ở chỗ nào cũng là bất khả xâm phạm.

Prigogine và Stengers viết “Triết học tự nhiên của Hegel kết hợp một cách có hệ thống tất cả những gì đã bị khoa học Newton chối bỏ. Đặc biệt, nó dựa trên sự khác biệt về chất giữa hành vi đơn giản được miêu tả bởi cơ học với hành vi của những thực thể phức tạp hơn như ở các sinh vật. Nó phủ nhận khả năng quy giản những cấp độ ấy, nó bác bỏ ý tưởng cho rằng những sự khác biệt chỉ là bề ngoài và rằng tự nhiên về cơ bản là đồng nhất và đơn giản. Nó khẳng định sự tồn tại của một hệ thống phân cấp, mỗi cấp độ của hệ thống ấy bao hàm những cấp độ trước nó.” (sđd tr. 89)

Prigogine và Stengers nói đến sự thờ ơ bất công mà Hegel đã gánh chịu, chính xác vào thời điểm những phê phán của ông đối với chủ nghĩa cơ giới Newton được chứng tỏ là đúng đắn:

“Theo một ý nghĩa nào đó, hệ thống của Hegel cung cấp câu trả lời có tính triết học nhất quán cho những vấn đề cốt yếu về thời gian và sự phức tạp. Nhưng, đối với những thế hệ các nhà khoa học, nó biểu đạt một hình ảnh thu nhỏ của sự ghê tởm và khinh bỉ. Trong vài năm, những nan giải nội tại của triết học tự nhiên của Hegel càng thêm trầm trọng bởi sự lỗi thời của nền tảng khoa học mà hệ thống của ông dựa vào, đối với Hegel, dĩ nhiên, sự bác bỏ của ông đối với hệ thống Newton là dựa trên các khái niệm khoa học ở thời đại ông. Và chính xác những khái niệm ấy đã rơi vào quên lãng với tốc độ kinh ngạc. Thật khó hình dung một thời kỳ nào ít may mắn hơn thời kỳ ở đầu thế kỷ 19 cho việc tìm kiếm sự ủng hộ về mặt thực nghiệm và lý thuyết nhằm thay thế khoa học cổ điển. Mặc dù thời đại này được đặc trưng bởi sự mở rộng đáng kể của phạm vi thực nghiệm khoa học và bởi sự phong phú của các học thuyết mà dường như chúng mâu thuẫn với khoa học Newton, hấu hết các học thuyết ấy đã thất bại chỉ vài năm sau khi chúng xuất hiện” (sđd tr. 90)

Chỉ có đôi điều cần phải được bổ sung cho vấn đề trên. Đầu tiên, giá trị trong triết học của Hegel không phải ở hệ thống của ông mà ở phương pháp biện chứng. Một phần lý do giải thích tại sao các tác phẩm của Hegel khó hiểu chính là ở chỗ ông cố gắng cưỡng ép phép biện chứng – một phương pháp mà ông đã phát triển tài tình – vào chiếc áo bó buộc của một hệ thống triết học duy tâm tùy tiện. Khi nó không vừa vặn, ông dựa vào mọi cách lẩn tránh và những hình thức tư duy kỳ lạ khiến toàn bộ mọi thứ trở nên cực kỳ rối rắm và khó hiểu.

Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng lý do chủ đạo cho những âm mưu đáng hổ thẹn nhằm chống lại Hegel không liên quan gì đến sự khó hiểu trong văn phong của ông. Điều đó không làm các giáo sư đại học một trăm năm trước lo ngại. Hơn nữa, sự khó hiểu của Hegel chẳng là gì hết so với những lối quanh co ngôn từ vô nghĩa của những người thực chứng logic, họ dựng lên những mô hình “tư duy mạch lạc,” dẫu không có ai hiểu tại sao. Không, lý do thực sự giải thích tại sao Hegel trở thành một kẻ không được thừa nhận là bởi vì người ta nhận ra rằng triết học biện chứng của ông là xuất phát điểm của những tư tưởng cách mạng của Marx và Engels. Lão Hegel tội nghiệp, ở đời thực thì bảo thủ, đã bị xét xử vắng mặt và kết tội vì có liên đới.

Nỗi lo sợ trước những tư tưởng của Hegel là không hề ngẫu nhiên và cũng không hề nhầm lẫn. Ngay ở thế kỷ 19, đối với một số người mối nguy hiểm mà phép biện chứng đặt ra là rành rành. James Stirling, một người Anh nổi tiếng theo trường phái “Hegel” năm 1867 viết:

“Phép biện chứng ấy, có vẻ như đối với tôi, đã dẫn đến nhiều khả nghi cả ở Hegel và những người khác, và có thể trở thành một tai họa nữa”28

Ngay cả khi ông còn sống, những hàm ý cách mạng của triết học Hegel đã bắt đầu làm phiền toái giới chức Phổ. Nước Pháp bại trận năm 1815 đã dẫn đến một thời kỳ phản động khắp châu Âu. Cái gọi là sắc lệnh Carlsbad năm 1819 đặt các trường đại học ở tất cả các khu vực chịu quyền xét xử của nước Phổ dưới sự kiểm soát dị giáo. Một chút bất tuân giáo bị coi là mưu toan lật đổ. Một bầu không khí ngột ngạt của chủ nghĩa địa phương nhỏ nhen thịnh thành ở những vùng đất của những bọn “Junker ngớ ngẩn” (“cabbage Junkers”)29, Marx sau này gọi các địa chủ quý tộc Phổ một cách mỉa mai như vậy.

Ở Berlin, nơi Hegel giảng dạy ở trường đại học, kẻ thù của Hegel lan truyền những lời đồn đầy ác ý cho rằng tư tưởng của ông là phi-Kitô, hoặc thậm chí là hết sức vô thần. Kể từ đó ông là một người bị đánh dấu. Cả những người Duy lý lẫn những người phái Phúc Âm tấn công ông, Hegel đã tự vệ quyết liệt, ông chỉ ra rằng “mọi triết học tư biện về tôn giáo có thể được chuyên chở đến chỗ vô thần; tất cả phụ thuộc vào việc ai chuyên chở; điều đặc biệt đáng tiếc cho thời đại của chúng ta, và ác tâm của những kẻ mị dân những kẻ sẽ không cho phép chúng ta tìm kiếm những người chuyên chở” (Hegel, Logic, p. xxxix).

Chính bầu không khí khủng bố như vậy khiến Hegel thậm chí cân nhắc việc chuyển đến Bỉ, giống như Marx sau này đã làm. Năm 1827 ông viết một lá thư cho người vợ mở đầu rằng ông phải tìm kiếm ở các trường đại học ở Liege và Louvain với linh cảm rằng họ có thể một ngày nào đó cho ông một chỗ yên nghỉ, “khi các mục sư ở Berlin khiến Kupfergraben không thể nào chịu đựng ông.” (sđd) Ông bổ sung “Tòa thánh La Mã có lẽ là đối thủ danh dự hơn so với những mưu đồ tồi tệ của những mục sư ở Berlin.” (sđd) Thật trớ trêu vào lúc cuối đời, Hegel mê tín và bảo thủ lại bị xem là cấp tiến nguy hiểm. Nhưng đằng sau những ngờ vực của những kẻ phản động là điều gì đó hơn một chút sự thật. Ẩn chứa trong triết học Hegel là mầm mống của một tư tưởng cách mạng, một tư tưởng sẽ làm biến đổi thế giới. Bản thân sự việc ấy tạo nên một ví dụ nổi bất nhất về sự mâu thuẫn có tính biện chứng!

Trong tác phẩm Lịch sử triết học của ông, Hegel đã khám phá mối quan hệ biện chứng ẩn giấu giữa những trường phái tư tưởng, cho thấy các học thuyết khác nhau bộc lộ những khía cạnh khác nhau của chân lý, chúng không mâu thuẫn nhau cho lắm bởi vì chúng bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau. Trong Bách khoa thư các Khoa học Triết học, Hegel tìm cách phơi bày toàn bộ khoa học như một tổng thể chung chặt chẽ. Không chỉ đơn thuần là một tập hợp các khoa học hoặc một từ điển tri thức triết học mà là khoa học được trình bày thành một tổng thể có liên hệ với nhau một cách biện chứng. Đây là quan niệm cực kỳ hiện đại.

Hegel không sửa soạn để chối bỏ hay đánh đổ triết học trước đây mà tóm tắt tất cả các trường phái tư tưởng trước đây, rồi đi đến một sự tổng hợp biện chứng. Nhưng khi làm như vậy, ông đẩy triết học tới giới hạn của nó. Vượt qua điểm này, không thể phát triển triết học mà không cải biến nó thành một cái gì đó khác. Có thể nói rằng, kể từ Hegel, người ta thực sự không nói gì mới về những vấn đề triết học chủ đạo. Những trường phái triết học về sau, có ý là mới mẻ và sáng tạo thì chỉ đơn thuần xào xáo lại những tư tưởng cũ, lúc nào cũng bằng cách thức hời hợt và không thỏa đáng hơn. Chỉ có cách mạng thực sự trong triết học kể từ Hegel là triết học do Marx và Engels thực hiện, triết học đó vượt qua những hạn chế của triết học với tư cách chỉ là những bài tập trí tuệ và đưa nó vào vương quốc của thực tiễn và vào cuộc đấu tranh cải biến xã hội.

Hegel nói trong Lịch sử triết học rằng “tồn tại của tư duy là hành động của nó, và hành động của nó là để nhận thức về chính nó.” Nhưng ở Hegel, tư duy không chỉ là hoạt động suy tư. Hình thức cao nhất của tư duy, lý tính, không chỉ chấp nhận sự kiện cho trước mà còn tác động tới chúng và cải biến chúng. Mâu thuẫn giữa tư duy và tồn tại, giữa “chủ thể” và “khách thể”, được giải quyết ở Hegel thông qua quá trình nhận thức chính bản thân nó, tức là xâm nhập sâu hơn vào thế giới khách quan. Tuy nhiên, từ quan điểm duy vật tư duy không phải là hoạt động cô lập mà là hoạt động không thể tách rời khỏi tồn tại con người nói chung. Nhân loại phát triển tư duy từ hoạt động cảm giác, cụ thể, chứ không chỉ là hoạt động trí tuệ đơn thuần. Bằng cách biến đổi thế giới vật chất thông qua lao động, con người cũng biến đổi chính bản thân mình, và, khi làm như vậy, phát triển và mở rộng đường chân trời của tư duy của họ. Dưới dạng phôi thai, những yếu tố của quan niệm biện chứng ấy đã xuất hiện ở Hegel. Những gì Marx làm là lột bỏ vỏ bọc duy tâm của nó và diễn đạt nó một cách khoa học và rõ ràng.

Lý luận nhận thức

Như chúng ta đã thấy, vấn đề cơ bản của triết học là mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Mối quan hệ giữa ý thức (tri thức) và thế giới khách quan là gì? Kant cho rằng tồn tại một hố sâu ngăn cách không thể bắt cầu giữa chủ thể đang tư duy và Vật-tự-thân không thể biết. Hegel đặt vấn đề theo cách khác biệt. Quá trình tư duy là sự thống nhất giữa chủ thể và khách thể. Tư duy không phải là rào cản chia tách con người khỏi thế giới khách quan, mà trái lại, là một quá trình liên kết (“trung giới”) giữa hai cái. Lấy thực tại được đem lại trực tiếp từ tri giác cảm giác làm xuất phát điểm của nó, tư duy con người không chỉ chấp nhận một cách thụ động, như Locked đã hình dung, mà phải hoạt động, biến đổi thông tin này, phân rã nó thành những thành phần của nó, rồi kết hợp chúng lại. Con người sử dụng tư duy lý tính để đi xa hơn thực tại trước mắt. Tư duy biện chứng, khi phân tích một hiện tượng cụ thể, chia nó thành các thành phần của nó rồi phơi bày những đặc trưng và xu thế mâu thuẫn giúp đem lại cho nó đời sống và sự vận động.

Tri thức khoa học không chỉ bao gồm một catalô đơn thuần của những thứ cá biệt. Nếu chúng ta nói “tất cả các động vật”, thì đó vẫn chưa là môn động vật học. Bên trên và vượt qua các sự việc, cần thiết phải khám ra các quy luật và các quá trình khách quan. Cần thiết phải khám phá ra mối liên hệ khách quan giữa các sự vật, rồi giải thích sự chuyển tiếp giữa trạng thái này với trạng thái khác. Lịch sử khoa học, giống như triết học, là một quá trình không ngừng của sự khẳng định và sự phủ định, một sự phát triển và một quá trình không dừng, ở đó ý tưởng này phủ định ý tưởng kia, rồi nó đến lượt, lại bị phủ định trong một quá trình bất tận của sự đào sâu thêm tri thức của con người về bản thân và về vũ trụ. Có thể chứng kiến một hiện tượng tương tự ở sự phát triển tinh thần của một đứa bé.

Công lao vĩ đại của Hegel là chỉ ra tính cách biện chứng trong sự phát triển của tư duy nhân loại, từ giai đoạn phôi thai của nó, trải qua một chuỗi các giai đoạn, rồi cuối cùng đạt tới giai đoạn cao nhất của lý tính, đó là Ý Niệm. Trong ngôn ngữ của Hegel, đó là quá trình từ tồn tại “tự mình” tới tồn tại “tự và cho mình”, tức là nói, từ tồn tại mặc nhiên, chưa phát triển tới tồn tại minh nhiên và đã phát triển. Phôi thai con người, ở dạng tiềm tàng, là một con người nhưng nó không phải là một con người tự và cho bản thân nó. Để hiện thực hóa tiềm năng đầy đủ của nó, cả một quá trình phát triển là cần thiết, ở đó thời thơ ấu, thời thanh niên và thời trung niên tạo thành các giai đoạn cần thiết. Tư duy của một đứa trẻ hiển nhiên có tính cách chưa trưởng thành. Nhưng ngay cả một tư tưởng đúng đắn do một người trẻ tuổi diễn đạt cũng không có cùng trọng lượng so với vẫn tư tưởng đó do một người lớn tuổi diễn đạt, người ấy đã trải nghiệm cuộc đời và do vậy có hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa thực sự của những lời nói ấy.

