Nguồn tiếng Anh: The role of individual and the Marxist view of history by Adam Booth, 28 May 2019.

Lenin và Trotsky

Lenin và Trotsky

Một trăm năm trước, quần chúng nhân dân Nga – dưới sự dẫn dắt của những người Bolshevik – đã giành được chính quyền. Đối với những người Marxist, không nghi ngờ gì nữa đây là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại; lần đầu tiên – với một chút ngoại lệ của Công xã Paris – những người bị áp bức và bóc lột đã nổi dậy và lật đổ trật tự cũ.

Mặc cho những xuyên tạc mà các nhà sử học tư sản và những kẻ bảo vệ trật tự hiện hành coi Cách mạng Tháng Mười năm 1917 là một cuộc ‘đảo chính’, động lực thực sự của những sự kiện vĩ đại này không gì khác chính là quần chúng nhân dân: những công nhân, nông dân và binh lính đã được tổ chức vào các xô-viết.

Tuy nhiên, trong khi Cách mạng được ‘tiến hành’ bởi quần chúng, thành công của nó xét cho đến cùng không thể khả thi nếu không có vai trò lãnh đạo sống còn của hai cá nhân: Lenin và Trotsky. Và thậm chí, Trotsky đủ khiêm tốn để thừa nhận rằng vai trò của ông chỉ là thứ yếu so với vai trò của Lenin, với hàng năm trời làm việc bền bỉ của người nhằm xây dựng và giáo dục những người Bolshevik, giữ vai trò chủ đạo trong việc mang lại cho quần chúng cách mạng sự tổ chức, định hướng và lãnh đạo cần thiết.

“Giả sử năm 1917 tôi không có mặt ở Petersburg, Cách mạng Tháng Mười vẫn sẽ diễn ra – với điều kiện là Lenin có mặt và nắm quyền chỉ huy”. Trotsky nhấn mạnh trong Nhật ký tù đày của ông.

“Nếu cả Lenin và tôi đều không có mặt ở Petersburg, sẽ không có Cách mạng Tháng Mười: lãnh đạo Đảng Bolshevik sẽ ngăn cản nó diễn ra – về điều này tôi không có chút nghi ngờ nào! Nếu như Lenin không có mặt ở Petersburg, tôi hoài nghi liệu tôi có khả năng chiến thắng sự phản đối của các lãnh đạo Bolshevik… Nhưng tôi nhắc lại, khi sự có mặt của Lenin được đảm bảo Cách mạng Tháng Mười sẽ thắng lợi theo cách nào đó.”

Nhân tố con người và ý chí tự do

Những gì đúng với Cách mạng Tháng Mười Nga thì cũng đúng cho mọi thay đổi có tính bản lề trong xã hội. Hầu hết sách giáo khoa và phim tài liệu muốn chúng ta tin rằng tất cả tiến bộ lịch sử là sản phẩm của những “Con người Vĩ đại” cùng những “Tư tưởng Vĩ đại”, ở đó quần chúng chỉ là những người tiếp nhận thụ động cho những cá nhân kiên định, quyết đoán và có uy tín.

Quan điểm Marxist về lịch sử, trái lại, như Marx và Engels trong tuyên bố trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – đã nhấn mạnh rằng xét cho tới cùng “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến nay là chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”1

Nhiều phê bình hàn lâm tìm cách tô vẽ Chủ nghĩa Marx là cứng nhắc và cơ giới, tố cáo những lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học (Marx và Engels gọi tư tưởng của họ như vậy) là ‘kinh tế quyết định luận’. Thế nhưng, Marx chưa bao giờ phủ nhận tầm quan trọng của nhân tố con người trong việc quyết định tiến trình lịch sử. Thực ra, ‘lịch sử’, Marx nhấn mạnh, không phải là một lực lượng huyền bí nào đó. Không tồn tại ‘số phận’ hay ‘định mệnh’.

“Lịch sử không làm gì hết, nó ‘không có tính phong phú vô cùng tận nào cả’, nó ‘không chiến đấu ở trận nào cả’! Không phải ‘lịch sử’, mà chính con người, con người thực sự, con người sống mới là kẻ làm ra tất cả những cái đó, có tất cả những cái đó và chiến đấu cho tất cả những cái đó. ‘Lịch sử’ không phải là một nhân cách đặc thù nào đó sử dụng con người làm phương tiện đạt tới các mục đích của mình. Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình”2

Như Engels bình luận trong lá thư gửi Bloch, một trong những người bạn xã hội Đức của ông:

“… Lịch sử đã diễn ra theo cái hướng là kết quả cuối cùng luôn luôn sinh từ những sự xung đột giữa nhiều ý chí cá nhân mà mỗi ý chí cá nhân này lại do vô số những điều kiện sinh sống đặc biệt tạo ra. Do đó, có vô số lực lượng cản trở lẫn nhau, có hằng hà sa số những lực bình hành, làm nảy sinh ra một hợp lực, tức là sự biến lịch sử.”3

Lịch sử, do vậy, được tạo ra bởi những cá nhân theo đuổi mục đích và lợi ích của riêng mình. Nhưng khi làm như vậy, như Marx giải thích, con người ta “có những mối quan hệ nhất định, không tùy thuộc vào ý muốn của họ, tức là những quan hệ sản xuất.”4

Nói cách khác, trong khi tất cả chúng ta đều có một mức độ tự do tương đối về những lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống, mặc dầu vậy vị thế kinh tế của chúng ta trong xã hội buộc chúng ta phải ra những quyết định nhất định nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Như đại bộ phận trong xã hội, chẳng hạn, nếu bạn thuộc về tầng lớp công nhân không có sự giàu có từ cổ phiếu và từ hoạt động đầu tư để bạn sống dựa vào đó, thì bạn không có lựa chọn thực sự nào khác ngoài làm việc vì đồng lương để có cái mà ăn. Bạn có thể sở hữu sự tự do nhất định đối với người mà bạn làm việc cho họ, tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn, nhưng kỳ cùng bạn phải bán sức-lao động của bạn (tức khả năng lao động của bạn) cho nhà tư bản nếu như bạn muốn sống sót.

Quang cảnh lịch sử

Cái gì đúng với những cá nhân nói chung, thì cũng đúng với những “Vĩ nhân” của lịch sử.

Chủ nghĩa Marx không phủ nhận vai trò của cá nhân trong việc định hình lịch sử. Thực ra, ở những trường hợp nhất định, cá nhân có thể đóng vai trò trung tâm và sống còn. Nhưng ngay cả những “Vĩ nhân” của lịch sử cũng chỉ có thể hành động trong giới hạn đặt ra bởi những điều kiện của thời đại của họ, cái đến lượt lại được tạo ra bởi những người trước họ. Như đoạn nhận xét nổi tiếng của Marx trong tác phẩm Ngày mười tám tháng Sương mù của Louis Bonaparte,

“Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại. Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống […]”5

Nói khác, ngay cả những cá nhân kiên định nhất, thông minh nhất, và uy tín nhất đều không phải là những tác nhân hoàn toàn tự do, họ đều bị ràng buộc bởi những điều kiện vật chất, những quan hệ xã hội, và những quy luật kinh tế của thời đại của họ.

Giống như những giọt nước mưa trên địa hình đồi núi, mỗi chúng ta để lại những dấu ấn của riêng mình lên môi trường chung quanh, định hình nó khi chúng ta chảy qua đó. Tích tụ của tất cả những tác động đơn lẻ ấy, đến lượt, tạo nên một quang cảnh lịch sử, những đường mức xác định phạm vi của lộ trình mà dòng nước trong tương lai phải chảy theo.

Và trong khi một trận mưa lụt hoặc những cơn địa chấn chính trị lớn lao có thể thay đổi địa hình mãi mãi, xét đến cùng, ở thời đại ‘bình thường’, chúng ta đi theo con đường bị ràng buộc bởi địa hình xã hội cái khiến chúng ta thấy bản thân mình cùng song hành. Nói cách khác, hoạt động xã hội đã diễn ra cùng các sự biến lịch sử trước đó ràng buộc và giới hạn những quyết định và những khả năng sẵn có để cho các cá nhân theo đuổi – bao gồm cả những ‘Vĩ nhân’ của lịch sử.

Ngẫu nhiên và tất nhiên

George Hegel

George Hegel

Như đại triết gia trường phái biện chứng người Đức Hegel đã nhận xét, cái ngẫu nhiên – xét đến cùng – là sự phản ánh của cái tất nhiên. Theo quan điểm ấy, sự xuất hiện của bất cứ ‘Vĩ nhân’ cụ thể nào phần lớn là ‘ngẫu nhiên’ theo thuật ngữ lịch sử; cái ‘ngẫu nhiên’ theo nghĩa một vai trò lịch sử tương tự có thể được đảm nhận bởi một cá nhân khác.

Tuy nhiên, ngay cả Engels cũng lưu ý trong các tác phẩm triết học của ông rằng quan hệ giữa cái gọi là ‘ngẫu nhiên’ và ‘tất nhiên’ là biện chứng. “Lý trí thông thường”, Engels viết trong Biện chứng của tự nhiên, “coi cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên là những thứ xác định mà chúng loại trừ lẫn nhau hoàn toàn. Một thứ, một hoàn cảnh, một quá trình hoặc là ngẫu nhiên hoặc là tất yếu, mà không là cả hai”.

“Cái mà người ta có thể quy vào những quy luật chung thì được coi là tất nhiên,” Engels viết tiếp; “còn cái mà người ta không quy được vào những quy luật đó thì được coi là ngẫu nhiên”6

Khi áp dụng vào nghiên cứu lịch sử, chúng ta do vậy có thể nói rằng: trong khi sự xuất hiện của một cá nhân ‘Vĩ đại’ nào đó là ‘ngẫu nhiên’, sự xuất hiện của một lãnh đạo ‘Vĩ đại’ hoặc một người biết nhìn xa trông rộng (tại những thời khắc quyết định) là ‘tất nhiên’.

