Lịch sử là gì?

Tại sao chúng ta phải chấp nhận rằng toàn bộ vũ trụ, từ những hạt nhỏ nhất cho tới những thiên hà xa xôi nhất là có thể xác định được, và rồi quá trình quyết định sự tiến hóa của các loài là bị chi phối bởi những quy luật, thế nhưng vì một lý do lạ kỳ nào đó, lịch sử của chúng ta lại không như vậy.

Phương pháp Marxist phân tích những động lực làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội loài người từ những xã hội bộ lạc sớm nhất cho đến xã hội hiện đại ngày nay. Phương thức mà chủ nghĩa Marx tìm ra con đường lịch sử quanh co này được gọi là quan niệm duy vật về lịch sử.

Ai từ chối sự tồn tại của những quy luật chi phối sự phát triển của xã hội loài người người đó không tránh khỏi tiếp cận lịch sử từ quan điểm chủ quan và đạo đức. Thế nhưng bên trên và vượt xa những sự kiện bị tách rời, cần thiết phải nhận thức những xu thế, sự chuyển tiếp từ hệ thống xã hội này sang hệ thống xã hội khác, và tìm ra động lực cơ bản quyết định chuyển tiếp ấy.

Trước Marx và Engels hầu hết mọi người đều xem lịch sử là chuỗi những sự kiện không có liên kết với nhau, hay dùng thuật ngữ triết học là “ngẫu nhiên”. Đã từng không có giải thích tổng quát nào cho nó, lịch sử không có tính quy luật nội tại. Bằng cách thiết lập thực tế rằng, phân tích cho đến cùng, mọi sự phát triển của nhân loại phụ thuộc vào sự phát triển của lực lượng sản xuất, Marx và Engels lần đầu tiên đã đặt nghiên cứu lịch sử lên nền tảng khoa học.

Phương pháp khoa học này giúp chúng ta hiểu lịch sử, không phải như chuỗi những sự kiện ngẫu nhiên không liên kết với nhau và không dự đoán được, mà là một phần của quá trình có liên kết và có thể hiểu rõ. Đó là một chuỗi các hành động và phản ứng bao trùm các mặt chính trị, kinh tế, và toàn bộ lăng kính của phát triển xã hội. Bóc trần mối quan hệ biện chứng phức tạp giữa các hiện tượng này là nhiệm vụ của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Con người không ngừng cải biến tự nhiên thông qua lao động và trong quá trình đó cải biến chính bản thân mình.

Xuyên tạc Chủ nghĩa Marx

Khoa học dưới chế độ tư bản có xu thế là nó ngày một thiếu tính khoa học hơn, nó càng tiến tới thiếu khoa học hơn nữa khi nó phân tích về xã hội. Cái gọi là khoa học xã hội (xã hội học, kinh tế, chính trị), và cả triết học tư sản, nhìn chung chẳng áp dụng một phương pháp khoa học thực sự nào, và do vậy dẫn đến kết cục là những cố gắng chết yểu nhằm biện hộ cho chủ nghĩa tư bản, hoặc ít nhất là không thừa nhận Marx (mà cả hai thực ra là một).

Mặc cho sự khoe khoang “tính khoa học” của các nhà sử học tư sản, viết sử không thể tránh khỏi việc nó phản chiếu quan điểm giai cấp. Thực tế là lịch sử về các cuộc chiến tranh — bao gồm cả đấu tranh giai cấp — là lịch sử viết bởi kẻ chiến thắng. Nói cách khác, quá trình chọn lọc và diễn giải những sự kiện ấy được định hình bởi kết quả thực tế của những xung đột đó khi chúng tác động tới nhà sử học và tiếp đến là tới nhận thức của ông ta về những gì mà người đọc sử muốn biết. Hơn nữa, phân tích cho đến cùng, nhận thức ấy bao giờ cũng bị ảnh hưởng bởi lợi ích giai cấp hoặc lợi ích nhóm trong xã hội.

Khi những nhà Marxist xem xét xã hội họ không giả bộ họ là những người trung lập, trái lại họ công khai ủng hộ sự nghiệp của những giai cấp bị áp bức và bóc lột. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là làm như thế sẽ loại bỏ tính khách quan khoa học. Khi bác sĩ phẫu thuật tham gia vào một ca mổ phức tạp thì anh ta cũng đã cam kết phải cứu bệnh nhân của mình. Anh ta không thể nào trung lập với kết quả phẫu thuật. Nhưng cũng chính vì lý do đó, anh ta sẽ phải phân biệt cực kỳ cẩn trọng những lớp nội tạng khác nhau. Cũng giống như vậy, những người Marxist cố gắng đạt được những phân tích chính xác khoa học nhất về tiến trình xã hội, để có thể mang lại ảnh hưởng tích cực đến kết cục.

