George Novack’s Understanding History: From Lenin To Castro – The Importance Of The Individual In History-Making, biên dịch bởi azan_.

Lenin / Photo Getty Images

Lenin / Photo Getty Images

Từ Lenin đến Castro: Vai trò của cá nhân trong quá trình làm nên lịch sử

Chương ba của quyển sách Nhà tiên tri bị ruồng bỏ (The Prophet Outcast), đây là quyển cuối cùng trong bộ tiểu sử về Trotsky, đề cập đến nội dung “Nhà cách mạng với vai trò là nhà sử học”, Issac Deutscher tranh luận về vai trò của cá nhân quyết định tới các sự kiện lịch sử một cách rất sư phạm. Vấn đề nêu ra ở đây là Trotsky ca ngợi vai trò của Lenin trong Cách mạng Nga.

Deutscher cho rằng Trotsky dao động giữa hai quan điểm không thể hòa hợp. Trong tác phẩm Lịch sử cách mạng Nga, bức thư gửi Preobrazhensky vào năm 1928, và trong Nhật ký tù đày, Trotsky kiên định rằng Lenin là không thể thiếu được cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Cách mạng không thể thành công mà không có Lenin. Ở đâu đó trong Cuộc cách mạng bị phản bội (The Revolution Betrayed), Deutscher cho rằng, Trotsky quay lại quan điểm chính thống về duy vật lịch sử coi phẩm chất lãnh đạo là thứ yếu so với những nhân tố khách quan trong quá trình làm nên lịch sử. Liệu đó có phải là sự dao động của Trotsky?

Chủ nghĩa Marx cho rằng không một cá nhân nào, dù tài năng đến đâu, ý chí vững vàng đến đâu, hoặc chiếm vị trí chiến lược đến đâu có thể thay đổi tiến trình chủ đạo của diễn biến lịch sử, cái được định hình bởi lực lượng và hoàn cảnh vượt ra ngoài phạm vi cá nhân. Do đó, Deutscher lý luận rằng, cách mạng sẽ thắng lợi vào năm 1917 với những nhà lãnh đạo khác ngay cả khi Lenin bị loại bỏ khỏi vũ đài chính trị bởi một tai nạn nào đó. Chính bản thân Trotsky, hoặc một nhóm những người đứng đầu Bolsevik khác, sẽ lấp chỗ trống mà Lenin để lại.

Deutscher đoán rằng Trotsky sa vào ranh giới chủ quan “sùng bái cá nhân” Lenin là bắt nguồn từ động cơ phải có một nhu cầu tâm lý để phóng đại vai trò lãnh đạo của cá nhân nhằm cân bằng lại chế độ chuyên quyền của Stalin trong cuộc đấu tranh chính trị đầy chết chóc với Stalin. Ông ta tìm cách sửa chữa Trotsky bằng cách viện đến những tư tưởng trong bài viết kinh điển của Plekhanov về Vai trò của cá nhân trong lịch sử. Tác phẩm đó là bút chiến chống lại trường phái xã hội học chủ quan Narodnik ca ngợi anh hùng là người tự mình sáng tạo lịch sử thay vì quần chúng và các nhân tố quyết định khách quan khác của cuộc đấu tranh giai cấp. Tranh luận chống lại định đề rằng đòi hỏi của quần chúng cần người lãnh đạo có thể được đáp ứng chỉ bởi duy nhất một cá nhân kiệt xuất, Plekhanov chỉ ra rằng người đó khi đã leo lên vị trí quyền lực tối cao sẽ tìm cách ngăn cản những người khác mà họ cũng có thể thực hiện công việc ấy, nhưng theo cách thức khác. Sự che khuất của những ứng viên có thể thay thế được tạo ra ảo tưởng về vai trò duy nhất không thể thay thế của cá nhân. Nếu như những điều kiện tiên quyết đã chín muồi và đòi hỏi của lịch sử có đủ sức mạnh, sẽ có một loạt những cá nhân có thể đảm nhận chức năng lãnh đạo.

Ví dụ ở Trung Quốc và Nam Tư, Deutscher viết, minh chứng cho thấy cuộc cách mạng đang lên có thể sử dụng những con người có tầm vóc thấp hơn Lenin hay Trotsky để chiếm lấy quyền lực. Đấu tranh giai cấp có thể tạo sức ép buộc mọi nguyên liệu con người đang sẵn có vào phục vụ cho việc hoàn thiện mục tiêu của nó.