Nói cách khác, ở những giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử nhất định, những đòi hỏi và nhu cầu của xã hội sẽ có xu thế tạo ra và huy động những cá nhân với nhân cách và cá tính nhất định. Chẳng hạn, ở những thời khắc mà đấu tranh giai cấp ở tình trạng gay gắt nhất, cần phải có một lãnh đạo kiên định không chùn bước và không dao động.

Engels tổng kết một cách tuyệt vời vấn đề ngẫu nhiên và tất nhiên trong mối quan hệ với những ‘Vĩ nhân’ của lịch sử trong bức thư của ông:

“Con người tự làm ra lịch sử của mình, nhưng từ trước đến nay, họ không tuân theo một ý chí chung, theo một kế hoạch chung, mà cũng chưa phải là trong khuôn khổ một xã hội nhất định có tổ chức và được quy định rõ ràng. Những cố gắng của họ đi ngược lại nhau, và chính đó là lý do khiến tất cả các xã hội đại loại như vậy đều bị chi phối bởi cái tất yếu được biểu hiện dưới hình thức cái ngẫu nhiên và được cái ngẫu nhiên bổ sung. Cái tất yếu nó tự khẳng định nó, ở đây, xuyên qua cái ngẫu nhiên, thì xét đến cùng, lại là tất yếu kinh tế.”

“Ở đây chúng ta đề cập đến vấn đề những người mà người ta gọi là vĩ nhân. Dĩ nhiên, thật là một điều ngẫu nhiên thuần túy mà một vĩ nhân nào đó xuất hiện ở một thời đại nhất định nào đó, trong một nước nhất định nào đó. Nhưng nếu chúng ta phế bỏ người đó đi thì lại xuất hiện sự đòi hỏi một người thay thế, và người thay thế này sẽ xuất hiện tant bien que mal (tốt hay xấu) nhưng cuối cùng rồi cũng xuất hiện. Cũng ngẫu nhiên mà Napoleon, anh chàng người Corse ấy, lại chính là nhà độc tài quân sự tuyệt đối cần thiết cho nền cộng hòa Pháp bị kiệt quệ bởi cuộc chiến tranh của mình, nhưng đã có bằng chứng rằng nếu không có một Napoleon thì sẽ có một người khác thế chỗ ông ta, vì mỗi khi cần đến một người như thế thì người đó sẽ xuất hiện: Caesar, Augustus, Cromwell, v.v..”7

Suy rộng quan điểm của Engels: rõ ràng là những điều kiện lịch sử nhất định sẽ sản sinh ra những cái ‘ngẫu nhiên’ hơn những cái khác.

Trong tự nhiên, bất kỳ một thùng nước nào cũng bao gồm một tập hợp các phân tử, tất cả có động năng ‘ngẫu nhiên’ của riêng nó. Một vài phân tử đó chứa đựng đủ năng lượng để bốc hơi một cách ‘ngẫu nhiên’ khỏi thùng nước, ngay cả khi nhiệt độ chung của nước không ở điểm sôi. Nhưng nếu bạn đốt nóng môi trường chung quanh, tốc độ bay hơi sẽ tăng lên nhanh chóng, cho đến lúc không còn chút nước nào nữa mà chỉ có hơi nước.

Tương tự, trong những giai đoạn đấu tranh giai cấp quyết liệt, quần chúng sẽ trở nên triệt để và những tầng lớp vốn trơ ì sẽ bị đẩy vào hoạt động chính trị. Và từ giai đoạn kích động được gia tăng này sẽ nảy sinh nhiều hơn nữa những lãnh đạo cách mạng tiềm năng.

“Một vĩ nhân không vĩ đại bởi vì những phẩm chất cá nhân mang lại những đặc trưng cá nhân cho những sự biến lịch sử vĩ đại”, Plekhanov, cha đẻ của chủ nghĩa Marx ở Nga, nhận xét, “mà bởi vì anh ta sở hữu những phẩm chất khiến anh ta có khả năng nhất cho việc phục vụ nhu cầu xã hội lớn lao trong thời đại của anh ta, những nhu cầu nảy sinh như kết quả của những nguyên nhân chung và riêng.” (G.V. Plekhanov, Về Vai trò của Cá nhân trong Lịch sử)

Những “con người của số phận”, do vậy, là những người thể hiện một quan niệm đã trở thành thiết yếu trong những quá trình đang diễn ra sau lưng con người. Trong khi họ thấy kết cục lịch sử là sản phẩm của nỗ lực và tư tưởng của riêng họ, phạm vi cho hành động cá nhân bị hạn chế mạnh mẽ bởi thực tại khách quan, nó dành thuận lợi cho một kết cục này chứ không phải cho những kết cục khác.

Lịch sử đầy rẫy những sự kiện dường như ‘ngẫu nhiên’ – ở kinh tế, ở chính trị, v.v.: , chẳng hạn, kết quả bầu cử có thể thế này hay thế khác hoặc sự xáo trộn ở thị trường. Nhưng trong một tình thế khủng hoảng phổ biến, ngày càng nhiều hơn những ‘ngẫu nhiên’ như vậy được sản sinh. Hệ thống trở nên nhạy cảm với một sự biến thêm vào, rồi cán cân bị lệch hẳn về một phía bởi sự tích lũy của các sự kiện ngẫu nhiên trước đó.

Các sự kiện lịch sử, do vậy, không hoàn toàn là tiền định. Tuy thế, các sự kiện ấy không phó mặc cho sự tình cờ và sự may mắn. Khi lịch sử đùa giỡn với định mệnh của con người, nó bao giờ cũng chơi bằng một con súc sắc méo mó.

Nói khác, ‘tất nhiên’ lịch sử – của xã hội hoặc một giai cấp xã hội cụ thể – tạo ra ‘ngẫu nhiên’ của một cá nhân ‘Vĩ đại’. Không phải ‘Vĩ nhân’ làm ra lịch sử mà là lịch sử làm ra ‘Vĩ nhân’.

Những kẻ mà thần linh muốn tiêu diệt

Theresa May

Theresa May

Khi lịch sử đã ở phía sau bạn, dường như bạn có thể chẳng làm gì sai. Thế nhưng, khi lịch sử chống lại bạn, dường như bạn chẳng có thể làm gì đúng.

Trường hợp sau là đã giả định về điều có vẻ giống như tình huống của Theresa May lúc này. Tương lai của Thủ tướng treo lửng lơ sau một loạt cú sốc, bê bối và bất lợi cho chính phủ của bà. Chẳng hạn, một diễn văn tổng kết thật tệ hại – và không may – của lãnh đạo Đảng Bảo thủ tại đại hội Đảng Bảo thủ trong tháng Mười, đã bị cản trở bởi những sự kiện ngoài tầm kiểm soát của bà: ho từng cơn; lời bông đùa gây gián đoạn; và một vài phông nền bị rớt xuống. Giờ đây May phải đương đầu với nhiều rắc rối, và nhiều người đoán rằng bà ta sẽ không kéo dài thời gian ở lại Số 10 phố Downing.

Nhưng ngạn ngữ Hy Lạp cổ có câu: với những kẻ mà thần linh muốn tiêu diệt, thì trước tiên, thần linh sẽ khiến chúng phát điên.

Leon Trotsky viết lại câu nói ấy trong Lịch sử Cách mạng Nga khi bàn về “Cơn hấp hối của chế độ quân chủ”. Nhưng nó cũng mô tả tình thế của Theresa May ở thời điểm hiện tại. Theo sau kết quả tổng bầu cử nhục nhã hồi đầu năm, giờ đây dường như (tại thời điểm viết bài này) mọi thứ đều trở nên tồi tệ đối với lãnh đạo Đảng Bảo thủ.

Ở gốc rễ, sự bất lực rõ ràng và tai họa của bà May phản ánh sự bế tắc của một hệ thống mà bà ta bảo vệ và một sự thiếu vắng một tương lai bất kỳ mà hệ thống – cùng đảng của bà ta – có thể đem lại. “Thần Jupiter lạnh lùng của biện chứng lịch sử”, Trotsky nói tiếp, “rút ‘lý trí’ ra khỏi những định chế lịch sử đã sống lâu hơn cả bản thân chúng và kết án những kẻ bảo vệ những định chế ấy phải thất bại.”8

Trong trích dẫn trên, Trotsky đang mô tả về thất bại cá nhân của Nga hoàng Nicholas II và hoàng gia Nga, những kẻ mà sự tuyệt vọng của chúng ở những giờ khắc cuối cùng trước Cách mạng tháng Hai năm 1917 – tác giả nhận xét – đã phản chiếu những chế độ quân chủ đã bị lật đổ trước đó, như Charles I ở Anh và Louis XVI ở Pháp.

Trong tất cả những tình huống ấy, những hạn chế và sự tiêu vong của những nhân vật một thời có quyền năng tuyệt đối là sản phẩm của định chế lỗi thời của nền quân chủ phong kiến mà họ đại diện. Nói như Joseph de Maistre, triết gia thế kỷ 19 (và, thật trớ trêu, cũng là một người ủng hộ nhiệt thành cho nền quân chủ ): mọi giai cấp thống trị đều có những lãnh đạo mà nó đáng có.

“Kịch bản cho phân vai của Romanov và Capet được viết ra bởi sự phát triển chung của vở kịch lịch sử”, Trotsky tuyên bố, “các diễn viên chỉ có bổn phận thể hiện những sắc thái trong diễn xuất.”

“Điều không may cho Nicholas, cũng không may cho Louis, có gốc rễ không phải từ lá số của cá nhân ông ta, mà ở lá số lịch sử của chế độ quân chủ đẳng cấp-quan liêu.”

