Nguồn: Istvan Meszaros and Marx’s theory of alienation by Judy Cox, November, 2017

Dây chuyền chế biến thủy sản / Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Dây chuyền chế biến thủy sản / Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Nhà triết học hiện đại người Hungary lý giải tại sao chỉ có thể khắc phục được tha hóa bằng hành động tập thể thách thức quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Istvan Meszaros, đã qua đời tháng trước, là một nhà triết học Marxist xuất sắc và nổi bật, người đã đóng vai trò to lớn trong việc giới thiệu học thuyết của Marx về tha hóa cho những thế hệ Marxist mới ở thập niên 1970. Tác phẩm của Meszaros giàu tính lý luận và không thể thiếu được đối với những người quan tâm tới triết học Marxist. Trước khi rời Hungary để phản đối cuộc xâm lược của Liên Xô năm 1956, Meszaros là trợ lý cho nhà Marxist vĩ đại người Hungary, Georg Lukacs. Meszaros phản hồi về việc công bố xuất bản tác phẩm Bản thảo Kinh tế Chính trị mà Marx viết năm 1844 nhưng không được xuất bản cho đến tận thập kỷ 1930 bằng cách làm sáng tỏ những nguồn gốc của phương pháp Marxist. Đặc biệt, Meszaros phát triển học thuyết bị sao nhãng về tư bản với tư cách là sự tha hóa từ quá trình lao động, “một quá trình chuyển hóa xã hội” giữa con người với tự nhiên. Tác phẩm Học thuyết về Tha hóa của Marx của Meszaros cũng là luận chiến chống lại những người, chịu ảnh hưởng của Stalin, đã tranh luận rằng các tác phẩm thời kỳ đầu của Marx nên bị bác bỏ bởi tính chất duy tâm chứ không phải duy vật, và rằng Marx đã từ bỏ những quan niệm ở thời kỳ đầu ấy, trong đó bao gồm cả vấn đề tha hóa. Đó là lý do Meszaros đi vào chi tiết nhằm tìm ra tính liên tục giữa tác phẩm Bản thảo năm 1844 với những tác phẩm của Lenin về chủ đề phức tạp, thách thức và đáng nghiên cứu này.

Nguồn gốc lý luận

Meszaros viết rằng ‘khái niệm tha hóa là vấn đề nan giải phức tạp và rộng lớn, với lịch sử của riêng nó’. Ông lần theo tư tưởng của Marx về vấn đề tha hóa đã phát sinh từ những quan niệm tôn giáo về sự “xa lạ với Thượng đế” và phân biệt giữa “người của tôi” với những người lạ, hay “người xa lạ”. Cả Do thái giáo và Thiên chúa giáo, Mesaros viết, đều thể hiện nỗ lực nhằm khắc phục những mâu thuẫn nội tại của xã hội có giai cấp ở đó các nhóm xã hội khác nhau theo đuổi những lợi ích không vô tư, của riêng bản thân họ, với cái giá phải trả là tính thiện của xã hội xét về tổng thể. Các tôn giáo mô tả công khai sự xa lạ với Thượng đế và với những người xa lạ. Họ cũng thể hiện trải nghiệm và khát khao vượt lên trên xã hội bị tha hóa. Tôn giáo tìm giải pháp ở sự tồn tại của một thực thể vạn năng, đó là thượng đế. Marx tìm ra giải pháp ở hoạt động thực tiễn của con người.

Xã hội phong kiến áp đặt những giới hạn lên thương mại tự do bằng những cấm kỵ và cấm đoán phức tạp. Hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa làm kiệt sức những trở ngại và hạn chế ấy. ‘Những trụ cột thiêng liêng của trật tự xã hội cũ,’ như đất đai và lao động, phải trở thành những thứ mua bán được để sản xuất hàng hóa có thể phát triển mà không bị cản trở. Những quan hệ phong kiến cố định cứng ngắc phải được thay thể bởi lao động tự do, trong thực tế phải bán chính bản thân mình cho các ông chủ. Meszaros chỉ ra rằng những người ủng hộ sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản ngợi ca những tư tưởng về “tự do” và “tự do được bảo vệ theo khế ước”. Thế nhưng các nhà triết học phê phán bao gồm cả Immanuel Kant chỉ ra rằng khi đồ vật giờ đây có thể bị tha hóa, hoặc bán cho người khác, để lao động có thể bị đem bán cần phải hạ thấp cá nhân con người đang sống ngang hàng với một mẩu tài sản. Marx mô tả làm thế nào mà “Hành vi bán là thực tiễn của tha hóa.” Tha hóa do vậy đầu tiên đặc trưng bởi sự chuyển hóa mọi thứ thành hàng hóa và tiếp theo là sự chuyển hóa con người thành đồ vật xuất hiện như hàng hóa trên thị trường.

