Chế độ phong kiến và Chế độ tư bản

Chế độ phong kiến

Hệ thống phong kiến nảy sinh sau sự sụp đổ của La Mã đi đôi với một thời kỳ trì trệ về văn hóa kéo dài trên khắp Châu Âu ở phía bắc của dãy Pyrenees. Ngoại trừ hai phát minh: guồng nước và cối xay gió, không có một phát minh nào khác trong vòng một nghìn năm. Một nghìn năm sau sự sụp đổ của La Mã những con đường tốt nhất ở Châu Âu là những con đường thời La Mã. Nói cách khác, văn hóa hoàn toàn bị che lấp. Đây chính là hậu quả của sự sụp đổ của lực lượng sản xuất, cái mà trên đó văn hóa cuối cùng phụ thuộc vào. Đó chính là điều mà chúng ta muốn nói tới về lộ trình suy thoái trong lịch sử. Và hãy để không một ai tưởng tượng rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Cuộc xâm lược của những người dã man, chiến tranh và bệnh dịch có nghĩa là tiến bộ đã bị ngắt quãng bởi những giai đoạn đảo ngược. Thế nhưng cuối cùng tình trạng hỗn loạn cùng với sự sụp đổ của La Mã đã bị thay thế bởi một sự cân bằng mới: phong kiến. Sự suy tàn của Đế Chế La Mã gây ra bởi sự sụp đổ nhanh chóng của cuộc sống đô thị ở hầu khắp Châu Âu. Những người xâm lược dần dần bị đồng hóa và Châu Âu vào thế kỷ thứ 10 chậm rãi bước vào một thời kỳ mới khởi sắc.

Tất nhiên, khẳng định này chỉ có tính tương đối. Văn hóa không thể trở lại mức độ có thể sánh được với thời kỳ cổ đại, không thể được cho đến lúc bắt đầu thời kỳ phục hưng vào cuối thế kỷ 14 và thế kỷ 15. Tri thức và khoa học đã lệ thuộc hoàn toàn quyền lực của Nhà thờ. Năng lượng của con người bị tiêu hao hoặc vào những cuộc chiến tranh liên miên hoặc vào những giấc mơ của tu viện, thế nhưng dần dà vòng xoáy đi xuống kết thúc và được thay thế bởi sự vươn lên trong một thời gian dài.

Việc đóng lại những con đường giao thông dẫn đến sự sụp đổ về giao thương. Kinh tế tiền tệ bị xói mòn và ngày càng bị thay thế bởi trao đổi bằng hiện vật. Ở nơi từng là nền kinh tế quốc tế hợp nhất của hệ thống nô lệ dưới thời Đế Chế, thì chúng ta thấy lan tràn những cộng đồng nông nghiệp cô lập và manh mún.

Cơ sở cho chế độ phong kiến đã được sắp đặt bởi xã hội La Mã, khi mà những người nô lệ được tự do và trở thành những lệ nông, gắn với ruộng đất, về sau trở thành nông nô. Quá trình này, diễn ra ở nhiều thời gian khác nhau, ở nhiều dạng thức khác nhau ở những nước khác nhau, đã được thúc đẩy bởi những cuộc chinh phạt của những người dã man. Chúa Giéc-manh trở thành chúa của vùng đất bị chinh phục và của dân cư ở đó, đề nghị trao đổi sự bảo vệ quân sự và một mức độ an ninh nhất định để lấy kết quả lao động của nông nô.

Ở thời kỳ ban đầu của chế độ phong kiến sự phân chia thành các đơn vị nhỏ của tầng lớp quý tộc cho phép tồn tại những vương quốc hùng mạnh nhưng về sau quyền lực quý tộc thấy nó phải đối mặt với những vương quốc hùng mạnh có khả năng thách thức và phế bỏ nó. Các nam tước có quân đội riêng và thường xuyên dẫn quân vào vùng đất của người khác và chống lại nhà vua.

Hệ thống phong kiến ở Châu Âu chủ yếu là hệ thống phong kiến phân quyền. Quyền lực của vương quốc bị giới hạn bởi chế độ quý tộc. Quyền lực trung tâm thường yếu. Trọng tâm của lãnh chúa, cơ sở quyền lực của ông ta, là và lâu đài và đất đai. Quyền lực nhà nước là yếu kém và hệ thống quan liêu không tồn tại. Khả năng tập trung quyền lực yếu kém là điều mà sau này đã cho phép các thị trấn (sắc chỉ của nhà vua) phát triển độc lập và nảy sinh tư sản với tư cách là một giai cấp độc lập.