Cá nhân

Một nguyên lý cơ bản của triết học duy vật là những điều kiện tương tự sẽ sản sinh ra những kết quả tương tự. Chúng ta thấy điều đó trong tự nhiên với vấn đề tiến hóa bằng cách so sánh các loài khác nhau nhưng có cùng vẻ bề ngoài.

Chẳng hạn, cá voi là loài động vật có vú; cá mập là loài cá; và thằn lằn cá giờ đã tuyệt chủng là loài bò sát sống nưới nước. Mỗi loài sinh vật ấy đều đến từ những nhánh hoàn toàn khác nhau của cây tiến hóa, nhưng tất cả chúng đều được định hình bởi môi trường mà chúng cùng chia sẻ khiến chúng có vẻ bề ngoài gần như tương tự nhau.

Cũng thế, như đã nói ở trên, cả Engels và Trotsky đều chú ý làm thế nào mà những phẩm chất cá nhân và những tính cách cá nhân tương tự lại nảy sinh từ những điều kiện lịch sử tương tự – chẳng hạn, những ‘lãnh đạo cứng rắn’ như Caesar, Napoleon, và Stalin ở những giai đoạn mà đấu tranh giai cấp đã rơi vào thế bế tắc hoàn toàn.

Chắc chắn là mỗi cá nhân có nhân cách của riêng mình, nhân cách ấy là sản phẩm phức tạp và năng động của toàn bộ lịch sử của những trải nghiệm và sự kiện. Thế nhưng, như Trotsky giải thích trong mối liên hệ với chế độ quân chủ Nga (cung cấp một phân tích duy vật thật kinh ngạc về tính cách tâm lý và tính cách cá nhân khi giải thích mối liên hệ ấy), mâu thuẫn trong xã hội càng sâu sắc và lực lượng tổng thể của lịch sử càng mạnh mẽ bao nhiêu, thì phản ứng cá nhân càng đồng quy bấy nhiêu và tính cách cá nhân rút cục sẽ ăn khớp với khuôn dạng cần thiết.

“Những kích thích tương tự (dĩ nhiên, còn xa mới giống hệt) trong những điều kiện tương tự gọi ra những phản xạ tương tự; kích thích càng mạnh mẽ bao nhiêu, nó càng khắc phục những dị thường tính cách bấy nhiêu. Trước một kích thích, con người phản ứng khác nhau, nhưng trước một thanh sắt nóng đỏ, phản ứng là như nhau. Giống như một chiếc búa hơi biến một khối cầu cũng như một khối lập phương thành một tấm kim loại, thì dưới một nhát búa của những sự biến quá lớn lao và không thể lay chuyển được, sự phản kháng sẽ bị đập tan và những ranh giới ‘cá tính’ biến mất.”

Như chính Thatcher đã tuyên bố rằng “không có cái nôm na gọi là xã hội”, do vậy chúng ta có thể đáp lại rằng không có cái nôm na gọi là cá nhân. Tất cả chúng ta đều là sản phẩm của môi trường, trong khi chúng ta cũng định hình thế giới chung quanh mình. Và ở những thời kỳ lịch sử nhất định, nhu cầu và mục đích của những các nhân tổ hợp lại để tạo ra những điều kiện cho sự thay đổi cách mạng, và đến lượt, đẩy những lãnh đạo cách mạng ra phía trước, họ có thể đưa xã hội tiến lên.

Hitler và sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Phát-xít

Hitler

Hitler

Các nhà sử học tư sản thường xuyên sử dụng tính cách cá nhân để giải thích những điều ghê tởm của lịch sử mà họ không hiểu và không thể hiểu. Do vậy sự xuất hiện của chủ nghĩa Phát-xít, Thế chiến II và sự tàn khốc của nạn Tàn sát Do thái (Holocaust) được quy cho sự quái đản của cá nhân Adolf Hitler.

Những người Marxist, trái lại, giải thích những nhân vật ấy không phải ở phẩm chất cá nhân của họ, mà ở những điều kiện và quá trình lịch sử.

Ví dụ, những hành động của Hitler dĩ nhiên định hình tiến trình lịch sử. Nhưng bản thân ông ta cũng là sản phẩm của thời kỳ mà ông ta đã sống trong đó: một thời kỳ chứng kiến sự suy yếu và sự nhục nhã của nước Đức sau Thế chiến I, tiêu biểu bởi sự áp đặt của Hiệp ước Versailles. Trên hết, Hitler và phong trào Phát-xít quần chúng mà ông ta đại diện đã nảy sinh từ một kỷ nguyên cách mạng và phản-cách mạng – một thời kỳ hỗn loạn và bất an chứng kiến quần chúng Đức (và, đặc biệt là tầng lớp trung lưu) đã bị đè bẹp bởi tác động của siêu lạm phát trong thời kỳ Weimar và của cuộc Đại khủng hoảng.

Kết quả là sự thiết lập một tầng lớp rộng lớn của những tiểu tư sản bị bần cùng hóa, họ bị mắc kẹt giữa chủ nghĩa tư bản độc quyền ở mặt này và giai cấp công nhân cấp tiến – những người đang hướng về Chủ nghĩa cộng sản – ở mặt khác. Chính việc đông đảo tầng lớp trung lưu bị phá sản và bị điên loạn này đã cung cấp cơ sở xã hội cho sự xuất hiện của chủ nghĩa Phát-xít và, đến lượt, Hitler, kẻ hứa sẽ khôi phục tầng lớp này về thời kỳ hưng thịnh kinh tế trước đó. Sự hậu thuẫn của tư sản Đức và sự chia rẽ đầy tội ác trong giai cấp công nhân – một kết quả của những hành động của lãnh đạo Dân chủ Xã hội và những kẻ theo đường lối Stalin – đã dọn đường cho chiến thắng của hắn.

Do vậy, rõ ràng sự xuất hiện của một kẻ kiêu căng tự phụ như Hitler không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một giai đoạn lịch sử. Điều này lại được chứng minh thêm nữa bởi thực tế là người ta có thể thấy những nhân vật và phong trào tương tự – như Mussolini ở Ý và Franco ở Tây Ban Nha – ở cùng thời điểm ấy như là kết quả của những hoàn cảnh tương tự ở khắp châu Âu.

Tuy nhiên, điều đó không ám chỉ rằng sự chinh phục quyền lực của bất cứ trào lưu hoặc lãnh đạo Phát-xít nào là điều không thể tránh khỏi. Hoàn cảnh khách quan của cuộc khủng hoảng và sự hình thành của một giai cấp trung lưu tuyệt vọng, thiếu thốn đã mang lại một cơ sở vật chất chắc chắn nhất cho sự xuất hiện của chủ nghĩa Phát-xít ở Ý, Đức và Tây Ban Nha. Nhưng, khi phân tích cho đến cùng, chiến thắng của chúng chỉ có thể đạt được khi nó là kết quả của sự vắng mặt của nhân tố chủ quan – tức là, lãnh đạo cách mạng thực sự – ở phía giai cấp công nhân.

Chẳng hạn, giai đoạn ấy của lịch sử nước Đức là một quá trình hỗn loạn kéo dài ở đó các đảng phái, tư tưởng và lãnh đạo đã bị đẩy vào thử thách và đã lộ rõ sự yếu kém: từ thất bại của Đảng Cộng sản Đức khi đòi hỏi quyền lực của công nhân năm 1923; cho tới chủ nghĩa phe phái cực tả của những người Stalin ở Thời kỳ thứ 3, họ đã từ chối hình thành một mặt trận thống nhất với những người Dân chủ Xã hội để có thể ngăn chặn Hitler và phong trào Phát-xít đang đâm chồi trong những cung đường của nó.

Ngay khi giành được quyền lực, Hitler huênh hoang rằng hắn đã có thể làm vậy “mà không làm vỡ một tấm kính nào”. Nhưng thực tại đáng buồn đó chỉ có thể xảy ra như một kết quả từ những tội ác của lãnh đạo của giai cấp công nhân. Theo nghĩa đó, chúng ta một lần nữa thấy vai trò sống còn của cá nhân trong lịch sử, chỉ có điều lần này lại theo hướng tiêu cực: sự dã man có thể diễn ra khi vắng mặt nhân tố chủ quan cách mạng.

‘Lãnh đạo cứng rắn’ và ‘Sùng bái cá nhân’

Stalin

Stalin

Cũng giống như việc những kinh hoàng của Thế chiến II thường được coi đơn thuần là kết quả của sự độc ác của cá nhân Hitler, tội ác của chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao cũng thường bị quy giản thành sự ‘Sùng bái Cá nhân’ chung quanh những lãnh đạo tương ứng ở Liên Xô và Trung Quốc.

Một lần nữa, sức lôi cuốn của những phân tích hời hợt như vậy tới các nhà sử học tư sản là quá rõ ràng. Thật dễ dàng khi quy giản quá trình lịch sử phức tạp thành những thuộc tính cá nhân như sức lôi cuốn và sức hấp dẫn. Thật gian nan hơn gấp bội khi nghiên cứu những quá trình ấy bằng phương pháp cặn kẽ và khoa học – tức là phương pháp duy vật – nhằm hiểu ra những động lực nền tảng đã tham dự vào những quá trình ấy.

‘Lãnh đạo cứng rắn’9 như Stalin và Mao xét tới cùng là những đại diện cho tầng lớp quan liêu, cái đến lượt nảy sinh từ những nỗ lực nhằm xây dựng một nền kinh tế có kế hoạch xã hội chủ nghĩa trong điều kiện bị cô lập và lạc hậu về kinh tế.

