Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản

Cách mạng Nga

Đối với những người Marxist, Cách mạng Bolshevik là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik của Lenin và Trotsky, giai cấp công nhân đã giành thắng lợi trong công cuộc lật đổ những kẻ áp bức và ít nhất đã bắt đầu nhiệm vụ cải biến xã hội theo đường lối xã hội.

Thế nhưng, Cách mạng đã diễn ra, không phải ở một đất nước tư bản phát triển như Marx hằng mong đợi, mà lại trên một cơ sở lạc hậu nhất. Để có một ý tưởng ước chừng về tình cảnh mà những người Bolshevik đã phải đối mặt, chỉ trong một năm 1920, sáu triệu người đã chết đói ở nước Nga Xô-viết.

Marx và Engels từ lâu đã giải thích rằng chủ nghĩa xã hội – xã hội không có giai cấp – cần phải có những điều kiện vật chất thích hợp để nó có thể tồn tại được. Điểm xuất phát của chủ nghĩa xã hội phải là điểm cao hơn trong sự phát triển của lực lượng sản xuất so với xã hội tư bản phát triển nhất (chẳng hạn như Hoa Kỳ). Chỉ có trên cơ sở phát triển cao hơn trong công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, thì mới có thể đảm bảo những điều kiện để giải phóng sự phát triển của con người, bắt đầu từ việc giảm ngày làm việc. Điều kiện tiền đề cho điều đó là sự tham dự của giai cấp công nhân vào việc điều hành và quản trị xã hội một cách dân chủ.

Engels từ lâu đã giải thích rằng ở mọi xã hội mà nghệ thuật, khoa học và chính phủ là độc quyền của một thiểu số, thì thiểu số ấy sẽ sử dụng và lạm dụng vị thế của nó cho lợi ích của riêng nó. Lenin nhanh chóng nhận ra mối nguy cơ của sự suy đồi quan liêu của Cách mạng trong tình thế lạc hậu tổng thể. Trong Nhà nước và Cách mạng viết vào năm 1917, ông xây dựng một cương lĩnh trên cơ sở những từ những kinh nghiệm của Công xã Paris. Ở đó ông giải thích những điều kiện cơ bản – không phải cho chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản – mà là cho giai đoạn đầu tiên sau Cách mạng, giai đoạn quá độ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Đó là:

  1. Bầu cử tự do và dân chủ và quyền bãi nhiệm mọi viên chức
  2. Không có viên chức nào nhận tiền lương cao hơn một người công nhân lành nghề
  3. Không có quân đội thường trực mà thay bằng những người dân được vũ trang
  4. Dần dần, mọi nhiệm vụ điều hành nhà nước phải được thực hiện luân phiên bởi những người công nhân: khi ai cũng có lượt làm “quan liêu” thì không có ai là quan liêu

Đó là cương lĩnh hoàn thiện của nền dân chủ của công nhân. Cương lĩnh chĩa thẳng vào mối nguy hiểm của sự quan liêu. Cương lĩnh này đến lượt nó hình thành nên cơ sở của Cương lĩnh của Đảng Bolshevik năm 1919. Nói cách khác, đối lập với những lời vu khống của kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, Nước Nga Xô-viết thời Lenin và Trotsky là chế độ dân chủ nhất trong lịch sử

Thế nhưng, chế độ dân chủ của công nhân xô-viết thiết lập bởi Cách mạng Tháng Mười đã không sống sót. Đầu những năm 1930, tất cả những điểm trên đã bị bãi bỏ. Dưới chế độ Stalin, nhà nước của công nhân chịu đựng một quá trình suy đồi quan liêu mà nó cuối cùng thiết lập một chế độ toàn trị tàn ác và hủy diệt Đảng Leninist. Nhân tố quyết định của cuộc phản cách mạng của Stalin ở nước Nga là sự cô lập của Cách mạng ở một đất nước lạc hậu. Cách thức mà cuộc phản cách mạng ấy diễn ra được Trotsky giải thích trong cuốn sách Cuộc Cách mạng bị Phản bội.