Chủ đề này có tầm quan trọng hơn cả đánh giá của Trotsky về vai trò của Lenin trong cuộc cách mạng Nga hoặc quan trọng hơn cả sự phê phán của Deutscher cho rằng Trotsky không nhất quán về vấn đề trên. Tác động tương hỗ giữa các nhân tố chủ quan và khách quan trong tiến trình lịch sử là một trong những vẫn đề mấu chốt của khoa học xã hội. Nó cũng là chìa khóa cho thực tiễn cách mạng trong thời đại của chúng ta.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử dứt khoát gán tính quyết định, Deutscher nhấn mạnh, cho nhân tố khách quan như trình độ của lực lượng sản xuất và tình trạng của quan hệ giai cấp trong quá trình làm nên lịch sử. Nhưng còn nhiều vấn đề hơn thế.

Đầu tiên là, các hiện tượng xã hội được chia thành các phạm trù mà chúng chỉ có tính chủ thể hoặc khách thể một cách tương đối. Trạng thái của các phạm trù ấy có thể thay đổi theo mối liên kết thích hợp. Nếu như môi trường thế giới xung quanh là khách thể đối với quốc gia mà nó thuộc về môi trường ấy, quốc gia này đến lượt nó lại là khách thể đối với các giai cấp hình thành nên cấu trúc xã hội của nó. Giai cấp thống trị là khách thể của giai cấp công nhân. Đảng là chủ thể của giai cấp mà nó đại diện lợi ích, trong khi đó các nhóm, xu hướng, đảng phái và các tổ hợp khác lại là chủ thể của phong trào hay đảng phái chứa đựng chúng. Cuối cùng, cá nhân là chủ thể trong mối quan hệ với tất cả nhân tố khác, mặc dù anh ta là một tồn tại khách thể trong quan hệ với những cá nhân khác.

Thứ hai là, các nhân tố đa dạng trong mọi tiến trình lịch sử không, và thực ra là không thể, phát triển đồng mức và đồng thời. Không chỉ ở chỗ có một số nhân tố chín muồi trước nhân tố khác, mà còn là một số nhân tố còn không thể đạt tới một kết quả hoàn thiện và đầy đủ tại những thời điểm quyết định, hoặc thực ra là tại mọi thời điểm. Sự xuất hiện cùng lúc của tất cả các nhân tố khác nhau thiết yếu để xảy ra một kết cục nhất định trong tiến trình lịch sử lớn lao là một sự kiện vô cùng đặc biệt hoặc “tình cờ (ngẫu nhiên)” mà nó chỉ là tất yếu khi xét trong một quá trình lâu dài.

Lãnh đạo, tập thể và cá nhân gộp thành các thành phần có ý thức trong lịch sử. Ảnh hưởng của một cá nhân trong việc quyết định tiến trình của các sự kiện có thể từ mức độ quyết định không đáng kể tới mức độ quyết định toàn bộ. Phạm vi tác động của anh ta phụ thuộc vào điều kiện lịch sử đã phát triển đến giai đoạn nào, tương quan giữa các lực lượng xã hội, và mối liên kết chính xác của anh ta với các lực lượng ấy tại một tình huống xác định.

Có những thời gian dài người làm cách mạng có ý chí mạnh mẽ nhất cũng bất lực trước làn sóng các sự kiện và trên thực tế không thể dẫn dắt được các sự kiện ấy. Mặt khác, khi những “đợt triều hành động của con người trở thành thác lũ, họ dẫn dắt nó đi tới kết cục quyết định”.

Thông thường, hành động của cá nhân diễn ra ở đâu đó giữa hai thái cực trên. Những gì cá nhân thực hiện - hay không thực hiện, nằm trong năng lực của cá nhân, có thể có tác động ở mức độ giới hạn nào đó đến tốc độ và đặc điểm nhất định của diễn biến chính [của lịch sử].

Vấn đề là ở chỗ ở đâu và khi nào một cá nhân vận dụng tối đa mức độ ảnh hưởng và trở thành nhân tố quyết định tới kết cục của cuộc đấu tranh? Điều này chỉ xảy ra khi cá nhân can thiệp vào đúng thời điểm cao trào của quá trình tiến hóa lâu dài, khi mà mọi nhân tố khách quan hơn đã trở thành hiện thực. Những nhân tố này sắp đặt sân khấu cho người đóng vai trò quyết định và trang bị phương tiện giúp tiến hành mục tiêu và cương lĩnh của phong trào mà anh ta đại diện.

Cá nhân giúp khởi tạo ra con đường phát triển mới ở bất kỳ lĩnh vực nào trở thành mắt xích cuối cùng trong chuỗi các sự kiện. Chúng ta đều quen thuộc với thành ngữ quá mù hóa mưa hay giọt nước làm tràn ly. Cá nhân tạo ra sự khác biệt có vai trò như chất xúc tác giúp lượng biến đổi thành chất trong quá trình mà cái mới thay thế cái cũ.