‘Sùng bái cá nhân’ chung quanh Stalin bắt nguồn từ một thực tại phản chiếu đòi hỏi của chế độ quan liêu Liên Xô cần một lãnh đạo tối cao người có thể nhân hình hóa và bảo vệ lợi ích của họ: như Trotsky đã giải thích trong kiệt tác Marxist của ông, Cuộc cách mạng bị phản bội, tác phẩm phân tích sự suy đồi của Cách mạng Nga thành chế độ toàn trị quan liêu:

“Sự thần thánh hóa Stalin đến mức ngày càng vô sỉ là cần thiết cho chế độ này, mặc dầu tính chất hài hước của nó. Tầng lớp quan liêu cần có một trọng tài tối cao, bất khả xâm phạm, đệ nhất tổng tài, nếu không phải là hoàng đế và nó kiệu lên trên vai nó con người đáp ứng tốt nhất cho lòng ham muốn thống trị của nó. Tính ‘kiên quyết’ của lãnh tụ mà các văn nhân tài tử phương Tây hết lời ca ngợi, chỉ là cái kết quả tổng hợp của một đẳng cấp sẵn sàng làm bất cứ việc gì để tự vệ. Mỗi viên chức chứng tỏ công khai ‘Nhà nước là anh ta’. Mỗi người nhận thấy mình dễ dàng ở Stalin. Stalin tìm thấy ở mỗi người hơi thở của tâm thần mình. Stalin là hiện thân của tầng lớp quan liêu và điều đó tạo nên nhân cách chính trị của y”10

Như Trotsky giải thích chi tiết hơn trong cuốn tiểu sử dở dang của ông về Stalin, sự nhạt nhẽo của tính cục súc ấy – ‘màu mờ xám’ – phản chiếu sự lố bịch và đầu óc hẹp hòi của giới quan liêu Xô-viết, những kẻ có lợi ích mà ông ta đại diện cho tới cùng.

“[Để sự ‘Sùng bái cá nhân’ chung quanh Stalin xuất hiện], những điều kiện lịch sử đặc biệt là cần thiết mà ở đó ông ta không cần phải thể hiện bất cứ sự sáng tạo nào. [Sự nghèo nàn của] Trí tuệ của ông ta chỉ đơn thuần phục vụ việc tổng kết công việc của tri thức tập thể của tầng lớp quan liêu xét về tổng thể. Cuộc đấu tranh của giới quan liêu vì sự bảo tồn của chính nó, sự cố thủ cho vị thế đặc quyền của nó, đòi hỏi một sự hiện thân hóa của một ý chí quyền lực mạnh mẽ. Sự sắp đặt khác thường ấy của hoàn cảnh lịch sử là cần thiết hơn cả phẩm chất trí tuệ của ông ta, mặc cho sự tầm thường của những phẩm chất ấy, đã nhận được sự công nhận phổ biến rộng khắp lại được nhân lên gấp bội bởi hệ số ý chí này” (Leon Trotsky, Stalin, chương XIII)

Trong tác phẩm Ngày mười tám tháng Sương mù, Marx đưa ra những nhận xét tương tự về Louis Bonaparte, thậm chí còn đặt ra thuật ngữ ‘Chủ nghĩa Bonaparte’ để miêu tả về những lãnh đạo nào đó thường xuất hiện trong lịch sử: những kẻ cai trị bằng thanh gươm, dựa vào các giai cấp khác nhau trong xã hội để vươn lên và duy trì trật tự (tức là, để duy trì hiện trạng của quan hệ sở hữu đang tồn tại) trong một tình huống mà đấu tranh giai cấp đã rơi vào bế tắc.

Theo nghĩa đó, cũng có sự tương đồng giữa Bonaparte ban đầu (Napoleon I) và Julius Caesar, kẻ cũng hành động như một ‘lãnh đạo cứng rắn’, xuất hiện giữa cái chết của Cộng hòa Roma nhằm mang lại trật tự và sự ổn định tương đối trong xã hội – và, xét đến cùng, nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp chủ nô đang thống trị. Vì những lý do ấy, thuật ngữ ‘chủ nghĩa Caesar’ cũng đôi lúc được sử dụng để miêu tả về những loại chế độ tương tự mà cũng có thể coi là ‘Bonaparte’ chủ nghĩa.

Trotsky, đến lượt, mô tả chủ nghĩa Stalin như một hình thức “chủ nghĩa Bonaparte Xô-viết”: một sự độc tài chính trị, ngồi bên trên một nền kinh tế có kế hoạch và một nhà nước của công nhân, nảy sinh từ một tình thế ở đó quần chúng cách mạng và những điều kiện khách quan cho chủ nghĩa xã hội là quá yếu kém bên trong một nước Nga đơn độc, nhưng ở nơi đó giai cấp tư bản cũ đã bị quét sang một bên, vào thùng rác của lịch sử.

Mô tả những điểm tương đồng giữa những hiện tượng lịch sử của chủ nghĩa Caesar, chủ nghĩa Bonaparte và chủ nghĩa Stalin (và, tiếp đến là giữa những nhân vật lịch sử Caesar, Bonaparte, và Stalin), Trotsky đã viết như sau:

“Chế độ độc tài quân phiệt Caesar (hoàng đế La Mã) hay hình thức tư sản của nó là chế độ Bonaparte, bước vào sân khấu lịch sử khi cuộc đấu tranh khốc liệt giữa hai địch thủ hầu như đẩy chính quyền vượt lên trên dân tộc và bảo đảm cho những người cầm quyền một tính độc lập bề ngoài đối với các giai cấp. Nhưng thực tế chỉ cho họ quyền tự do mà họ cần có để bảo vệ những kẻ có đặc lợi đặc quyền. Vượt lên trên một xã hội bị phân vụn về chính trị, dựa vào cảnh sát và đội ngũ sĩ quan đứng ngoài mọi sự kiểm soát, chế độ Stalin thuộc chủng loại chế độ Bonaparte kiểu mới, không có loại hình nào tương tự cho đến nay.”

“Chủ nghĩa độc tài quân sự Caesar sinh ra trong một xã hội dựa trên chế độ nô lệ và bị đảo lộn bởi những cuộc đấu tranh nội bộ. Chủ nghĩa bônnapác là một trong những công cụ của chế độ tư bản trong những giai đoạn khủng hoảng của nó. Chủ nghĩa Stalin là một chủng loại của chế độ trên, nhưng lại dựa trên cơ sở của Nhà nước lao động bị giằng xé vì mâu thuẫn giữa một bên là tầng lớp quan liêu Xô-viết có tổ chức và được vũ trang, một bên là quần chúng cần lao bị tước vũ khí.”11

Do vậy, như Trotsky giải thích ở trên, ‘lãnh đạo cứng rắn’ như Stalin (và Caesar, Napoleon, v.v.) xuất hiện ở phương diện lịch sử không phải do tính cương quyết hay tham vọng độc ác của họ, mà do những mâu thuẫn xã hội ở những giai đoạn nhất định cần phải có lãnh đạo độc đoán ấy.

Thực ra, điều trớ trêu là ở chỗ Stalin vươn tới quyền lực không phải vì bất cứ sự “Sùng bái cá nhân” nào, mà chính xác vì sự khuyết thiếu ở uy tín và nhân cách của ông ta. Chẳng những không phải là người có tư duy tự tin và bao quát, tên độc tài Xô-viết gây chú ý bởi sự tầm thường của mình, như Trotsky nhận xét trong tiểu sử về Stalin của ông, trích dẫn lời Engels về Công tước Wellington: “Ông ta vĩ đại theo cách của riêng mình, còn tầm thường ông ta còn vĩ đại.” (Leon Trotsky, Stalin, chương XIII)

Marx đã bình luận tương tự về Louis Bonaparte (Napoleon III) trong Ngày mười tám tháng Sương mù, lưu ý rằng sự thiếu vắng của nhân cách và uy tín của Bonaparte (cũng giống như Stalin) có tác dụng như một trạng thái trống trơn, để những nhóm khác nhau có thể phóng chiếu nguyện vọng và lợi ích của chúng lên trên đó. Những phẩm chất đần độn, không gây hứng thú, và lờ đờ, do vậy, cho phép Bonaparte và Stalin duy trì sự che đậy cho thể hiện ‘tất cả đều vì nhân dân’, mặc dù trong thực tế lại bảo vệ đặc quyền của giai cấp thống trị hiện hành.

Đối lập giữa Trotsky và Stalin

Trotsky đọc diễn văn tại Copenhagen, 1932

Trotsky đọc diễn văn tại Copenhagen, 1932

Người ta có thể so sánh và tương phản cuộc đời của Trotsky và của Stalin để thấy thật rõ những thời đại khác nhau đòi hỏi những kiểu cá nhân khác nhau như thế nào.

Một mặt, Trotsky nổi tiếng bởi tư thái lôi cuốn và trí tuệ sắc sảo. Ông đã từng là chủ tịch của Xô-viết St Petersburgs năm 1905 khi chỉ mới 26 tuổi; ông là lãnh đạo của Ủy ban Quân sự Cách mạng, bộ phận đã tổ chức khởi nghĩa tháng Mười năm 1917; và một mình ông đã tôi luyện Hồng quân từ lúc không có gì hết với tư cách là Bộ trưởng dân uỷ Quân đội và Hải quân trong thời gian diễn ra Nội chiến Nga.

Trái lại, Stalin đóng vai trò ít ỏi trong Cách mạng năm 1917. Vậy làm thế nào mà ông ta trở thành ‘Lãnh đạo Vĩ đại’ của Liên Xô? Câu hỏi đơn giản này – song dường như thật nghịch lý – nhấn mạnh mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử.

Tính cách tẻ nhạt và vô vị của Stalin (hoặc của Louis Bonaparte) đứng tương phản mạnh mẽ với sự gan dạ, táo bạo và thiên tài của những cá nhân bị đẩy lên phía trước bởi làn sóng cách mạng, làn sóng cách mạng ấy đòi hỏi và đền đáp tài năng thực sự.