Một xã hội nhảy thẳng từ chủ nghĩa tư bản lên một xã hội không có giai cấp là điều không khả thi. Tồn tại vật chất và văn hóa của xã hội tư bản là quá thiếu thốn cho việc đó. Có quá nhiều sự thiếu thốn và bất bình đẳng mà không thể vượt qua ngay lập tức. Sau cách mạng xã hội, phải có một thời kỳ quá độ để chuẩn bị nền tảng cần thiết cho một xã hội sung túc và không có giai cấp.

Marx gọi giai đoạn đầu tiên của xã hội mới này là “giai đoạn thấp nhất của chủ nghĩa cộng sản” đối lập với “giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa cộng sản” giai đoạn mà những vết tích cuối cùng của sự bất bình đẳng về vật chất sẽ biến mất. Theo nghĩa đó, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là đối lập theo nghĩa là giai đoạn “thấp hơn” và “cao hơn” của xã hội mới.

Mô tả về giai đoạn thấp hơn này của chủ nghĩa cộng sản Marx viết: “Cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện – kinh tế, đạo đức, tinh thần – còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra.” (Phê phán cương lĩnh Gotha, Marx-Engels 1982)

“Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa, là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy, là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nếu chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản.”

Như tất cả những nhà lý luận Marxist vĩ đại đã giải thích, nhiệm vụ của cách mạng xã hội là đưa giai cấp công nhân tới quyền lực bằng cách đập tan bộ máy nhà nước tư bản cũ. Bộ máy ấy là bộ phận áp bức thiết kế ra để kìm kẹp giai cấp công nhân trong sự khất phục. Marx giải thích rằng nhà nước tư bản này, cùng với nhà nước quan liêu của nó, không thể phục vụ lợi ích của quyền lực mới. Phải loại bỏ nó. Nhưng nhà nước mới do giai cấp công nhân tạo ra phải khác biệt với tất cả các nhà nước trước đây trong lịch sử. Engels mô tả nó là một nửa-nhà-nước, một nhà nước được thiết kế theo cách mà nó có số phận là sẽ tiêu vong.

Thế nhưng, đối với Marx – và đây là điểm mấu chốt – giai đoạn thấp hơn của chủ nghĩa cộng sản này ngay từ khởi điểm ban đầu của nó đã là một giai đoạn cao hơn ở khía cạnh phát triển kinh tế hơn chủ nghĩa tư bản phát triển nhất và tân tiến nhất. Và tại sao điều này lại quan trọng? Bởi vì nếu không có sự phát triển với quy mô lớn của lực lượng sản xuất thì sự thiếu thốn sẽ thắng thế và cùng với nó là cuộc đấu tranh vật lộn để tồn tại.

Như Marx đã giải thích, tình trạng đó sẽ tạo ra nguy cơ suy đồi: “sự phát triển ấy của những lực lượng sản xuất là tiền đề thực tiễn tuyệt đối cần thiết, vì không có nó thì tất cả sẽ chỉ là sự nghèo nàn sẽ trở thành phổ biến; mà với sự thiếu thốn tột độ thì ắt sẽ bắt đầu trở lại một cuộc đấu tranh để dành những cái cần thiết, thế là người ta lại không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây.” (Hệ tư tưởng Đức, Marx-Engels 1980, nhấn mạnh là của tôi)

Những lời tiên đoán ấy của Marx đã giải thích tại sao Cách Mạng Nga, mặc dù đầy những hứa hẹn, kết thúc bằng sự suy đồi quan liêu và sự kỳ quái chủ nghĩa Stalin toàn trị độc ác, cái đến lượt nó đã dọn đường cho việc khôi phục chủ nghĩa tư bản và đi ngược trở lại xa hơn nữa. “Không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây” bởi vì Cách mạng Nga bị cô lập trong những điều kiện lạc hậu về văn hóa và vật chất một cách đáng sợ. Nhưng ngày nay với sự tiến bộ phi thường của khoa học và công nghệ, những điều kiện đã được chuẩn bị sẵn sàng để điều đó không còn xảy ra nữa.