Lý tưởng lãng mạn của thời Trung Cổ được đặt trên cơ sở thần bí. Đó là một giai đoạn biến động và đẫm máu, đặc trưng bởi sự tàn bạo và chủ nghĩa dã man và cái mà Marx và Engels gọi là sự phơi bày năng lực tàn bạo. Các cuộc Thập tự Chinh được đặc trưng bởi sự hằn học và vô nhân tính. Những cuộc xâm lược Italy của người German là những cuộc diễn tập phù phiếm.

Giai đoạn cuối cùng của thời Trung Cổ là một thời kỳ rối ren, đặc trưng bởi chiến tranh, nội chiến và biến động liên miên – cũng giống như thời đại của chúng ta vậy. Sau tất cả những ý định và mục đích thì trật tự cũ đã chết. Mặc dù nó vẫn còn đứng ngạo nghễ dưới đôi chân mình, sự tồn tại của nó không còn được xem như là một điều gì đó bình thường – phải chấp nhận chúng như là không thể tránh khỏi.

Trong một trăm năm nước Anh và nước Pháp tham gia vào một cuộc chiến đẫm máu làm phá hủy nhiều phần của nước pháp. Trận Agincourt là trận đánh cuối cùng và đẫm máu nhất của thời Trung Cổ. Ở đây, về bản chất, hai hệ thống thù địch đấu chọi nhau trên chiến trường: một bên là trật tự quân đội phong kiến kiểu cũ, dựa trên tầng lớp quý tộc với lý tưởng hiệp sĩ và phụng sự, xung đột với một bên là đội quân đánh thuê kiểu mới dựa trên lao động được trả lương.

Quý tộc Pháp bị chia cắt và bị đánh bại một cách hổ thẹn bởi một đội quân bình dân đánh thuê. Trong 90 phút đầu tiên, 8000 tinh hoa của quý tộc Pháp bị giết chết và 1200 bị bắt làm tù binh. Đến cuối ngày không chỉ toàn bộ quý tộc Pháp nằm chết và bị thương trên chiến trường, mà cả bản thân trật tự phong kiến nữa.

Trận đánh để lại những hậu quả chính trị và xã hội quan trọng. Từ thời khắc đó, khả năng nắm giữ quyền lực của quý tộc Pháp bắt đầu lung lay. Khi người Anh bị đẩy lùi khỏi nước Pháp thì đó là một cuộc nổi dậy của dân chúng dẫn dắt bởi một cô gái ở nông thôn, Joan xứ Arc. Giữa đống đổ nát của cuộc đời, sự hỗn loạn và tắm máu, người dân Pháp bắt đầu nhận thức được bản sắc dân tộc và có hành động tương xứng. Tư sản bắt đầu đòi hỏi quyền và hiến chương và một thế lực quân chủ tập trung dựa vào tư sản và nhân dân bắt đầu giành lấy quyền lực hình thành một nhà nước dân tộc mà từ đó nước Pháp hiện đại được nảy sinh.

Joan xứ Arc

Joan xứ Arc

Bệnh dịch hạch

Khi một hệ thống kinh tế–xã hội nào đó bước vào khủng hoảng và suy thoái, nó được phản ảnh không chỉ ở sự trì trệ trong lực lượng sản xuất, mà ở mọi cấp độ. Sự suy thoái của phong kiến là một kỷ nguyên mà đời sống tri thức đã chết hoặc đang chết. Bàn tay chết chóc của Nhà thờ làm tê liệt tất cả những sáng kiến khoa học và văn hóa.

Cấu trúc phong kiến được xâu dựng trên một kim tự pháp mà ở đó Thượng đế và nhà Vua đứng ở trên đỉnh của một hệ thống phân cấp phức tạp, mỗi tầng của nó được liên kết với một tầng khác bằng cái gọi là bổn phận. Về lý thuyết, chúa phong kiến “bảo vệ” nông dân, những người mà đến lượt mình đặt thức ăn lên bàn cho họ, cung cấp quần áo cho họ mặc, cho họ ăn và cho họ sống một cuộc sống xa hoa và lười biếng; các thày tu thì cầu nguyện cho tâm hồn của họ, các hiệp sĩ thì bảo vệ họ và vân vân.

Hệ thống như vậy tồn tại một thời gian rất dài. Ở Châu Âu nó kéo dài khoảng 1000 năm: từ giữa thế kỷ 5 cho đến giữa thế kỷ 15. Nhưng vào thế kỷ 13 chế độ phong kiến ở Anh và các nước khác đã chạm tới giới hạn của nó. Sự tăng trưởng dân số đặt toàn bộ hệ thống dưới sức căng khổng lồ. Những mảnh đất manh mún cũng phải giành làm nơi trồng trọt, và hầu hết dân chúng chỉ đủ sống ở mức sinh tồn trên những mảnh đất nhỏ hẹp.