Trong uy thế của nó, phong trào cách mạng sản sinh những nhân vật với lòng quả cảm và sức thuyết phục: những Cromwell, những Robespierres, và những Lenin của thế giới. Tuy nhiên, giai đoạn của sự thoái hóa và sa ngã lại biệt đãi những kẻ không có lý luận hoặc tầm nhìn. Khi cách mạng suy yếu và quần chúng rút khỏi hoạt động, thì ‘lãnh đạo cứng rắn’ tầm thường, tẻ nhạt xuất hiện trên lưng của sự bạc nhược tinh thần để duy trì trật tự.

Trotsky và Lenin – là những nhà lãnh đạo và nhà lý luận dũng cảm và có tầm nhìn xa – đã đại diện cho sự sục sôi cách mạng năm 1917. Nhưng vào thời gian Lenin mất năm 1924, sau hàng năm trời trong nội chiến, nạn đói, và tàn phá, quần chúng nhân dân đã mệt mỏi và không muốn nghe đến những lời kêu gọi cho ‘cách mạng thường trực’. Thay vào đó, tâm trạng (đặc biệt trong tầng lớp nông dân rộng lớn) là mong muốn sự ổn định; sự chấm dứt cho những hỗn loạn, trong khi vẫn giữ gìn thành quả của Cách mạng tháng Mười.

Cùng lúc đó, trong hoàn cảnh bị cô lập và lạc hậu về kinh tế sâu sắc, quần chúng đã rút khỏi hoạt động chính trị. Và không có sự hiện diện của công nghiệp tân tiến, của tình trạng đa số dân chúng biết chữ, của trình độ giáo dục cao và sự dồi dào của những người có sự khéo léo trong kỹ thuật, v.v., thì đơn giản là không tồn tại những điều kiện vật chất cần thiết để cho sự kiểm soát và quản lý của giai cấp công nhân được phát triển.

Như Trotsky đã giải thích trong Cuộc cách mạng bị phản bội, chính vì những điều kiện khan hiếm và thiếu thốn ấy đã hình thành cơ sở vật chất cho chế độ Stalin:

“Cơ sở quyền lực của quan liêu là sự thiếu kém hàng tiêu dùng và cuộc chiến đấu chống mọi người vì đó mà ra. Khi có đủ hàng hóa trong quầy, người mua có thể đến lúc nào cũng được. Khi có ít hàng hóa, người mua phải xếp hàng theo đuôi nhau ngoài cửa. Cái đuôi trở thành quá dài, sự có mặt của anh công an là cần thiết để giữ trật tự. Khởi điểm của chế độ quan liêu Xô-viết là như vậy. Nó ‘biết’ đưa cho ai và ai còn phải chờ.”12

Đến lượt, tầng lớp quan liêu này, như đã giải thích, cần có một bù nhìn đại diện cho những lợi ích hẹp hòi của họ. Ngay cả bản thân Trotsky cũng nhật xét rằng giả sử ông giành lấy quyền lực sau khi Lenin chết – chẳng hạn – thông qua mối quan hệ lãnh đạo của ông ở Hồng quân – có thể ông rút cục đã trở thành một tù nhân cho chế độ quan liêu quân sự. Vợ của Lenin, bà Krupskaya, trong lúc ấy, vào năm 1926 đã nhận xét rằng giả sử Lenin còn sống, ông cũng có thể kết thúc tại một trong số những nhà tù của Stalin.

Do vậy, Trotsky hiểu điều mà quá nhiều những sử gia theo trường phái kinh nghiệm và nông cạn không có khả năng nhận ra: nguyên nhân của sự thoái hóa của Liên Xô thành chế độ độc tài toàn trị không nằm ở những tư tưởng của chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Lenin và chủ nghĩa Bolshevik, cũng không nằm ở tính cách vĩ cuồng của Stalin, mà bởi vì sự bất khả hữu của việc xây dựng ‘chủ nghĩa xã hội ở riêng một nước’ – và đặc biệt ở một đất nước kinh tế không phát triển, phần lớn dựa vào nông dân như ở Nga; tức là, bởi vì Cách mạng đã không lan tỏa thành công ở quy mô quốc tế.

Sự xuất hiện của bộ máy quan liêu Xô-viết và, kế đến là sự xuất hiện của Stalin, bắt nguồn từ thực tế đó. “Stalin vươn tới quyền lực không nhờ vào những phẩm chất cá nhân, mà nhờ vào một bộ máy vô cảm,” Trotsky giải thích trong tiểu sử của ông về kẻ độc tài tàn bạo. “Không phải ông ta tạo ra bộ máy ấy, mà bộ máy ấy tạo ra ông ta” (Leon Trotsky, Stalin, chương XIV)

Thiện, ác, tà13

Tương tự như sự trỗi dậy của Hitler và Stalin trong quá khứ, ngày nay sự xuất hiện của những nhân vật phản động như Donald Trump và Marine Le Pen – những cá nhân ‘không-Vĩ-đại lắm’ của lịch sử – đối với nhiều người cũng có thể giống như một tai nạn kinh hoàng. Thực ra, ngày nay nhiều nhà bình luận hời hợt của trào lưu chính những người thường quy thành công của Trump và Le Pen cho chính sách mị dân của họ, kỹ năng ăn nói hoa mỹ, và một cá tính mạnh bạo.

Nhưng khi những sự kiện ngẫu nhiên tương tự nay diễn ra ở hết nước này đến nước khác, thì đó rõ ràng là sự phản ánh của một quá trình rộng lớn hơn ở sự phân cực và phân mảnh chính trị đang diễn ra trong xã hội: sự sụp đổ của nền móng trung tâm của chủ nghĩa tự do và sự phá vỡ của hiện trạng cũ.

Trái ngược lại, hai trong số những nhân vật chính trị phổ biến nhất trên thế giới ngay lúc này là những người đại diện cho những phong trào quần chúng ở phía cánh Tả: Jeremy Corbyn ở Anh và Bernie Sanders ở Mỹ. Ở khía cạnh này, sự trỗi dậy chóng vánh – và hoàn toàn bất ngờ – của Corbyn và Sanders thể thiện một mặt khác của đồng xu đối so với mặt biểu quyết Brexit hoặc Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Thế nhưng, thật trớ trêu, dù thế nào đi chẳng nữa không ai trong số những lãnh đạo cánh tả này có thể được xem là tươi mới. Ở bất cứ điểm nào, không ai trong số họ cũng có cái gì đó là ‘lôi cuốn’. Vậy thì tại sao lại chỉ là lúc này – sau hàng thập kỷ hoạt động không biết mệt mỏi ở phía cánh Tả – cả hai đều đột nhiên trở thành điểm tham chiếu cho hàng triệu công nhân và thanh niên ở Anh và Mỹ tương ứng?

Trong cả hai trường hợp, rõ ràng họ đang cưỡi trên ngọn sóng lịch sử – một ngọn sóng của sự căm giận của quần chúng chống lại Tập đoàn thống trị què quặt cùng hệ thống thối rữa của chúng. Thực tế này một lần nữa chứng minh khẳng định trước đây của Engels và đáng được nhắc lại ở đây:

“Dĩ nhiên, thật là một điều ngẫu nhiên thuần túy mà một vĩ nhân nào đó xuất hiện ở một thời đại nhất định nào đó, trong một nước nhất định nào đó. Nhưng nếu chúng ta phế bỏ người đó đi thì lại xuất hiện sự đòi hỏi một người thay thế, và người thay thế này sẽ xuất hiện tant bien que mal (tốt hay xấu) nhưng cuối cùng rồi cũng xuất hiện.”

Câu nói ấy, tuy vậy, không hề phủ nhận vai trò quan trọng mà Corbyn, chẳng hạn, giờ đây đang đảm nhận ở phía cánh Tả ở Anh. Tại những thời điểm nhất định trong lịch sử, hy vọng và giấc mơ về một phong trào có thể được hiện thân và cá nhân hóa ở một cá nhân. Quan hệ giữa Corbyn và phong trào chung quanh ông là một ví dụ như thế cho hiện tượng này.

Tính cách cá nhân của Corbyn – ‘có nguyên tắc’ và ‘trung thực’ là trong số những phẩm chất tích cực hay được gán cho lãnh đạo Đảng Lao động nhất – phản ánh khao khát của những người dân thường về một lãnh đạo mà người đó (cùng với một đảng) đoạn tuyệt với khuôn mẫu của sự nông cạn và thất thường kiểu Blair, một khuôn mẫu thường gắn liền với các chính trị gia truyền thống. Ở khía cạnh này, đối với nhiều người, ý tưởng về một phong trào Corbyn mà không có Corbyn là không thể hình dung nổi.

Điều tương tự cũng đúng – và thậm chí còn đúng hơn – cho trường hợp Hugo Chavez ở Venezuela, người xuất hiện để hiện thân và đại diện cho tất cả những mong muốn và nguyện vọng của quần chúng. Kết quả là một mối quan hệ biện chứng giữa bản thân ông và phong trào cách mạng Bolivar: quần chúng càng đẩy Chavez về phía trước bao nhiêu, nó càng đem lại cho ông sự tự tin vào sức mạnh của phòng trào bấy nhiêu, và đến lượt ông càng gây cảm hứng và khiến quần chúng triệt để hơn bấy nhiêu.

Lenin và những người Bolshevik

Tương tự là mối quan hệ giữa Lenin, những người Bolshevik với công nhân và nông dân Nga. “Khả năng suy nghĩ và cảm thông với quần chúng”, Trotsky tuyên bố trong Nhật ký tù đày, " là tính cách của ông [Lenin] ở cấp độ cao nhất, đặc biệt ở những bước ngoặt chính trị vĩ đại."