Bước tiến chưa từng có

Mỗi giai đoạn của sự phát triển nhân loại có gốc rễ ở tất cả mọi giai đoạn trước đó. Điều này đúng cho cả sự tiến hóa của con người và cả sự phát triển xã hội. Chúng ta tiến hóa từ những loài cấp thấp hơn và có quan hệ di truyền với cả những dạng sống sơ khai nhất, bản đồ gen người đã chứng minh điều đó một cách chắc chắn. Chúng ta khác biệt với họ hàng đang sinh sống gần nhất là loài tinh tinh với ít hơn hai phần trăm khác biệt về gen. Thế nhưng phần trăm rất nhỏ ấy thể hiện một bước nhảy vọt về chất.

Chúng ta nảy sinh từ thời kỳ mông muội, dã man, nô lệ và phong kiến và mỗi giai đoạn ấy thể hiện một giai đoạn phát triển nhất định trong sự phát triển của lực lượng sản xuất và văn hóa. Hegel đã diễn đạt ý tưởng đó bằng một đoạn văn thật đẹp đẽ trong tác phẩm Hiện tượng học Tinh thần:

“Cái nụ tiêu biến đi khi hoa nở, và ta có thể nói rằng cái trước đã bị cái sau bác bỏ; cũng thế, khi ra quả thì đóa hoa được giải thích là một hiện hữu sai lầm của cái cây, bởi quả xuất hiện ra như là chân lý đúng thật của cây thay chỗ cho đóa hoa. Những hình thức [những giai đoạn] này không chỉ được phân biệt với nhau mà còn hất cẳng nhau như là không thể nào tương thích với nhau được. Thế nhưng, chính bản tính trôi chảy của chúng đồng thời biến chúng thành những mô-men của chỉnh thể hữu cơ, nơi đó chúng không chỉ không mâu thuẫn nhau mà trái lại, cái này cũng thiết yếu như cái kia, và chính sự thiết yếu ngang nhau này của mô-men mới tạo nên được sự sống của cái toàn bộ.”(Hiện tượng học Tinh thần, Bùi-Văn-Nam-Sơn 2006, tr5-6)

Mỗi giai đoạn phát triển xã hội có gốc rễ tất yếu và nảy sinh từ những giai đoạn trước đó. Chỉ có thể hiểu được lịch sử khi xem xét những giai đoạn ấy trong sự thống nhất của chúng. Mỗi cái có lý do tồn tại của nó trong sự phát triển của lực lượng sản xuất, và mỗi cái trở thành mâu thuẫn với sự phát triển tiếp theo của nó tại một giai đoạn nhất định, lúc đó cần phải có một cuộc cách mạng để xóa bỏ những hình thái cũ và cho phép những hình thái mới phát sinh.

Như chúng ta đã thấy, thắng lợi của giai cấp tư sản đạt được là nhờ những phương thức cách mạng, mặc dù vậy ngày nay những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản không thích bị nhắc lại thực tế đó. Như Marx đã chỉ ra, giai cấp tư sản, ở phương diện lịch sử, đã đóng một vai trò cách mạng nhất.

“Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái lại đối với tất cả các giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tồn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước.” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx-Engels 1980, tr544-5)

Dưới chủ nghĩa tư bản lực lượng sản xuất đã trải qua sự phát triển ngoạn mục, chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại: mặc cho thực tế chủ nghĩa tư bản là một hệ thống bóc lột nhất và áp bức nhất từng tồn tại; Marx dùng những từ “Chủ nghĩa tư bản tiến đến sân khấu lịch sử với máu và bùn rỉ ra từ tất cả các lỗ chân lông, từ đầu đến chân”(Tư Bản, Marx-Engels 1982, tr590) , nó mặc dầu vậy đã thể hiện một bước nhảy vĩ đại về phía trước trong sự phát triển của lực lượng sản xuất – và do đó là sức mạnh của chúng ta trước tự nhiên.