Đó là tình huống “bên bờ vực hỗn loạn”, ở đó toàn bộ cấu trúc có thể sụp xuống bởi một chấn động đủ mạnh. Và có chấn động nào mạnh mẽ hơn chấn động này? Bệnh Dịch hạch, giết chết từ một phần ba cho đến một nửa dân số Châu Âu, làm nổi bật sự bất công và khổ đau, sự ngu dốt và bóng đêm tinh thần và tri thức của thế kỷ 14.

Bây giờ người ta công nhận rằng Bệnh Dịch hạch đóng vai trò quan trọng làm tan rã hệ thống phong kiến. Điều này là rất rõ ràng với trường hợp của nước Anh. Sau khi đã giết chết một nửa dân số Châu Âu, đại dịch tràn sang nước Anh vào mùa hè năm 1348. Khi dịch bệnh lan sang đất liền vào các làng mạc ở nông thôn nước Anh, đã giết hại nhiều người. Cả gia đình, đôi lúc, cả ngôi làng bị xóa sổ. Cũng giống như ở Châu Âu đại lục, khoảng một nửa dân chúng bị giết chết. Thế nhưng, những người có thể sống sót thường thấy mình sở hữu một diện tích đất đai lớn. Một tầng lớp nông dân giàu có mới được tạo ra.

Mất mát lớn về người dẫn tới lao động trở nên cực kỳ khan hiếm. Đơn giản là không có đủ lao động để mà tập hợp lại cho việc gặt hái hoặc đủ thợ thủ công để thực hiện tất cả các chức năng cần thiết khác. Điều này đặt cơ sở cho một sự thay đổi xã hội sâu sắc. Cảm nhận được sức mạnh của bản thân, người nông dân đòi hỏi, và đã đạt được, lương cao hơn và tiền thuê nhà thấp hơn. Nếu lãnh chúa từ chối yêu sách của họ, họ bao giờ cũng có thể bỏ đi và tìm đến một ông chủ khác sẵn lòng đáp ứng yêu sách ấy. Một vài làng xã bị bỏ hoang hoàn toàn.

Những liên kết cũ kỹ đầu tiên bị nới lỏng rồi tan vỡ. Khi những người nông dân thoát khỏi ách áp bức phong kiến, họ đổ về các thành thị để tìm kiếm vận may. Quá trình ấy, đến lượt nó, dẫn đến sự phát triển tiếp theo của thành thị và do đó thúc đẩy sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản. Năm 1349 Vua Edward III thông qua cái có thể là chính sách tiền lương đầu tiên trong lịch sử: Đạo luật về người Lao động. Nó quy định lương phải được giữ vững như ở mức cũ. Nhưng đạo luật đã là văn bản chết ngay từ lúc khởi đầu. Những đạo luật về cung cầu mạnh mẽ hơn mọi sắc lệnh hoàng gia khác.

Đâu đâu cũng thấy một tinh thần nổi loạn mới. Chính quyền cũ thì suy yếu và không còn được tin tưởng. Toàn bộ cấu trúc mục mát lung lay sụp đổ. Dường như chỉ cần một cú đẩy cũng có thể kết liễu nó. Ở Pháp xuất hiện một loạt những cuộc rổi dậy của nông dân được gọi là jacqueries. Cuộc Nổi dậy của Nông dân Anh (1381) thậm chí còn nghiêm trọng hơn, khi mà những người nổi loạn chiếm London và có lúc bắt giữ được nhà vua. Thế nhưng cuối cùng những cuộc nổi dậy ấy không thể thành công.

Những cuộc nổi dậy ấy chỉ là sự báo trước vội vã của cách mạng tư sản ở thời điểm mà những điều kiện cho nó chưa hoàn toàn chín muồi. Chúng thể hiện bế tắc của chế độ phong kiến và sự bất bình sâu sắc của quần chúng nhân dân. Nhưng chúng cũng không chỉ ra đâu là lối thoát. Kết quả là hệ thống phong kiến, mặc dù có những điều chỉnh đáng kể, vẫn sống sót một thời gian, phơi bày tất cả những triệu chứng của một trật tự xã hội bệnh tật và suy thoái. Giai đoạn cuối cùng của thời kỳ Trung Cổ là một giai đoạn rối ren, đặc trưng bởi chiến tranh, nội chiến và bạo động liên miên – cũng giống như thời đại của chúng ta vậy.

Cảm giác ngày tận thế đang kề cập là điểm chung của mọi giai đoạn lịch sử khi mà hệ thống kinh tế–xã hội đã rơi vào sự suy thoái không thể đảo ngược. Đây là thời kỳ mà một lượng lớn người dân đổ ra đường, với chân trần và ăn mặc rách rưới, tự mình lê lết cho đến khi rớm máu. Những phái tự hành xác chờ đợi sự kết thúc của thế giới, họ lo âu chờ đợi từ giờ này sang giờ khác.