Nơi Hegel, sự phát triển thực sự của con người được thể hiện dưới một hình thức huyền bí, là sự phát triển của tinh thần. Là một là duy tâm, Hegel không có khái niệm thực sự về sự phát triển của xã hội, mặc dầu có một vài báo trước lỗi lạc về chủ nghĩa duy vật lịch sử trong các tác phẩm của ông. Tư duy xuất hiện ở đây như một sự biểu đạt của Ý niệm Tuyệt đối, một quan niệm huyền bí mà điều duy nhất chúng ta học được là, như Engels diễn đạt một cách mỉa mai, ông ta tuyệt nhiên không nói cho chúng ta một điều gì về nó. Trong thực tế, tư duy là sản phẩm của bộ não con người và hệ thống thần kinh, không thể chia tách khỏi cơ thể người, nó đến lượt, lệ thuộc vào thực phẩm, nó đến lượt, bao hàm xã hội loài người và các quan hệ sản xuất.

Tư duy là một sản phẩm của vật chất tư duy, một thành tựu cao nhất của giới tự nhiên. Vật chất vô sinh chứa đựng tiềm năng sản sinh ra sự sống. Ngay cả những dạng thức thấp nhất của sự sống cũng sở hữu cảm năng (sensibility), cảm ứng năng (irritability), cái chứa đựng tiềm năng để sản sinh ra, ở động vật cao cấp hơn, một hệ thống thần kinh, rồi một não bộ. “Tự ý thức” của Hegel chỉ là một cách diễn đạt lạ thường về quá trình lịch sử mà con người thực sự dần dần trở nên có ý thức về chính bản thân mình và về thế giới mà họ sống trong đó. Điều đó không xảy ra một cách dễ dàng hoặc một cách tự động, cũng không có chuyện một cá nhân tự động có được nhận thức trong quá trình chuyển tiếp từ giai đoạn thơ ấu sang giai đoạn trưởng thành. Ở cả hai trường hợp, quá trình diễn ra theo một chuỗi những giai đoạn kéo dài và thường gian truân. Sự phát triển của tư duy nhân loại, như được phản ánh trong lịch sử triết học và khoa học, và trong văn hóa nói chung, bộc lộ bản thân nó là một quá trình mâu thuẫn, ở đó giai đoạn này thay thế giai đoạn kia, rồi nó đến lượt, lại bị thay thế. Quá trình ấy không phải là một đường thẳng mà là một đường liên tục bị gián đoạn, có những thời kỳ lúc thì trì trệ, lúc thì bằng phẳng và thậm chí lúc thì đảo ngược, tuy nhiên, điều đó chỉ chuẩn bị nền móng cho những tiến bộ mới.

Tư duy phát triển như thế nào

Những khởi đầu của tư duy nhân loại, tư duy ở giai đoạn sơ khai và trực tiếp của nó, là tri giác cảm giác: người nguyên thủy, bằng các giác quan của của mình, bắt đầu ghi nhận và ghi nhớ những dữ liệu trực tiếp được đem lại từ môi trường của mình mà chưa hiểu bản chất thực sự, các mối liên hệ nhân quả, và các quy luật chi phối các mối liên hệ ấy. Từ quan sát và trải nghiệm, dần dà tư duy nhân loại tiến hành thực hiện một số khái quát hóa có tính cách trừu tượng nhất định. Quá trình này đòi hỏi một hành trình lâu dài và cực nhọc diễn ra vài triệu năm, ban đầu cực kỳ chậm chạp, nhưng nhanh chóng gia tăng mômen trong mười nghìn năm cuối. Nhưng mặc dù những tiến bộ khổng lồ đã đạt được bằng tư duy và khoa học, tư duy thông thường vẫn còn ở một mức độ khá sơ khai.

Khi chúng ta lần đầu xem xét một chủ đề nào đó, chúng ta đầu tiên hình thành một quan niệm về cái toàn bộ mà không nắm được tất cả nội dung cụ thể và những mối liên hệ qua lại chi tiết. Đó chỉ là một phác họa tổng quan và là một sự trừu tượng trơ trụi. Do vậy, các nhà triết học ở Ion và thậm chí cả đạo Phật đã nắm bắt được một cách trực quan rằng vũ trụ là cái toàn bộ biện chứng biến đổi không ngừng. Nhưng quan niệm ban đầu này thiếu vắng mọi định nghĩa và tính cụ thể. Cần phải tiến xa hơn rồi đưa ra một bức tranh tổng quát cùng với những diễn đạt rõ ràng, phân tích và xác định các mối liên hệ chính xác trong nội dung của nó. Nó phải được phân tích và lượng hóa. Thiếu điều đó, khoa học nói chung là không khả thi. Đó là sự khác biệt giữa tư duy chưa phát triển, trực tiếp và thô ráp với khoa học thông thường.

Buổi bình minh của ý thức nhân loại, con người không phân biệt rõ ràng bản thân họ với giới tự nhiên, cũng giống một đứa bé mới sinh không phân biệt được bản thân nó với người mẹ của mình. Dần dà, sau một thời gian dài, con người học cách để phân biệt, để nhận thức thế giới, bằng cách phát hiện ra những điểm mấu chốt bên trong một mạng lưới rối bời của những hiện tượng tự nhiên chung quanh họ, để quan sát, để đối chiếu, khái quát hóa, và rút ra các kết luận. Bằng cách ấy, sau nhiều thiên niên kỷ không thể đếm được, một loạt những khái quát hóa quan trọng được đúc kết từ kinh nghiệm, cái dần dần trở thành kết tinh vào những hình thức tư duy quen thuộc mà, vì ta quá quen thuộc với chúng, ta coi chúng là hiển nhiên đúng.

Tư duy hằng ngày, thông thường lệ thuộc nặng nề vào tri giác cảm giác, trải nghiệm trực tiếp, các hiện tượng và sự lai hợp đặc biệt giữa trải nghiệm và tư duy hời hợt được gọi là “lương thức thông thường” (“common sense”). Những thứ ấy thường đủ để giúp chúng ta xoay xở trong cuộc sống. Nhưng chúng không đủ để đi đến một hiểu biết khoa học và, tại thời điểm nhất định, sẽ đổ vỡ và trở thành vô dụng ngay cả cho những mục đích thực dụng. Cần phải vượt qua trải nghiệm trực tiếp của tri giác cảm giác và nắm được những quá trình khái quát, các quy luật và các mối liên hệ ẩn khuất những cái nằm bên ngoài hiện tượng thường xuyên làm cho người ta nhầm lẫn.

Tư duy con người thông thường thích bám dính vào cái gì cụ thể và quen thuộc. Người ta dễ dàng chấp nhận cái gì đó hiển nhiên cố định và đã được biết rõ hơn là những tư tưởng mới thách thức những gì quen thuộc và theo lề thói. Thói thường, truyền thống, phong tục và tục lệ xã hội thể hiện một lực mạnh mẽ trong xã hội, cũng giống như lực quán tính trong cơ học. Trong những giai đoạn bình thường hầu hết mọi người lưỡng lự khi chất vấn xã hội mà họ đang sống, đạo đức, ý thức hệ và hình thái sở hữu của nó. Mọi loại thành kiến, tư tưởng chính trị, học thuyết chính thống “khoa học” được chấp nhận mà không có phê phán, cho đến lúc một sự thay đổi sâu sắc nào đó trong cuộc đời họ khiến họ phải chất vấn xem nó là gì.

Chủ nghĩa tuân thủ trí tuệ và xã hội là hình thức phổ biến nhất của sự tự lừa dối. Các tư tưởng quen thuộc được cho là đúng chỉ vì chúng quen thuộc. Do vậy, quan niệm cho rằng sở hữu tư nhân, tiền và gia đình tư sản là những đặc trưng vĩnh cửu và bất biến của cuộc sống đã lún sâu vào ý thức phổ thông, mặc dầu nó không bộc lộ mối liên hệ nào hết với sự thật. Phép biện chứng là đối lập trực tiếp với cách tư duy tầm thường và hời hợt này. Chính xác là do nó thách thức những tư tưởng quen thuộc, nó thường khuấy lên sự phản đối mạnh mẽ. Làm sao có thể thách thức được luật đồng nhất, cái quy luật tuyên bố một điều dường như hiển nhiên rằng “A bằng A”? Cái được coi như một quy luật ấy là sự phản chiếu logic của một thành kiến phổ biến cho rằng mọi thứ là chính nó, và không là gì khác; rằng không có gì biến đổi. Biện chứng, trái lại, xuất phát từ cách nhìn đối lập, cho rằng mọi thứ đều thay đổi, phát sinh rồi tiêu vong.

Nhà duy nghiệm, người cho rằng phải xem sự vật “như chúng là vậy,” hình dung bản thân anh ta rất thực tế và cụ thể. Nhưng, trong thực tế, sự vật không phải bao giờ cũng như chúng có vẻ như vậy, và thường hóa ra lại là mặt đối lập của chúng. Loại tri thức cảm giác trực tiếp này là loại tri thức thấp nhất, giống như ở một đứa trẻ. Một hiểu biết khoa khọc thực sự về thực tại đòi hỏi chúng ta phải phân rã thông tin đem lại bằng tri giác cảm giác nhằm đạt được bản chất đúng thật về sự vật đang xem xét. Một phân tích sâu sắc hơn bao giờ cũng bộc lộ những xu thế mâu thuẫn. Xu thế ấy đặt nền tảng thậm chí cho những sự vật có vẻ như cố định, cứng nhắc và bất biến nhất. Xu thế ấy cuối cùng sẽ đưa chúng đến chỗ chuyển hóa thành mặt đối lập với chúng. Chính những mâu thuẫn ấy là nguồn gốc cho mọi sự sống, sự vận động và phát triển trong tự nhiên. Để đạt được hiểu biết thực sự, cần phải xem xét sự vật không chỉ như chúng là vậy mà còn như chúng đã từng là gì, và cũng như chúng nhất thiết sẽ trở thành cái gì.

Đối với những mục đích thường nhật, logic hình thức và “lương thức” là đủ. Nhưng vượt quá giới hạn nhất định nó không còn áp dụng được nữa. Lúc đó phép biện chứng trở thành tuyệt đối cần thiết. Không như logic hình thức, cái không thể nắm bắt được những mâu thuẫn và tìm cách loại bỏ những mâu thuẫn ấy, phép biện chứng đại diện cho logic của sự mâu thuẫn, cái là phương diện căn bản của tự nhiên và tư duy. Bằng quá trình phân tích, phép biện chứng bộc lộ những mâu thuẫn ấy và cho thấy bằng cách nào chúng được giải quyết. Tuy nhiên, những mâu thuẫn mới bao giờ cũng xuất hiện, do vậy làm nảy sinh một vòng xoắn ốc của sự phát triển không bao giờ kết thúc. Có thể được chứng kiến quá trình này trong toàn bộ sự phát triển của khoa học và triết học, sự phát triển ấy diễn ra thông qua những mâu thuẫn. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên. Nó phản ánh bản chất của tri thức nhân loại như là một quá trình vô tận ở đó giải pháp cho một vấn đề ngay lập tức làm nảy sinh những vấn đề mới, những cái đến lượt được giải quyết, và cứ như thế đến vô cùng tận.

Nếu như chúng ta xuất phát từ hình thức sơ khai nhất của tri thức ở mức độ của kinh nghiệm-cảm giác, thì các hạn chế của logic hình thức và “lương thức” nhanh chóng trở nên rõ ràng. Tâm trí nghi nhận một cách đơn giản các sự việc khi chúng ta phát hiện ra chúng. Thoạt tiên, chân lý của tri giác cảm giác dường như đơn giản và hiển nhiên. Ta có thể tự tin dựa vào chúng nhưng khi tra khảo kỹ lưỡng hơn, thì sự việc lại không đơn giản như thế. Cái có vẻ như chắc chắn và tin cậy hóa ra lại không phải vậy. Mặt đất bắt đầu chuyển dịch dưới chân ta.

Xác tín cảm tính khởi đầu với “ở đây” và “bây giờ.” Về điều này Hegel nói:

“Vậy, chính bản thân sự xác tín cảm tính phải hỏi: ‘Cái này’ là gì? Nếu ta nắm lấy ‘Cái này’ trong hình thái nhị bội (gedoppelt: nhân đôi) của sự tồn tại của nó, như là cái Bây giờcái Ở đây, thì phép biện chứng diễn ra nơi nó sẽ có hình thức dễ hiểu hơn là nơi bản thân ‘Cái này’. Đối với câu hỏi: bây giờ là gì, ta trả lời ví dụ [bằng một trường hợp]: bây giờ là ban đêm. Để thẩm tra tính chân lý của sự xác tín cảm tính này, chỉ cần một thử nghiệm đơn giản là đủ. Ta hãy ghi lại sự thật này; một sự thật không thể mất đi do sự ghi lại, cũng không thể mất đi khi ta bảo lưu nó (aufbewahren). [Thế nhưng], bây giờ, buổi trưa này, ta nhìn lại cái sự thật đã được ghi lại kia, ta ắt buộc phải nói rằng, sự thật ấy đã ôi thiu rồi [đã lạc hậu]”30

Nhận xét này của Hegel gợi nhớ lại nghịch lý nổi tiếng của Zeno có mối liên hệ tới chuyển động. Chẳng hạn, nếu như chúng ta muốn cố định một vị trí của một mũi tên đang bay, để nói bây giờ nó ở đâu, khoảnh khắc chúng ta chỉ ra điểm đó thì nó đã bay qua rồi, và do vậy “bây giờ” không phải là cái gì đó như vậy mà là cái đã như vậy. Do vậy, điều ban đầu có vẻ như là đúng thật, hóa ra lại là sai lầm. Lý trí là phải được tìm ra trong bản chất mâu thuẫn của bản thân sự chuyển động. Chuyển động là một quá trình, không phải là một tập hợp của những điểm tách rời. Tương tự, thời gian bao gồm một số lượng vô hạn những “bây giờ”, tất cả phải được tính đến cùng nhau. Trong khi ấy “ở đây” hóa quá không phải là một “ở đây” đơn lẻ mà là một nơi phía trước và một nơi phía sau, và một nơi bên trên và một nơi bên dưới, một nơi bên phải và một nơi bên trái. Cái gì ở đây, khi là một cái cây, ở phút tiếp theo thì ở đây là một căn nhà, hoặc là một cái gì đó khác.