Người ta thường xuyên thực hiện những toan tính hòng làm mất uy tín của chủ nghĩa Marx bằng cách xuyên tạc phương pháp phân tích lịch sử của nó. Không có gì đơn giản hơn việc dựng lên một bù nhìn rơm để sau đó tìm cách đánh gục ngã nó. Một sự bóp méo thường thấy là xem Marx và Engels “giản lược tất cả thành vấn đề kinh tế”. Sự xuyên tạc máy móc này chẳng có gì liên quan tới chủ nghĩa Marx. Nếu đó là sự thật, thì chúng ta có thể đã được giải thoát khỏi cuộc đấu tranh đau đớn hòng thay đổi thế giới. Chủ nghĩa tư bản có thể đã sụp đổ và một xã hội mới thay thế đúng vào đó, như quả táo chín rụng vào lòng của kẻ đang ngủ dưới gốc cây. Nhưng chủ nghĩa duy vật lịch sử chẳng có gì chung với chủ nghĩa định mệnh.

Sự phí lý này được trả lời bằng đoạn văn sau trong bức thư Engels gửi cho Bloch:

“Theo quan điểm duy vật lịch sử, nhân tố quyết định trong lịch sử , xét đến cùng là sự sản xuất và tái sản xuất đời sống hiện thực. Cả Marx lẫn tôi chưa bao giờ có khẳng định gì hơn thế. Do đó, nếu có ai xuyên tạc câu đó khiến cho nó có nghĩa là nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất thì như vậy là họ đã biến câu đó thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa.”(Marx-Engels 1984, tr726)

Trong tác phẩm Gia đình Thần thánh, viết trước tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và Engels dè bỉu ý tưởng cho rằng “Lịch sử” được thai nghén mà không có những cá nhân và giải thích rằng đó chỉ là sự trừu tượng trống rỗng:

“Lịch sử không làm gì hết, nó ‘không có tính phong phú vô cùng tận nào cả’, nó ‘không chiến đấu ở trận nào cả’! Không phải ‘lịch sử’, mà chính con người, con người thực sự, con người sống mới là kẻ làm ra tất cả những cái đó, có tất cả những cái đó và chiến đấu cho tất cả những cái đó. ‘Lịch sử’ không phải là một nhân cách đặc thù nào đó sử dụng con người làm phương tiện đạt tới các mục đích của mình. Lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình”1

Tất cả những gì mà chủ nghĩa Marx làm là giải thích vai trò của cá nhân là một phần của xã hội, chịu chi phối bởi những quy luật khách quan và, xét đến cùng, là đại diện cho lợi ích của một giai cấp cụ thể. Tư duy không phải là một tồn tại độc lập, sự phát triển lịch sử của nó cũng vậy. Marx viết trong Hệ Tư tưởng Đức, “không phải tư duy quyết định tồn tại mà là tồn tại quyết định tư duy.”

Ý chí tự do?

Tư duy và hành động của con người được quyết định bởi những quan hệ xã hội, sự phát triển của nó không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, nhưng nó diễn ra tuân theo những quy luật xác định. Những mối quan hệ xã hội ấy, xét cho đến cùng, phản ánh nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố này hình thành nên một mạng lưới phức tạp mà thường khó nhìn thấy được. Nghiên cứu những mối quan hệ này là cơ sở của học thuyết Marx về lịch sử.