Trong hai thế kỷ phát triển vừa qua sự phát triển của công nghệ và khoa học đã tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn mọi thời kỳ lịch sử trước đó. Đường cong của sự phát triển của nhân loại, gần như là bằng phẳng trong hầu hết toàn bộ tiến trình lịch sử của chúng ta, đột nhiên trải qua bước tăng trưởng dốc đứng. Sự tiến bộ choáng váng của công nghệ là tiền đề cho sự giải phóng cuối cùng của nhân loại, xóa bỏ tình trạng nghèo đói và mù chữ, dốt nát và bệnh tật; và sự chế ngự của con người trước tự nhiên thông qua việc lập kế hoạch phát triển kinh tế một cách có ý thức. Con đường là rộng mở để chinh phục, không chỉ trên Trái đất, mà còn cả trong không gian.

Suy thoái của Tư bản

Thời đại nào cũng có ảo tưởng là nó sẽ trường tồn. Mỗi hệ thống xã hội tin rằng nó là thể hiện của một hình thức tồn tại khả dĩ duy nhất của nhân loại; tức thể chế của nó, tôn giáo của nó, đạo đức của nó là thành tựu cuối cùng có thể nói đến. Đó chính là những gì mà những kẻ ăn thịt đồng loại, những thầy tế Ai Cập, Marie Antoainette và Nga hoàng Nicholas tất cả đều nồng nhiệt tin tưởng. Và đó cũng chính là những gì mà giai cấp tư sản cùng những kẻ biện hộ cho nó giờ đây muốn thể hiện khi họ đoan chắc với chúng ta, mà không có một chút cơ sở nào, rằng cái hệ thống gọi là “doanh nghiệp tự do” là hệ thống duy nhất khả hữu – ngay đúng lúc nó bắt đầu phơi bày mọi dấu hiệu của sự mục nát suy yếu.

Hệ thống tư bản ngày nay giống như một tên Phù thủy Tập sự đã gọi lên những thế lực quyền năng mà chính hắn cũng không thể kiểm soát được. Mâu thuẫn căn bản của xã hội tư bản là sự đối kháng giữa bản chất xã hội của sản xuất và hình thức sở hữu tư nhân. Từ mâu thuẫn trung tâm ấy nảy sinh vô vàn mâu thuẫn khác. Mâu thuẫn này được thể thiện ở những cuộc khủng hoảng có chu kỳ lặp lại, như Marx đã chỉ ra:

“Mỗi cuộc khủng hoảng đều phá hoại không những một số lớn sản phẩm đã được tạo ra, mà cả một phần lớn chính ngay những lực lượng sản xuất đã có nữa. Một nạn dịch – nếu ở một thời kỳ nào khác thì nạn dịch này hình như là một điều phi lý - - đương gieo tai hoạ cho xã hội, đó là nạn dịch sản xuất thừa. Xã hội đột nhiện bị đẩy lùi về một trạng thái dã man nhất thời; dường như một nạn đói, một cuộc chiến tranh huỷ diệt đã tàn phá sạch mọi tư liệu sinh hoạt của xã hội; công nghiệp và thương nghiệp như bị tiêu diệt. Vì sao thế? Vì xã hội có quá thừa văn minh, có quá nhiều tư liệu sinh hoạt, quá nhiều công nghiệp, quá nhiều thương nghiệp. Những lực lượng sản xuất mà xã hội sẵn có, không thúc đẩy quan hệ sở hữu tư sản phát triển nữa; trái lại, chúng ta đã trở thành quá mạnh đối với quan hệ sở hữu ấy, cái quan hệ sở hữu lúc đó đang cản trở sự phát triển của chúng; và mỗi khi những lực lượng sản xuất xã hội khắc phục được sự cản trở ấy thì chúng lại xô toàn thể xã hội tư sản vào tình trạng rối loạn và đe doạ sự sống còn của sở hữu tư sản. Những quan hệ tư sản đã trở thành quá hẹp, không đủ để chứa đựng những của cải được tạo ra trong lòng nó nữa. – giai cấp tư sản khắc phục những cuộc khủng hoảng ấy như thế nào? Một mặt, bằng cách cưỡng bức phải huỷ bỏ một số lớn lực lượng sản xuất; mặt khác, bằng cách chiếm những thị trường mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ. Như thế thì đi đến đâu? Đi đến chỗ chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng toàn diện hơn và ghê gớm hơn và giảm bớt những phương cách ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng ấy.” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx-Engels 1980, tr548-9)