Tư duy biện chứng và tư duy hình thức

Áp dụng đúng đắn phương pháp biện chứng nghĩa là người điều tra phải hoàn toàn đắm mình vào nghiên cứu đối tượng, xem xét nó từ tất cả các mặt nhằm xác định các mâu thuẫn bên trong và các quy luật vận động cần thiết chi phối sự tồn tại của nó. Ví dụ kinh điển của phương pháp này có thể được tìm thấy ở 3 quyển Tư bản của Marx. Marx không phát minh ra các quy luật chi phối phương thức sản xuất tư bản một cách tùy tiện mà tìm thấy chúng từ việc phân tích biện chứng một cách cẩn trọng tất cả các khía cạnh của chủ nghĩa tư bản, bám theo sự phát triển có tính lịch sử và theo dõi quá trình sản xuất hàng hóa xuyên suốt tất cả các giai đoạn của nó.

Trong Bút ký triết học, tác phẩm chứa đựng nghiên cứu chi tiết về Khoa học logic của Hegel, Lenin chỉ ra rằng điều kiện đầu tiên cho tư duy biện chứng là “định nghĩa của khái niệm từ bản thân khái niệm (bản thân sự vật phải được xem xét trong những quan hệ của nó và trong sự phát triển của nó)”. Hay, nói cách khác, phương pháp biện chứng xuất phát từ “tính khách quan tuyệt đối của sự xem xét, (không phải thí dụ, không phải dài dòng, mà bản thân sự vật tự nó)”31

Hình thức đầu tiên và thấp nhất của tư duy là tri giác-cảm giác, tức là, thông tin trực tiếp đem lại cho ta bởi giác quan của ta – những gì ta nhìn, nghe, sờ v.v.. Theo sau nó là Giác tính (Verstand), cái tìm cách giải thích thông tin đó là gì, nhưng nó làm như vậy một cách phiến diện, tức là ghi nhận các sự kiện bị tách rời. Nói rộng ra, giác tính ở đây là đồng nhất với logic hình thức, với cách tư duy thông thường và với “lương thức thông thường.” Chúng ta thấy rằng một sự vật tồn tại, rằng nó là chính bản thân nó và không gì khác hơn bản thân nó. Dường như không còn gì nữa để nói về nó. Nhưng trong thực tế, có rất nhiều điều để nói. Giác tính thể hiện sự vật như cái bị cô lập, cố định và bất biến. Thế nhưng, thực tại không hề giống như vậy.

Hình thức tư duy cao cấp hơn là cái Hegel (và Kant) gọi là Lý tính (Vernunft). Lý tính tìm cách vượt qua các sự việc trực tiếp được thiết định bởi giác tính, phân rã chúng, hòa tan chúng, rồi đằng sau những vẻ bề ngoài dường như là cứng nhắc, nhằm bộc lộ những khuynh hướng mâu thuẫn nội tại, những cái, không sớm thì muộn, sẽ dẫn đến những chuyển hóa sâu sắc. Hegel nói, “Cuộc đấu tranh của lý tính chính là ở chỗ vượt qua những gì giác tính đã cố định cứng nhắc”32

Các hình thức tư duy thông thường, được miêu tả bởi logic hình thức, có thể được áp dụng cho bất cứ đối tượng liên quan nào bằng kiểu cách bên ngoài và tùy tiện. Thực ra, nội dung thực sự của vấn đề liên quan hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề. Logic hình thức, như được diễn đạt bởi luật đồng nhất trừu tượng (A bằng A) có vẻ như diễn đạt một sự thật không thể tranh cãi. Trong thực tế, đó chỉ là lối nói lặp thừa (tautology) trống rỗng, một “chủ nghĩa hình thức đơn sắc” hoặc như Hegel nói một cách hóm hỉnh, “là một đêm tối mò, trong đó – như người ta thường nói – mọi con bò là bò đen cả, chính là tính ngây thơ (Naivität) của sự trống rỗng về nhận thức.”33

Cái gọi là luật đồng nhất chỉ là một hình thức trừu tượng không có nội dung thực sự, không có khả năng vận động hoặc phát triển xa hơn. Nó không thể áp dụng được cho thực tại năng động của một vũ trụ không ngừng nghỉ, ở đó tất cả đều không ngừng chuyển hóa, sinh thành, rồi tiêu vong, và do vậy không thể được xem là tự bằng chính nó. Cũng vậy, luật mâu thuẫn là sai lầm bởi vì sự vật đang tồn tại thực sự chứa đựng cả sự khẳng định và sự phủ định. Nó vừa là nó vừa không phải là nó bởi vì nó không ngừng vận động và thay đổi. Chỉ có cái không thay đổi là bản thân sự thay đổi. Mọi mưu toan nhằm cố định cái đúng thật như cái gì đó phiến diện và tĩnh tại nhất định sẽ thất bại. Như Hegel diễn đạt một cách hóm hỉnh, “cái đúng thật [Chân lý] là đám rước cuồng nhiệt Thần Rượu Bacchus, nơi đó không thành viên nào là không say khướt”.34 Sự tồn tại của mâu thuẫn được phản chiếu một cách trực quan trong ý thức phổ thông dưới dạng những thành ngữ và tục ngữ, tuy nhiên, do tính cách trực quan và không có hệ thống của chúng, chúng thường mẫu thuẫn nhau. Chẳng hạn như “Một miếng thịt của người này là miếng bả của người khác”.

Trong khoa học chúng ta cũng thấy những mâu thuẫn ở mọi cấp độ, chẳng hạn hiện tượng hút và đẩy, cực Bắc và cực Nam trong từ trường, điện dương và điện âm, tác động và phản tác động trong cơ học, v.v.. Trái ngược với logic hình thức, phép biện chứng không áp đặt bản thân nó lên tự nhiên mà phát sinh ra các phạm trù của nó từ chính bản thân thực tại. Biện chứng thực sự không liên quan gì đến sự bóp méo được phác thảo ra bởi những người phê phán nó, những người cố gắng biểu thị nó như là một trò chơi ngôn từ chủ quan và tùy tiện. Đó thực ra là biện chứng của lối Ngụy biện, cái, giống như logic hình thức, cũng được áp dụng theo cách thức từ bên ngoài tới bất cứ nội dung cho trước nào đó với ý định thao túng những mâu thuẫn một cách chủ quan. Phép biện chứng cũng không có gì liên quan tới sự đơn giản hóa quá mức của cấu trúc “nhịp ba” (chính đề, phản đề, hợp đề), được Kant chấp nhận và biến thành công thức không có sự sống. Bằng các phương pháp phân tích khách quan một cách chặt chẽ, biện chứng thực sự tìm cách phát hiện ra logic nội tại và các quy luật vận động của một hiện tượng nào đó.

Logic của Hegel

Logic của Hegel là một trong những đỉnh cao của tư duy nhân loại. Đó là sự trình bày và phát triển có hệ thống về mọi hình thức tư duy, từ tư duy sơ khai chưa phát triển, cho tới hình thức cao nhất ở tư duy biện chứng mà Hegel gọi là Khái niệm.

Ông khởi đầu với mệnh đề tổng quan nhất có thể – đó là về “tồn tại thuần túy” – một cái gì đó dường như không cần thêm bằng chứng. Từ ý tưởng cực kỳ trừu tượng này, ông tiến hành, từng bước một, theo một tiến trình dẫn dắt từ cái trừu tượng đến cái cụ thể.

Quá trình suy luận này tiến hành theo các giai đoạn, ở đó mỗi giai đoạn phủ định giai đoạn trước đó. Lịch sử tư duy, đặc biệt là lịch sử triết học và khoa học, chỉ ra rằng người ta đạt được tri thức chính xác theo cách ấy, một quá trình không kết thúc ở đó chúng ta đạt được ý niệm chính xác ngày càng tăng lên về sự vận động của vũ trụ. Nơi Hegel, mỗi giai đoạn ngay khi được khẳng định thì cũng bị phủ định, và kết quả là một ý niệm cao hơn, phong phú hơn và cụ thể hơn.

Trong phác thảo tổng quan, Logic của Hegel có thể được chia làm 3 phần: Học thuyết về Tồn tại, Học thuyết về Bản chất (bản chất bản thể) và Học thuyết về Khái niệm.

Hegel bắt đầu triết học của ông với phạm trù cơ bản nhất của tư duy – phạm trù Tồn tại. Hiển nhiên, bất cứ cái gì mà chúng ta xem xét phải tồn tại, trước mọi thứ khác. Điều đó dường như là cơ sở cho mọi tri thức của chúng ta. Nhưng sự vật không đơn giản như vậy. Một tuyên bố trần trụi về sự tồn tại, mà không có những chi tiết sâu hơn, thì không đưa chúng ta đi xa lắm. Chúng ta muốn biết nhiều hơn. Nhưng khoảnh khắc chúng ta vượt qua ý niệm trừu tượng về tồn tại nói chung để đi đến ý niệm cụ thể, thì tồn tại chuyển thành cái đối lập với nó. Hegel chỉ ra rằng tồn tại nói chung thì cũng giống như hư vô.

Ý tưởng này dường như thật kỳ lạ, nhưng thực ra có thể thấy là đúng thật ở nhiều cấp độ khác nhau. Nếu như chúng ta loại bỏ mọi mâu thuẫn khỏi sự vật, rồi bám vào ý tưởng cho rằng chúng chỉ là chúng, chúng ta đi đến kết luận đối lập, bởi vì không thể có tồn tại mà không có hư vô, cũng như không thể có sự sống mà không có cái chết, và không thể có ánh sáng mà không có bóng đêm. Những người đã sống một thời gian dài ở Vùng cực biết rằng đối với thị giác con người tác động của toàn một màu trắng cũng giống hệt như toàn một màu đen.

Trong thực tế, đó là sự trừu tượng trống rỗng, bởi vì nó thiếu vắng mọi sự cụ thể. Trong thực tại, sự thống nhất giữa tồn tại và hư vô là sự trở thành (becoming). Đó chính là điều Heraclitus muốn nói khi ông nói “tất cả đều tồn tại và đồng thời cũng không tồn tại, bởi vì tất cả đều trôi qua” Mọi người biết từ trải nghiệm rằng mọi thứ thường không như chúng có vẻ như vậy. Các sự vật mà có vẻ như ổn định, cho nên ta có thể nói “chúng là,” khi được xem xét kỹ lưỡng hơn hóa ra lại không ổn định, và biến đổi thành cái khác, và “chúng không là.” Hơn nữa, mâu thuẫn này giữa tồn tại và hư vô là nền tảng cho mọi sự sống và sự vận động.

Ở Hegel, phạm trù tồn tại thể hiện giai đoạn tư duy sơ khai, chưa được khai triển. Chính tư duy chỉ là một tiềm tàng, giống như tư duy của một đứa trẻ nhỏ, hoặc của người nguyên thủy. Đó là tư duy còn ở dạng phôi thai. Một phôi thai bắt đầu là một tế bào đơn mà không có những đặc trưng phát triển rõ ràng. Nó không thể xác định một cách rõ ràng như một con người. Để phát triển, nó đầu tiên phải phủ định chính nó. Bên trong tế bào, tồn tại những khuynh hướng mâu thuẫn làm phát sinh một quá trình biệt hóa nội tại. Khi những khuynh hướng xung đột này đạt tới một điểm nhất định, tế bào chia làm đôi. Tế bào gốc, chưa biệt hóa đã ngừng tồn tại. Nó đã bị hủy bỏ, bị phủ định. Nhưng cùng lúc, nó được bảo tồn, và được đưa đến mộ trình độ cao hơn. Quá trình này được lặp lại nhiều lần, làm nảy sinh một tổ chức đang tăng trưởng, và một sự phức tạp lớn hơn, cùng với những đặc trưng có thể phân biệt được rõ ràng hơn, cuối cùng phát sinh một con người hoàn chỉnh.

Vấn đề là ở chỗ, trong đời thực, mặt phủ định của sự vật cũng quan trọng ngang bằng mặt khẳng định. Chúng ta đã quen xem sự sống và cái chết là những cực hoàn toàn đối lập nhau. Nhưng trong thực tế, chúng là hai phần của cùng một quá trình, và không thể chia tách được. Quá trình của sự sống, sự tăng trưởng và phát triển chỉ có thể diễn ra thông qua sự làm mới không ngừng của tất cả các tế bào của sinh vật, một số chết đi, một số khác sinh ra. Ngay cả ở mức độ sơ khai nhất, sự sống bao hàm sự chuyển hóa không ngừng ở đó sinh vật không ngừng hấp thu thức ăn từ môi trường xung quanh và sử dụng thức ăn để tạo nên chính bản thân nó, rồi đào thải những chất cặn bã. Do vậy, mọi sinh vật sống vừa là nó vừa không phải là nó cùng lúc, bởi vì tất cả đều trong trạng thái trôi chảy không ngừng. Sống mà không có mâu thuẫn là thiếu đi mọi sự chuyển hóa bên trong, là không có sự vận động, là ở trạng thái cân bằng tĩnh tại – nói ngắn, là chết.