Nhưng, cá nhân phải can thiệp vào đúng thời điểm bước ngoặt của tiến trình thì mới đem lại ảnh hưởng quyết định. Thời điểm thuận lợi đó, không phải lúc nào cũng lệ thuộc vào ý thức của bản thân cá nhân, cho phép anh ta trở thành nguyên nhân sau rốt trong chuỗi những điều kiện đã tích tụ, tức các nhân tố quyết định thiết yếu cho kết quả cuối cùng.

Sự khác biệt mà Deutscher ghi nhận giữa quan điểm của Trotsky rằng Lenin là không thể thiếu được cho thắng lợi của Cách Mạng Tháng Mười với quan điểm rằng những quy luật khách quan của lịch sử mạnh mẽ hơn nhiều so với tính cách đặc biệt của nhân vật chính tham gia là cần phải được giải thích bằng sự khác biệt giữa tiến tình ngắn hạn và tiến trình dài hạn của lịch sử. Những phép tính xác suất áp dụng cho cả lịch sử nhân loại cũng như áp dụng cho các sự kiện trong tự nhiên. Khi có đủ thời cơ sau khoảng thời gian dài, các lực lượng đại diện cho tất yếu khách quan của tiến bộ xã hội sẽ vượt qua mọi trở ngại và chứng tỏ nó mạnh mẽ hơn mọi sự phòng thủ của trật tự cũ. Nhưng không cần thiết đúng phải như vậy tại mọi giai đoạn hoặc trong mọi hoàn cảnh. Ở đây phẩm chất lãnh đạo có thể quyết định chọn trong những khả năng thực sự đã nảy sinh từ những điều kiện đang thắng thế để biến nó thành hiện thực.

Nhân tố ý thức có tầm quan trọng khác biệt về chất trên toàn bộ kỷ nguyên lịch sử hơn hẳn tầm quan trọng mà nó có được trong một giai đoạn hay một pha nhất định nào đó. Khi những lực lượng xã hội đối kháng tranh giành vị trí thống trị trên quy mô lịch sử thế giới, những tình huống có lợi hay bất lợi như tính cách của lãnh đạo có xu thế triệt tiêu lẫn nhau. Tất yếu lịch sử đang diễn ra khẳng định bản thân nó ở bên trong và thông qua những cuộc đấu tranh và nó lấn át những đặc tính bề ngoài và ngẫu nhiên. [Những đặc tính ấy có thể quyết định kết quả cuối cùng của bất cứ một cơ hội cụ thể nào]. Hơn nữa, giai cấp đang lên trong cuộc đấu tranh lâu dài có lợi hơn đối thủ được phát sinh một cách ngẫu nhiên, bởi giai cấp đang suy thoái có ít sức mạnh và ít sức đề kháng để chống lại những biến động nhỏ trong tương quan lực lượng. Như tổng tài sản của ai đó tăng lên thì tài sản của những người khác phải giảm đi.

Thời cơ là nhân tố quan trọng nhất trong cuộc xung đột giữa các lực lượng xã hội đang đấu tranh lẫn nhau. Giai đoạn không xác định, khi mà các sự kiện có thể bị đẩy theo hướng này hay hướng khác, không tồn tại lâu. Khủng hoảng trong quan hệ xã hội phải được giải quyết nhanh chóng bằng cách này hay cách khác. Tại thời điểm đó, tính chủ động hoặc tính bị động của những cá nhân, nhóm, đảng hay đám đông đang chiếm ưu thế, có thể làm lật cán cân từ phía này sang phía khác. Cá nhân có thể tham dự với tư cách là nhân tố cuối cùng trong toàn bộ quá trình quyết định lịch sử chỉ khi mọi lực lượng tham dự khác đang tạm thời cân bằng lẫn nhau. Chỉ cần thêm một sức nặng cũng có thể làm thay đổi sự cân bằng giữa các lực lượng.

Hầu như ai cũng có thể nhớ lại những lúc mà can thiệp của bản thân hoặc của người khác quyết định đến giải quyết một tình huống bất định. Những gì xảy ra ở những biến cố nhỏ của cuộc đời áp dụng được cho cả những sự kiện lớn. Chỉ một phiếu bầu cũng có tính quyết định nếu như những lực lượng quyết định đến một vấn đề nào đó đang cân bằng nhau, do vậy phẩm chất xuất sắc của nhân vật có tầm vóc sẽ được bộc lộ vào thời điểm lịch sử đang rơi vào bế tắc. Quyết định hoặc tính quyết đoán của họ giúp phá vỡ thế bí và đẩy sự kiện đi theo một lộ trình xác định.