Đây là mô tả chính xác về tình trạng hiện tại. Đó là một nghịch lý khủng khiếp khi mà càng nhiều hơn nhân loại phát triển năng lực sản xuất của nó, càng nhiều hơn những tiến bộ ngoạn mục trong khoa học và công nghệ, thì càng nhiều hơn sự khổ đau, đói nghèo, áp bức và khốn khó của đại bộ phân dân chúng trên toàn thế giới. Sự ốm yếu của chủ nghĩa tư bản trên quy mô toàn thể giới đã tự phơi bày nó trong sự sụp đổ kinh tế năm 2008. Đó là sự khởi đầu cho cuộc khủng hoảng lớn nhất trong toàn bộ 200 năm tồn tại của chủ nghĩa tư bản, và nó còn lâu mới được khắc phục. Đây là sự thể hiện của sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản, mà khi phân tích tới cùng là kết quả của sự nổi dậy của lực lượng sản xuất chống lại cái áo khoác trật hẹp của sở hưu tư nhân và của nhà nước dân tộc.

CNXH hay chủ nghĩa dã man

Trong hàng ngàn năm văn hóa đã bị độc quyền bởi một thiểu số đặc quyền, trong khi đại đa số nhân loại không được tiếp cận với tri thức, khoa học, nghệ thuật và chính phủ. Thậm chí giờ đây điều đó vẫn đúng. Mặc cho mọi sự giả tạo của chúng ta, chúng ta vẫn chưa thực sự được văn minh hóa. Thế giớ mà chúng ta đang sống giờ đây không còn xứng đáng với cái danh văn minh. Đây là một thế giới dã man, sinh sống bởi những người mà còn phải tìm cách vượt qua quá khứ dã man. Đối với phần lớn con người trên hành tinh, cuộc sống vẫn là cuộc vật lộn không ngừng và khắc nghiệt để tồn tại, không chỉ ở những nước chưa phát triển mà còn cả ở những nước tư bản phát triển.

Marx đã chỉ ra rằng có hai khả năng cho nhân loại: chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa dã man. Do đó vấn đề đặt ra một cách nghiêm khắc ở đây là: trong giai đoạn tới, hoặc là giai cấp công nhân sẽ nắm giữ quyền điều hành xã hội, thay thế hệ thống tư bản mục nát bằng một trật tự xã hội mới dựa trên việc lập kế hoạch khôn ngoan và hài hòa cho lực lượng sản xuất và con người làm chủ một cách có ý thức cuộc đời và số phận của bản thân mình, hoặc là chúng ta sẽ đối mặt mới sự sụp đổ ghê gớm về văn hóa, kinh tế, xã hội.

Khủng hoảng của tư bản thể hiện không chỉ ở khủng hoảng kinh tế đe dọa đến công việc và chất lượng sống của hàng triệu người trên khắp thế giới. Nó còn đe dọa cả nền tảng của tồn tại văn minh. Nó đe dọa hất con người ngược trở lại ở tất cả các phương diện. Nếu như giai cấp vô sản – gia cấp cách mạng chân chính duy nhất – không lật đổ được thị thống trị của ngân hàng và các công ty độc quyền, một giai đoạn sẽ được thiết lập để dành cho sụp đổ về văn hóa và thậm chí là quay về thời kỳ dã man.