Như Prigonine và Stengers nói:

“Tế bào sống thể hiện hoạt động trao đổi chất không ngừng nghỉ. Hàng ngàn những phản ứng hóa học diễn ra cùng lúc để chuyển hóa vật chất nuôi dưỡng tế bào, để tổng hợp các phân tử sinh học cơ bản, và loại bỏ những sản phẩm thải. Còn đối với cả nhịp độ phản ứng khác nhau lẫn vị trí phản ứng khác nhau bên trong tế bào, thì hoạt động hóa học này được phối hợp ở mức độ cao. Do vậy cấu trúc sinh học phối hợp trật tự và hoạt động. Trái ngược, một trạng thái cân bằng vẫn trơ ì cho dù nó có thể có cấu trúc, chẳng hạn, như đối với một tinh thể.”35

Thoạt nhìn, các quan sát như vậy có thể dường như là những sự tinh tế vô nghĩa. Trong thực tế, chúng lại là những phản ánh cực kỳ sâu sắc, không chỉ áp dụng được cho tư duy mà cho cả giới tự nhiên. Và, mặc dầu điều đó không phải bao giờ cũng là hiển nhiên, điều tương tự cũng đúng đối với giới tự nhiên vô tri vô giác. Thực ra, Hegel cho rằng cả hai được gắn kết với nhau mà không thể tách rời. Heraclitus nói “Tất cả đều trôi chảy và không có gì ngừng lại”. “Bạn không bao giờ tắm hai lần trong cùng một dòng sông.” Hegel ở đây cũng nói như vậy. Tại cốt lõi của triết học này là quan điểm năng động về vũ trụ; một quan điểm coi sự vật là những quá trình sống chứ không phải là những đối tượng đã chết; ở những mối liên hệ qua lại thiết yếu của nó, chứ không phải ở những bộ phận và mảnh vụn rời rạc, hoặc ở những liệt kê tùy tiện; như là cái toàn bộ, tức là cái lớn hơn tổng cộng của những bộ phận.

Lượng và Chất

Mọi sự vật đều có thể được nhìn nhận từ hai quan điểm – chất và lượng. Thực tế là thế giới bao gồm toàn bộ những quá trình mà chúng luông biến đổi không có nghĩa là sự vật thực sự không có một hình thức tồn tại xác định, một đặc tính nhận dạng. Nhưng một vật thay đổi bao nhiêu, nó vẫn như vậy trong những giới hạn nhất định, một hình thức tồn tại phân biệt về chất, phân biệt với cái khác. Chính sự xác định về chất này đem lại cho sự vật tính ổn định, phân biệt hóa chúng, và làm cho thế giới phong phú và vô cùng đa dạng.

Các thuộc tính của một sự vật là những cái làm nên sự vật đó. Nhưng phương diện chất này không quy giản thành những thuộc tính tách rời của nó được. Nó được gắn kết với sự vật như một tổng thể. Do vậy, con người không chỉ là một sự lắp ghép của mô xương, máu, cơ bắp v.v.. Sự sống bản thân nó là một hiện tượng phức tạp mà không thể quy giản thành tổng cộng của các phân tử riêng lẻ của nó mà nó nảy sinh từ những tương tác giữa các phân tử ấy. Sử dụng thuật ngữ hiện đại trong lý thuyết về sự phức tạp, sự sống là một hiện tượng phát sinh [emergent phenomenon].

Mối quan hệ giữa cái toàn bộ và cái bộ phận được Hegel đề cập chi tiết, ông viết:

“Chẳng hạn, những phần tử và những cơ quan của một cơ thể sống không thể được xem xét đơn thuần như những bộ phận của nó, bởi chúng chỉ là chúng trong sự thống nhất của chúng và tuyệt nhiên không phải dửng dưng đối với sự thống nhất ấy. Những phần tử và cơ quan chỉ trở thành ‘những bộ phận’ đơn thuần dưới tay của nhà giải phẫu học, nhưng, cũng vì thế, nhà giải phẫu học chỉ làm việc với những xác chết chứ không phải với những cơ thể sống. Điều này không hề muốn nói rằng việc tháo rời như thế là không nên xảy ra, trái lại, chỉ muốn nói rằng mối quan hệ ngoại tại và cơ giới giữa cái toàn bộ và những bộ phận không đủ để nhận thức về sự sống hữu cơ trong chân lý của nó”36

Thật thú vị khi để ý rằng những tư tưởng mới nhất đã thu hút trí tưởng tượng của một bộ phận quan trọng trong cộng đồng khoa học – lý thuyết hỗn độn và sự phức tạp – từ lâu đã được Hegel dự báo trước, và ở nhiều phương diện, dưới tay ông nó đã nhận được sự nghiên cứu toàn diện hơn rất nhiều. Ví dụ điển hình là giải thích của ông về sự chuyển hóa từ lượng sang chất, ở đó một sự tích lũy của những thay đổi nhỏ mang lại một sự thay đổi đột ngột về chất.

Cùng với chất tức là cái quy định các đặc tính cơ bản của một đối tượng, tất cả đều sở hữu các đặc tính về lượng – một độ lớn, số lượng, thể tích, tốc độ xác định thuộc các quá trình của nó, mức độ phát triển của các thuộc tính và vân vân. Phương diện lượng của sự vật cho phép chúng có thể được chia nhỏ ra (trong thực tế hoặc trong ý nghĩ) thành các thành phần cấu thành của nó và lại tổng hợp chúng lại. Trái ngược với chất, sự thay đổi về lượng không làm thay đổi bản chất của cái toàn bộ, hoặc gây ra sự phá hủy của nó. Chỉ khi đạt tới một giới hạn xác định, cái ở mỗi tình huống là khác nhau, thì những thay đổi của lượng tính mới gây ra sự biến đổi đột ngột về chất.

Trong toán học, phương diện lượng của sự vật bị tách ra khỏi nội dung của chúng và được xem là cái gì đó độc lập. Tính áp dụng cực kỳ rộng khắp của toán học vào các lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ cùng với những nội dung rất khác biệt được lý giải bởi sự thật là nó thuần túy giải quyết những quan hệ về lượng. Ở đây, người ta cho rằng, không thể quy giản chất thành lượng. Đó là sai lầm căn bản mà Marx và Engels xem là hình thức tư duy Siêu hình, và ngày nay nó được định nghĩa là quy giản luận [reductionism]. Trong thế giới thực không có cái gì chỉ gồm có lượng, cũng như không có cái gì thuần túy là chất. Tất cả trong thực tại bao gồm sự thống nhất giữa lượng và chất mà Hegel gọi là Hạn độ [Measure].

Hạn độ là sự thống nhất hữu cơ giữa lượng và chất. Như chúng ta đã thấy, mọi đối tượng phân biệt về chất bao gồm những thành phần có tính lượng cơ động và biến đổi. Các sinh vật sống tăng trưởng ở một tốc độ nhất định. Khí và chất lỏng bị tác động bởi những thăng giáng nhiệt độ. Hành vi của giọt nước hoặc của một đống cát được xác định bởi kích thước của nó và v.v.. Những biến đổi ấy, tuy vậy, nhất thiết bị ràng buộc bởi những giới hạn xác định, những giới hạn ấy khác biệt trong từng tình huống, nhưng trong thực tế thường có thể khám phá được. Vượt qua giới hạn này, thay đổi về lượng đem lại một sự biến đổi về chất. Đến lượt nó, thay đổi về chất đem lại một sự thay đổi ở các thuộc tính về lượng của nó. Không chỉ là những thay đổi từ lượng sang chất mà còn là quá trình ngược lại, ở đó một sự thay đổi về chất gây ra một sự thay đổi về lượng. Những điểm quan trọng của sự chuyển tiếp từ trạng thái này sáng trạng thái khác được diễn tả như những nút thắt trong sợi dây có thắt nút của hạn độ của Hegel.

Bản chất

Học thuyết về Bản chất là phần quan trọng nhất của triết học Hegel, bởi vì ở đây ông giải thích chi tiết về biện chứng. Tư duy nhân loại không dừng lại ở những gì trực tiếp đem lại bằng tri giác cảm giác mà tìm cách vượt khỏi nó và nắm bắt được vật-tự-thân. Vượt qua hiện tượng, chúng ta tìm kiếm bản chất của sự vật. Nhưng bản chất ấy không ngay lập tức tiếp cận được. Chúng ta có thể nhìn thấy mặt trời và mặt trăng, nhưng chúng ta không thể “nhìn thấy” các định luật hấp dẫn. Để vượt qua hiện tượng, tư duy phải chủ động tham dự, nhằm phá vỡ những gì chúng ta đã học được trước đó thông qua giác tính. Nếu như giác tính là khẳng định, quả quyết một sự vật nào đó “là” gì, thì suy luận biện chứng về căn bản là phủ định, ở chỗ nó giải thể cái “là” gì, rồi bộc lộ ra những mâu thuẫn bên trong, những mâu thuẫn sẽ tất yếu phá hủy nó.

Mâu thuẫn cái nằm trong cốt lõi của tất cả sự vật được thể hiện thành tư tưởng về sự thống nhất giữa các mặt đối lập. Một cách biện chứng, những gì có vẻ như là những hiện tượng loại trừ lẫn nhau thực ra là không thể tách rời, như Hegel giải thích:

“Nơi các khẳng định và cái phủ định, ta tưởng rằng đang có một sự khác biệt tuyệt đối. Tuy nhiên, cả hai , tự-mình [mặc nhiên] là một cái, và vì thế, ta có thể gọi cái khẳng định là ‘cái phủ định’ nếu ta thích, và, ngược lại, cũng có thể gọi cái phủ định là ‘cái khẳng định’. Thật thế, ‘có’ và ‘nợ’ không phải là hai loại ‘có’ đặc thù, tự tồn độc lập. Cái ‘phủ định’ đối với người mắc nợ là cái ‘khẳng định’ đối với người chủ nợ. Điều ấy cũng đúng cho con đường đi về hướng đông: nó cũng đồng thời là con đường đi về hướng tây. Như thế cái khẳng định và cái phủ định, về bản chất, điều kiện hóa lẫn nhau và [chúng chỉ là chúng] trong tương quan với một cái khác. Cực bắc của nam châm không thể có mà không có cực nam, và cực nam không thể có mà không có cực bắc. Nếu ta cắt một thỏi nam châm ra làm hai, ta không có một phần cực bắc và phần kia là cực nam. Cũng thế, nơi điện, điện dương và điện âm là hai dòng điện khác nhau, tự tồn độc lập.”37

Trong tiến trình phân tích, Hegel liệt kê một loạt những giai đoạn quan trọng: khẳng định và phủ định, tất yếu và ngẫu nhiên, lượng và chất; nội dung và hình thức, hút và đẩy; và vân vân. Một trong các đặt trưng của Bản chất là tính tương đối – tất cả đều có liên hệ với những thứ khác, trong một mạng lưới tương tác phổ biến. Quy luật cơ bản của tri thức sơ cấp (giác tính) là luật đồng nhất (“A = A”). Nó được chấp nhận rộng rãi làm cơ sở cho tất cả những gì chúng ta biết. Ở chừng mực nào đó, điều đó là đúng. Không có luật đồng nhất, tư duy mạch lạc là không khả thi. Chúng ta biết chắc về thực tế cơ bản của tồn tại, rồi tập trung sự chú ý của chúng ta vào một sự vật cụ thể. Nhưng, tính đồng nhất bao hàm tính khác biệt. Một con mèo là một con mèo, bởi vì nó không phải là một con chó, một con chuột, một con voi, vân vân. Để xác lập tính đồng nhất chúng ta ắt phải so sánh cái gì đó với cái khác.

Trong đời thực, không có cái thuần túy là chính nó, như hàm ý bởi luật đồng nhất mặc cho tính cách tuyệt đối hiển nhiên của quy luật ấy. Tất cả đều được qui định bởi tất cả những cái khác. Theo nghĩa tất cả là tương đối. Như Engels đã nhận xét: “Tính chân thực của những quy định của ‘bản chất’ do chính Hegel chỉ ra (Bách khoa toàn thư, ph. I. ĐIII, Phụ chú): ‘Trong bản chất mọi cái đều tương đối’. (Thí dụ, cái tích cực và cái tiêu cực thì chỉ có nghĩa khi đặt trong mối tương quan với nhau, chứ không có nghĩa nếu xét mỗi cái đối với bản thân nó).”38

Không những thế. Không có cái đơn giản, như cũng được hàm ý trong luật đồng nhất. Như chúng ta chứng kiến trong mối quan hệ với một tế bào hoặc phôi đơn giản, một tồn tại cụ thể, đối lập với tồn tại trừu tượng thuần túy của cái đơn thuần “đồng nhất”, phải bao chứa sự biệt hóa bên trong. Vả lại, sự phân biệt hóa này chứa đựng những hạt giống của sự mâu thuẫn. Để phát triển, để sống, tế bào phải chứa đựng khuynh hướng đi tới sự tự tan rã, đi tới sự phân chia, đi tới sự phủ định. Trong thực tế, sức căng nội tại ấy là nền tảng cho mọi sự sống. Nhưng người ta có thể tìm thấy sức căng ấy cả ở những vật thể không sống, chẳng hạn như hiện tượng sức căng bề mặt của một giọt nước, cái giữ cho các phân tử theo một trật tự nhất định, và ở vô vàn những ví dụ khác.