Điều này đúng cho cả xu thế cách mạng lẫn xu thế phản cách mạng. Hitler đóng vai trò quan trọng bởi vì Hitler dẫn dắt nước Đức đến chủ nghĩa phát-xít và đến chiến tranh. Nhưng Hitler không dẫn dắt nước Đức hay lịch sử thế giới đến một xu thế mới về chất. Ông ta chỉ đơn thuần viết lên một chương kinh hoàng tiếp theo trong cái chết đau đớn của chủ nghĩa tư bản.

Đóng góp không thể thiếu của Lenin là giúp mở ra một con đường hoàn toàn mới cho lịch sử Nga và cho lịch sử thế giới, dẫn dắt nó từ ngõ cụt của chủ nghĩa tư bản đến sự khởi đầu của chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta quay lại vấn đề cụ thể mà Deutscher tranh luận. Ông ta không đặt vấn đề là, khi cách mạng 1917 thực tế diễn ra, Lenin đóng vai trò là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười. Khác biệt giữa Deutcher và Trotsky liên quan đến sự không chắc chắn của các khả năng lịch sử. Liệu một nhà cách mạng khác như Trotsky chẳng hạn, hoặc một tập hợp trong số họ, có thể thay thế được vị trí của Lenin?

Trotsky trả lời dứt khoát là không thể. Deutscher phản đối rằng nếu như những người khác không thể thực hiện được nhiệm vụ lãnh đạo đó, thế thì lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử về tính quyết định có tính quy luật của các sự kiện phải bị bác bỏ. Hoặc nhân tố chủ quan hoặc nhân tố khách quan có vai trò quyết định; cần phải lựa chọn một trong số đó.

Theo ý kiến cá nhân tôi, Deutscher có lập trường quá hẹp hòi và phiến diện về lịch sử quyết định luận, trong khi Trotsky áp dụng cách giải thích linh hoạt hơn và da diện hơn dựa trên sự tương quan và đối lập lẫn nhau của các phạm trù. Ông kiểm chứng nhận định của mình, trên hết là bằng thực tiễn, tiếp đến là bằng lý luận, trong suốt các giai đoạn liên tiếp của Cách mạng Nga ở đó các nhân tố có ý thức nổi lên một cách khá rõ ràng.

Hình thức lãnh đạo ở hai cuộc cách mạng trong năm 1917 là rất khác nhau. Cách mạng Tháng Hai không được lập kế hoạch và không được dẫn dắt từ bên trên. Tại chương “Ai lãnh đạo Cách mạng Tháng Hai?”, trong tác phẩm Lịch sử Cách mạng Nga của Trotsky, ông đã chỉ ra rằng Cách mạng Tháng Hai được dẫn dắt bởi “những người công nhân có ý thức và đã tôi luyện được giáo dục chủ yếu bởi đảng của Lenin”. Với vai trò là người giáo dục và người tổ chức cho những công nhân nòng cốt ấy, Lenin trong chừng mực đó là thiết yếu cho cuộc nổi dậy Tháng Hai, ngay cả khi ông không trực tiếp có mặt trên chiến tuyến.

Giữa Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng Mười, Lenin ngày càng trở nên quyết đoán bởi lập trường kiên định và tầm nhìn xa vào một loạt các thời khắc sống còn, bắt đầu bằng việc định hướng lại các thành viên Bolshevik vào Tháng Tư và đến cao trào là sự kiên định của Lenin vào cuộc nổi dậy Tháng Mười. Theo Trotsky, vai trò của Lenin là không thể lặp lại. Không chỉ đơn thuần vì tài năng của Lenin mà còn là chỗ đứng đặc biệt của Lenin trong đảng Bolshevik, đảng mà phần lớn do Lenin sáng tạo ra.

Vấn đề lãnh đạo trong Cách mạng Nga có tính hai mặt. Những người Bolshevik dẫn dắt công nhân và nông dân đến thắng lợi, Lenin dẫn dắt đảng Bolshevik. Vai trò vĩ đại của người đến từ một thực tế là người đã dẫn dắt những người lãnh đạo của cuộc cách mạng.

Trotsky hiểu rõ hơn ai hết Lenin có thể chiếm giữ nấc thang cao hơn cũng như đội ngũ trong đảng của Lenin cũng có thể làm vậy. Trong giai đoạn từ Tháng Tư đến Tháng Mười, uy tín của Lenin giúp sức đáng kể cho việc đạt được những nghị quyết đúng đắn vượt qua sự chống đối của những người đứng đầu Bolshevik khác. Sự tích tụ uy tín này không phải đạt được bằng cách loại bỏ những người khác, trong đó có cả Trotsky, người có những mối quan hệ và có một lịch sử tổ chức khác biệt. Đó là nền tảng khách quan cho quan điểm của Trotsky rằng Cách mạng Tháng Mười có thể không diễn ra trừ khi “Lenin có mặt và nắm quyền chỉ huy.”