Nhưng nếu như con người không phải là những con rối của những “động lực lịch sử mù quáng”, thì họ cũng không phải là những tác nhân hoàn toàn tự do, có khả năng nhào nặn số phận của mình mà không phụ thuộc vào những điều kiện tồn tại bị áp đặt bởi trình độ phát triển về kinh tế, khoa học và kỹ thuật, cái mà khi phân tích đến cùng, quyết định một hệ thống kinh-tế–xã-hội có khả thi hay không. Trong tác phẩm Ngày 18 Tháng Sương Mù của Louis Bonaparte, Marx viết:

“Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại. Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống […]”(Marx-Engels 1981, tr386)

Sau đó Engels diễn đạt ý tương tự theo một cách khác:

“Con người làm ra lịch sử của mình – vô luận là lịch sử này diễn ra như thế nào – bằng cách là mỗi người theo đuổi những mục đích riêng, mong muốn một cách có ý thức, và chính kết quả chung của vô số những ý muốn tác động theo nhiều hướng khác nhau đó và của những ảnh hưởng muôn vẻ của những ý muốn đó vào thế giới bên ngoài đã tạo nên lịch sử”(Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của Triết học cổ điển Đức, Marx-Engels 1984, tr406-7)

Điều mà chủ nghĩa Marx khẳng định, và là tiền đề mà không ai có thể chối bỏ, là khi phân tích cho đến cùng thì tính khả thi của một hệ thống kinh tế–xã hội được quyết định bởi năng lực mà nó phát triển phương thức sản xuất, nói cách khác, đó là nền tảng vật chất xây dựng nên xã hội, văn hóa và văn minh.

Quan điểm cho rằng sự phát triển của lực lượng sản xuất là nền tảng cho sự phát triển xã hội là một sự thật hiển nhiên đến nỗi thật ngạc nhiên khi người ta vẫn còn phân vân về điều đó. Không cần phải có trí tuệ cao siêu gì để hiểu ra rằng trước khi con người có thể phát triển về nghệ thuật, khoa học, tôn giáo hay triết học, con người trước hết phải có lương thực để ăn, quần áo để mặc, nhà cửa để ở. Tất cả những thứ đó phải được sản xuất bởi ai đó, bằng cách nào đó.

Trong tác phẩm Góp phần Phê phán Khoa kinh tế chính trị, Marx giải thích quan hệ giữa lực lượng sản xuất và “kiến trúc thượng tầng” như sau:

“Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người ta có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ; – tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ . Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực, trên đó xây dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị, và tương ứng với cơ sở thực tại đó thì có những hình thái ý thức xã hội nhất định. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt vã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại, chính sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ.”(Góp phần Phê phán Khoa kinh tế chính trị, Marx-Engels 1981)

Marx và Engels kiên trì chỉ ra rằng, những người tham dự vào quá trình lịch sử không phải bao giờ cũng nhận ra được động lực nào đang thúc đẩy họ, thay vào đó họ tìm cách lý trí hóa những động lực ấy bằng cách này hay cách khác, thế nhưng những động lực ấy tồn tại và có cơ sở trong một thế giới hiện thực.

Từ đây chúng ta thấy rằng dòng chảy và hướng đi của lịch sử đã và đang được định hình bởi cuộc đấu tranh giữa các giai cấp xã hội để tạo dựng lên xã hội theo lợi ích của riêng họ và những kết quả đối kháng giai cấp sinh ra từ đó. Như những lời đầu tiên trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nhắc nhở chúng ta: “Lịch sử của các xã hội đã tồn tại cho đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp.” Duy vật lịch sử giải thích động lực phát triển xã hội thông qua đấu tranh giai cấp.

Marx và Darwin

Giống loài chúng ta là một sản phẩm của quá trình tiến hóa rất lâu dài. Tất nhiên, tiến hóa không phải là một bản thiết kế vĩ đại nhằm tạo ra sinh vật giống như chúng ta. Đó không phải là vấn đề chấp nhận một kế hoạch định trước nào đó, hoặc liên quan tới sự can thiệp của Thượng Đế hoặc liên quan tới một loại mục đích luận nào đó, nhưng rõ ràng là những quy luật tiến hóa gắn liền với tự nhiên trong thực tế quyết định sự phát triển của những dạng thức sống từ đơn giản tới phức tạp.

Những dạng thức sống sơ khai nhất đã chứa đựng bên trong nó những phôi thai của mọi sự phát triển trong tương lai. Có thể giải thích sự phát sinh của mắt, chi và các cơ quan khác mà không cần dựa vào một kế hoạch định trước nào. Tại một giai đoạn nhất định chúng ta có được sự phát triển hệ thần kinh trung ương và một bộ não. Cuối cùng, ở giai đoạn Người Tinh khôn, chúng ta đạt tới con người có nhận thức. Vật chất trở nên có nhận thức về chính bản thân nó. Không có cuộc cách mạng nào quan trọng hơn cuộc cách mạng ấy kể từ khi vật chất hữu cơ (sự sống) phát triển từ vật chất vô cơ.