Mưu toan xua đuổi mâu thuẫn khỏi tư duy đã trở thành nỗi ám ảnh của các nhà logic học trong nhiều thế kỷ. Hegel là người đầu tiên chỉ ra rằng, trong thực tế, mâu thuẫn có mặt ở cốt lõi của tất cả những gì thực sự tồn tại. Nếu chúng ta tìm cách nghĩ tới một thế giới không có mâu thuẫn, như logic hình thức truyền thống cố làm, thì tất cả những gì chúng ta đạt được là đưa vào trong tư duy những mâu thuẫn không thể giải quyết được. Đó là ý nghĩa thực sự của những “nghịch lý” (“antimonies”) của Kant. Tách rời đồng nhất và khác biệt, tìm cách phủ nhận sự tồn tại của mâu thuẫn, sẽ đưa tư duy đến chủ nghĩa hình thức trống rỗng và khô cằn.

Hiện tượng và bản chất

Hầu hết mọi người nhận ra rằng “các hiện tượng dễ khiến ta nhầm lẫn.” Tuy nhiên, điều đó chỉ là đúng thật một cách tương đối. Để đi tới một sự hiểu biết về bản chất của một sự vật, chúng ta phải bắt đầu bằng một sự quen thuộc với chính xác những “hiện tượng” ấy, nghĩa là, với tất cả những đặc trưng vật lý, thuộc tính và khuynh hướng mà chúng ta có thể quan sát. Trong quá trình phân tích ấy, điều trở nên rõ ràng là những sự kiện nhất định có thể được bỏ qua do “không có tính bản chất”, và, dần dần, chúng ta đi đến những đặc tính căn bản nhất về đối tượng đang xem xét.

Người ta thường hay nói về một người nào đó “đúng, nhưng anh ta thực sự không như vậy.” Ý muốn nói là những người đó không phải như họ dường như vậy. Vẻ bề ngoài là vậy nhưng bản chất thì được cho là hoàn toàn khác. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng. Nếu chúng ta chỉ quen biết sơ qua với một người, thì đúng là chúng ta không thể hình thành một ấn tượng chính xác về anh ta hay chị ta dựa trên cơ sở hành vi của họ. Hành vi ấy có thể hoàn toàn không điển hình. Nhưng nếu chúng ta đã biết về những người trong một thời gian dài, chúng ta có đủ lý do để tin rằng chúng ta biết họ là người như thế nào. Đúng là chúng ta phải dựa vào “vẻ bề ngoài” bởi vì không còn gì khác để dựa vào. Kinh thánh nói “bằng kết quả của họ bạn sẽ hiểu họ” và điều đó là đúng. Khi con người sống và hành động, thì họ là như vậy. Không còn gì khác để mà tìm kiếm.

Đây là sai lầm căn bản của Kant, khi ông tìm cách vạch ra phân giới giữa các hiện tượng và “sự vật” huyền bí nào đó bên trên trải nghiệm cái được cho là mãi mãi vượt qua tri thức nhân loại. Thực tế, một khi chúng ta biết tất cả thuộc tính của một sự vật, thì chúng ta biết về bản thân sự vật. Chúng ta có thể bị giới hạn tại một thời điểm nào đó trong thời gian bởi sự thiếu thông tin, nhưng, về nguyên tắc, không có gì bị ngăn cản mãi mãi trước tri thức nhân loại, trừ một điều – hiểu biết tất cả về vũ trụ vô tận. Đó không phải là giới hạn thực sự mà chỉ đơn giản là một sự diễn đạt của mối quan hệ biện chứng giữa bản chất hữu hạn của những cá nhân, và một vũ trụ vô hạn, cái không ngừng bộc lộ những bí ẩn mới. Và mặc dù tri thức cụ thể của một con người là hữu hạn, từ thế hệ này sang thế hệ khác, toàn bộ tri thức và hiểu biết của con người sẽ tăng lên. Quá trình học hỏi là quá trình vô tận. Đúng vậy sự mê hoặc của nó và vẻ đẹp của nó nằm ở trong quá trình ấy.

Chúng ta xuất phát từ cái đã biết, để khám phá ra cái chưa biết. Sự vật này dẫn đến sự vật khác. Một bác sĩ, dựa vào tất cả tri thức của bản thân về y học và kinh nghiệm trong quá khứ, cẩn trọng khám xét tất cả các triệu chứng đang có và đi đến một chẩn đoán. Một thủy thủ sẽ nghiên cứu gió và thủy triều để dự đoán các khả năng ra khơi. Bằng cách này, bản chất được biểu lộ thông qua hiện tượng, mặc dù nó đòi hòi một kỹ năng và hiểu biết nhất định để đi từ cái này đến cái khác.

Một trong những sai lầm lớn nhất có thể mắc phải khi xem xét những quá trình diễn ra trong xã hội là tiếp cận chúng như là tĩnh tại và cố định, nghĩa là, từ lập trường của logic hình thức. Người ta thường mắc phải thành kiến đầu óc hẹp hòi được giả trang thành “sự khôn ngoan thực tế”. Người ta nó rằng “Con người sẽ không bao giờ thay đổi”, “sự vật bao giờ cũng sẽ như vậy,” và “chẳng có gì mới dưới ánh dương.” Cách tư duy hời hợt này giả bộ như là sâu sắc, nhưng thực ra chỉ bộc lộ một dạng vô minh khi tự bằng lòng với chính mình. Không có một suy luận lý tính nào cho những khẳng định như vậy. Thường thường người ta cố gắng gán cho nó một cơ sở sinh học, với những tham chiếu mơ hồ về cái gọi là “bản chất con người,” mà chúng ta ngay lập tức suy ra rằng cá nhân đang được nói đến không biết gì về con người hay bản chất của con người.

Cách tư duy này bị giới hạn hoàn toàn vào trải nghiệm hẹp hòi của chính bản thân nó về thế giới hiện tượng theo hướng hời hợt nhất. Nó rất giống một người không ngừng trượt trên bề mặt mà không đoái hoài gì đến độ dày mỏng của lớp băng. Chín trong số mười lần, người ấy có thể may mắn thoát nạn. Thế nhưng, một ngày, anh ta thấy mình đang chết chìm trong làn nước băng giá. Chính xác tại thời điểm đó, anh ta bắt đầu nhận ra rằng có lẽ băng lớp băng không cứng nhưng nó có vẻ như vậy.

“A là A”. Bạn là bạn. Tôi là chính tôi. Mọi người là mọi người. Đồng pexeta là đồng pexeta. Xã hội là xã hội. Công đoàn là công đoàn. Những câu như vậy dường như làm ta yên lòng, nhưng trong thực tế là trống rỗng thiếu mọi nội dung. Chừng nào chúng còn diễn đạt về một điều gì đó, thì đó là tư tưởng cho rằng tất cả đều là chính bản thân nó, và không có cái gì thay đổi. Thế nhưng, trải nghiệm cho ta biết một điều gì đó khác. Sự vật không ngừng thay đổi, và, đến một điểm tới hạn, một thay đổi nhỏ về lượng có thể sinh ra những biến đổi lớn lao.

Hình thức và nội dung

Trong sự vật tồn tại nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn, mẫu thuẫn giữa hình thức và nội dung. Mỗi người làm vườn đều biết rằng một hạt giống được trồng cẩn thận trong một cái chậu sẽ sinh ra một cái cây. Ban đầu, cái chậu bảo vệ cái cây non và giúp nó tăng trưởng. Nhưng đến một giai đoạn nhất định, bộ rễ trở nên quá to so với không gian cho phép. Người làm vườn phải lấy nó ra khỏi cái chậu, hoặc nó sẽ chết. Tương tự, phôi thai con người được bảo vệ trong tử cung của người mẹ trong 9 tháng. Tại thời điểm đó, một giai đoạn quan trọng đã tới hoặc đưa bé phải được chia tách ra khỏi cơ thể người mẹ, hoặc cả hai sẽ bị nguy hiểm. Những ví dụ ấy về sự mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung là đã được hiểu rõ. Một ví dụ khác có thể là cách thức ở đó các lực tích lũy bến dưới lớp vỏ trái đất cuối cùng sẽ sinh ra một trận động đất.

Những lực tương tự tích lũy bên trong xã hội, cái cũng có những “đường đứt gẫy” của nó. Tác động của những lực ấy là không nhìn thấy được cũng giống như tác động không nhìn thấy được của những lực đã gây ra trận động đất. Đối với một người quan sát hời hợt, chẳng có gì đang diễn ra. Tất cả đều “bình thường”. Tuy nhiên, một người quan sát có kỹ năng có năng lực phát hiện những triệu chứng của hoạt động xã hội ở bên dưới, cũng giống như một nhà địa chất học có năng lực có thể đọc hiểu địa chấn đồ. Trotsky có lần định nghĩa lý thuyết này là “sự ưu việt của khả năng nhìn xa so với sự kinh ngạc.” Chính định mệnh của tư duy duy nghiệm và hời hợt là bao giờ cũng bị kinh ngạc, giống như một người ngã xuyên qua lớp băng. Đó là cái giá người ta phải trả khi nhầm lẫn hiện tượng với bản chất và hình thức với nội dung.

Bản chất của một sự vật là toàn bộ các thuộc tính căn bản nhất của nó. Nhiệm vụ của phân tích biện chứng là xác định những thuộc tính ấy. Ở mỗi trường hợp nó phải nhận ra rằng tồn tại sự mâu thuẫn tiềm tàng giữa tình trạng hiện tại và những xu thế có khuynh hướng hủy bỏ nó. Trong cơ học cổ điển, tư tưởng về một sự cân bằng hoàn hảo giữ một vai trò trung tâm. Sự vật có khuynh hướng trở lại sự cân bằng. Chí ít, đó là theo lý thuyết. Trong đời thực, một sự cân bằng hoàn hảo là rất hiếm. Mỗi khi đạt được một sự cân bằng, nó có khuynh hướng là tạm thời và không ổn định. Sự phát triển và thay đổi bao hàm điều đó. Trong phòng hồi sức tăng cường ở một bệnh viện, “sự cân bằng” báo hiệu cái chết.

Khi nói đến các thuộc tính của một sự vật, người ta thường quen dùng động từ “có.” (Lửa có thuộc tính đốt cháy; con người có các thuộc tính hít thở, suy nghĩ, ăn, v.v..) Điều đó đem lại một ý tưởng sai lầm. Một đứa trẻ có một cây kem. Một người phụ nữ có một con chó. Mối quan hệ ở đây là bất tất và ngoại tại, bởi vì đứa bé và người phụ nữ có thể không có những thứ ấy, và vẫn là một đứa trẻ và một người phụ nữ. Sự vật không “có” các thuộc tính. Nó là toàn bộ các thuộc tính. Tháo bỏ những thuộc tính ấy và chúng ta còn lại không gì hết, cái thực sự là Vật-Tự-Thân của Kant. Đó là một tư tưởng cự kỳ quan trọng mà chỉ giờ đây mới bắt đầu nhận thức được bởi các nhà khoa học. Cái toàn bộ không thể quy giản thành tổng cộng của những cái bộ phận, bởi vì khi bước vào một mối quan hệ năng động, những bộ phận bản thân chúng trở nên bị chuyển hóa, và phát sinh một tình huống hoàn toàn mới, bị chi phối bởi các định luật khác nhau về chất.

Có thể thấy hiện tượng này trong xã hội. Trotsky đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân, không có tổ chức, thì chỉ là “chất liệu thô cho sự bóc lột.” Sự thật ấy được bộc lộ mạnh mẽ trong những giai đoạn như hiện tại, khi công đoàn bị loại bỏ và bị xói mòn ở nhiều công xưởng. Về mặt lịch sử, phong trào công nhân tổ chức bản thân họ đem lại một sự chuyển biến hoàn toàn cho tình thế. Lượng biến đổi thành chất. Trong khi những người công nhân đơn lẻ là bất lực, giai cấp được tổ chức thành một giai cấp có sức mạnh khổng lồ, ít nhất là ở dạng tiềm tàng. Không một bánh xe dịch chuyển, không một điện thoại nào đổ chuông, không một bóng đèn thắp sáng nếu như giai cấp công nhân không cho phép. Bằng ngôn ngữ của Hegel, giai cấp công nhân trước khi được tổ chức, chỉ là một giai cấp “tự mình” (tức là, một tiềm năng chưa được hiện thực hóa). Một khi nó trở thành có tổ chức và ý thức về sức mạnh của nó, nó trở thành một giai cấp “cho-mình.” Dĩ nhiên, Hegel còn xa mới rút ra những kết luận cách mạng rõ ràng như vậy từ phương pháp biện chứng của ông. Là một nhà duy tâm, quan tâm chủ đạo của ông là thể hiện phép biện chứng như là một quá trình phát triển của Tinh thần. Các mối quan hệ thực sự bị đứng bằng đầu, và thế giới thực được thể hiện trong một hình thức thần bí. Nhưng nội dung thực sự không ngừng tìm ra con đường của nó qua đám sương mù dày đặc của chủ nghĩa duy tâm, giống như các tia sáng đâm xuyên qua những tảng mây.