Từ thượng đế đến nhân loại

Các tư tưởng về tha hóa lần đầu tiên được diễn đạt ở tư tưởng tôn giáo. Nhưng, trong suốt thời kỳ hưng thịnh của thế kỷ 18, các nhà triết học đã phát triển những phê phán tôn giáo. Meszaros trích dẫn nhà triết học người Pháp, Diderot, người đã nhấn mạnh rằng một khi con người đã tấn công được sự “uy nghiêm của thiên đường” họ sẽ chuyển sang tấn công vào “uy quyền ở trần thế”. Nhân loại học, tức là nghiên cứu về con người, thách thức tôn giáo như một trọng tâm nghiên cứu về tha hóa. Nhà triết học cấp tiến người Pháp Emile Rousseau lên án tha hóa ở chỗ tiền xuất hiện và của cải ngày càng tập trung vào tay những đẳng cấp tinh hoa trong khi người nghèo bán chính bản thân họ và trở thành đội quân đánh thuê vô nhân tính. Ông ta cũng nhấn mạnh sự xa lạ của nhân loại với thế giới tự nhiên khiến sự đồi bại và xấu xa phát triển tại các thành phố lớn nơi con người bị cô lập với tự nhiên và gia tăng những “nhu cầu giả tạo” và “ham muốn vô bổ”. Nhưng quan niệm của Rouseau về đạo đức, pháp quyền tập trung vào tư tưởng "Khế ước xã hội’, là tư tưởng không tính đến những quan hệ sản xuất trong xã hội hoặc không nhận ra một lực lượng xã hội có khả năng ngăn chặn sự tha hóa.

Meszaros nhấn mạnh Marx đã thay đổi học thuyết về tha hóa bằng cách đứng trên lập trường lao động. Trong tác phẩm Bản thảo Kinh tế Triết học năm 1844, Marx đã phát triển tư tưởng về ‘lao động bị tha hóa’. Trước khi đi đến hiểu biết đó, Meszaros cho rằng, Marx đã chưa thể hiểu một cách toàn diện hệ thống cấp bậc phức tạp của những thuộc tính và hình thái của hoạt động của con người. Quan niệm về lao động giúp Marx đưa ra lời giải. Con người là một phần của thế giới tự nhiên, do vậy, phải sản xuất để duy trì bản thân, để thỏa mãn nhu cầu bản thân. Nhưng, họ chỉ có thể thỏa mãn những nhu cầu ấy bằng cách tạo ra một hệ thống cấp bậc phức tạp của những nhu cầu phi-thân thể, hay tinh thần, những thứ do đó trở thành điều kiện cần thiết cho sự thỏa mãn nhu cầu thân thể. Nhu cầu cần thiết phải lao động cải biến tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu của con người trở thành đặc tính nhất quán duy nhất xuyên suốt mọi xã hội loài người.

Lao động đứng giữa con người và tự nhiên, nhưng sản xuất tư bản có nghĩa là quan hệ giữa nhân loại và thế giới tự nhiên bị thống trị bởi sở hữu tư nhân, bởi trao đổi hàng hóa và bởi sự phân công lao động. Những mô tả của Marx về quá trình này trong Bản thảo là bản cáo trạng cực kỳ mạnh mẽ về hệ thống ấy:

“Dĩ nhiên, lao động sản xuất ra những vật phẩm kỳ diệu cho người giàu, nhưng tạo ra sự cùng khổ cho công nhân. Nó sản xuất ra lâu đài, những cũng sản xuất ra cả những túp lều lụp xụp cho công nhân. Nó sản xuất ra cái đẹp, nhưng cũng sản xuất ra sự tàn lụi của công nhân. Nó thay lao động chân tay bằng máy móc, nhưng nó lại ném một bộ phận công nhân trở về với lao động dã man và biến một bộ phận công nhân khác thành những cái máy. Nó sản xuất ra trí óc, nhưng cũng sản xuất ra cả sự đần độn, ngu ngốc cho công nhân” (Marx và Engels 1980, 1:tr113)