Charles Darwin giải thích rằng các loài là không bất biến, và rằng các loài có quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng thay đổi và tiến hóa. Tương tự như vậy Marx và Engels giải thích rằng hệ thống xã hội không phải là một cái gì đó cố định mãi mãi. Tiến hóa cho thấy làm thế nào mà những dạng thức sống khác nhau đã từng thống trị trái đất trong thời gian dài nhưng đã bị tuyệt chủng ngay khi những điều kiện vật chất quyết định sự thành công về mặt tiến hóa của chúng thay đổi. Những loài từng thống trị trước đây đã bị thay thế bằng những loài tầm thường và thậm chí bằng những loài còn không có cả viễn cảnh liệu có thể sống sót được.

Ngày nay tư tưởng về “tiến hóa” được công nhận rộng rãi, ít nhất là bởi những người có giáo dục. Tư tưởng của Darwin, thực sự cách mạng trong thời đại của ông, được công nhận gần như là một sự thật hiển nhiên. Thế nhưng, tiến hóa nói chung được hiểu là một quá trình chậm chạm, từ từ, không có sự gián đoạn hay những biến động mạnh mẽ. Trong chính trị, cách lập luận này hay được dùng để biện hộ cho chủ nghĩa cải cách. Thật không may, nó dựa trên sự hiểu lầm. Thậm chí cho đến hôm nay cơ chế thực sự của tiến hóa vẫn còn là cuốn sách bị giữ kín bởi bảy lần niêm phong.

Editorial cartoon depicting Charles Darwin as an ape 1871

Editorial cartoon depicting Charles Darwin as an ape 1871

Không có gì ngạc nhiên khi bản thân Darwin cũng không hiểu nó. Chỉ cho đến thời gian gần đây vào những năm 1970, với những khám phá về cổ sinh vật học của Stephen J. Gould, người khám phá học thuyết về sự cân bằng bị ngắt quãng, đã chứng minh rằng tiến hóa không phải là quá trình diễn ra một cách dần dần. Có những giai đoạn dài mà không quan sát được biến đổi lớn nào, nhưng tại một thời điểm nhất định, đường tiến hóa bị đứt gãy bởi sự bùng nổ, một cuộc cách mạng sinh học thực sự đặc trưng bởi sự tuyệt chủng hàng loạt của một số loài và sự vươn lên nhanh chóng của những loài khác.

Chúng ta thấy quá trình tương tự trong sự trỗi dậy và sụp đổ của các hệ thống kinh tế–xã hội. Sự tương tự giữa xã hội và tự nhiên, tất nhiên, chỉ là sự xấp xỉ. Nhưng ngay cả cách lý giải lịch sử một cách hời hợt nhất cũng cho thấy cách diễn giải tiệm tiến (dần dần, từ từ, từng bước một) là không có cơ sở. Xã hội, cũng như tự nhiên, có những thời kỳ kéo dài với những thay đổi dần dần và chậm chạp, nhưng cũng chính ở đó mà ranh giới bị đứt gẫy bởi sự phát triển bùng nổ – đó là chiến tranh và cách mạng, ở đó quá trình biến đổi được gia tốc một cách mạnh mẽ. Thực tế, chính những sự kiện đó đóng vai trò là động lực chủ đạo của diễn biến lịch sử. Và nguyên nhân gốc rễ của cách mạng là thực tế mà một hệ thống kinh tế–xã hội nhất định đã đạt tới giới hạn của nó và không thể phát triển lực lượng sản xuất như trước được nữa.

Lịch sử hơn một lần trang bị cho chúng ta những ví dụ về những cường quốc sụp đổ trong một thời gian ngắn ngủi. Lịch sử cũng cho thấy làm thế nào mà những quan điểm chính trị, tôn giáo và triết học hầu như ai cũng chê bai lại trở thành quan điểm được chấp nhận như một sức mạnh cách mạng nảy sinh để thay thế cái cũ. Thực tế là những tư tưởng của chủ nghĩa Marx là thế giới quan của một bộ phận thiểu số nhỏ bé trong xã hội do đó không việc gì phải để ý tới. Mọi tư tưởng vĩ đại trong lịch sử đều bắt đầu như một tư tưởng dị giáo và điều này áp dụng cho chủ nghĩa Marx hôm nay cũng như áp dụng cho Thiên chúa giáo 2000 năm trước.