Ý thức

Phép biện chứng dạy chúng ta rằng không sớm thì muộn, mọi cái sẽ biến đổi sang cái đối lập với nó. Có thể phác họa sự song hành giữa địa lý và xã hội. Giống như những phiến kiến tạo, di chuyển rất chậm chạp, bù đắp sự chậm trễ này là một cơn động đất dữ dội, sự tụt lại phía sau của ý thức so với các sự kiện được bù đắp bởi thay đổi đột ngột trong tâm lý của quần chúng. Thể hiện sống động nhất của biện chứng là ở sự khủng hoảng của bản thân chủ nghĩa tư bản. Quá trình biện chứng trả thù giai cấp tư sản những kẻ không hiểu gì cả, không dự đoán được gì cả và không thể giải quyết được gì cả.

Sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết tạo nên một tâm trạng bi quan và tuyệt vọng trong giai cấp công nhân. Những kẻ bảo vệ chủ nghĩa tư bản tung ra đòn phản công ý thức hệ dữ dội chống lại tư tưởng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx. Chúng hứa hẹn với chúng ta một tương lai hòa bình, thịnh vượng và dân chủ nhờ những kỳ diệu của nền kinh tế thị trường tự do. Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ đó và một thập kỷ không phải là một khoảng thời gian dài so với quy mô lớn lao của lịch sử. Những ảo tưởng dễ chịu ấy đã tan biến.

Đâu đâu cũng thấy chiến tranh, thất nghiệp, nghèo đói. Và đâu đâu cũng thấy một tinh thần nổi dậy mới đang lớn mạnh và con người tìm kiếm tư tưởng có thể giải thích những gì đang diễn ra trên thế giới. Chủ nghĩa tư bản ổn định, hòa bình, thịnh vượng cũ đã chết, và cùng với nó là quan hệ hài hòa, yên bình giữa các giai cấp. Tương lai là những năm tháng và những thập kỷ khắc khổ, thất nghiệp và mức sống lao dốc. Đây là công thức hoàn thiện cho sự hồi sinh của cuộc đấu tranh giai cấp ở khắp nơi.

Phôi thai của một xã hội mới đang hình thành trong lòng của xã hội cũ. Những nhân tố của một nền dân chủ của công nhân đã tồn tại ở hình thức của những tổ chức của công nhân, những ủy ban đại biểu công nhân, công đoàn, hợp tác xã v.v.. Trong giai đoạn đang mở ra trước mắt, sẽ là cuộc đấu tranh sống còn – cuộc đấu tranh của những nhân tố của một xã hội mới sẽ ra đời, và sự phản kháng không kém phần ác liệt của những trật tự cũ ngăn cản không cho điều đó diễn ra.

Sự thật là nhận thức của quần chúng nhân dân tụt lại xa đằng sau so với các sự kiện. Nhưng nó [nhận thức của quần chúng] cũng sẽ biến đổi thành cái đối lập với nó. Những sự kiện trọng đại đang buộc con người phải đặt câu hỏi về niềm tin và nhận định cũ của họ. Họ bị bật nảy khỏi sự lường biếng uể oải cũ kỹ, khỏi sự thờ ơ vô cảm rồi buộc phải chấp nhận thực tại. Chúng ta có thể nhận thấy điều này ở những sự kiện diễn ra ở Hy Lạp. Trong những giai đoạn như vậy nhận thức có thể thay đổi chóng vánh. Nó cho thấy thế nào là một cuộc cách mạng.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản hiện đại và người đào mồ của nó, giai cấp công nhân, càng làm sáng tỏ hơn cho câu trả hỏi thế nào là trung tâm của quan niệm duy vật lịch sử. Nhiệm vụ của chúng ta không dừng lại ở sự thấu hiểu mà còn là đưa cuộc đấu tranh giai cấp lịch sử đến kết cục thành công bằng thắng lợi của giai cấp vô sản và cải biến xã hội theo đường lối xã hội. Cuối cùng thì chủ nghĩa tư bản đã thất bại trong việc “kết thúc” lịch sử. Nhiệm vụ của những người Marxist là hành động tích cực nhằm đẩy nhanh quá trình lật đổ hệ thống già yếu cũ kỹ và giúp khai sinh một thế giới mới tốt đẹp hơn.