Chắc chắn là, như Deutscher ghi nhận và như bản thân Trotsky nhận ra, không thể rõ ràng trắng đen hoàn toàn ở quan điểm này. Nhưng kết luận của Trotsky, thể hiện trong mọi tác phẩm của ông sau Cách mạng Tháng Mười và trước khi Stalin nổi lên, không dựa trên sự sa ngã đáng tiếc vào chủ nghĩa chủ quan. Kết luận ấy là đến từ việc áp dụng phép biện chứng Marxist vào thực tiễn sự kiện mà ông chứng kiến và phân tích chúng. Nếu ông sai, thì đó không phải do sự xa rời nguyên tắc hoặc phương pháp nảy sinh từ động cơ chính-trị-tâm-lý vô ý thức nào, như Deutscher vẫn xem là như vậy, mà là từ việc đánh giá sai các sự kiện.

Sidney Hook tham gia vào cuộc tranh luận này từ một thái cực đối lập. Khi đánh giá về cuốn sách Nhà tiên tri bị ruồng bỏ vào Tháng 11 năm 1964 trên tờ New Leader ông ta chộp lấy phê phán của Deutscher về chủ nghĩa chủ quan của Trotsky để phục vụ cho những mục đích của riêng mình. Thay vì lên án, ông ta ca ngợi Trotsky đã bỏ qua sự giáo điều trong chủ nghĩa duy vật biện chứng và quy kết “sự kiện xã hội quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại” là do sự xuất hiện của Lenin ở nước Nga một cách tình cờ ngẫu nhiên và thuần túy cá nhân. Trong nhãn quan của ông ta, Cách mạng Tháng Mười là kết quả tình cờ của một cá nhân. Hook lặp lại quan điểm này trong cuốn sách của mình Người hùng trong lịch sử, và được Deutscher trích dẫn lại, rằng Cách mạng Tháng Mười “không phải là sản phẩm của toàn bộ quá khứ của lịch sử nước Nga mà là sản phẩm của một trong những nhân vật làm nên lịch sử vĩ đại nhất của mọi thời đại.”

Trong khi Deutscher nhân danh trường phái chính thống Marxist thiên về coi các nhân tố khách quan là đầy đủ và do vậy coi nhẹ tầm quan trọng sống còn của vai trò lãnh đạo của Lenin, thì Hook thực tế lại loại bỏ những yếu tố tiên quyết bằng cách coi chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười lệ thuộc hoàn toàn vào một cá nhân đơn lẻ. Tiếp cận của ông ta không đạt tới tiêu chuẩn của những nhà sử học theo trường phái tự do xuất sắc nhất, những người mà ít ra cũng đặt các yếu tố khách quan ngang hàng với yếu tố tư tưởng và sự can thiệp của những cá nhân.

Hook buộc phải xuyên tạc lập trường của Trotsky nhằm biến Trotsky thành một kẻ thực dụng hời hợt như chính bản thân Hook. Cuốn Lịch sử của Trotsky tập trung một cách rõ ràng vào chứng minh tính tất yếu của Cách Mạng Nga và thành quả cụ thể của nó là kết quả của toàn bộ quá trình tiến hóa của chủ nghĩa tư bản thế giới, của sự lạc hậu của nước Nga cùng với tư bản công nghiệp tập trung và giai cấp công nhân tiên tiến, sức ép của chiến tranh thế giới lần thứ nhất lên chế độ Nga hoàng thối nát, sự yếu kém của tư sản, sự thất bại của các đảng phái tiểu tư sản và tầm nhìn táo bạo của những người Bolshevik do Lenin dẫn đầu.

Trotsky chỉ ra sự vận hành của nhân tố quyết định ấy ở bên trong thực tại sống động bằng cách thuật lại và phân tích mối liên thông giữa các sự kiện nổi bật từ đầu Tháng Hai cho đến cao trào Tháng Mười. Các giai đoạn kế tiếp của cuộc cách mạng không diễn ra một cách tùy tiện; các giai đoạn ấy được phát sinh một cách có tính quy luật không thể lay chuyển được từ giai đoạn khác tuân theo một chuỗi điều kiện nhân quả. Mục đích của việc giải thích về mặt lý thuyết của ông là để tìm ra trong các sự kiện của quá trình thực tiễn đã được kiểm chứng những kết quả của tất yếu khách quan được hình thành từ các quy luật của đấu tranh giai cấp khi áp dụng vào một cường quốc lạc hậu trong bối cảnh của thế kỷ 20. Ông đã lường trước và nói rõ những điều này trong học thuyết nổi tiếng của ông về cách mạng không ngừng.