Cuối cùng thì, cái xảy ra không phải là sự kết thúc của trần thế mà chỉ là sự kết thúc của chế độ phong kiến, và cái xuất hiện không phải là một Thiên niên kỷ mới mà chỉ là hệ thống tư bản. Nhưng không thể mong chờ họ sẽ hiểu ra điều đó. Thế giới cũ ở trong trạng thái suy tàn nhanh chóng và không thể cứu chữa. Con người bị giằng xé bởi những xu hướng mâu thuẫn. Niềm tin của họ bị nghiền nát, họ bị thả trôi giữa một thế giới lạnh giá, vô nhân tính, thù địch và không thể hiểu nổi.

Sự trỗi dậy của tư sản

Khi tất cả những sự đảm bảo của thế giới cũ bị đạp đổ, nó giống như đinh chốt của thế giới đã bị tháo gỡ. Hậu quả là sự bất an và sự hỗn loạn kinh hoàng. Giữa thế kỷ 15, hệ thống niềm tin cũ bắt đầu đổ vỡ. Người ta không còn trông cậy Nhà thờ như là chỗ mang lại sự cứu rỗi, sự an ủi hay sự khây khỏa nữa. Thay vào đó sự bất bình đối với tôn giáo nảy sinh với nhiều hình thức khác nhau, và được dùng để che dấu cho những phản kháng chính trị và xã hội.

Nông dân thách thức ràng buộc và luật lệ cũ, họ đòi hỏi sự tự do đi lại và khẳng định điều đó bằng cách di chuyển đến những thị trấn khác mà không cần giấy phép. Những ghi chép thời đó thể hiện sự tức giận của lãnh chúa trước sự bất tuấn lệnh của người lao động. Thậm chí còn có một vài cuộc bãi công.

Giữa bóng tối ấy những lực lượng mới đang khấy đảo, tuyên bố sự khai sinh ra một quyền lực mới và một nền văn minh mới đang dần lớn mạnh ở bên trong bào thai của xã hội cũ. Sự nảy sinh của giao thương và thành thị đã làm nảy sinh cùng với nó một giai cấp tiến bộ mới, giai cấp tư sản, giai cấp này bắt đầu tranh giành vị thế và quyền lực với giai cấp thống trị phong kiến, quý tộc và Nhà thờ. Sự khai sinh ra một xã hội mới được tuyên bố bởi nghệ thuật và văn học, ở đó những xu thế mới bắt đầy xuất hiện trong một trăm năm tiếp theo.

Sau tất cả những ý định và mục đích thì trật tự cũ đã chết. Mặc dù nó vẫn còn đứng ngạo nghễ dưới đôi chân mình, sự tồn tại của nó không còn được xem như là một điều gì đó bình thường – phải chấp nhận chúng như là không thể tránh khỏi. Nhận thức chung (hay đúng hơn là cảm giác chung) là ngày tận thế đang đến gần không phải là điều gì đó hoàn toàn sai. Chỉ có điều không phải sự kết thúc của trần thế mà là sự kết thúc của hệ thống phong kiến.

Sự phát triển của các thành thị, đó là những hòn đảo của chủ nghĩa tư bản giữa đại dương phong kiến, đã dần dần làm xói mòn trật tự cũ. Nền kinh tế tiền tệ mới, xuất hiện ở bên rìa xã hội, đã gặm nhấm vào tận nền móng của kinh tế phong kiến. Những hạn chế của phong kiến cũ giờ đây là sự áp đặt không thể chịu đựng được, là những rào cản không thể dung thứ cho sự tiến bộ. Chúng phải bị đập tan, và chúng đã bị đập tan. Những chiến thắng của tư sản không đến ngay lập tức. Cần một thời gian dài để nó đạt được thắng lợi cuối cùng trước trật tự cũ. Chỉ có sự xuất hiện dần dần là những ánh lửa mới của cuộc sống xuất hiện ở thành thị.

Sự khôi phục chậm chạp của giao thương dẫn tới sự nảy sinh của giai cấp tư sản và sự hồi sinh của thành thị, đáng chú ý là ở Flanders, Hà Lan và ở bắc Italy. Những tư tưởng mới bắt đầu xuất hiện. Sau khi Constantinople rơi vào tay người Thổ (1453), có nhiều mối quan tâm mới đến tư tưởng và nghệ thuật cổ đại. Những hình thức nghệ thuật mới xuất hiện ở Italy và Hà Lan. Tác phẩm Mười Ngày của Boccacio có thể được coi là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên. Ở Anh tác phẩm của Chaucer chứa đựng đầy sức sống và màu sắc, phản chiếu một tinh thần mới mẻ trong nghệ thuật. Thời kỳ Phục Hưng bước những bước do dự đầu tiên của nó. Dần dà, từ hỗn loạn một trật tự mới phát sinh.