“Những thích nghi tiến hóa” giúp chế độ nô lệ thay thế thời kỳ dã man, rồi chế độ phong kiến thay thế chế độ nô lệ cuối cùng lại trở thành cái đối lập với nó. Và giờ đây chính những đặc tính giúp chế độ tư bản thay thế chế độ phong kiến và vươn lên trở thành hệ thống kinh tế–xã hội thống trị lại đang trở thành nguyên nhân của sự mục nát của nó. Tư bản đang phơi bày tất cả những triệu chứng mà chúng ta liên hệ tới một hệ thống kinh tế–xã hội đang trong trạng thái suy thoái cuối cùng. Ở nhiều phương diện nó giống thời kỳ suy tàn của Đế chế La Mã như Edward Gibbon đã mô tả. Trong thời kỳ tới mở ra trước chúng ta, hệ thống tư bản đang tiến tới diệt vong.

Chủ nghĩa xã hội, không tưởng và khoa học

Bằng cách áp dụng phương pháp duy vật biện chứng vào lịch sử, có thể thấy rõ ràng ngay lập tức là lịch sử nhân loại có những quy luật của riêng nó, như vậy là, có thể hiểu được lịch sử với tư cách là một quá trình. Sự trỗi dậy và suy tàn của các hình thức kinh tế–xã hội khác nhau có thể được giải thích một cách khoa học dựa trên cơ sở những hình thức ấy có khả năng hay không có khả năng phát triển phương tiện sản xuất, và do đó thúc đẩy văn hóa nhân loại, và gia tăng sự làm chủ của con người đối với tự nhiện.

Nhưng những quy luật chi phối biến động lịch sử ấy là gì? Nếu quá trình tiến hóa của sự sống chứa đựng những quy luật có thể được giải thích được, và đã được giải thích, đầu tiên bởi Darwin và trong thời gian gần đây bởi những tiến bộ nhanh chóng trong nghiên cứu về di truyền học thì quá trình tiến hóa trong xã hội loài người được giải thích bởi Marx và Engels. Trong Hệ Tư tưởng Đức, viết trước Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx viết:

“Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống. Vì vậy, điều đầu tiên cần phải xác định là tổ chức cơ thể của những cá nhân ấy và mối quan hệ mà tổ chức cơ thể ấy tạo ra giữa họ với phần còn lại của giới tự nhiên. (…) Có thể phân biệt con người với súc vật, bằng ý thức, bằng tôn giáo, nói chung bằng bất cứ cái gì cũng được. Bản thân con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, – đó là một bước tiến do tổ chức cơ thể của con người quy định. Sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, như thế là con người đã gián tiếp sản xuất ra chính đời sống vật chất của mình.”(Marx-Engels 1980, tr268)

Trong tác phẩm, Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học, viết vào thời gian muộn hơn, Engels đem đến cho chúng ta những diễn giải chi tiết hơn về tư tưởng ấy. Ở đây chúng ta thấy sự thể hiện súc tích và rõ ràng về những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử:

“Quan niệm duy vật lịch sử xuất phát từ quan niệm cho rằng sản xuất và sau sản xuất là trao đổi sản phẩm của sản xuất, là cơ sở của mọi chế độ xã hội; rằng trong mọi xã hội xuất hiện trong lịch sử, sự phân phối sản phẩm, và cùng với sự phân phối ấy là sự phân chia xã hội thành giai cấp hoặc đẳng cấp, là tùy theo cái gì đã được sản xuất ra và được sản xuất ra như thế nào, và cái đã sản xuất ra được trao đổi như thế nào. Do đó, phải tìm những nguyên nhân cuối cùng của tất cả những biến đổi xã hội và cách mạng chính trị không phải trong đầu óc người ta, không phải ở sự nhận thức ngày càng tăng của họ về chân lý vĩnh cửu, mà là ở trong những sự biến đổi của phương thức sản xuất và phương thức trao đổi”(Marx-Engels 1983, tr592-593)

Đối lập với tư tưởng xã hôi không tưởng của Robert Owen, Saint-Simon và Fourier, chủ nghĩa Marx đặt nền tảng trên thế giới quan khoa học của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Marx giải thích rằng mấu chốt của sự phát triển của mọi xã hội là sự phát triển của lực lượng sản xuất: sức lao động, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và kỹ thuật. Mỗi hệ thống xã hội mới – nô lệ, phong kiên, tư bản – đã đảm nhận nhiệm vụ đưa xã hội loài người tiến lên phía trước thông qua sự phát triển lực lượng sản xuất của nó.