Trotsky xem đảng Bolshevik là một trong những thành phần của tất yếu lịch sử, và Lenin là nhân tố nổi bật có ý thức nhất và là người thực hành nhuần nhuyễn nhất khoa học chính trị Marxist dựa trên những quy luật này. Không phải ngẫu nhiên mà Lenin có thể đảm nhận được vai trò mà ông đã thực hiện. Ông không phải là kẻ cơ hội. “Lenin không phải là yếu tố ngẫu nhiên trong tiến trình lịch sử, mà là sản phẩm của toàn bộ lịch sử phát triển của nước Nga.” Hàng năm trời ông đã chuẩn bị cho bản thân và cho đảng của mình nhiệm vụ lèo lái cuộc cách mạng đang được kỳ vọng đến thắng lợi.

Không có sự định trước nào nằm trong những điều kiện tiền đề cho Cách mạng Tháng Mười; những điều kiện ấy là lịch sử nước Nga, tầm nhìn và hiểu biết chính trị sâu sắc của Lenin. Thực tiễn chứng minh chúng gộp thành một tất yếu chung. Cũng không thể có một tiến trình các sự kiện thực tế nào có thể trở thành hiện thực mà thiếu sự có mặt đồng thời của nhiều tình huống ngẫu nhiên có lợi hoặc bất lợi cho cả hai phía.

Chẳng hạn, có một may mắn là bộ tổng tham mưu Đức vì những lý do của riêng mình đã cho phép Lenin từ nơi lưu đày ở Thụy Sĩ qua Đức để trở về Nga kịp thời dẫn dắt đảng Bolshevik. Cũng là một ngẫu nhiên lịch sử khi Lenin vẫn sống sót và hoạt động sau nhiều tháng cam go; cũng có thể xảy ra thế khác, thực sự là, Lenin đã nghĩ mình sẽ bị giết. Trong trường hợp đó, nếu chúng ta tin vào Trotsky, một kết cục có tính chất xã hội ẩn chứa trong tình thế đó đã có thể không trở thành hiện thực vào năm 1917.

Điều đó có nghĩa là lịch sử của thế kỷ 20, giờ đây không thể tưởng tượng nổi khi thiếu Cách mạng Nga cùng với mọi hậu quả, sẽ có thể rất khác – không ở những đường nét lớn trong tiến trình của nó mà tất nhiên trong cả diễn biến cụ thể của cuộc đấu tranh giữa cách mạng xã hội với đối kháng tư bản của nó.

Không có gì gọi là phi Marxist, như Deutscher dường như nghĩ vậy, khi thừa nhận điều này. Liên hệ “vận mệnh của nhân loại trong thế kỉ này” với hành động của Lenin vào năm 1917 không phải là cách tư duy chủ quan; đó là sự thật. Trái lại, sự thiếu vắng Lenin có thể coi như là loại trừ những điều kiện thiết yếu cho thắng lợi khỏi biên của tính quyết định luận, điều đó có thể làm tiến trình lịch sử thế giới đi theo hướng hoàn toàn khác.

Vận mệnh vĩ đại của nhân dân Nga và của toàn bộ nhân loại là vào năm 1917 cả hai yếu tố tất yếu và ngẫu nhiên cùng xảy ra để đưa cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân tới kết cục thích hợp. Điều đó không phải bao giờ cũng xảy ra trong hàng thập kỷ kể từ đó.

Deutscher làm suy yếu tranh luận của mình một cách đáng kể khi tập trung sự chú ý vào nước Nga. Vai trò của Lenin và đảng của ông trở nên rõ ràng dưới ánh sáng của những thất bại mà giai cấp công nhân ở Châu Âu và Châu Á trong những năm 20 và 30 phải gánh chịu bởi sự thiếu vắng tập thể và cá nhân lãnh đạo tầm cỡ như Bolshevik-Lenin. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười cùng với những thất bại hậu Tháng Mười thuyết phục Trotsky, người đã từng có lúc hoài nghi, về vai trò quyết định của bộ phận lãnh đạo trong tình huống cách mạng khách quan. Những kinh nghiệm này dẫn dắt ông tổng quát hóa thành nguyên tắc cơ bản để xây dựng cương lĩnh của Đệ Tứ Quốc tế, được chấp thuận vào năm 1938, đó là “khủng hoảng lịch sử của nhân loại là khủng hoảng của sự lãnh đạo.” Đó là lý do vì sao ông dành những năm cuối cùng của cuộc đời vào nhiệm vụ thiết lập một tổ chức lãnh đạo dưới ngọn cờ của Đệ Tứ Quốc tế.