Về bản chất, như Engels chỉ ra, tất cả là tương đối. Sự vật sở dĩ là sự vật nhờ vào những mối liên hệ qua lại với sự vật khác. Điều đó cũng có thể thấy được trong xã hội. Sự vật thường được tin là những thực th có thật, trong thực tế, là sản phẩn của những mối liên hệ cụ thể, cái đã chìm quá sâu vào trong ý thức con người đến nỗi họ nhận lấy động lực của sự thành kiến. Một trong những thứ ấy là thể chế quân chủ:

Như Trotsky nhận định:

"Những đầu óc thơ ngây nghĩ rằng vương quyền nằm ở chính bản thân vị vua, ở áo choàng lông chồn và vương miện của ông ta, ở xương thịt của ông ta. Thực chất, vua là mối liên hệ giữa mọi người. Vị vua sở dĩ là vua chỉ vì những lợi ích và thành kiến của hàng triệu người được khúc xạ qua con người ông ta. Khi cơn lũ của sự phát triển quét sạch những mối liên hệ ấy, thì ông vua có vẻ như chỉ còn là một kẻ phờ phạc với cái môi trề. Kẻ đã từng được gọi là Alfonso XIII có thể đàm luận từ những ấn tượng tươi mới này.

“Lãnh đạo theo ý chí của mọi người khác với lãnh đạo theo ý chí của Thượng đế ở chỗ kẻ trước buộc phải dọn đường cho chính mình hoặc, bằng mọi cách, giúp tình thế của những sự kiện đang khám phá ra anh ta. Mặc dầu vậy, lãnh đạo bao giờ cũng là mối quan hệ giữa mọi người, một cá nhân đáp ứng được đòi hỏi tập thể. Tranh cãi về tính cách của Hitler trở nên sắc nhọn hơn, người ta tìm thấy ở hắn càng nhiều bí quyết cho sự thành công của hắn. Trong lúc ấy, nhân vật chính trị khác có thể khó tìm thấy bí quyết với cùng biện pháp tập trung của những động lực lịch sử ẩn danh. Không phải mọi tiểu tư sản bị kích động đều có thể trở thành Hitler, nhưng một chút Hitler có trong mọi tiểu tư sản bị kích động.”39

Tất nhiên và ngẫu nhiên

Khi phân tích chi tiết hơn bản chất của tồn tại trong tất cả những biểu lộ khác nhau của nó, Hegel giải quyết mối quan hệ giữa khả năng và hiện thực, và giữa tất yếu và ngẫu nhiên (“bất tất”). Chúng ta sẽ quay lại vấn đề tất yếu và ngẫu nhiên sau, bởi vì nó chiếm giữ một vai trò trung tâm trong khoa học hiện đại, và vẫn còn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Trong quan hệ với vấn đề này, điều quan trọng là phải làm rõ một trong những câu nói nổi tiếng (hoặc khét tiếng) của Hegel: “Cái gì hợp lý tính thì tồn tại, và cái gì tồn tại thì hợp lý tính” (Hegel, Triết học pháp quyền, tr. 10). Thoạt tiên, tuyên bố ấy dường như là bí ẩn, và cũng phản động, bởi vì nó dường như hàm ý rằng tất cả những gì tồn tại là hợp lý tính, và do đó đã được biện hộ. Thế nhưng, đó tuyệt nhiên không phải là điều Hegel muốn nói, như Engels giải thích:

“Song theo Hegel thì tính hiện thực quyết không phải là thuộc tính có thể đem gán cho một loạt tình trạng xã hội hay chính trị nhất định nào đó, trong mọi hoàn cảnh và trong mọi lúc. Trái lại, Cộng hòa Roma là hiện thực, nhưng đế quốc Roma thế chân nó, cũng lại là hiện thực. Nền quân chủ pháp năm 1789 đã trở thành không hiện thực, nghĩa là đã mất hết tính tất yếu, đã trở thành không hợp lý đến nỗi nó đã bị cuộc Đại cách mạng thủ tiêu, cuộc cách mạng mà Hegel luôn luôn nhắc đến một cách hết sức nhiệt tình. Do đó, ở đây, chế độ quân chủ là không hiện thực, mà cách mạng là hiện thực. Và cũng như vậy, trong quá trình phát triển, tất cả những gì trước đây là hiện thực thì hiện nay trở thành không hiện thực, mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại, mất tính hợp lý của chúng; và hiện thực mới, đầy sinh lực, thay thế cho hiện thực đang tiêu vong, – thay thế một cách hòa bình nếu cái cũ tỏ ra biết điều để đi vào cõi chết mà không phản kháng lại; thay thế một cách bạo lực nếu cái cũ phản kháng lại sự tất yếu đó. Như vậy là thông qua biện chứng của Hegel mà mệnh đề trên của Hegel đã chuyển thành một cái đối lập với nó: tất cả những gì là hiện thực trong lĩnh vực của lịch sử loài người thì lâu dần cũng trở thành không hợp lý, thành không hợp lý do tính quy định của nó, thành bị nhiễm từ trước bởi tính không hợp lý; và tất cả những gì là hợp lý ở trong đầu óc con người thì được quy định là trở thành hiện thực, dù có mâu thuẫn đến đâu chăng nữa với cái hiện thực bề ngoài hiện đang tồn tại. Theo tất cả các quy tắc của phương pháp tư duy của Hegel thì mệnh đề về tính hợp lý của mọi cái gì là hiện thực, đã chuyển thành một mệnh đề khác: mọi cái đang tồn tại đều đáng tiêu vong.” (Engels, Lugwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức, Marx-Engels 1984, tr. 362.)

Một hình thái xã hội nhất định là “hợp lý tính” trong chừng mực nó đạt được mục đích của nó, tức là, nó phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ văn hóa, và do vậy lúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Một khi nó thất bại khi thực hiện điều đó, nó rơi vào sự mâu thuẫn với bản thân nó, tức là, nó trở thành phi lý tính và ảo tưởng, và không được quyền tồn tại nữa. Do vậy ngay cả ở những lời phản động hiển nhiên nhất của Hegel, cũng ẩn chứa một tư tưởng cách mạng.

Tất cả tồn tại dĩ nhiên tồn tại như vậy từ sự tất yếu. Nhưng không phải tất cả đều có thể tồn tại. Tồn tại tiềm tàng là chưa thực sự tồn tại. Trong Khoa học Logic Hegel cẩn trọng bám theo tiến trình nơi một cái gì đó chuyển từ trạng thái tồn tại thuần túy có thể đi đến nơi khả năng trở thành xác suất, và cái sau trở thành chắc chắn sẽ xảy ra (“tất yếu”). Xét theo quan điểm rất sai lầm đã nảy sinh trong khoa học hiện đại chung quanh vấn đề “xác suất”, thì một nghiên cứu về cách xử lý sâu sắc và kỹ lưỡng của Hegel về chủ đề này là cực kỳ hữu ích.

Khả năng và hiện thực bao hàm sự phát triển biện chứng của thế giới thực và các giai đoạn khác nhau trong sự phát sinh và phát triển của sự vật. Một sự vật tồn tại ở dạng tiềm tàng chứa đựng bên trong nó khuynh hướng phát triển khách quan, hoặc ít nhất sự thiếu vắng của những điều kiện mà có thể ngăn cản nó đi đến tồn tại. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa khả năng trừu tượng và khả năng thực sự, và hai cái thường xuyên bị nhầm lẫn. Một khả năng mang tính hình thức hoặc trừu tượng biểu đạt đơn thuần sự thiếu vắng của mọi điều kiện mà có thể loại bỏ một hiện tượng cụ thể, nhưng nó không bao hàm sự có mặt của những điều kiện khiến hiện tượng của nó là không thể tránh khỏi.

Điều đó dẫn tới sự nhầm lẫn không có hồi kết, và thực ra là một hình thức thủ đoạn phục vụ việc biện hộ cho tất cả những loại ý tưởng tùy tiện và ngớ ngẩn. Chẳng hạn, người ta nói rằng nếu một con khỉ được cho phép đập vào chiếc máy chữ trong thời gian đủ lâu, nó cuối cùng sẽ tạo ra một bản sonnet của Shakespeare. Mục tiêu ấy dường như quá khiêm tốn. Tại sao chỉ là một bản sonnet? Tại sao không phải là toàn bộ các tác phẩm của Shakespear? Thực ra, tại sao không phải là toàn bộ văn học thế giới, cùng với thuyết tương đối và các bản giao hưởng của Beethoven? Khẳng định trần trụi cho rằng điều đó là “khả thi về mặt thống kê” cũng không đưa chúng ta đi xa thêm một bước nào. Các quá trình phức tạp của tự nhiên, xã hội và tư duy nhân loại không hề dễ mắc vào cách nghiên cứu theo thống kê đơn giản, các tác phẩm văn học cũng không phát sinh từ sự ngẫu nhiên đơn thuần, bất kể chúng ta phải chờ đợi con khỉ bao lâu để nó mang lại kết quả.

Một tiềm năng trở thành hiện thực đòi hỏi một sự móc nối cụ thể của những tình huống. Thêm nữa, đó không phải là một quá trình tuyến tính, đơn giản mà là một quá trình biện chứng, ở đó sự tích lũy của những thay đổi nhỏ về lượng rút cục sản sinh một bước nhảy về chất. Đối lập với khả năng trừu tượng, khả năng thực sự bao hàm sự có mặt của tất cả các nhân tố cần thiết qua đó tiềm năng sẽ mất đi tính cách tạm thời của nó, và trở thành hiện thực. Và, như Hegel giải thích, nó vẫn là hiện thực chỉ chừng nào những điều kiện ấy tồn tại, và chỉ trong chừng đó. Điều đó là đúng cho dù chúng ta đang nói tới cuộc đời của một cá nhân, một hình thái kinh tế xã hội nào đó, một lý thuyết khoa học, hay bất cứ hiện tượng tự nhiên nào. Có thể xác định thời điểm tại đó sự thay đổi trở thành không thể tránh khỏi được bằng phương pháp do Hegel phát minh ra và được gọi là “sợi dây có nút thắt hạn độ”. Nếu như chúng ta xem bất kỳ một quá trình nào như là một sợi dây, thì có thể xem rằng trên sợi dây của sự phát triển có những điểm xác định (“các nút thắt”), nơi quá trình trải qua một sự gia tốc đột ngột, hay là một bước nhảy về chất.

Thật dễ dàng khi xác định nguyên nhân và kết quả trong những tình huống cô lập, như khi một người dùng gậy bóng chày đánh trúng quả bóng. Nhưng ở nghĩa rộng hơn, khái niệm nhân quả trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Các nguyên nhân và kết quả đơn lẻ bị lạc vào một đại dương mênh mông của sự tương tác, nơi nguyên nhân biến thành hiện thực và ngược lại. Chỉ cần thử truy trở lại ngay cả sự kiện đơn giản nhất tới “những nguyên nhân tối hậu” của nó và bạn sẽ thấy rằng vĩnh cửu sẽ là không đủ lâu để thực hiện việc đó. Bao giờ cũng có nguyên nhân mới nào đó, rồi nó đến lượng sẽ cần phải được giải thích, và cứ như vậy cho đến vô tận. Nghịch lý này đã xâm nhập vào ý thức phổ thông ở những câu tục ngữ này:

Thiếu một chiếc đinh, mất một chiếc móng;
Thiếu một chiếc móng, mất một con ngựa;
Thiếu một con ngựa, mất một kỵ binh;
Thiếu một kỵ binh, mất một trận đánh;
Thiếu một trận đánh, mất một vương quốc;
…Tất cả chỉ vì thiếu một chiếc đinh.

Việc không thể xác lập một “nguyên nhân cuối cùng” đã khiến một số người từ bỏ hoàn toàn ý tưởng về nguyên nhân. Tất cả đều được xem là ngẫu nhiên và bất tất. Ở thế kỷ 20 lập trường này đã được chấp nhận ít nhất ở mặt lý thuyết, bởi một số lượng lớn các nhà khoa học dựa trên sự diễn giải sai lầm về các kết quả của vật lý lượng tử, đặc biệt là lập trường triết học của Werner Heisenberg. Chúng sẽ trở lại điều đó sau. Đủ để nói rằng Hegel đã trả lời những tranh luận ấy từ trước, khi ông giải thích mối quan hệ biện chứng giữa tất yếu và ngẫu nhiên.

Hegel giải thích rằng không tồn tại cái như là tính nhân quả đúng thật, theo nghĩa là một nguyên nhân và kết quả bị cô lập. Mọi kết quả đều có phản-kết quả, và mọi tác động đều có phản-tác động. Tư tưởng về một nguyên nhân và kết quả cô lập là một sự trừu tượng lấy ra từ cơ học Newton cổ điển, điều mà Hegel phê phán mạnh mẽ, mặc dù nó tận hưởng uy tín to lớn thời đó. Ở đây một lần nữa Hegel đi trước thời đại của ông. Thế vào chỗ tác động-phản tác động trong cơ học, ông tiến đến quan niệm vê sự Tác động qua lại (Reciprocity), về sự tương tác phổ biến. Tất cả tác động tới tất cả những cái khác, và đến lượt, lại bị tác động và quy định bởi tất cả. Hegel do vậy đưa ra khái niệm ngẫu nhiên cái đã bị ngăn cấm một cách khắt khe khỏi khoa học bởi triết học cơ giới của Newton và Laplace.

Thoạt nhìn, chúng ta dường như bị lạc vào vô vàn những cái ngẫu nhiên. Nhưng sự mơ hồ ấy chỉ là biểu hiện bên ngoài. Trật tự nảy sinh từ hỗn độn. Các hiện tượng ngẫu nhiên không ngừng chợt hiện ra rồi mất đi khỏi sự tồn tại, giống như những gọn sóng trên bề mặt một đại dương, thể hiện một quá trình sâu sắc hơn, quá trình ấy không là ngẫu nhiên mà là tất yếu. Tại thời điểm quyết định, cái tất yếu này bộc lộ bản thân nó thông qua cái ngẫu nhiên.