Từ tất yếu đến Tự do

Cách tiếp cận lịch sử một cách khoa học mà chủ nghĩa duy vật lịch sử trang bị cho chúng ta không có xu hướng làm cho chúng ta đưa ra kết luận bi quan từ những triệu chứng kinh hoàng của suy thoái đang đối mặt chúng ta ở mọi phương diện. Trái lại, xu thế chung của lịch sử nhân loại là theo hướng phát triển cao hơn trong tiềm năng sản xuất và văn hóa.

Mối quan hệ giữa sự phát triển của văn hóa nhân loại và lực lượng sản xuất đã trở nên rõ ràng với thiên tài vĩ đại thời cổ đại, Aristotle, người đã giải thích trong tác phẩm Siêu hình rằng “con người bắt đầu nghiên cứu triết học khi phương tiện cuộc sống được đảm bảo,” và bổ sung lý do giải thích tại sao thiên văn học và toán học được khám phá ra ở Ai Cập là vì những tầng lớp thầy tu ấy không phải lao động. Đó là sự thấu hiểu lịch sử một cách duy vật thuần khiết.

Những thành tựu vĩ đại của một trăm năm qua đã lần đầu tiên tạo ra một cơ hội mà mọi vấn đề mà nhân loại đang đối mặt đều có thể được giải quyết dễ dàng. Tiềm năng cho một xã hội không có giai cấp đã tồn tại trên quy mô toàn thế giới. Điều thiết yếu là tiến hành lập kế hoạch hài hòa và khôn ngoan cho lực lượng sản xất để hiện thực hóa tiềm năng thực sự vô hạn và to lớn này.

Một khi lực lượng sản xuất được giải phóng khỏi sự trói buộc của tư bản, sẽ tồn tại những tiềm năng để sản sinh ra những thiên tài: nghệ sĩ, nhà văn, nhà soạn nhạc, triết gia, nhà khoa học và kiến trúc sư. Nghệ thuật, khoa học và văn hóa sẻ nở rộ như chưa từng có. Thế giới phong phú, tươi đẹp và đa dạng tuyệt vời này sẽ trở thành nơi xứng đáng để nhân loại sinh sống.

Ở một ý nghĩa nhất định chủ nghĩa xã hội là sự trở lại của xã hội cộng sản nguyên thủy nhưng ở một trình độ sản xuất cao hơn rất nhiều. Trước khi người ta có thể hình dung một xã hội không có giai cấp, tất cả vết tích của xã hội có giai cấp, đặc biệt là sự bất bình đẳng và sự thiếu thốn cần phải được loại bỏ. Sẽ thật là ngớ ngẩn khi nói về xóa bỏ giai cấp trong khi bất bình đẳng, thiếu thốn và cuộc vật lộn để sinh tồn vẫn đang thắng thế. Điều đó là mâu thuẫn. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xuất hiện ở một giai đoạn tiến hóa nhất định của xã hội loài người, tại một trình độ nhất định trong sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Trên cơ sở của một cuộc cách mạng thực sự trong sản xuất, có thể đạt được mức độ sung túc mà con người không phải lo lắng cho việc mưu sinh hằng ngày của họ. Những lo lắng và sợ hãi bẽ bàng đang lấp kín từng giờ của con người sẽ biết mất. Lần đầu tiên, những con người tự do sẽ làm chủ số phận của mình. Lần đầu tiên họ sẽ là con người thực sự. Chỉ có lúc đó lịch sử thực sự của nhân loại mới bắt đầu.