Cải cách

Sang thế kỷ 14 chủ nghĩa tư bản đã được thiết lập vững chắc ở Châu Âu. Hà Lan trở thành công xưởng của Châu Âu, dọc dòng sông Rhine giao thương nở rộ. Những thành phố ở Bắc Italy là đầu tầu mạnh mẽ của sự tăng trưởng kinh tế và thương mại, mở ra sự giao thương với Byzantium và Phương Đông. Từ thế kỷ thứ 5 cho đến thế kỷ 12, Châu Âu gồm chủ yếu những nền kinh tế cô lập. Nhưng không còn như vậy nữa! Khám phá ra Châu Mỹ, con đường vòng qua Châu Phi và sự bành trướng của giao thương đã đem lại một động lực tươi mới không chỉ tới việc tạo ra của cải mà còn cả tới sự phát triển của tư duy con người.

Dưới những điều kiện như vậy, sự trì trệ của tri thức cũ là không thể còn nữa. Sự bảo thủ và phản động đột nhiên bị cắt bỏ, Marx và Engels giải thích trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản:

“Việc tìm ra Châu Mỹ và con đường biển vòng Châu phi đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời. Những thị trường Đông - Ấn và Trung Quốc, việc thực dân hoá Châu Mỹ, việc buôn bán với thuộc địa, việc tăng thêm nhiều tư liệu trao đổi và nói chung tăng thêm nhiều hàng hoá, đã đem lại cho thương nghiệp, cho ngành hàng hải, cho công nghiệp, một sự phát đạt chưa từng có, và do đấy, đã đem lại một sự phát triển mau chóng cho yếu tố cách mạng trong xã hội phong kiến đang tan rã.”

Không phải tình cờ mà sự trỗi dậy của giai cấp tư sản ở Ý, Hà Lan, Anh và Pháp sau này song hành với sự nở rộ ngoạn mục của văn hóa, nghệ thuật và khoa học. Cách mạng, như Trotsky đã từng nói, bao giờ cũng là động lực thúc đẩy của lịch sử. Ở những đất nước mà cách mạng tư sản thắng lợi ở Thế kỷ 17 và Thế kỷ 18, sự phát triển của lực lượng sản xuất và công nghệ được bổ sung bởi sự phát triển song song của khoa học và triết học, sự phát triển ấy làm suy yếu mãi mãi sự thống trị của Nhà thờ.

Trong thời kỳ đang trỗi dậy của giai cấp tư sản, khi mà tư bản vẫn đang đại diện cho lực lượng tiến bộ của lịch sử, những nhà tư tưởng đầu tiên của giai cấp ấy phải đấu tranh một cuộc chiến cam go chống lại thành lũy của ý thức hệ phong kiến, bắt đầu từ Nhà thờ Công giáo. Một thời gian dài trước khi phá hủy quyền lực của địa chủ phong kiến, giai cấp tư sản phải đập tan những phòng thủ trong tôn giáo và triết học tụ hợp vào để bảo vệ hệ thống phong kiến xung quanh Nhà thờ và cơ quan vũ trang của nó, Tòa án Dị giáo. Cuộc cách mạng này được báo trước bởi cuộc nổi dậy của Martin Luther chống lại uy quyền của Nhà thờ.

Trong thế kỷ 14 va thế kỷ 15 ở Đức người ta thấy sự dịch chuyển từ một nên kinh tế nông nghiệp hoàn toàn và sự nảy sinh của những tầng lớp xã hội mới, tầng lớp xung đột với hệ thống cấp bậc phong kiến truyền thống. Tấn công của Luther vào Nhà thờ Công giáo La Mã đóng vai trò như tia lửa đốt cháy cách mạng. Thị dân và tiểu quý tộc tìm cách phá vỡ quyền lực của tăng lữ, thoát khỏi sự kìm kẹp của Rome, và, cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, làm giàu bản thân họ trong quá trình tịch thu tài sản của nhà thờ.

Thế nhưng trong sâu thẳm của xã hội phong kiến, còn có những lực lượng căn bản khác cũng đang náo động. Khi lời kêu gọi của Luther chống lại tăng lữ và những tư tưởng về sự tự do Ki-tô giáo đến tai của những người nông dân Đức, họ hành động như một sự kích thích mạnh mẽ tới nỗi căm giận bị kìm nén của quần chúng, những người đã chịu đựng một thời gian dài trong im lặng những áp bức của địa chủ phong kiến. Giờ đây họ nổi dậy để trút sự trả thù kinh hoàng lên những kẻ áp bức họ.