Tư tưởng về sự thống nhất biện chứng giữa tất yếu và ngẫu nhiên có thể dường như là kỳ lạ, nhưng nó đã được xác nhận mạnh mẽ bởi một loạt những quan sát từ những lĩnh vực đa dạng nhất của tự nhiên và xã hội. Cơ chế chọn lọc tự nhiên trong thuyết tiến hóa là ví dụ nổi tiếng nhất. Nhưng còn nhiều ví dụ khác nữa. Trong những năm gần đây, đã có nhiều khám phá ở lĩnh lực của lý thuyết hỗn độn và phức tạp cho thấy một cách chính xác chi tiết “trật tự nảy sinh từ hỗn độn” ra sao, điều chính xác đã được Hegel tìm ra một thế kỷ rưỡi trước.

Các phản ứng hóa học “cổ điển” được xem là những quá trình rất ngẫu nhiên. Các phân tử liên quan được phân bố đều trong không gian, và sự phân tán của chúng tuân theo phân bố “chuẩn”, tức là theo đường cong Gauss. Những loại phản ứng này phù hợp với quan niệm của Boltzmann, ở đó tất cả các mặt của chuỗi phản ứng sẽ tiêu tan dần và phản ứng sẽ kết thúc ở một phản ứng ổn định, một sự cân bằng bất động. Tuy nhiên, trong thập kỷ gần đây các phản ứng hóa học được phát hiện sai khác khỏi quan niệm đơn giản hóa và lý tưởng này. Chúng được biết dưới cái tên chung là “các đồng hồ hóa học.” Các ví dụ nổi tiếng nhất là phản ứng Belousov-Zhabotinsky, và mô hình Brussels do Illya Prigogine nghĩ ra.

Nhiệt động lực học tuyến tính miêu tả hành vi ổn định, dự đoán được của các hệ thống mà chúng có xu hướng tiến đến mức độ hoạt động tối thiểu có thể. Thế nhưng, khi các lực nhiệt động lực tác động lên một hệ thống đạt tới chỗ nơi vùng tuyến tính bị vượt qua, thì không thể giả định sự về tính ổn định được nữa. Sự nhiễu loạn phát sinh. Một thời gian dài người ta xem sự nhiễu loạn là đồng nghĩa với sự mất trật tự hoặc sự hỗn loạn. Nhưng giờ đây, người ta khám phá ra rằng cái có vẻ như mất trật tự một cách hỗn loạn ở tầm vĩ mô (quy mô lớn), thì thực ra, là có tính tổ chức ở tầm vi mô (quy mô nhỏ).

Ngày nay, nghiên cứu về tính bất ổn định hóa học đã trở thành phổ biến. Nghiên cứu được đặc biệt quan tâm là nghiên cứu được tiến hành tại Brussels dưới sự hướng dẫn của nhà lý thuyết về hỗn độn Ilya Prigogine. Nghiên cứu về điều gì xảy ra ở ngoài điểm tới hạn nơi tính bất ổn hóa học bắt đầu giành được sự quan tâm to lớn từ quan điểm biện chứng. Mối quan tâm đặc biệt ở đây là hiện tượng “đồng hồ hóa học.” Mô hình Brussels (được các nhà khoa học Mỹ đặt tên là “Brusselator”) mô tả hành vi của các phân tử khí. Giả sử có hai loại phân tử, “đỏ” và “lam”, đang ở trong một trạng thái hỗn độn, chuyển động hoàn toàn ngẫu nhiên. Người ta mong đợi rằng, tại thời điểm cụ thể, phải tồn tại phân bố không đều của các phân tử, làm sản sinh một màu “tím”, cùng với những lóe chớp đôi lúc có màu đỏ hoặc lam. Nhưng trong một đồng hồ hóa học, điều đó không diễn ra khi vượt qua điểm tới hạn. Hệ thống là toàn bộ màu lam, rồi toàn bộ màu đỏ, và những thay đổi ấy xảy ra theo quãng đều đặn.

Prigogin và Stengers nói “Mức độ của sự trật tự ấy bắt nguồn từ hoạt động của hàng tỉ phân tử dường như là không thể tin được.” và thực sự, nếu những đồng hồ hóa học đã không được quan sát, không ai có thể tin rằng quá trình ấy là khả thi. Để thay đổi màu sắc của tất cả cùng lúc, các phân tử phải có cách ‘giao tiếp [communicate].’ Hệ thống phải hành động như một tổng thể. Chúng ta sẽ trở lại nhiều lần nữa về từ khóa này, giao tiếp, nó có tầm quan trọng rõ ràng ở rất nhiều lĩnh vực, từ hóa học đến sinh lý thần kinh. Các cấu trúc tán xạ có lẽ đưa ra một trong số những cơ chế vật lý đơn giản nhất cho sự truyền đạt." (Prigogine and Stengers, Order Out of Chaos, tr. 148.)

Hiện tượng “đồng hồ hóa học” cho thấy bằng cách nào trong tự nhiên trật tự có thể nảy sinh một cách tự phát từ sự hỗn độn tại một điểm nhất định. Đây là một quan sát quan trọng, đặc biệt trong mối liên hệ với cách thức sự sống phát sinh từ chất vô cơ.

“Các mô hình ‘Trật tự từ những thăng giáng’ đưa ra những thế giới bất ổn nơi một nguyên nhân nhỏ có thể gây ra hiệu ứng lớn, song thế thế giới này không tùy tiện. Trái lại, những lý do cho sự khuếch đại của một sự kiện nhỏ là vấn đề chính đáng cho việc sự thẩm tra lý tính.” (Prigogine và Stengers.)40

Chúng ta phải nhớ rằng Hegel đang viết vào đầu thế kỷ trước, khi khoa học hoàn toàn bị thống trị bởi vật lý cơ học cổ điển, và một nửa thế kỷ trước khi Darwin phát triển tư tưởng về chọn lọc tự nhiên thông qua phương tiện đột biến ngẫu nhiên. Ông không có những bằng chứng khoa học để hậu thuẫn cho lý thuyết của ông rằng tất yếu thể hiện bản thân nó qua sự ngẫu nhiên. Nhưng đó là ý tưởng trung tâm đằng sau tư duy cách tân mới nhất trong khoa học.

Quy luật sâu sắc này là căn bản tương đương với một sự hiểu biết về lịch sử. Như Marx viết thư cho Kugelmann vào năm 1871:

“Tất nhiên là sẽ rất dễ làm ra lịch sử thế giới nếu người ta chỉ tiến hành đấu tranh trong điều kiện có những thời cơ thuận lợi chắc chắn. Mặt khác, nếu những ‘sự ngẫu nhiên’ không có tác dụng gì cả thì sự sáng tạo ra lịch sử sẽ mang một tính chất thần bí. Đương nhiên, những sự ngẫu nhiên này là một bộ phận trong quá trình phát triển chung và được những sự ngẫu nhiên khác bù trừ. Nhưng sự phát triển nhanh hay chậm là phụ thuộc rất nhiều vào những ‘sự ngẫu nhiên’ như vậy, kể cả ‘sự ngẫu nhiên’ như tính cách của những người lúc đầu lãnh đạo phong trào.”41

Engels đưa ra quan điểm tương tự vài năm sau trong mối liên hệ tới vai trò của “vĩ nhân” trong lịch sử:

“Con người tự làm ra lịch sử của mình, nhưng từ trước đến nay, họ không tuân theo một ý chí chung, theo một kế hoạch chung, mà cũng chưa phải là trong khuôn khổ một xã hội nhất định có tổ chức và được quy định rõ ràng. Những cố gắng của họ đi ngược lại nhau, và chính đó là lý do khiến tất cả các xã hội đại loại như vậy đều bị chi phối bởi cái tất yếu được biểu hiện dưới hình thức cái ngẫu nhiên và được cái ngẫu nhiên bổ sung. Cái tất yếu nó tự khẳng định nó, ở đây, xuyên qua cái ngẫu nhiên, thì xét đến cùng, lại là tất yếu kinh tế.”

“Ở đây chúng ta đề cập đến vấn đề những người mà người ta gọi là vĩ nhân. Dĩ nhiên, thật là một điều ngẫu nhiên thuần túy mà một vĩ nhân nào đó xuất hiện ở một thời đại nhất định nào đó, trong một nước nhất định nào đó. Nhưng nếu chúng ta phế bỏ người đó đi thì lại xuất hiện sự đòi hỏi một người thay thế, và người thay thế này sẽ xuất hiện tant bien que mal (tốt hay xấu) nhưng cuối cùng rồi cũng xuất hiện.”42

Khái niệm

Trong phép biện chứng của Hegel thành tựu cao nhất của tư duy là Khái niệm. Sự phát triển của Khái niệm được miêu tả bởi Hegel như là một quá trình đi từ trừu tượng đến cụ thể. Nó biểu thị một sự đào sâu về tri thức, và một sự phát triển từ trình độ tri thức thấp tới trình độ tri thức cao hơn, về sự phát triển từ khả năng đến hiện thực. Thoạt đầu, Khái niệm được xem như là “tự mình,” hay mặc nhiên. Sau đó nó được khai triển, rồi trở thành Khái niệm “cho mình”, hay minh nhiên. Trong hình thức cao nhất của nó, nó là sự hợp nhất của cả hai mặt, “tự-và-cho-mình”. Trong Khái niệm quá trình phát triển đạt tới mức độ cao nhất của nó. Cái đã chỉ là mặc nhiên lúc ban đầu giờ đây trở thành minh nhiên. Đó là sự quay trở lại xuất phát điểm, nhưng ở một trình độ cao hơn về chất.

Trong tác phẩm chính yếu của ông, Khoa học Logic, Hegel không dừng lại ở Khái niệm mà tiếp tục đi đến Ý niệm Tuyệt đối, tất cả những gì có thể nói về nó thì ông hoàn toàn không nói cho chúng ta điều gì hết. Đó là những mâu thuẫn điển hình mà chủ nghĩa duy tâm của Hegel đã đẩy ông vào. Biện chứng không thể dẫn đến một Ý niệm Tuyệt đối, hay bất cứ một giải pháp cuối cùng nào khác. Ngụ ý cho rằng có một sự kết thúc cho tiến trình của tri thức nhân loại là xung đột với ý nghĩa thực sự của phép biện chứng. Do vậy triết học Hegel rơi vào một mâu thuẫn không thể giải quyết. Nó chỉ có thể được giải quyết bằng một sự đoạn tuyệt triệt để với tất cả triết học trước đó.

Đặc trưng đánh dấu thời đại của triết học Hegel là ở thực tế rằng, bằng cách tổng hợp toàn bộ lịch sử triết học theo phương pháp toàn diện như vậy, ông khiến nó không thể tiến xa hơn khi đi theo những hệ triết học truyền thống. Hai là, phương pháp biện chứng, được Hegel hoàn chỉnh, đã đem lại cơ sở cho một thế giới quan hoàn toàn mới mẻ, thế giới quan ấy không giam hãm bản thân mình vào phân tích và phê phán các tư tưởng mà bao hàm một phân tích lịch sử xã hội và một phê phán có tính cách mạng về trật tự xã hội hiện hành. Đóng góp vĩ đại của Hegel được Engels diễn đạt một cách sâu sắc trong Chống Duhring:

"Việc Hegel không giải quyết nhiệm vụ ấy, điều đó ở đây cũng không quan trọng. Công lao lịch sử của ông là đã đề ra nhiệm vụ ấy. Nhiệm vụ ấy là một nhiệm vụ mà riêng một người không bao giờ có thể giải quyết được. Mặc dù Hegel – bên cạnh Saint-Simon – là một cái đầu bách khoa nhất của thời đại mình, song ông vẫn bị hạn chế, một là bởi những giới hạn không thể tránh được của sự hiểu biết của bản thân ông, và hai là bởi những kiến thức và những quan niệm của thời đại ông, cũng có tính chất hạn chế như thế cả về khối lượng lẫn về chiều sâu. Ngoài ra còn có thểm một điều thứ ba nữa. Hegel là một nhà duy tâm, nghĩa là đối với ông ta, những tư tưởng trong đầu óc của mình không phải là những phản ánh ít nhiều trừu tưởng của những sự vật và quá trình hiện thực, mà ngược lại, đối với ông, những sự vật và sự phát triển của chúng chỉ là những phản ánh với là hiện thân của một ‘Ý niệm’ tồn tại ở một nơi nào đó ngay trước khi có thế giới. Như vậy, tất cả đều bị đặt lộn ngược và mối liên hệ hiện thực của thế giới đều hoàn toàn bị đảo ngược.

Và mặc dầu Hegel đã nắm được một cách đúng đắn và thiên tài một số liên hệ cá biệt giữa các hiện tượng, nhưng do những nguyên nhân nói trên, về chi tiết, nhiều cái trong hệ thống của ông ta nhất định phải có tính chất gò ép, giả tạo, hư cấu, tóm lại bị giải thích sai lệch đi. Hệ thống Hegel với tư cách là một hệ thống như thế, là một cái thai đẻ non khổng lồ, nhưng đó cũng là cái thai đẻ non cuối cùng trong loại của nó. Cụ thể là hệ thống ấy chứa đựng một mâu thuẫn bên trong không thể cứu chữa được: một mặt, tiền đề cơ bản của nó là một quan điểm lịch sử cho rằng lịch sử nhân loại là một quá trình phát triển mà xét về bản chất thì không thể tìm được đỉnh cao của nó về mặt trí tuệ trong việc phát hiện ra cái gọi là chân lý tuyệt đối; nhưng mặt khác, hệ thống Hegel lại khẳng định rằng nó là hiện thân của chính ngay chân lý tuyệt đối ấy. Một hệ thống nhận thức về tự nhiên và lịch sử bao quát tất cả và hoàn tất một lần là xong vĩnh viễn, là mâu thuẫn với những quy luật cơ bản của hệ tư duy biện chứng; nhưng điều đó hoàn toàn không loại trừ mà trái lại còn bao hàm việc cho rằng sự hiểu biết có hệ thống về toàn bộ thế giới bên ngoài có thể đạt được những bước tiến khổng lồ từ thế hệ này qua thế hệ khác."43

Biện chứng của Hegel đã được thai nghén một cách tài tình, nhưng rút cục có khiếm khuyết, bởi vì nó bị giới hạn vào lĩnh vực tư duy. Mặc dầu vậy, nó chứa đựng tiềm năng cho một cuộc khởi hành trọng đại trong tư duy, cuộc khởi hành sẽ thay đổi triệt để không những lịch sử triết học mà cả lịch sử thế giới. Dùng cách nói của Hegel, trong tác phẩm của ông cái hiện ra tự-mình (tức là, tiềm năng) trở thành một ý niệm được hiện thực hóa – một ý niệm tự-mình-và-cho-mình ở học thuyết cách mạng của Chủ nghĩa Marx, nơi triết học cuối cùng từ bỏ tính cách của nó như là một hoạt động tinh thần, trừu tượng một cách phiến diện, và bước vào vương quốc của thực tiễn.