Trên cơ sở của một nền kinh tế có kế hoạch hoài hòa ở đó năng lực sản xuất to lớn từ khoa học và công nghệ sẽ được tận dụng để thỏa mãn nhu cầu của con người, chứ không phải thỏa mãn lợi nhuận cho số ít, văn hóa sẽ đạt được sự phát triển mới và ở những mức độ chưa từng mơ ước tới. Người La Mã gọi những người nô lệ là “công cụ biết nói”. Ngày nay chúng ta không nô dịch con người để buộc họ phải làm việc. Chúng ta đã có công nghệ để tạo ra robots có thể chơi cờ và thực hiện các công việc cơ bản trong dây chuyền sản xuất, lái xe an toàn hơn con người và thậm chí thực hiện những công việc khá phức tạp.

Trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản, công nghệ này đe dọa thay thế hàng triệu công nhân: không chỉ có những người lái xe tải và những người công nhân không cần kỹ năng mà cả những người như kế toán và lập trình viên cũng bị đe dọa mất công ăn việc làm. Hàng triệu người sẽ bị ném vào đống phế liệu trong khi những người giữ được việc làm của họ sẽ phải làm nhiều giờ làm việc hơn trước đây.

Trong một nền kinh tế có kế hoạch xã hội chủ nghĩa, vẫn công nghệ đó được sử dụng để giảm ngày làm việc. Chúng ta có thể ngay lập tức đưa vào tuần làm việc 30 giờ, tiếp theo là 20 giờ một tuần, 10 giờ một tuần hoặc thậm chí còn ít hơn nữa trong khi vẫn tăng sản xuất và gia tăng của cải của xã hội hơn nhiều so với những gì có thể hình dung ra được ở chủ nghĩa tư bản.

Việc này sẽ thể hiện sự thay đổi căn bản trong cuộc sống của con người. Lần đầu tiên, con người được giải phóng khỏi sự nhọc nhằn của lao động. Họ có thể tự do phát triển bản thân về thể chất, về tinh thần và có người có thể bổ sung về cả tâm hồn. Con người sẽ tự do ngước nhìn lên thiên đường và chiêm nghiệm về những vì sao.

Trotsky từng viết: “Có bao nhiêu Aristotle đang đi chăn lợn? Và có bao nhiêu kẻ chăn lợn đang ngồi trên ngai vàng?” Xã hội có giai cấp bần cùng hóa con người, không chỉ ở mặt vật chất mà cả ở mặt tinh thần. Cuộc sống của hàng triệu người đang đóng kín trong những giới hạn nhỏ hẹp. Chân trời cho tâm hồn của họ cằn cỗi. Chủ nghĩa xã hội sẽ giải phóng tiềm năng đang bị chủ nghĩa tư bản lãng phí.

Sự thật là con người có những tính cách và năng khiếu khác biệt. Không phải ai cũng là Aristotle, Beethoven hay Einstein. Nhưng tất cả mọi người đều có tiềm năng để thực hiện những điều kỳ diệu trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, để trở thành nhà khoa học vĩ đại, nghệ sĩ, nhạc công, vũ công hay cầu thủ bóng đá. Chủ nghĩa cộng sản sẽ cung cấp mọi điều kiện cần thiết để phát triển những tiềm năng ấy đến mức độ hoàn thiện nhất.

Đây sẽ là một cuộc cách mạng vĩ đại của mọi thời đại. Nó đưa nền văn minh nhân loại đến một mức độ mới và ưu việt về chất. Như những lời Engels nói nó sẽ là bước nhảy của con người từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do.

London , ngày 8 Tháng 7 năm 2015

Tài liệu tham khảo

Bùi-Văn-Nam-Sơn. 2006. G. W. F. Hegel, Hiện Tượng Học Tinh Thần. NXB Văn Học.

Marx-Engels. 1980. Tuyển Tập. Vol. I. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx-Engels. 1982. Tuyển Tập. Vol. III. Hà Nội: NXB Sự thật.