John Reed, nhà báo người Mỹ và một người xã hội, trong tác phẩm xuất sắc của ông thuật lại trực tiếp về Cách mạng Nga – Mười ngày rung chuyển thế giới – nhận xét rằng Lenin là một lãnh đạo xuất sắc: một người được ngưỡng mộ và kính trọng không vì sức lôi cuốn của ông, nhưng thật kinh ngạc lại chính ở việc thiếu sức lôi cuốn; và đến tận cùng vì sự mạch lạc và đúng đắn ở những tư tưởng mà ông đề xướng.

Lenin, Reed viết:

“Trông hình thức bề ngoài không có gì để cho quần chúng tôn sùng; vậy mà trong lịch sử, ít có lãnh tụ được yêu mến và kính phục như ông. Một lãnh tụ nhân dân kỳ lạ, được suy tôn hoàn toàn nhờ trí tuệ của mình, không bóng bẩy, không hài hước, không khoan nhượng, tư thái ung dung, không có nét gì nổi bật, nhưng có tài giải thích những ý kiến sâu sắc bằng những lời lẽ giản dị, phân tích tình hình một cách cụ thể và kết hợp sự khôn ngoan sáng suốt với sự táo bạo nhất về trí năng.”(Reed, Thế Bính, và Đắc Vỵ (dịch) 2017, tr192)

Nếu Lenin không trở về Nga vào tháng Tư năm 1917, những người Bolshevik có thể không được trang bị những tư tưởng chính trị cần thiết, những triển vọng, và những đòi hỏi nhằm chinh phục khối óc của quần chúng. Nhưng ‘cái vĩ đại’ của Lenin bản thân nó đã bao gồm tất cả những bài học lịch sử mà những người Bolshevik đã học được qua hàng thập kỷ xây dựng một tổ chức cách mạng. Lenin không sinh ra đã là Lenin; người đã tạo ra chính bản thân mình.

Cũng như Lenin đã giúp tôi luyện Đảng Bolshevik thành vũ khí cách mạng cần thiết cho công nhân và nông dân Nga, thì Đảng cũng giúp tôi luyện Lenin thành người lãnh đạo không thể thiếu cho những thời khắc quyết định của năm 1917.

Trotsky nhấn mạnh điểm này ở một đoạn xuất sắc trong tiểu sử về Stalin của ông, đoạn đó ông thảo luận về việc Lenin trở lại Nga năm 1917 và vấn đề về ‘Luận cương tháng Tư’ của người, luận cương đã giúp tái định hướng về mặt chính trị và tái vũ trang những người Bolshevik cho những nhiệm vụ cách mạng sắp tới. Khi làm như vậy, Trotsky giải thích mối quan hệ biện chứng tồn tại giữa Lenin và Đảng Bolshevik, so sánh sự chỉ đạo cách mạng và tập thể lãnh đạo mà Lenin đã chuẩn bị với những thành tựu khoa học của những cá nhân ‘thiên tài’ như Charles Darwin và Isaac Newton:

"Mỗi khi lãnh đạo Bolshevik phải hành động mà không có Lenin họ rơi vào sai lầm, thường ngả sang cánh Hữu. Lúc đó Lenin có thể xuất hiện như một vị thần giải cứu [deus ex machina]14 và chỉ ra con đường đúng đắn. Liệu điều đó có nghĩa là trong Đảng Bolshevik thì Lenin là tất cả và tất cả còn lại thì không là gì cả? Kết luận như vậy, rất phổ biến ở những nhóm dân chủ, là vô cùng thiên lệch và do đó là sai lầm.

"Có thể nói tương tự như vậy về khoa học. Cơ học khi không có Newton và sinh học khi không có Darwin dường như chẳng là gì hết sau bao nhiêu năm trời. Điều đó vừa đúng vừa sai. Phải cần đến công trình của hàng ngàn nhà khoa học bình thường để thu thập sự kiện, gom nhóm chúng lại, và nêu ra vấn đề và chuẩn bị nền tảng cho những lời giải toàn diện của Newton hay của Darwin. Lời giải đó đến lượt lại tác động tới công trình của hàng ngàn những nhà khám phá mới. Những thiên tài không tự bản thân mình tạo ra khoa học; họ chỉ đơn thuần gia tốc cho một quá trình tư duy tập thể.

"Đảng Bolshevik sở hữu một lãnh đạo thiên tài. Điều đó không phải là ngẫu nhiên. Một nhà cách mạng có tố chất và chiều sâu như của Lenin có thể là lãnh đạo duy nhất của một đảng can đảm nhất, có khả năng đưa các tư tưởng và hành động đến kết cục logic của chúng. Nhưng bản thân thiên tài là những ngoại lệ hiếm có nhất. Một lãnh đạo thiên tài định hướng bản thân anh ta nhanh hơn, ước lượng tình huống kỹ lưỡng hơn, nhìn xa hơn những người khác.

"Có một điều không thể tránh khỏi là một khoảng trống lớn sẽ nảy sinh giữa nhà lãnh đạo thiên tài với những cộng sự thân cận nhất của mình. Điều đó có thể thậm chí bị che dấu thực tế là ở chừng mực nào đó quyền năng từ tầm nhìn của Lenin tác dụng như chiếc thắng kìm hãm sự phát triển của khả năng tự lực trong số những cộng sự của người.

"Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là Lenin là ‘tất cả’ và Đảng không có Lenin không là gì cả. Không có Đảng Lenin có thể vô dụng như Newton và Darwin không có những công trình khoa học tập thể. Do vậy vấn đề không phải ở những tội lỗi đặc biệt của Chủ nghĩa Bolshevik, được cho là bị quy định bởi sự tập trung hóa, sự kỷ luật và điều tương tự, mà vấn đề ở một thiên tài trong quá trình lịch sử. Các tác giả tìm cách chê bai Chủ nghĩa Bolshevik căn cứ vào việc Đảng Bolshevik đã may mắn có được một lãnh đạo thiên tài chỉ đơn thuần thú nhận sự thô thiển về mặt tinh thần của chính họ.

"Lãnh đạo Bolshevik đã có thể tìm được phương châm hành động đúng đắn mà không có Lenin, nhưng sẽ chậm chạp, sẽ phải trả giá cho sự cọ xát và đấu tranh nội bộ. Các xung đột giai cấp sẽ có thể tiếp diễn để lên án và bác bỏ những khẩu hiệu vô nghĩa của phe Bolshevik Cũ..

"Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là dù thế nào con đường đúng đắn cũng sẽ được tìm ra. Yếu tố thời gian đóng một vai trò quyết định trong chính trị – đặc biệt là ở thời kỳ cách mạng. Đấu tranh giai cấp sẽ hiếm khi chờ cơ hội vô hạn định cho đến khi lãnh đạo chính trị khám phá ra việc đúng đắn phải làm. Lãnh đạo thiên tài là quan trọng, bởi vì khi rút ngắn giai đoạn học hỏi bằng những bài học thực tế, anh ta giúp đảng gây ảnh hưởng tới sự phát triển của các sự kiện ở những thời khắc thích hợp.

“>”Nếu như Lenin không xuất hiện vào đầu Tháng Tư, không còn nghi ngờ gì nữa Đảng đã có thể mò mẫm con đường cuối cùng dẫn tới đường lối trong ‘Luận cương’ của Lenin. Nhưng ai khác có thể kịp thời chuẩn bị Đảng cho kết cục Tháng Mười? Câu hỏi này không thể trả lời một cách dứt khoát. >

“Có một điều chắc chắn: trong tình huống này – tình huống đã kêu gọi sự đương đầu cương quyết của bộ máy Đảng chậm chạp với quần chúng và tư tưởng đang vận động – Stalin đã có thể không hành động với sáng tạo cần thiết và trở thành sự kìm hãm chứ không phải sự thúc đẩy. Quyền lực của ông ta chỉ bắt đầu sau khi có thể khai thác quần chúng với sự trợ giúp của bộ máy.” (Leon Trotsky, Stalin, chương VII)

Tuy nhiên những cương lĩnh và truyền thống của người Bolshevik, đến lượt, bản thân chúng không phải là sản phẩm từ những bài học trong vài thập kỷ mà trong hàng thế kỷ – những bài học có được từ toàn bộ kinh nghiệm của cuộc đấu tranh giai cấp đã được tổng quát hóa, được chứa đựng trong những trang sách của những tư liệu lý luận phong phú của Marx, Engels, Plekhanov và những người chủ trương và những người bảo vệ hàng đầu cho tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Đối với những người Marxist, điều đó nhấn mạnh lý do tại sao lý luận và giáo dục là hết sức sống còn trong việc xây dựng tổ chức cách mạng. Không có sự giáo dục ấy, những bài học của các thế hệ trước sẽ bị đánh mất mãi mãi vào thinh không.

Chỉ bằng cách tôi luyện bản thân chúng ta bằng những tư tưởng của chủ nghĩa Marx chúng ta mới chắc chắc rằng mọi phong trào không phải học những bài học lịch sử lại một lần nữa. Thay vào đó, chúng ta có thể truyền lại những kết luận cần thiết từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo, áp dụng những bài học quan trọng vào những điều kiện cụ thể của ngày hôm nay, và mang lại một ‘sợi chỉ không bị đứt đoạn’ cho cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội.

Động lực của lịch sử

Những người Marxist không phải là những người theo thuyết định mệnh, những người đó từ chối vai trò của tác nhân con người trong các sự kiện. Thực ra, chúng tôi cố gắng tích cực xây dựng tổ chức cách mạng cần thiết để cải biến xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý với nhưng người hậu hiện đại ở sự bác bỏ của họ đối với mọi quy luật phổ biến và năng động trong lịch sử. Lịch sử không chỉ là “một sự kiện chết tiệt này tiếp sau một sự kiệt chết tiệt khác”

Những tiến trình lịch sử, dĩ nhiên, là phức tạp. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng hoàn toàn không thể dự đoán hoặc không thể kiểm soát. Giữa sự bất định dường như hỗn loạn của các sự biến, tồn tại một mức độ trật tự. Lịch sử có những quy luật và sự năng động của riêng nó, dẫu chỉ ở mức độ rất khái quát.