Bốn hình thức tha hóa

Tư bản làm cho các xu thế cục bộ có thể thấy ở các xã hội trước đó trở thành phổ biến. Tư bản là dựa trên sự chiếm đoạt phương tiện sản xuất và cắt đứt những mối quan hệ giữa công nhân và thế giới tự nhiên và giữa công nhân với lao động của họ. Trong tác phẩm Bản thảo, Marx xác định bốn hình thức đặc thù sự tha hóa tràn ngập xã hội tư bản.

Một là: Chúng ta trở thành xa lạ với những gì chúng ta sản xuất ra bởi vì chúng bị người khác sở hữu và định đoạt, đó là các nhà tư bản. Trong mọi xã hội, con người sử dụng năng lực sáng tạo của mình để sản xuất ra những đồ vật mà họ sử dụng, trao đổi hoặc đem bán. Dưới chủ nghĩa tư bản, thế nhưng, điều đó trở thành một hoạt động tha hóa. Marx tranh luận rằng sự tha hóa của người công nhân với những gì anh ta sản xuất ra càng thêm sâu sắc bởi vì những sản phẩm của lao động thực tế bắt đầu thống trị người lao động. Đầu tiên là, người lao động được trả ít hơn so với giá trị mà anh ta tạo ra. Một phần từ những gì anh ta sản xuất ra bị ông chủ tước đoạt; người công nhân do vậy bị bóc lột. Xét về chất, anh ta cũng đưa lao động sáng tạo vào đồ vật mà anh ta sản xuất ra, nhưng anh ta không được đưa cho những lao động sáng tạo để thay thế nó.

Hai là: Chúng ta không kiểm soát được quá trình sản xuất, và những điều kiện mà chúng ta làm việc hay cách thức những điều kiện ấy tác động đến chúng ta về cả thể chất lẫn tinh thần. Quá trình lao động không chỉ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của công nhân, những thế lực thù địch với họ mới kiểm soát quá trình ấy vì các nhà tư bản và những nhà quản lý của họ bị dồn vào thế bắt chúng ta làm việc cực nhọc hơn, khẩn trương hơn và kéo dài hơn. Công nhân bị đối xử như máy móc, với mục đích chuyển hóa những yếu tố chủ quan của lao động thành những quá trình khách quan, có thể đo đạc, kiểm soát được.

Ba là: Chúng ta xa lại với những đồng loại của chúng ta. Chúng ta xa lạ với nhứng kẻ bóc lột lao động của chúng ta và kiểm soát những thứ mà chúng ta sản xuất ra. Cuộc sống của chúng ta có liên quan với hàng ngàn người mỗi ngày, những người mà lao động của họ đã làm ra quần áo, thực phẩm, nhà ở, v.v.. Nhưng chúng ta chỉ biết đến họ qua những vật chúng ta mua và tiêu dùng. Chúng ta nhìn người khác qua lăng kính của lời và lãi. Năng lực và nhu cầu của chúng ta chuyển thành phương tiện kiếm tiền và do vậy chúng ta coi những người khác như những đối thủ cạnh tranh, như những kẻ hèn kém hoặc như những kẻ siêu phàm.

Bốn là: Chúng ta xa lạ với cái mà Marx gọi là tính loài. Đối với Marx, bản chất của con người không phải cố định, không phải là bản chất ích kỷ mà những nhà kinh tế chính trị học ưa thích. Thực ra là, chỉ có thể hiểu nhân loại trong mối quan hệ với một bản chất thay đổi năng động. Điều khiến chúng ta thành nhân loại là năng lực chúng ta cải biến thế giới xung quanh ta một cách có ý thức. Chúng ta có khả năng hành động một cách tập thể để đưa lợi ích của chúng ta đi xa hơn. Thế nhưng, dưới chế độ tư bản chủ nghĩa năng lực ấy bị chìm đắm bên dưới quan hệ sở hữu tư nhân và sự phân chia thành các giai cấp mà nó sản sinh ra. Chúng ta có năng lực để lập kế hoạch một cách có ý thức cho hoạt động sản xuất của chúng ta, chúng ta sản xuất tương xứng với nhu cầu gia tăng của xã hội. Nhưng dưới chế độ tư bản năng lực ấy bị đảo lộn bởi động cơ vô chính phủ vì lợi nhuận. Do vậy, thay vì cải biến tự nhiên một cách có ý thức, chúng ta không thể kiểm soát, hoặc thậm chí không thể lường trước, những hậu quả của hành vi của chúng ta.