Aristotle đã giải thích mối quan hệ giữa khả năng và hiện thực. Tại tất cả các cấp độ thuộc tự nhiên, xã hội, tư duy, và thậm chí cả sự phát triển của mỗi con người kể từ lúc thơ ấu cho đến khi trưởng thành, chúng ta nhìn thấy cùng một tiến trình. Tất cả những gì tồn tại chứa đựng bên trong bản thân nó một tiềm năng cho sự phát triển tiếp theo, tức là, để hoàn thiện chính nó, để trở thành một cái gì đó khác với những gì là nó. Toàn bộ lịch sử nhân loại có thể được xem như cuộc đấu tranh của nhân loại để hiện thực hóa tiềm năng của mình. Xét cho cùng, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết để mục tiêu ấy có thể cuối cùng sẽ được hiện thực hóa, để con người có thể thực sự trở thành điều mà trước đây họ bao giờ cũng chỉ là tiềm năng. Ở đây, tuy nhiên, chúng ta đã rời bỏ sự nghiên cứu mờ nhạt của nhà triết học, và bước vào ánh sáng bao la của cuộc sống, hoạt động và đấu tranh của con người.

“Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, vấn đề là cải tạo thế giới.”44

Feuerbach

Đứng giữa Hegel và Marx là nhân vật bi kịch Lugwig Feuerbach (1804-1872). Sau khi Hegel chết, triết học Hegel bước vào một giai đoạn xuống cấp nhanh chóng. Phái Hegel chia rẽ thành hai cánh – tả và hữu. Cánh Hegel hữu không sản sinh ra được một nhân vật nào đáng chú ý. Cánh Hegel tả hay những người Hegel Trẻ đại diện cho cánh cấp tiến của những môn đệ của Hegel. Hoạt động ở thập kỷ 1830 và 1840, họ diễn giải các tư tưởng của Hegel dưới tinh thần của nghĩa tự do Đức. Nhấn mạnh chủ đạo của họ là phê phán Kitô giáo.

Năm 1835 David Strauss, một người Hegel cánh tả, xuất bản cuốn sách Das Leben Jesu (Cuộc đời của Giê-su), một phân tích phê phán Kinh thánh, ở đó Giê-su được xem là một nhân cách lịch sử bình thường. Sau này Bruno Bauer tranh luận rằng tôn giáo là ý thức sai lầm, và rằng cá nhân Giê-su là một sự hư cấu. Mặc dầu họ thực hiện một số tiến bộ, tiếp cận chung của họ vẫn còn duy tâm, và do vậy nhất định là cằn cỗi. Một trong những quan tâm chính là vấn đề bằng cách nào mà nhận thức sai lầm nảy sinh trong xã hội và trở thành một quyền lực đối với tinh thần con người.

Strauss giải thích điều đó bằng sự bền bỉ truyền thống của những tư tưởng thần học. Bauer lần theo nguồn gốc của hiện tượng ấy cho tới sự tha hóa của những sản phẩm của sự “tự-nhận thức” cá nhân. Tư tưởng của Max Stirner báo trước chủ nghĩa vô chính phủ. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân cực đoan của họ, theo đó động lực của lịch sử là “cá nhân có tư duy phê phán,” quy giản tất cả sợi chỉ cách mạng của họ thành những câu nói trống rỗng. Họ xem quần chúng như “kẻ thù của tinh thần” và của sự tiến bộ, và không có quan niệm nào về sự phát triển kinh tế hoặc xã hội thực sự. Nhưng, sự phá sản của phái Hegel tả cuối cùng được phơi bày trong tác phẩm của Ludwig Feuerbach và sự phá hủy được hoàn tất bởi Marx và Engels trong các tác phẩm viết chung đầu tiên của họ – Gia đình Thần thánhHệ Tư tưởng Đức.

Vai trò then chốt trong sự chuyển tiếp từ chủ nghĩa Hegel sang biện chứng duy vật là do Feuerbach đảm nhận. Đối với thời đại của chính ông, ông giống như Promicious, một khổng lồ Titan dám đánh cắp lửa từ các vị thần và mang nó về cho nhân loại. Sự xuất hiện của cuốn sách của ông, Bản chất của đạo Cơ đốc vào năm 1841, đã có những kết quả cách mạng. Kết quả đặc biệt vĩ đại là ảnh hưởng của ông tới Marx và Engels trẻ. Engels sau này viết: “Sự hăng hái là rộng khắp và tất cả chúng tôi đã trở thành những người phái Feuerbach ngay lập tức.” Feuerbach là một nhà duy vật. Sinh ra ở Landshut thuộc Bavaria, ông bắt đầu nghiên cứu thần học ở Heidelberg, nhưng trong vòng một năm đã từ bỏ nó, rồi, ở tuổi 20, đến Berlin để nghiên cứu triết học dưới sự hướng dẫn của Hegel.

Feuerbach trẻ ngay lập tức rơi vào sức ảnh hưởng mạnh mẽ của một vĩ nhân, và trở thành một người theo phái Hegel nhiệt thành. Ông sau này trở thành giáo sư triết học tại Erlangen. Mặc dầu ông được xác định là theo phái Hegel tả, Feuerbach không thỏa mãn với chủ nghĩa duy tâm trừu tượng và trống rỗng, và sửa soạn thực hiện một phê pháp chi tiết về triết học Hegel đứng từ lập trường của chủ nghĩa duy vật. Các tác phẩm của ông, đặc biệt là Bản chất của đạo Cơ đốc chứa đựng những hiểu biết sâu sắc có giá trị, đặc biệt là về chủ đề tha hóa và mối liên hệ giữa chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo. Ông kịch liệt phê phán bản chất duy tâm của phép biện chứng của Hegel. Phê phán của ông có một tác động cách mạng, và giúp định hình tư tưởng của Marx và Engels. Thật không may, Feuerbach rút cục thất bại không giữ được lời hứa của mình. Sai lầm chính của ông, sử dụng cách diễn đạt của người Đức, là đã hắt cả đứa bé đi cùng chậu nước tắm. Khi bác bỏ triết học Hegel ông cũng bác bỏ luôn cả hạt nhân lý tính của nó – tức phép biện chứng. Điều đó giải thích tính cách phiến diện của chủ nghĩa duy vật của Feuerbach, điều đã gây nên sự sa sút của nó.

Ở trung tâm của triết học Feuerbach là con người. Nhưng Feuerbach xem con người, không phải là tồn tại xã hội mà là một cá nhân trừu tượng. Ông xem tôn giáo là sự tha hóa của con người, ở đó những tính cách của con người được coi là có tính khách quan và được xem như một tồn tại siêu nhiên. Cứ như là con người chịu đựng một sự chia rẽ tính cách, và suy tưởng về bản thể của chính mình ở Thượng đế. Dẫu có những hạn chế của nó, Bản chất của đạo Cơ đốc vẫn giữ được mối quan tâm đáng kể bởi hiểu biết sâu sắc của nó về gốc rễ có tính lịch sử và xã hội của tôn giáo. Nhưng, rút cục, kết luận của ông là cực kỳ yếu. Thay thế duy nhất của ông cho sự thống trị của tôn giáo là giáo dục, đạo đức, tình yêu và thậm chí là một tôn giáo mới.

Marx và Engels đã thất vọng bởi sự do dự của Feuerbach khi rút ra tất cả các kết luận từ chính tư tưởng của ông. Feuerbach đã bị trừng phạt tàn bạo bởi giới chức trách, ông bị đuổi khỏi trường đại học vào năm 1830, ông sống những năm cuối đời như một nhân vật bi kịch và gần như bị quên lãng ở một ngôi làng vô danh. Cách mạng 1848 đẩy những tư tưởng của Feuerbach và phái Hegel tả vào sự lãng quên. Những tư tưởng trước đây dường như là triệt để lúc này có vẻ như không còn phù hợp. Chỉ có cương lĩnh cách mạng của Marx và Engels đứng vững trước thử thách của lửa.

Feuerbach đã không hiểu cách mạng, và vẫn xa rời phong trào mới do Marx và Engels sáng lập, mặc dầu vào lúc cuối đời ông đã tham gia Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Vai trò quan trọng nhất của Feuerbach là tác động như một chất xúc tác cho phong trào mới. Có người từng nhận xét rằng câu nói đáng buồn nhất trong mọi ngôn ngữ là “giá như”. Điều này đúng đối với Feuerbach hơn bất kỳ triết gia nào khác. Sau khi sống phần lớn đời mình trong sự mờ nhạt, cuối cùng, số phận của ông, giống như Gioan Baotixita45 triết lý, là dọn đường cho những người khác.

Tài liệu tham khảo

Hegel, G.W.F. 2008. Bách khoa thư các khoa học triết học I, Khoa học Logic, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. NXB Tri thức.

Hegel, G. W. F. 2006. G. W. F. Hegel, Hiện tượng học tinh thần, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải. NXB Văn Học.

Immanuel-Kant, Bùi-Văn-Nam-Sơn. 2008. Phê phán lý tính thuần túy. NXB Văn học.

Lenin. 2005. Bút ký triết học - Lenin Toàn tập. Vol 29. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia - Sự thật.

Marx, Engels. 2004. Toàn tập (doc format). Vol 20. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia - Sự thật.

Marx-Engels. 1980. Tuyển tập. Vol I. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1983a. Tuyển tập. Vol V. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1983b. Tuyển tập. Vol IV. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1984. Tuyển tập. Vol VI. Hà Nội: NXB Sự thật.

Trần-Thái-Đỉnh. 2005. Triết học Descartes. NXB Văn Học.


  1. Karl Marx, “Luận cương về Feuerbach”. Marx-Engels (1980), tr. 252.

  2. Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes: Phương pháp luận, Trần-Thái-Đỉnh (2005), tr. 254.

  3. Sđd tr. 234

  4. Sđd , tr. 272.

  5. England and Materialist Philosophy, MECW, Vol. 4, p. 125.

  6. Trần-Thái-Đỉnh (2005), tr. 282.

  7. Trần-Thái-Đỉnh (2005), tr. 283.

  8. File tap20m08, Marx (2004), tr. 483.

  9. Engels, Chống Duhring, Marx-Engels (1983a), tr. 54.

  10. Lenin (2005), tr. 83.

  11. Immanuel-Kant (2008), tr. 33.

  12. Hegel (2008), §22, tr. 108.

  13. Hegel (2008), §22, tr. 108-9.

  14. Hegel (2008), §10, tr. 67.

  15. Paul Lafargue, Le MatŽrialisme de Marx et l’IdŽalisme de Kant, in Le Socialiste, February 25, 1900.

  16. Immanuel-Kant (2008), tr. 29.

  17. Immanuel-Kant (2008), tr. 154.

  18. Immanuel-Kant (2008), tr. 32.

  19. Immanuel-Kant (2008), tr. 586.

  20. Immanuel-Kant (2008), tr. 561.

  21. Immanuel-Kant (2008), tr. 563.

  22. Hegel (2008), §48, tr. 184.

  23. Hegel (2008), §84, tr. 186-7.

  24. Karl Marx, Luận cương về Feuerbach, Luận cương số 8, Marx-Engels (1983a), tr. 258.

  25. Hegel (2006), §11, tr. 20.

  26. Marx-Engels (1983a), Engels, Chống Duhring, tr.39

  27. Hegel (2006), §68, tr. 119.

  28. Note to Schwegler’s History of Philosophy, tr. 415.

  29. Karl Marx, Thư gửi Ludwig Kugelmann, 17 Tháng 2, 1870

  30. Hegel (2006), §95, tr. 234.

  31. Lenin (2005) tr. 238-39.

  32. Hegel (2008), §32, tr. 141.

  33. Hegel (2006), §16, tr. 29.

  34. Hegel (2006), §47, tr. 85.

  35. Prigogine và Stengers, Trật từ từ sự hỗ loạn, tr. 131.

  36. Hegel (2008), §135, tr. 538-9.

  37. Hegel (2008), §119, tr. 459.

  38. Engels, Biện chứng của Tự nhiên, Marx (2004)

  39. Trostky, Cuộc đấu tranh chống Chủ nghĩa Phát-xít Đức, tr. 399.

  40. Prigogine và Stengers, Trật tự từ sự hỗn loạn, tr. 206.

  41. Karl Marx, Marx gửi Ludwig Kugelmann ở Hannover, ngày 17 tháng tư, năm 1871, Marx-Engels (1983b), tr. 549.

  42. Engels, Thư Engels gửi Borgius ở Breslau, Marx-Engels (1984), tr.789-90.

  43. Friedrich Engles, Chống Duhring, Marx-Engels (1983a), tr. 39-41.

  44. Marx, Luận cương về Feuerbach, Marx-Engels (1980), tr. 258.

  45. John the Baptist