Bất đồng của Deutscher với Trotsky về vai trò của Lenin trong Cách mạng Nga liên quan trực tiếp đến sự khác biệt giữa ông ta và Trotsky về vai trò của Trotsky sau thời kỳ Lenin. Deutscher xem khẳng định của Trotsky rằng sự thành lập Đệ Tứ Quốc tế là “công việc quan trọng nhất của đời tôi – quan trọng hơn cả năm 1917, hơn cả giai đoạn nội chiến, hoặc mọi giai đoạn khác…” là một sai lầm. Ông ta tin rằng năng lượng dồn vào những nhóm Trotskyist phần lớn là lãng phí, bởi vì những điều kiện khách quan không thích hợp cho việc xây dựng một Quốc tế mới. Theo ông, Trotsky nên làm theo lời khuyên duy trì vai trò là người diễn giải các sự kiện thay vì cố gắng thay đổi tiến trình các sự kiện đó bằng những phương thức của một tổ chức cách mạng thế giới đối lập.

J.B. Stuart trả lời phê phán của Deutscher về tính phi thực tế của Trotsky trong Đệ Tứ Quốc tế vào ngày 17 và 24 Tháng Tư năm 1964, trên các kỳ của World Outlook, và không cần thiết phải lặp lại tranh luận của ông ta tại đây. Ở đây chúng ta quan tâm chủ yếu đến lý do thực sự đằng sau lập trường của Trotsky.

Deutscher cho rằng Trotsky đánh giá sai tầm quan trọng của Lenin trong Cách mạng Nga, và vai trò của bản thân ông trong thời kỳ phản động ở quy mô thế giới sau khi Lenin chết, chỉ vì những lý do tâm lý mà đi ngược lại tính khách quan Marxist. Trotsky thực tế đã đi đến lập trường của mình từ hai phía, dường như đối với chúng ta, là từ nhận thức của ông về yêu cầu của tiến trình cách mạng trong thời đại. Ông nghĩ rằng tất cả những điều kiện khách quan chủ đạo để lật đổ tư bản đã chín muồi. Những gì còn thiếu cho những Tháng Mười mới là sự có mặt của lãnh đạo có kiểu mẫu như Lenin và đảng Bolshevik vào năm 1917. Những cán bộ như vậy phải được tạo ra để ngăn chặn sự kém cỏi và sự quan liêu xảo trá đang đứng đầu các bộ phận khác nhau của phong trào công nhân làm phá hoại cơ hội cách mạng. Do vậy, chính trị thế giới, chứ không phải tâm lý cá nhân, là điều kiện tất yếu cho những kết luận của ông.

Sự thật là, như Deutscher chỉ ra, quyền lực cách mạng được [chinh phục] ở Nam Tư và Trung Quốc với những người lãnh đạo được đào tạo theo trường phái Stalin, trường phái mà không phù hợp với tiêu chuẩn Bolshevik của Lenin. Đại hội Tái Thống nhất của Đệ Tứ Quốc tế vào năm 1963 nhận thức sự phát triển này trong nghị quyết của mình, Động lực của Cách mạng Thế giới Ngày nay: “Sự yếu kém của kẻ thù ở những quốc gia lạc lậu đã mở ra những khả năng nắm quyền lực thậm chí với những công cụ trơ mòn.”

Thế nhưng, văn kiện cũng nhanh chóng bổ sung: “Sức mạnh của kẻ thù ở các nước đế quốc đòi hỏi phải có một công cụ hoàn thiện hơn.” Để nắm lấy quyền lực ở những thành trì của chủ nghĩa tư bản cũng như để quản trị quyền lực ở những nhà nước của giai cấp công nhân đã bị suy đồi và méo mó, thì xây dựng mới các đảng cách mạng của quần chúng và đoàn kết họ vào một tổ chức quốc tế mới vẫn còn là một nhiệm vụ chiến lược trung tâm của giai đoạn hiện tại, nó không hề kém tính chiến lược như những ngày thời Lenin và Trotsky.

Sự thống nhất biện chứng giữa nhân tố khách quan và chủ quan trong quá trình làm cách mạng được chứng minh và học thuyết hóa bởi Fidel Castro và những người thân cận. Nếu như một sự kiện lịch sử nào đó có thể được coi là tác phẩm của một con người, thì đó là Cách mạng Cuba. Castro thực sự là một “lider maximo” [nhà lãnh đạo quan trọng nhất].

Đáng chú ý là trong bài diễn văn về Marxism-Leninism vào 21 Tháng 12 năm 1961, Castro giải thích rằng những người sáng lập Phong Trào 26 Tháng Bảy đã không chờ đợi sự xuất hiện của tất cả các điều kiện khách quan cần thiết cho thắng lợi cách mạng. Họ chủ định tạo ra những điều kiện cách mạng còn thiếu thông qua đấu tranh. Chiến tranh du kích của họ đã tạo ra sự thay đổi về tinh thần, tâm lý, chính trị cần thiết cho việc lật đổ chế độ Batista tàn bạo.