Tiền: kẻ ‘môi giới phổ biến’

Chủ nghĩa tư bản là hệ thống đầu tiên mà sản xuất hàng hóa trở nên phổ biến. Hàng hóa phải có giá trị sử dụng, nhưng chúng cũng có giá trị trao đổi. Trong xã hội tư bản nhiều nhu cầu khác biệt của chúng ta chỉ có thể được thoả mãn bằng cách mua hàng hóa. Hàng hóa được lưu thông trên thị trường, được trao đổi để lấy tiền, cái, đến lượt nó, lại được trao đổi để lấy hàng hóa khác. Trong hệ thống tư bản, những cá nhân phải sở hữu những thứ nhất định – chẳng hạn sức lao động, hoặc nguyên vật liệu cho sản xuất – để bước vào quan hệ sản xuất đối với nhau. Sự tạo ra giá trị trao đổi và lưu thông hàng hóa đòi hỏi một thứ hàng hóa có thể đại diện cho mọi hàng hóa, qua đó mọi hàng hóa khác có thể được so sánh. Marx xác định hàng hóa đó là tiền – một ‘kẻ môi giới phổ biến’. Như Meszaros giải thích:

“Tiền buộc phải sở hữu những quyền năng khổng lồ như những thuộc tính tự nhiên. Thái độ của con người đối với tiền bạc, không còn nghi ngờ gì nữa, là ví dụ nổi bật về chủ nghĩa bái vật tư bản, đạt đến đỉnh cao ở tư bản có lãi. Ở đây, người ta nghĩ rằng họ xem tiền đẻ ra nhiều tiền hơn, một giá trị tự tăng lên … công nhân, máy móc, nguyên liệu thô – tất cả mọi yếu tố của sản xuất – bị hạ thấp xuống ngang hàng với những phương tiện trợ giúp đơn thuần, và tiền bản thân nó mới được xem là cái sản xuất ra của cải”

Tha hóa và nhận thức

Lao động bị tha hóa sinh ra nhận thức bị tha hóa và điều mà Meszaros gọi là “Sự tôn thờ có tính thần bí của cá nhân trừu tượng”. Meszaros mô tả làm thế nào mà chúng ta không thể thoát khỏi đời sống riêng tư của chúng ta, dẫu cho sự ảo tưởng có mạnh mẽ đến đâu: “Sùng bái riêng tư và sự tự quyết của cá nhân do đó hoàn thiện chức năng đối ngẫu của sự bảo vệ có tính khách quan trật tự đã được thiết lập bởi những phương thức của xã hội tư bản nhào nặn anh ta”. Sự tha hóa chỉ có thể được khắc phục bởi hành động có tính tập thể thách thức quan hệ sản xuất và tái sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Sự tha hóa của nhân loại có nghĩa là sự mất kiểm soát. Sự tha hóa không phải là kết quả của tác nhân quyền năng bên ngoài mà là một phát triển lịch sử mà chỉ có thể bị thách thức và khắc phục bởi hành động có ý thức của con người. Khi chủ nghĩa tư bản đang trên đà tiến, có sự tăng trưởng không thể tin nổi ở lực lượng sản xuất. Nhưng cũng có sự nhân lên gấp bội của những sức mạnh phá hủy, của chiến tranh và tàn phá khí hậu. Ở lần xuất bản năm 2004 trong lời giới thiệu mới của cuốn sách Học thuyết về Tha hóa của Marx, Meszaros viết: "Điều đó là lý do tại sao phải cấp bách đối mặt với thách thức của sự mất kiểm soát ở quy mô toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, trước khi nó trở nên quá muộn để làm điều đó. Tính cấp bách lịch sử của những phê phán về tha hóa, theo tinh thần Marxist, chưa bao giờ to lớn như ngày hôm nay.

Tham khảo

Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1980. Tuyển tập. Vol 1. Hà Nội: NXB Sự thật.