Thực ra, như đã thảo luận, Trotsky nhận xét trong tác phẩm Lịch sử Cách mạng Nga của ông làm thế nào mà xuyên suốt quá trình lịch sử những tính cách tương tự xuất hiện ở những tình huống tương tự, bằng cách so sánh các chế độ quân chủ đã bị lật đổ ở những cuộc cách mạng ở Anh, Pháp, và Nga.

Tiếp đến, Trotsky đã giải thích, bản thân những cuộc cách mạng này chứa dựng những sự biến tương tự và thể hiện những tiến trình tương tự, nảy sinh theo phương thức mà ở đó nhận thức của quần chúng thay đổi và cuộc đấu tranh giai cấp tự thể hiện bản thân nó. Chẳng hạn, ở đâu đó, vẫn tác giả này rút ra sự tương tự giữa sự thoái hóa của Cách mạng Pháp thành chủ nghĩa Bonaparte với sự thoái hóa của Cách mạng Nga thành chủ nghĩa Stalin, khi lực lượng của quần chúng ở cả hai trường hợp đã rút ra khỏi sân khấu lịch sử.

Quy luật chung nhất được khẳng định bởi quan điểm duy vật về lịch sử là quy luật về sự phát triển của lực lượng sản xuất: thực tế là tồn tại một xu thế – trong dài hạn – cho nhân loại để nâng cao sự làm chủ của chúng ta đối với tự nhiên và nâng cao mức sống của chúng ta, như thể hiện ở trình độ khoa học, công nghiệp, công nghệ, và kỹ thuật trong xã hội. Nói đơn giản: ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay.

Khi một hệ thống kinh tế của xã hội và các quan hệ sở hữu trở thành rào cản cho sự phát triển này, Marx giải thích, “khi đó bắt đầu một thời đại của một cuộc cách mạng xã hội”.15

Nhưng lịch sử không chờ đợi – những người dân thường không thể chờ đợi – một đảng hoặc một lãnh đạo cách mạng xuất hiện để tiến hành một sự cải biến xã hội cần thiết. Ở những thời điểm nhất định, những điều kiện khách quan của tình trạng nghèo đói và thiếu thốn mà quần chúng cảm nhận đòi hỏi sự thay đổi lớn lao diễn ra ở đây và ngay lúc này, bất kể là đảng nào hay lãnh đạo nào đang sẵn có.

Tuy nhiên, trong tình trạng vắng mặt của ‘nhân tố chủ quan’ cần thiết cho một đảng cách mạng, quá trình này chỉ có thể diễn ra ở mọi hình thức bị biến dạng. Bằng chứng của điều này là sự nảy sinh của những ‘nhà nước công nhân méo mó’ như đã thấy xuyên suốt quá trình lịch sử: những chế độ kiểu Stalin – với tầng lớp quan liêu ăn bám trên một nền kinh tế quốc hữu hóa, có kế hoạch – đã giành được quyền lực ở nhiều nước thuộc địa cũ trong giai đoạn hậu chiến dựa trên những phong trào cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc và địa chủ.

Từ những cuộc cách mạng Trung Quốc năm 1949 và Cuba năm 1959, cho đến những chế độ Baathist và Mengistu ở Syria và Ethiopia tương ứng: tất cả những ví vụ ấy, và nhiều ví dụ khác nữa, Ted Grant đã giải thích trong bài viết có ảnh hưởng lớn về Cách mạng thuộc địa và Nhà nước công nhân méo mó là một sản phẩm của sự tất yếu khách quan cho cách mạng ở những quốc gia ấy – một cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại quan hệ xã hội hiện tại và những mâu thuẫn bỏ lại sau hàng thập kỷ và hàng thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân.

“Dưới hoàn cảnh suy tàn của chế độ tư bản-địa chủ ở những nước thuộc địa, mọi mâu thuẫn xã hội bị dồn vào thế cực đoan. Căng thẳng xã hội đạt tới mức không thể chịu đựng. Do vậy, hết nước này đến nước khác ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh, dân chủ tư sản bị thay thế bằng những chế độ Bonaparte tư sản hoặc Bonaparte vô sản. Ở những nước cựu thuộc địa nêu trên không có nước nào tiến lên một mô hình theo tiêu chuẩn của một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.”

Nơi khác, ở Ai Cập trong thập kỷ 1950, từ một nhân vật quân sự trở thành tổng thống, Gamal Abdel Nasser rốt cuộc quốc hữu hóa các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, chẳng hạn như Kênh đào Suez.

Giống như ở mọi trường hợp, lãnh đạo tiểu tư sản cứ để mặc những người theo đường lối dân tộc như Mao và Castro bị đẩy xa hơn rất nhiều ở cương lĩnh kinh tế so với ý định ban đầu của họ, bởi những điều kiện khách quan mà họ đối mặt. Nỗ lực ban đầu nhằm tiến hành những cải cách kinh tế cơ bản và những đòi hỏi về chủ quyền, buộc những lãnh đạo ấy phải dịch chuyển xa hơn về phía cánh tả như là kết quả của sức ép của quần chúng từ bên dưới, và sức ép phản động của chủ nghĩa đế quốc và tư bản mại bản trong nước.

Cuối cùng, như Ted Grant nhấn mạnh, vai trò của những lãnh đạo ở các cuộc cách mạng thuộc địa không liên quan gì nhiều đến niềm tin cá nhân hay tính cách cá nhân, và mọi thứ đều liên quan tới động lực của tất yếu lịch sử và sự thay đổi xã hội mà họ xuất hiện để hiện thân và đại diện:

"Điều quan trọng là phải nhận thấy rằng điểm chung ở tất cả những lực lượng đa dạng ấy không phải ở sự khác biệt cá nhân thứ yếu mà ở những lực lượng xã hội và lực lượng giai cấp mà họ đại diện.

"Mengistu, Castro, [v.v.]…đoạn tuyệt với lai lịch giai cấp của họ và những lợi thế hoặc bất lợi của thế giới quan và nền tảng giáo dục đại học và tư sản của họ. Sự thật là họ đã không đẩy bản thân họ dựa trên lập trường vô sản – như Marx và Lenin đã làm – mà họ đã chấp nhận một ‘chủ nghĩa xã hội’ dễ dàng hơn nhiều, một sự lựa chọn gắn liền với sự cai trị cá nhân của họ cùng nhóm cầm quyền trên lưng của giai cấp công nhân và nông dân.

“Tất cả những khác biệt cá nhân đều bị nghiền nát bởi những biến động giai cấp và kinh tế có tính quyết định mà họ chịu trách nhiệm ở đất nước của họ và xã hội của họ.”

Tự do và tất yếu

Friedrich Engels

Friedrich Engels

Chủ nghĩa Marx, do vậy, không đặt tầm quan trọng của những điều kiện lịch sử và của cá nhân theo cách thức gạt bỏ nhau hoàn toàn. Thực ra, những nhân tố ấy – ‘khách quan’ và ‘chủ quan’; ‘tất nhiên’ và ‘ngẫu nhiên’ – tồn tại với tư cách là sự thống nhất giữa các mặt đối lập.

Rõ ràng là chúng ta không sở hữu ‘ý chí tự do’, theo nghĩa là một năng lực không bị trói buộc khi quyết định tương lai của chúng ta; chúng ta cũng không bị lệ thuộc vào những lực lượng định mệnh của ‘số phận’.

Sau cùng, như Engels bình luận, khi đề cập đến Hegel:

“Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật của tự nhiên, mà là ở sự nhận thức những quy luật đó và ở cái khả năng – có được nhờ sự nhận thức này – buộc những quy luật đó tác động một cách có kế hoạch nhằm những mục tiêu nhất định. Điều đó là đúng đối với những quy luật tự nhiên bên ngoài, cũng như đối với những quy luật chi phối tồn tại vật chất và tinh thần của bản thân con người – hai loại quy luật mà chúng ta nhiều cũng chỉ có thể tách cái nọ ra khỏi cái kia trong quan niệm chứ không thể tách ra trong thực tế được”16

Chẳng hạn, ngay cả vĩ nhân cũng không thể gọi lên những thế lực ma thuật để thách thức lực hấp dẫn và bay được. Nhưng thông qua sự phát triển của khoa học, chúng ta, theo thời gian, có thể nhận thức được các định luật về hấp dẫn và chuyển động để phát minh ra máy móc – như máy bay – để thắng các lực tự nhiên và cho phép chúng ta bay được.

Mối quan hệ giữa cá nhân và lịch sử cũng giống như vậy. Không có nhân vật lịch sử nào có thể chiếm ưu thế trước những lực lượng xã hội mạnh mẽ đang tác động chống lại họ. Không có những điều kiện vật chất cần thiết, ngay cả lãnh đạo thông minh nhất, lôi cuốn nhất và kiên định nhất cũng chỉ có thể tiến xa như vậy.

Engels nhận xét như vậy trong mối tương quan với những người Xã hội Không tưởng: những nhà chính trị trước ông và Marx, tin tưởng một cách duy tâm rằng tất cả những gì cần thiết để dẫn đến chủ nghĩa xã hội là “một con người thiên tài, giờ đây mới xuất hiện và người đó đã nhận thức được chân lý.”17

Marx và Engels, trái lại, đề xướng quan điểm chủ nghĩa xã hội khoa học, và duy vật, nhấn mạnh rằng không có lượng hay chất nào của Vĩ Nhân ở những kỷ nguyên trước có thể dẫn dắt xã hội tiến lên chủ nghĩa xã hội thực sự. Do vậy các khuynh hướng cộng sản ấy đã tồn tại bên trong những cuộc cách mạng tư sản trước đây, như Winstanley’s Diggers ở Cách mạng Anh và phái cực tả Jacobins chung quanh Hebert ở Cách mạng Pháp, chắc chắn sẽ thất bại ngay từ khởi điểm.