Sự thay đổi cân bằng lực lượng theo hướng có lợi cho phe tiến bộ được xúc tiến bởi một nhóm nhỏ những chiến sĩ cách mạng có ý thức ở Cuba minh chứng sống động cho thấy nhân tố chủ quan có thể đóng vai trò quyết định đến mức độ nào trong quá trình làm nên lịch sử. Thế nhưng những dự định của Castro có thể thất bại và những chiến binh của ông có thể trở thành bất lực nếu như họ không nhận được sự hưởng ứng, đầu tiên là từ nông dân ở vùng núi và tiếp đến là từ quần chúng ở vùng nông thôn và khu vực thành thị.

Những sự kiện diễn ra cách Cuba 90 dặm cũng cho thấy tính hai mặt của tầm quan trọng của cá nhân trong quá trình làm nên lịch sử. Vụ ám sát Kennedy vào Tháng 11 năm 1963 không gây ra gián đoạn nghiêm trọng nào đến mọi hoạt động của chính phủ Mỹ cũng không làm chuyển dịch hướng đi của nó ở trong nước hay ở nước ngoài. Sau khi khôi phục quyền điều hành, Johnson theo đuổi về cơ bản vẫn những chính sách như người tiền nhiệm, tuy nhiên với thương hiệu Texas thay cho giọng điệu Harvard. Do vậy, sự biến mất của một cá nhân rất nổi tiếng và quyền lực cũng không mang lại hậu quả gì tới sự tự vận hành của giới cầm quyền tư bản. Những cá nhân ủng hộ tư bản xuất hiện rồi biến mất. Hệ thống vẫn còn đó.

Đồng thời, người nắm giữ vị trí tối cao ở Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ kiểm soát sức mạnh quân sự khổng lồ lớn hơn mọi cá nhân trong lịch sử nhân loại. Vào ngày 4 Tháng Sáu năm 1964, Johnson huênh hoang về sức mạnh quốc gia “lớn hơn sức mạnh của tất cả các quốc gia trong lịch sử thế giới gộp lại.”

Tổng thống có thể phóng đi số tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đủ để hủy diệt toàn bộ nhân loại. Ai có thể thắc mắc về tầm quan trọng lớn lao của cá nhân khi mà một quyết định của một con người có thể chấm dứt lịch sử nhân loại trên hành tinh này? Kennedy phải đối mặt trực tiếp với khả năng này trong thời gian diễn ra khủng hoảng tại Caribe vào năm 1962.

Chắc chắn, người ngồi trong Nhà Trắng không hành động như một cá nhân đơn lẻ. Ông ta là người điều hành nước Mỹ, tổng tư lệnh các quân binh chủng, và có ý nghĩa hơn, là tay sai cho những kẻ tìm kiếm lợi nhuận, đó mới là những kẻ điều hành kinh tế và chính phủ. Vai trò của ông ta nói chung tuân theo những tất yếu khách quan của sự thống trị của độc quyền; và phân tích đến cùng, lợi ích căn bản của giai cấp thống trị quyết định hành vi chính trị của ông ta.

Nhưng chức năng mang tính đại diện của ông ta không thủ tiêu được một thực tế là một mình ông ta có thể được giao quyền để ra quyết định cuối cùng và ra lệnh nhấn nút bom H.

Quyết định cá nhân này là thể hiện hoàn thiện của tính quyết định xã hội, mắt xích cuối cùng trong chuỗi nhân quả. Tính quyết định xã hội của thế giới ngày nay bị chia thành hai xu thế không thể thỏa hiệp, bắt nguồn từ hai giai cấp đối kháng nhau. Một xu thế được dẫn dắt bởi những kẻ gây chiến tư bản, người phát ngôn của nó là Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng họ không kiềm chế việc sử dụng vũ khí nguyên tử nếu thấy cần thiết. Một xu thế khác được hình thành bởi quần chúng nhân dân Mỹ và phần còn lại của thế giới khiếp sợ viễn cảnh này và sẽ mất tất cả nếu điều đó xảy ra.

Nhân tố quyết định nào sẽ thắng thế? Định mệnh của nhân loại treo lơ lửng giữa quyết định này. Để tước đoạt và giải trừ những kẻ điên rồ với vũ khi nguyên tử trong tay ở trụ sở Washington này, phải xây dựng một phong trào cách mạng sâu rộng và kiên định. Không một cá nhân đơn lẻ nào có thể ngăn chặn chúng lại. Nhưng thắng lợi của cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết vì hòa bình thế giới chống lại sự hủy diệt hạt nhân đòi hỏi sự sáng tạo và tâm huyết của những cá nhân cho dù họ không sở hữu những năng lực lãnh đạo xuất chúng như Lenin, Trotsky hay Castro, họ có thể hành động bằng lòng quả cảm.