Khởi đầu vào năm 1542, Chiến tranh Nông dân lan khắp các vùng Giéc-manh thuộc Đế chế La Mã Thần thánh trong suốt năm 1525 cho đến khi nó bị đàn áp vào năm 1526. Những gì diễn ra sau đó cũng được lặp đi lặp lại trong lịch sử sau này. Đối mặt với hậu quả của những tư tưởng cách mạng của mình, Luther buộc phải chọn phe, và ông ta đã chọn tham gia cùng thị dân, quý tộc, hoàng tử để nghiền nát nông dân.

Những người nông dân tìm thấy ở Thomas Müntzer một nhà lãnh đạo có phẩm chất tốt hơn. Trong khi Luther kêu gọi đấu tranh trong hòa bình, thì Thomas Müntzer tấn công giới tăng lữ bằng những thuyết pháp bạo lực, kêu gọi nhân dân nổi dậy có vũ trang. Giống như Luther, ông ta trích dẫn kinh thánh để biện hộ cho hành động của mình: “Chẳng phải Chúa đã nói ‘Ta không đem đến hòa bình, nhưng ta đem đếm một thanh gươm’?”

Cánh cấp tiến nhất của phong trào này là Anabaptists, những người đã bắt đầu đặt vấn đề về sở hữu tư nhân, xây dựng mô hình tham khảo từ thời kỳ cộng sản nguyên thủy của những người Thiên chúa giáo đầu tiên mà đã được mô tả trong The Acts of The Apostles. Müntzer kiên quyết rằng không phải Kinh thánh là không có sai sót, rằng Thần thánh (Holy Spirit) có những cách liên lạc trực tiếp thông qua thiên tài lý trí.

Luther thấy kinh hãi và viết một tập sách bỉ ổi Phản đối sự Giết chóc, Cướp phá của Nông dân. Cuộc cách mạng đã bị nghiền nát bởi sự tàn bạo không thể diễn tả nổi, nó đẩy nước Đức tụt lại phía sau hàng thế kỷ. Thế nhưng sóng triều của cách mạng tư sản phản chiếu ở sự trỗi dậy của Đạo Tin lành giờ đây là không thể dừng lại được.

Những vùng đất là nơi mà thế lực phong kiến phản động đã dập tắt phôi thai của một xã hội mới trước khi nó lọt lòng, đã bị trừng phạt bởi cơn ác mộng của một thời kỳ kéo dài và nhục nhã trong suy đồi, suy thoái và thối rữa.

Cách mạng tư sản

Cuộc cách mạng tư sản đầu tiên diễn ra dưới hình thức một cuộc nổi dậy dân tộc ở Hà Lan chống lại áp bức của Tây Ba Nha Công giáo. Để đạt được thành công, thị dân Hà Lan giàu có dựa vào những con người không có tài sản: những con người tuyệt vọng dũng cảm ấy được kéo ra chủ yếu từ những tầng lớp nghèo đói nhất của xã hội. Đội quân của cuộc Cách mạng Hà Lan được kẻ thù lúc đó gọi là Đám ăn mày bên bờ biển.

Mô tả ấy không phải không chính xác. Họ là những thợ thủ công, người lao động, ngư dân nghèo, người vô gia cư và những người không sở hữu gì hết – tất cả họ bị xem là cặn bã của xã hội, nhưng họ nổi giận bởi chủ nghĩa cuồng tín Calvin, họ đánh bại thế lực Tây Ban Nha hùng mạnh hết trận này đến trận khác. Cuộc cách mạng đã đặt nền nóng cho sự hình thành của Cộng hòa Hà Lan và một Hà Lan tư sản thịnh vượng hiện đại.

Nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân

Nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân

Chương tiếp theo của cách mạng tư sản thậm chí còn ý nghĩa hơn và tác động sâu rộng hơn ẩn chứa bên trong những gợi ý của nó. Cách mạng Anh thế kỷ 17 có hình thức là một cuộc nội chiến. Nó thể hiện một sự đối ngẫu quyền lực, giữa những thế lực hoàng gia, dựa trên những tầng lớp đặc quyền hoặc những nhóm bên trên của những tầng lớp này – quý tộc, giám mục, đặt căn cứ ở Oxford – đối chọi với tư sản, tiểu địa chủ, quần chúng bình dân, đặt căn cứ ở London.