Robert Owen

Robert Owen

Tiền đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử đó là nguồn gốc tận cùng của sự phát triển nhân loại là sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là kết luận quan trọng nhất bởi vì chỉ riêng mình nó cho phép chúng ta đi đến quan niệm khoa học về lịch sử. Chủ nghĩa Marx kiên định rằng sự phát triển của xã hội loài người sau hàng triệu năm thể hiện ở tiến bộ, nghĩa là nó gia tăng sức mạnh của nhân loại đối với tự nhiên và do đó tạo ra những điều kiện vật chất để đạt tới tự do thực sự cho con người. Thế nhưng, sự phát triển ấy chưa bao giờ diễn ra một cách tuyến tính, như những nhà khoa học thời kỳ Victoria (những người mà có quan điểm thô thiển và không biện chứng về tiến hóa) hình dung một cách sai lầm. Lịch sử bao gồm cả những bước tiến lên và cả những bước thụt lùi.

Một khi ai đó phủ nhận quan điểm duy vật, động lực duy nhất cho các sự kiện lịch sử chỉ còn lại là vai trò của những cá nhân riêng lẻ – “những vĩ nhân”. Nói cách khác, chúng ta chỉ còn lại quan điểm duy tâm và chủ quan về tiến trình lịch sử. Đây là lập trường của những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng, họ, mặc dù có những hiểu biết sắc sảo và phê phán sâu sắc về trật tự xã hội đang tồn tại, đã không hiểu được quy luật cơ bản của phát triển lịch sử. Đối với họ, chủ nghĩa xã hội chủ là một “ý tưởng hay”, một cái gì đó có thể được nghĩ đến từ hàng nghìn năm trước, hoặc ngay vào sáng hôm sau. Giá như nó đã được phát minh ra từ một nghìn năm trước, nhân loại đã có thể chẳng phải vướng vào nhiều rắc rối đến vậy!

Không thể hiểu lịch sử bằng cách dựa vào những diễn giải chủ quan về những nhân vật chính. Chúng ta hãy dẫn ra một ví dụ. Những người Thiên chúa giáo đầu tiên, những người mong đợi ngày tận thế và Sự hồi sinh của Chúa mỗi giờ, không tin vào sở hữu tư nhân. Trong cộng đồng của họ, họ thực hành một kiểu xã hội cộng sản (mặc dù đó là kiểu xã hội cộng sản không tưởng, dựa trên tiêu dùng chứ không phải dựa trên sản xuất). Thử nghiệm ban đầu của họ về xã hội cộng sản đã không đi tới đâu, và không thể đi đến đâu, bởi vì sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ đó không cho phép xây dựng một xã hội cộng sản thực sự.

Vào thời kỳ Cách mạng Anh, Oliver Cromwell nồng nhiệt tin tưởng rằng ông ta đang đấu tranh cho quyền của mỗi cá nhân được cầu nguyện Thượng đế theo đúng tín ngưỡng/lương tâm của bản thân. Thế nhưng bước đi tiếp theo của lịch sử chứng tỏ rằng Cách mạng Cromwell là giai đoạn quyết định trong quá trình trỗi dậy không thể ngăn cản của tư sản Anh tới quyền lực. Giai đoạn phát triển cụ thể của lực lượng sản xuất ở nước Anh Thế kỷ 17 không cho phép một kết cục nào khác.

Những nhà lãnh đạo của Đại Cách mạng Pháp 1789-93 đấu tranh dưới ngọn cờ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Họ tin rằng họ đang đấu tranh cho một chế độ đặt nền móng trên những quy luật vĩnh cửu của Công lý và Lý trí. Thế nhưng, mặc cho ý định và tư tưởng của họ, phái Jacobins đã dọn đường cho sự thống trị của giai cấp tư sản ở Pháp. Một lần nữa, từ quan điểm khoa học, không một kết quả nào khác có thể xảy ra tại điểm phát triển xã hội đó.

Tài liệu tham khảo

Marx-Engels. 1980. Tuyển Tập. Vol. I. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1981. Tuyển Tập. Vol. II. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1983. Tuyển Tập. Vol. V. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1984. Tuyển Tập. Vol. VI. Hà Nội: NXB Sự thật.


  1. Marx & Engels, Gia đình Thần thánh, Chương VI