Như đã giải thích ở trên, cũng tương tự như vậy là chiến thắng của chủ nghĩa Stalin và giới quan liêu trước chủ nghĩa Trotsky và Cánh tả Đối lập trong những năm sau Cách mạng Nga 1917. Như Trotsky đã giải thích trong Cuộc cách mạng bị phản bội, không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một đất nước – và đặc biệt không thể ở một nước kém phát triển về kinh tế và văn hóa như ở Nga.

“Ai làm ra lịch sử?” Plekhanov đặt câu hỏi trong cuốn sách mỏng của ông về vai trò của cá nhân trong lịch sử. Người hình thành chủ nghĩa Marxist Nga trả lời “Con người xã hội làm ra lịch sử.”

"Nhưng nếu như ở một giai đoạn nào đó anh ta tạo ra những mối quan hệ nào đó mà không phải những quan hệ khác, thì dĩ nhiên phải có nguyên nhân nào đó; nó được quyết định bởi tình trạng của các lực lượng sản xuất của anh ta.

Không có vĩ nhân nào có thể đánh tráo các quan hệ xã hội mà chúng không còn phù hợp hoặc chưa phù hợp với tình trạng của những lực lượng đó. Theo nghĩa đó, quả thực, anh ta không thể làm ra lịch sử.” (Nhấn mạnh của chúng tôi)

Do vậy, Plekhanov giải thích, ngay cả Vĩ nhân cũng không tùy ý làm ra lịch sử như theo họ muốn. Nhưng, một lần nữa, vấn đề của mối quan hệ giữa tự do và tất yếu lại nảy sinh. Plekhanov nói tiếp:

"Các mối quan hệ xã hội có logic riêng của chúng: chừng nào con người còn sống trong những mối quan hệ tương hỗ nào đó, họ sẽ cảm nhận, suy nghĩ và hành động thế này chứ không phải thế khác. Nỗ lực ở phía con người công cộng nhằm đấu sức với logic này cũng sẽ vô ích; tiến trình tự nhiên của sự vật (tức là logic của các mối quan hệ xã hội) sẽ biến mọi nỗ lực của anh ta về con số không.

Nhưng nếu như tôi biết ở hướng nào các quan hệ xã hội đang thay đổi do những thay đổi nào đó trong quá trình sản xuất kinh tế-xã hội, thì tôi cũng biết ở hướng nào tâm trạng xã hội đang thay đổi; kết quả là, tôi có thể gây ảnh hưởng tới nó. Gây ảnh hưởng tới tâm trạng xã hội có nghĩa là ảnh hưởng tới sự biến lịch sử. Do vậy, theo nghĩa nhất định, tôi có thể làm ra lịch sử, và tôi không cần phải chờ đợi trong khi ‘lịch sử đang được làm ra’.” (Nhấn mạnh của chúng tôi)

Nói cách khác, thông qua nhận thức được các quy luật chung của sự vận động trong xã hội – của kinh tế, ý thức và cách mạng – bản thân chúng ta có thể trở thành một nhân tố trong quá trình khách quan và giúp quyết định tiến trình lịch sử.

Và đó chính là ý nghĩa của lý luận: nhận thức được những quy luật chung ấy, dựa trên cơ sở phân tích biện chứng và duy vật về tự nhiên, lịch sử và chủ nghĩa tư bản; một nhận thức mang lại sự chỉ dẫn cho tổ chức và hành động cách mạng, cho phép chúng ta thay đổi triệt để thế giới chung quanh ta. Marx đã nhận xét “Lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”18

Vấn đề lãnh đạo

Sau cùng, như đã đề cập ở khởi đầu, chính những điều kiện khách quan của khủng hoảng và của nhận thức bị thay đổi triệt để đã đưa quần chúng bước vào sân khấu lịch sử, khiến cách mạng trở nên khả khi. Không có những điều kiện cần thiết ấy, không thể nói điều gì về cách mạng.

Đây chính là điều Plekhanov đã luận chiến chống lại trong cuốn sách mỏng nổi tiếng của ông, như đã trích dẫn ở trên; chống lại tầng lớp trung lưu Narodniks những người nhấn mạnh quá nhiều vào vai trò của cá nhân, thay thế sự cần thiết của hành động và tổ chức quần chúng bằng khủng bố cá nhân và ‘tuyên truyền hành động’. Những chiến thuật vô ích đó vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay dưới hình thức của chủ nghĩa vô chính phủ và sự ám ảnh với ‘hành động trực tiếp’, cái thường không hơn gì nhiều màn trình diễn của pha mạo hiểm chính trị.

Plekhanov, trái lại, cố gắng giúp những người Marxist Nga đầu tiên thấm nhuần ý nghĩa của tầm quan trọng của quần chúng trong quá trình làm nên lịch sử. Và không chỉ ‘quần chúng’ một cách trừu tượng, mà là vai trò sống còn của giai cấp công nhân đã được tổ chức – đã được tổ chức chung quanh những tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Marx.

Ngày nay, rõ ràng là mọi điều kiện khách quan cần thiết cho cách mạng thế giới đã tồn tại. Thực ra, như Trotsky đã khẳng định trong đoạn mở đầu trong Cương lĩnh Quá độ, “những tiền đề khách quan cho cách mạng vô sản thế giới không những đã ‘chín muồi’; chúng đã bắt đầu có phần thối rữa.”

“Không có một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong giai đoạn lịch sử tiếp theo, một thảm họa đe dọa toàn bộ văn hóa nhân loại.”

Vấn đề đối mặt nhân loại trong kỷ nguyên hiện tại, Trotsky nhấn mạnh, không nằm ở những điều kiện khách quan không phù hợp, mà ở sự thiếu vắng của nhân tố chủ quan: một đảng cách mạng. “Cuộc khủng hoảng lịch sử của nhân loại trở thành cuộc khủng hoảng giới lãnh đạo.”

Khắp nơi chúng ta thấy trật trự cũ đang đổ vỡ. Một sự hoài nghi sâu sắc về tất cả những đảm bảo đang tồn tại trong xã hội, trước đây được xem là bất khả xâm phạm; một sự thay đổi triệt để và sự bất mãn, phản chiếu bản thân nó ở những dao động đột ngột sang cánh tả và sang cánh hữu.

Thế nhưng như Trotsky đã giải thích một cách hùng hồn trong mối liên hệ giữa Cách mạng tháng Mười với vai trò sống còn của Lenin và những người Bolshevik 100 năm trước, triển vọng thay đổi vẫn còn chỉ là một tiềm năng nếu không có sự xuất hiện của một tầng lớp lãnh đạo cách mạng:

“Chỉ trên cơ sở nghiên cứu những quá trình chính trị trong bản thân quần chúng, chúng ta mới có thể nhận thức được vai trò của các đảng phái và lãnh đạo, những người mà chúng ta có khuynh hướng bỏ qua. Họ cấu thành không phải một yếu tố độc lập trong quá trình, mà là một yếu tố rất hệ trọng. Thiếu một tổ chức dẫn đường, năng lượng của quần chúng sẽ tiêu hao giống như hơi nước không được giữ kín trong buồng pít-tông. Nhưng dẫu vậy cái làm dịch chuyển những thứ khác không phải là cái pít-tông hay cái buồng pít-tông, mà là hơi nước.” (Leon Trotsky, Lịch sử cách mạng Nga, Lời tựa)

Đây chính là vai trò của một tổ chức cách mạng: dẫn dắt và định hướng năng lượng triệt để của công nhân, thanh niên và quần chúng bị áp bức – ngày hôm nay năng lượng ấy đã tồn tại khắp thế giới – tới một cuộc cải biến cách mạng xã hội.

Xây dựng một tổ chức như vậy là nhiệm vụ mà chúng tôi ở Xu hướng Marxist Quốc tế (IMT) đã đặt ra cho bản thân mình. Và vào dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Nga, chúng tôi kêu gọi các bạn hãy tham gia cùng chúng tôi vào nhiệm vụ sống còn này.

Tham khảo

Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1980. Tuyển tập. Vol 1. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1981. Tuyển tập. Vol 2. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1983. Tuyển tập. Vol 5. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1984. Tuyển tập. Vol 6. Hà Nội: NXB Sự thật.

Reed, John, Đặng Thế Bính, và Trương Đắc Vỵ (dịch). 2017. Mười ngày rung chuyển thế giới. T.P. Hồ Chí Minh: NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Trotsky, Leon. 1993. Cuộc cách mạng bị phản bội. Biên dịch bởi Khoa-Khôi Hoàng. Paris: Tủ sách nghiên cứu.


  1. Marx và Engels (1980), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tr540

  2. Marx & Engels, Gia đình Thần thánh, chương VI

  3. Marx và Engels (1984), Thư Engels gửi Joseph Bloch ở Knoenigsberg, tr727-728

  4. Marx và Engels (1981), Marx, Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, tr637

  5. Marx và Engels (1981), Ngày mười tám tháng Sương mù của Louis Bonaparte, tr386

  6. Biện chứng của Tự nhiên

  7. Marx và Engels (1984), Thư Engels gửi Borgius ở Breslau, tr.789-90

  8. Trotsky, Lịch sử cách mạng Nga, Quyển 1, chương VI

  9. Strongman

  10. Trotsky (1993), chương XI

  11. Trotsky (1993), chương XI

  12. Trotsky (1993), chương V

  13. The good, the bad, and the ugly

  14. Deus_ex_machina

  15. Marx và Engels (1981), Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, tr638

  16. Marx và Engels (1983), Engels, Chống Duhring, chương XI: Tự do và tất yếu, tr163

  17. Marx và Engels (1983), Engels, Chống Duhring tr32

  18. Marx và Engels (1980), Marx, Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel, tr25