Cách mạng Anh chỉ thành công khi Oliver Cromwell, dựa vào những thành phần cấp tiến nhất, tức là những người bình dân có vũ trang, gạt tư sản sang một bên rồi tiến hành một cuộc chiến tranh cách mạng chống lại những kẻ bảo hoàng. Kết quả là, nhà vua bị bắt và bị xử tử. Cuộc xung đột kết thúc bằng sự xóa bỏ Quốc hội và bằng sự độc tài của Cromwell.

Những cấp bậc thấp hơn trong quân đội, dưới sự lãnh đạo của phái Levellers – cánh cực tả của cuộc cách mạng – cố gắng đưa cuộc Cách mạng tiến xa hơn nữa, đã bắt đầu đặt vấn đề về sở hữu tư nhân, nhưng họ đã bị Cromwell đè bẹp. Lý do của sự thất bại này nằm ở những điều kiện khách quan của giai đoạn này. Công nghiệp vẫn chưa phát triển tới điểm mà nó có thể cung cấp nền tảng cho chủ nghĩa xã hội.

Vô sản bản thân nó vẫn còn đang nằm trong giai đoạn phát triển phôi thai. Những người Levellers bản thân họ đại diện cho một cấp độ thấp hơn của giai cấp tiểu tư sản, và do đó, mặc cho tất cả chủ nghĩa anh hùng của họ, đã không thể có cho bản thân mình, một lộ trình lịch sử riêng. Sau khi Cromwell chết, giai cấp tư sản đạt được thỏa hiệp với vua Charles II cho phép nó nắm giữ thực quyền trong khi vẫn duy trì nền Quân chủ, cái đóng vai trò như một thành lũy nhằm chống lại mọi cuộc cách mạng chống lại sở hữu tư nhân trong tương lai.

Cách mạng Mỹ, diễn ra dưới hình thức chiến tranh dành độc lập dân tộc đã chỉ có thể thành công ở mức độ mà nó thu hút được đông đảo tầng lớp nông dân nghèo những người đã thực hiện chiến tranh du kích chống lại những đội quân của Vua George nước Anh.

Cách mạng Pháp 1789-93 còn ở mức độ cao hơn nhiều so với Cách mạng Anh. Đây là một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Thậm chí cho đến giờ nó vẫn là nguồn cảm hứng vô tận. Trong khi Cromwell chiến đấu dưới ngọn cờ tôn giáo, tư sản Pháp giương cao ngọn cờ Lý trí. Thậm chí trước khi cách mạng kéo sập những bức tường của ngục Bastille, nó đã kéo sập những bức tường vô hình, nhưng không kém phần kiên cố, của Nhà thờ và tôn giáo.

Tại mọi giai đoạn, động lực đã thúc đẩy Cách mạng Pháp tiến lên phía trước, quét sạch sang bên tất cả những trở ngại, là sự tham dự tích cực của quần chúng nhân dân. Và khi sự tham dự tích cực ấy trở thành thoái trào, Cách mạng dừng lại hoàn toàn và đi ngược trở lại. Đó chính là những gì đã trực tiếp dẫn đến sự phản động, đầu tiên là cuộc phản cách mạng Tháng Thermidor và tiếp là những biến thể của chủ nghĩa Bonaparte.

Kẻ thù của Cách mạng Pháp bao giờ cũng cố gắng bôi nhọ hình ảnh của cách mạng bằng sự cáo buộc bạo lực và tắm máu. Thực tế là bạo lực của quần chúng là phản kháng không thể tránh khỏi chống lại bạo lực của giai cấp thống trị cũ. Nguồn gốc của thời kỳ Khủng bố phải được tìm thấy ở sự phản ứng của cách mạng tới những mối đe dọa bị lật đổ bởi những kẻ thù bên trong và bên ngoài. Chuyên chính cách mạng là kết quả của cuộc chiến tranh cách mạng và chỉ có thể là sự thể hiện của chiến tranh cách mạng.

Dưới sự thống trị của Robespierre và phái Jacobins, các sans-cullottes nửa-vô-sản đưa Cách mạng tới kết cục thắng lợi. Thực tế là, quần chúng nhân dân đã đẩy những người lãnh đạo tiến xa hơn ý định của họ. Khách quan mà nói, cuộc Cách mạng này có tính chất dân chủ–tư sản, bởi vì sự phát triển của lực lượng sản xuất và của giai cấp vô sản chưa đạt tới điểm để có thể đặt vấn đề về chủ nghĩa xã hội.

Tại thời điểm nhất định, quá trình cách mạng, sau khi đã đạt tới giới hạn của nó, phải đi theo con đường đảo ngược. Robespierre và phe của ông ta đánh bại Cánh tả và rồi tự đánh bại chính bản thân mình. Phe phản cách mạng tháng Thermodor ở Pháp săn lùng và đàn áp phái Jacobins, trong khi đó quần chúng nhân dân, quá mệt mỏi sau bao năm rán sức và hy sinh, bắt đầu rơi vào tình trạng thụ động và thờ ơ. Con lắc giờ đây xoay chuyển mạnh mẽ sang cánh hữu. Nhưng nó không thể khôi phục được Chế độ Cũ. Thành quả kinh tế–xã hội căn bản của Cách mạng vẫn còn đó. Quyền lực của quý tộc địa chủ bị đập tan.

Sự mục nát và suy đồi của Đốc Chính được tiếp nối bởi sự mục nát và suy đồi tương đương của chế độ độc tài cá nhân Bonaparte. Tư sản Pháp kinh hãi trước phái Jacobins và những người sans-cullottes cùng xu hướng bình đẳng và quân bình của họ. Nhưng họ thậm chí còn kinh hãi hơn trước sự đe dọa của cuộc phản cách mạng của những kẻ bảo hoàng, cuộc phản cách mạng ấy có thể hất tư sản khỏi quyền lực và đặt kim đồng hồ trở về thời kỳ trước năm 1789. Chiến tranh tiếp diễn và vẫn còn những cuộc nổi dậy của phái phản cách mạng. Chỉ có một lối thoát duy nhất là đưa chế độ độc tài quay trở lại, nhưng ở hình thức độc tài quân sự. Giai cấp tư sản đi tìm kiếm một kẻ Cứu thế và đã tìm thấy kẻ ấy ở con người Napoleon Bonaparte.

Với sự thất bại của Napoleon ở Trận Waterloo, những hòn than âm ỉ cháy từ ngọn lửa đã được đốt cháy lên bởi nước Pháp cách mạng đã bị dập tắt. Một thời kỳ u ám, kéo dài bao phủ khắp Châu Âu như một lớp bụi phủ dầy đặc và ngột ngạt. Những thế lực phản động thắng lợi dường như đang ngồi vững chắc trên yên. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Bên dưới bề mặt, những Con Chuột chũi của Cách mạng đang bận rộn đào sâu nền móng cho một cuộc cách mạng mới.

Thắng lợi của chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu đặt cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp, và cùng với nó, là sự lớn mạnh của giai cấp có vận mệnh xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và dẫn dắt sang một giai đoạn cao hơn của phát triển xã hội – chủ nghĩa xã hội. Marx và Engels viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản:

“Một bóng ma đang ám ảnh Châu âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả thế lực của Châu âu cũ: Giáo Hoàng và Nga Hoàng, Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó.”

Những lời trên mô tả hệ thống phản động được thành lập bởi Quốc hội Vienna theo sau sự thất bại của Napoleon năm 1815. Ý định của nó nhằm xóa bỏ nguy cơ cách mạng mãi mãi, nhằm xua đuổi bóng ma của Cách mạng Pháp mãi mãi. Chế độ độc tài tàn bạo của “các thế lực của Châu Âu cũ” cứ như là tồn tại vĩnh cửu. Những chẳng sớm thì muộn mọi thứ đảo lộn. Bên dưới bề mặt phản động, những lực lượng mới dần dần trưởng thành và một giai cấp cách mạng mới – giai cấp vô sản – đang chuẩn bị sẵn sàng.

Cuộc phản cách mạng đã bị đánh bại bởi làn sóng cách mạng mới ở Châu Âu vào năm 1848. Những cuộc cách mạng này đã chiến đấu dưới ngọn cờ dân chủ – đó cũng là ngọn cờ cắm trên những chướng ngại phòng thủ được dựng lên ở Paris năm 1789. Nhưng ở khắp nơi lực lượng dẫn đầu của cuộc cách mạng không phải là giai cấp tư sản phản động và hèn nhát mà là những đứa con trực hệ của những người sans-cullotes Pháp – giai cấp công nhân, giai cấp đã khắc vào ngọn cờ của họ một lý tưởng cách mạng mới, lý tưởng Cộng sản.

Những cuộc cách mạng năm 1848-9 đã bị đánh bại bởi sự hèn nhát và xảo trá của giai cấp tư sản và những đại diện Tự do của nó. Thế lực phản động thống trị một lần nữa cho đến năm 1871, khi giai cấp vô sản anh hùng của nước Pháp đã tấn công lên trời ở Công xã Paris, lần đầu tiên trong lịch sử giai cấp công nhân lật đổ nhà nước tư sản cũ và bắt đầu xây dựng một nhà nước kiểu mới – nhà nước của công nhân. Chương sử chói lọi đó chỉ kéo dài vài tháng và cuối cùng bị nhấn chìm trong bể máu. Nhưng đó để lại một di sản lâu bền và đặt nền móng cho Cách mạng Nga 1917.